PHÂN LOẠI SAO THEO QUANG PHỔ
Quang phổ cho ta thông tin đầy đủ hơn về bản chất phát xạ của sao. Một cái máy phân tích phổ lắp trên kính thiên văn nhờ một thiết bị quang đặc biệt là cách tử nhiễu xạ, sẽ phân tích ánh sáng một ngôi sao theo bước sóng thành một dải phổ cầu vồng. Phát xạ bước sóng ngắn nhất nhìn thấy được tương ứng với màu tím, còn phát xạ bước sóng dài nhất nhìn thấy được là màu đỏ. Theo phổ có thể không khó khăn mà tiết được ở các bước sóng khác nhau có bao nhiêu năng lượng phát đi từ sao và đánh giá nhiệt độ của nó chính xác hơn là theo màu sắc.
Vô số các vạch tối cắt ngang dải phổ liên quan đến sự hấp thụ ánh sáng bởi nguyên tử của các nguyên tố khác nhau trong khí quyển của ngôi sao. Bởi vì mỗi nguyên tố hoá học có một tập hợp các vạch riêng của nó, nên phổ giúp ta xác định được ngôi sao gồm các chất gì (hoá ra là cũng gồm những chất đã biết trên Trái Đất, mà nhiều nhất là hyđrô và hêli). Nhưng ngay cả ở cùng một nguyên tố thì tập hợp các vạch và lượng năng lượng bị hấp thụ trong mỗi sao cũng phụ thuộc vào nhiệt độ và mật độ khí quyển. Người ta đã nghĩ ra các phương pháp vật lý đặc biệt để xác định các đặc tính của ngôi sao bằng phân tích quang phổ của nó.
Trong các sao xanh lam nóng có nhiệt độ cao hơn 10000 - 15000 kenvin thì phần lớn các nguyên tử bị ion hoá, bởi vì bị mất êlectron. Các nguyên tử bị ion hoá hoàn toàn không tạo ra các vạch phổ, vì thế trong phổ của các sao loại này có ít vạch. Các vạch dễ nhận thấy nhất là các vạch của hêli. Ở các sao có nhiệt độ 5000 - 10000 kenvin (Mặt Trời cũng ở trong số này) thấy xuất hiện các vạch của hyđrô, canxi, sắt, magiê và một loạt các kim loại khác. Cuối cùng ở các sao lạnh hơn các vạch của kim loại và của các phân tử chịu được nhiệt độ cao (ví dụ phân tử ôxit titan) chiếm chủ yếu. Đầu thế kỷ XX ở đài thiên văn Havớt (Harvard) (Hoa Kỳ) người ta đã đề ra cách phân loại sao theo phổ. Các loại sao chủ yếu trong đó được ký hiệu bằng các chữ cái La tinh (O, B, A, F, G, K, M). Chúng khác nhau bởi tập hợp các vạch quan sát được và chúng chuyển từ loại này sang loại khác. Dọc theo trình tự chữ cái đó thì nhiệt độ sao giảm và màu sắc sao thay đổi: từ xanh lam đến đỏ. Các sao thuộc các loại O, B và A được gọi là các sao nóng hoặc sớm, F và G là các sao dạng Mặt Trời, K và M là các sao lạnh hoặc muộn. Để xác định chi tiết hơn mỗi loại lại được chia thành 10 tiểu loại đánh số từ 0 đến 9 và đặt sau chữ cái. Như vậy ta có trình tự chuyển các tiểu loại đều đặn liên tục. Ví dụ sau tiểu loại G9 là đến KO v.v. . . "Tấm hộ chiếu quang phổ" của các sao như sau:
Mặt Trời G2
Sirius A1
Canopus F0
Arcturus K2
Vega A0
Rigel B8
Đeneb A2
Altair A7
Betelgeuse M2
sao Bắc Cực F8