TÀO TUYẾT CẦN (1716 - 1763)
Tác giả chính của Hồng lâu mộng, Tào Tuyết Cần (1716?-1763?), giống như nhiều các nhà văn lớn Trung Hoa trong lịch sử, viết văn là để giải tỏa nỗi niềm “cô phẫn”, là để ký thác những suy tư về con người và thời đại.
Ông vốn sinh ra trong một gia đình đại quý tộc. Từ đời tằng tổ đến đời cha, thay nhau lập chức "Giang ninh chức tạo" là một chức quan to thu thuế. Năm lần Vua Khang Hy tuần du phương Nam, thì bốn lần ở lại nhà họ Tào, đủ biết sự sủng ái của nhà Vua đối với gia đình ông ra sao! Và cũng có thể đoàn biết cuộc sống trong Phủ Giang hồi đó xa hoa, vương giả đến nhường nào. Trong Hồng lâu mộng, Nguyên phi về thăm nhà có một buổi mà phải xây cất bao nhiêu đình tạ trong vườn Đại quan, nữa là Hoàng đế tuần du ngự đến nhà.
Nhà ông chẳng những là hào môn vọng tộc hiển hách như thế, lại còn có truyền thống văn chương. Ông nội ông, Tào Dần, đứng in bộ Toàn Đường thi trứ danh, và là một nhà thơ, tác giả Luyện đình thi sao.
Nhưng cuộc sống vàng son đó của gia đình ông đã trôi qua, tan vỡ! Lúc Tào Tuyết Cần lớn lên, thì tất cả đã ở đằng sau rồi: cha bị khép tội, cách chức, tịch biên tài sản, nhà họ Tào suy sụp và ông phải về sống ở vùng ngoại ô phía Tây thành Bắc Kinh trong cảnh "Cả nhà rau cháo, rượu thường mua chịu!”.
Hồng lâu mộng do đó có thể xem là làn phản quang những hồi ức của Tào Tuyết Cần về cuộc sống quý tộc đã tan vỡ đó. Một mặt, đó là sự nhớ tiếc khôn nguôi những huy hoàng của vàng son lộng lẫy, cảm thấy tất cả nhuốm màu thê lương, hư vô, tất cả đều xê dịch về phía bế tắc, hủy diệt, tất cả đều đáng ân hận, và chỉ có thể cứu chuộc bằng chữ Hư Vô, bằng siêu hình, bằng tôn giáo. Nhưng mặt khác, từ trong cuộc sống nghèo khổ hôm nay, quay đầu nhìn lại, thì cái khoảng cách lớn lao đó làm cho ông thấy được rõ hơn, khách quan hơn, bình tĩnh hơn; những gì ông đã thấy, những gì đã nếm trải cuộc sống thối nát của giai cấp quý tộc và sự miêu tả khách quan ''những quan hệ hiện thực" này làm ông trở thành một nhà văn hiện thực. Chí ít thì về mặt đó, ông đã lay chuyển được ''niềm lạc quan về cái trật tự hiện tồn”, và như thế, ông là sản phẩm của một thời đại, đồng thời đã nhìn xa hơn thời đại.
Tào Tuyết Cần để mười năm viết 80 hồi đầu Hồng lâu mộng: ''Xem chữ chữ toàn bằng huyết, cay đắng mười năm khéo lạ lùng”, năm lần sửa chữa, trong cảnh cùng khốn ốm đau không tiền chạy thuốc, trong cảnh đứa con yêu của ông chết. Và ông đã lìa đời trong cảnh đau khổ dồn dập đó. Bình sinh, ông vẽ giỏi, hay thơ, thích rượu, cuồng phóng. Người ta chỉ biết được về ông có thế thôi!
Hai mươi tám năm sau khi ông mất, Cao Ngạc viết tiếp 40 hồi, đến khoảng 1792-1793 thì Hồng lâu mộng được in và lưu truyền khắp Trung Quốc.
(Trích trong tác phẩm Hồng lâu mộng)