Tài liệu: Tư duy có tính sáng tạo

Tài liệu
Tư duy có tính sáng tạo

Nội dung

Tư duy có tính sáng tạo

Tư duy có tính sáng tạo là một hình thức đặc thù của tư duy, nó chỉ quá trình hoặc kết quả của tư duy có nhiều đặc điểm sáng tạo. Trên cơ sở suy nghĩ lâu dài, được sự gợi ý khi quả táo rơi, Newton nêu ra định luật vạn vật hấp dẫn, đó là một loại tư duy có tính sáng tạo.

Sự sản sinh của tư duy sáng tạo đòi hỏi những điều kiện nhất định.

Thứ nhất, phải dám đặt câu hỏi nghi vấn. Nếu cho rằng mọi sự vật trên thế giới đều hợp lý, hoàn thiện.không thể nảy sinh ý nghĩ cải tạo thế giới, sáng tạo sự vật mới, và củng chẳng thể nói đến bất kỳ sáng tạo nào. Nhà triết học nổi tiếng của Hy Lạp cổ Aristote nêu ra quan điểm ''vật thể càng nặng, rơi càng nhanh'', hơn một ngàn năm sau, mọi người đều cho rằng điều đó là hoàn toàn chính xác, chẳng ai hoài nghi điều đó. Nhưng, nhà vật lý Galilée lại dám nghi ngờ điều đó, ông đã bỏ nhiều công nghiên cứu và đã chứng minh rằng tốc độ rơi của  vật thể và trọng lượng của vật thể không có liên quan gì với nhau.

Thứ hai là phải có một cơ sở vững vàng, phải chuẩn bị cho tốt về tri thức để cho tư duy sáng tạo có thể ra đời được. Nếu Newton không suy nghĩ một thời gian dài về sức hút của quả đất, thì dẫu nhìn thấy quả táo rơi ông cũng chẳng rung động gì. Nếu Galilée chưa từng phân tích tỉ mỉ vấn đề vật thể rơi, thì ông cũng chẳng xem xét gì tới quan điểm của Aristote sai hay đúng. Vì vậy, tri thức phong phú sâu sắc là cơ sở của tư duy sáng tạo.

Thứ ba là muốn thay đổi phương thức tư duy thông thường, có khi có thể đặt ngược vấn đề để suy nghĩ. Khi còn nhỏ Tư Mã Quang (một nhân vật Trung Quốc thời cổ) và các bạn nhỏ đang chơi đùa với nhau không may một bạn rơi vào một chum nước. Cả bọn cuống lên không biết làm thế nào để cứu được bạn ra. Tư Mã Quang vội cầm lấy một hòn đá đập vỡ chum nước cứu được bạn khỏi chết đuối. Xem vậy, cứu người không phải chỉ có biện pháp làm cho người rời khỏi nước, mà còn có biện pháp làm cho nước rời khỏi người.

Thứ tư là cần vận dụng sự liên tưởng và phép loại suy để có được sự gợi ý trong khi suy nghĩ, liên hệ nhiều loại sự vật với nhau. Các nhà khoa học qua quan sát nghiên cứu loài cá mà phát minh ra tàu ngầm, qua quan sát nghiên cứu loài chim mà phát minh ra tàu bay, việc làm này về sau trở thành một môn khoa học có hệ thống - môn phỏng sinh học.

Thứ năm là, phải thường xuyên phân tích những cái khiếm khuyết trong các sự vật ở xung quanh, từ đó tìm ra những phương pháp mới có tính sáng tạo. Tất Thăng người đời Tống ở Trung Quốc phân tích thấy phương pháp in cả bản khắc ''rất bất tiện'', đã phát minh ra phương pháp in bằng chữ rời. Một học sinh tiểu học ở Thượng Hải, Trung Quốc tên là Từ Thâm thấy loại ổ cắm điện thông thường dễ bị gây ra điện giật nên nghĩ cách phát minh ra loại ổ cắm bốn chức năng phòng được chuyện điện giật.

Thứ sáu là phải mở rộng mọi con đường suy nghĩ, nâng cao năng lực tư duy có tính sáng tạo. Ví dụ khi nói ''gạch có tác dụng gì” rất nhiều người đều nghĩ rằng gạch dùng để xây nhà, nhưng nếu nghĩ rộng ra thì gạch có thể dùng để lát đường, xây bồn hoa, còn có thể dùng để đóng đinh, kê đồ vật v.v... Phân tích vấn đề như vậy, luồng suy nghĩ được mở rộng, dễ ,nảy sinh tư duy có tính sáng tạo.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/753-02-633365958971683750/Trung-khu-cua-tam-linh/Tu-duy-co-tinh-sang...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận