Suy thai – Ngạt sơ sinh
Suy thai và ngạt thở đều là những biến cố rất nguy hiểm trong khi chuyển dạ
1. Suy thai
Suy thai là tình trạng thái bị thiếu ô xy trong quá trình phát triển bào thai hoặc trong khi chuyển dạ đẻ. Suy thai trong khi có thai có thể dẫn tới thai chết lưu trong bụng mẹ. Suy thai trong khi chuyển dạ đẻ, khi đã có những cơn co tử cung mạnh và đau làm cho tỷ lệ mổ đẻ và hút thai hay foóc xép tăng lên. Ngoài ra hậu quả của suy thai có thể để lại những di chứng thần kinh rất nguy hại cho đứa trẻ sau này như động kinh, đần độn, chậm khôn, nói ngọng hoặc có thể bị liệt não từng phần.
Bài này chỉ đề cập đến suy thai xảy ra trong khi chuyển dạ đẻ.
1. Nguyên nhân: Có rất nhiều:
- Về phía mẹ: Các bênh thiếu máu suy tim, cao huyết áp, tụt huyết áp, các bệnh suy thận, suy hô hấp.
- Do thai và rau: Thai kém phát triển, dị dạng, già hoặc quá non tháng, suy rau, sau dây rau, rau thắt nút, rau quấn cổ
- Do chuyển dạ: chuyển dạ kéo dài, cơn co quá mạnh hoặc kéo dài quá, tử cung co cứng.
Dùng thuốc tăng cơn co quá liều, hiệu ứng nằm ngửa (tử cung đè lên các mạch máu lớn ở bụng)
2. Chẩn đoán thai suy bằng cách nào
Có 3 dấu hiệu chính là:
1. Có phân xu trong nước ối, nước ối sẽ đổi thành màu xanh, vàng.
2. Tim thai nhanh lên trên 160 lần/phút hoặc chậm dưới 120 lần/phút.
3. Thay đổi cử động của thai. Lúc đầu thai cựa mạnh và nhiều hơn đến giai đoạn sau thai đạp chậm và sau đó thì ngừng, thai không cựa là nguy cơ thai đã chết.
Chú ý: - Nếu nghe bằng ống nghe thông thường thì tim thai phải được nghe khi không có cơn co tử cung.
- Nếu nghe bằng máy nghe siêu âm thì có thể nghe thấy tim thai cả trong khi có cơn con, lúc này tim thai thường chậm hơn lúc không có cơn co. Nếu có suy thai thì chênh lệch tôi 40 – 60 nhịp/phút.
Trong nhiều khoa sản ở nước ta đã có máy theo dõi cơn co và tim thai cùng một lúc để dễ chẩn đoán. Máy có thể giúp chẩn đoán, suy thai sớm và xử lý kịp thời. Soi buồng ối để xem sự biến đổi nhau của nước ối (xem có phân xu bài tiết ra không và thử độ toan (ph) của máu thai bằng vi định lượng cũng là cách chẩn đoán sớm và hiện đại. Các phương pháp hiện đại này đòi hỏi kỹ thuật cao hơn và tốn kém. Nói chung, nếu người hộ sinh theo dõi sát tình trạng sức khỏe (của người mẹ, nghe tinh thai 1/2 giờ 1 lần và theo dõi cơn co tử cung 15 phút một lần thì độ chẩn đoán chính xác suy thai không kém các máy móc hiện đại. Sự kiên trì, lòng yêu nghề, mến trẻ tận tụy của NHS là yếu tố quyết định nhất.
3. Đề phòng suy thai
Cách đề phòng tích cực nhất là:
1. Chữa khỏi các bệnh mãn tính trước khi có thai
2. Giảm mọi ưu tư phiền muộn cho người phụ nữ khi mang thai
3. Thăm thai thường kỳ 6 - 8 lần cho mỗi thai kỳ,
4. Đảm bảo tăng cân cho mẹ 20% đến cuối thai kỳ bằng dinh dưỡng đủ chất và không bị phù, cao huyết áp.
5. Trong khi chuyển dạ: giữ mối liên hệ thường xuyên với thân nhân để tránh tình trạng cô đơn, lo lắng một mình, hỗ trợ tâm lý và không nằm ngửa lâu quá 1 giờ.
6. Nữ hộ sinh theo dõi chuyển dạ theo đúng quy trình và thời biểu của sản khoa, tận tuỵ với nghề nghiệp có trách nhiệm và chất lượng cao. Lý tưởng ra, người hộ sinh đỡ đẻ cũng đồng thời là người theo dõi chăm sóc thai phụ trong khi có thai.
7. Trong phòng chờ đẻ, phòng chuyển dạ đẻ phải có sẵn hệ thống ô xy cho thai phụ sử dụng khi cần thiết (cơn co kéo dài hoặc quá mạnh).
8. Dùng biểu đồ chuyển dạ đẻ phát hiện sớm chuyển dạ kéo dài, kịp thời xử lý hay chuyển lên tuyến cao hơn.
9. Không đẩy vào đáy tử cung để mong cho đầu thai chóng lọt hoặc thai chóng xổ.
10. Dùng thuốc tăng cơn co phải đúng liều lượng và đúng chỉ định và thực hiện ở nơi có đủ điều kiện theo dõi và xử trí
4. Những điều đặc biệt cần nhớ
- Trong khi chuyển dạ, càng can thiệp nhiều càng suy thai nhiều.
- Không nên để chuyển dạ kéo dài quá 24 giờ ở các tuyến cơ sở.
- Nếu vỡ ối, phải thăm ngay xem có sa dây rau không, nếu có thể, tìm cách đẩy lên trong tư thế nằm - quỳ sấp. Nếu cần chuyển lên tuyến trên thai phụ trong ô tô cũng phải ở tư thế nằm quỳ sấp. Chèn bằng gạc ấm và ẩm. Nằm ngửa trên cáng trong ô tô cấp cứu đường xa và xóc có nguy cơ làm tình thế trầm trọng hơn.
Ngạt sơ sinh:
Là tình trạng thai nhi đã xổ ra ngoài mà không hô hấp tự nhiên được. Đó là tình trạng ngạt nguyên phát. Nếu khi xổ, trẻ đã thở hoặc đã khóc mà không thở tiếp được nữa thì sẽ là ngạt thứ phát. Cả hai tình trạng này đều nguy hiểm cho trẻ có thể dẫn tới tử vong, ốm yếu lâu dài và viêm phổi hoặc tàn phế.
Khi mới ra đời, trẻ hít vào hay thở ra trước tiên
Trong phôi thai nhi không bao giờ có không khí nên động tác hít vào là động tác thở đầu tiên của trẻ sơ sinh. Nếu trong mồm, họng hay hốc mũi trẻ có các dịch ối, dịch âm đạo hay dịch tiết khác thì trẻ sơ sinh hít tất cả vào trong phổi và thanh khí quản và sau vài động tác thở trẻ sẽ bị ngạt vì các đường hô hấp bị lấp kín.
Đề phòng trẻ ngạt bằng cách nào?
Giống như đề phòng suy thai (xem phần suy thai) và thêm:
- Hút hết, hút sạch các dịch ở mồm, mũi và cuối cùng là họng trẻ khi đầu trẻ vừa xuất hiện ra âm môn. Có thể dùng gạc sạch bọc vào đầu ngón tay lau sạch nhớt ở khoang miệng của trẻ. Những biện pháp này đủ làm sạch và thông khoáng đường thở trên trước khi trẻ hít vào thay thế hoàn toàn cho động tác dốc ngược đứa trẻ trước kia hay dùng.
Chữa ngạt thế nào?
Nguyên nhân là giải quyết hô hấp trước rồi mới đến tuần hoàn sau trong điều kiện trẻ phải được ủ ấm ở nhiệt độ 35 - 400C.
Những trường hợp nhiệt độ trong phòng chỉ khoảng 230C, hoặc chênh lệch nhiệt độ quá lớn và quá đột ngột sẽ làm trẻ bị lạnh không thở ngay từ khi xổ.
Trước hết hãy làm thông khoáng đường hô hấp, loại bỏ hết dịch nhày mà trẻ hít phải trong khi lọt và xổ. Nguyên nhân chính của loại ngạt này là do suy thai trong khi chuyển dạ, tiếng thở đầu tiên cửa trẻ xảy ra trong môi trường nước (nước ối) hay trong dịch âm đạo (có khi lẫn cả máu).
- Hút dịch có thể tiến hành cùng với việc kiềm hóa máu trẻ sơ sinh. Kiềm hóa máu bằng cách tiêm dung dịch Bicarbonat vào tĩnh mạch rốn cho trẻ.
- Khôi phục thân nhiệt - ủ ấm trong suốt quá trình điều trị ngạt.
- Hô hấp hỗ trợ ngay bằng bóng Ambu và ôxy.
Tóm lại: Đề phòng suy thai chính là đề phòng ngạt sơ sinh tích cực nhất, khi thai xổ phải thực hiện trước tiên việc làm thông thoáng đường hô hấp.
Trong trường hợp trẻ ngạt thứ phát nghĩa là trẻ đã hít nhiều dịch vào đường khí quản thì phải cho ống hút vào sâu trong khí quản hoặc đặt nội khí quản ngay để hút cho sạch, trước khi hô hấp hỗ trợ.
- Nếu không có những dụng cụ cần thiết cho việc hút dịch thì có thể hút bằng mồm. Đặt mồm vào mũi trẻ sơ sinh để hút đồng thời dùng tay bịt kín miệng trẻ.
Phương pháp hút này cũng có hiệu quả rất cao, nhất là khi trẻ ngạt xảy ra tại y tế cơ sở (y tế xã hoặc tại nhà).
- Trẻ sơ sinh gặp lạnh tiết dịch nhiều cũng có thể gây ngạt thứ phát. Đó là những trẻ đẻ ra ngay, khóc to bình thường nghĩa là đã thở bình thường, người hộ sinh làm rốn, đặt trẻ lên bàn kim loại lạnh, không có lò sưởi hoặc đèn sưởi nên trẻ bị lạnh, đường hô hấp tiết dịch đột ngột và nhiều. Trẻ hít vào thanh khí quản và vào phổi gây ngạt và viêm phổi.
Cách đề phòng tốt nhất là: phải sưởi ấm cho tất cả mọi trẻ sơ sinh trong khi làm rốn bằng đèn sưởi. Các bàn làm rốn phải có điện ấm (trong bụng mẹ nhiệt độ cao tới 380C khi ra đời rồi, nhiệt độ trong phòng chỉ khoảng 230C sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn, quá đột ngột làm trẻ bị lạnh).
Chữa ngạt bằng 4 biện pháp:
- Hút sạch dịch, máu, nhầy ở mồm mũi và họng trẻ sơ sinh.
- Hô hấp hỗ trợ nếu cần thiết và cho thêm ô xy.
- Ủ ấm, sưởi ấm liên tục cho trẻ.
- Phục hồi tuần hoàn và chống toan huyết.
Không dùng thuốc kích thích tuần hoàn hay hô hấp là vì không những không có lợi mà còn có hại cho sơ sinh vì tiêu hao nhiều năng lượng của trẻ trong lúc đã bị cạn kiệt rồi.