Hiếm nước
Có đủ nước là điều quan trọng đối với phát triển vì người dân, nông nghiệp và công nghiệp đều cần nước. Do dân số và kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển nên các nhu cầu về nước trở nên lớn hơn. Thế nhưng, hiếm nước là một vấn đề lớn. Nạn hiếm nước đặc biệt nghiêm trọng ở Đồng bằng Hoa Bắc, nơi có nhu cầu lớn nhất về nước. Các nguồn dự trữ nước lại phong phú ở vùng tây nam, nơi có nhu cầu về nước thấp.
Đồng bằng Hoa Bắc
Đồng bằng Hoa Bắc có lượng mưa thấp: 400 - 900 mm/năm. Đây cũng là vùng đất quê hương của khoảng 300 - 325 triệu người, hơn 1/4 dân số cả nước. Để đáp ứng nhu cầu về lương thực, diện tích đất được thủy lợi hóa đã tăng gấp đôi. Nông dân sử dụng lượng nước lớn từ nước ngầm khu vực (1000 tấn nước cho 1 tấn lúa mì). Trong 30 năm qua, mức nước ngầm hạ thấp 30 m.
Đồng thời, việc sử dụng nước cho thủy lợi ở thượng lưu Hoàng Hà cũng làm cho lượng nước đến được các vùng bên dưới trở nên ít hơn. Từ năm 1990 đến năm 2001, mỗi năm có 180 ngày nước Hoàng Hà không ra được đến biển và trong giai đoạn này các chất gây bẩn không được thải đi. Cả các vùng nông thôn và đô thị (đặc biệt là các thành phố Bắc Kinh và Thiên Tân) ngày nay đều thiếu nước. Tình hình đã đạt đến điểm khủng hoảng. Trên 1/4 GDP của Trung Quốc được tạo ra ở khu vực này và nếu không có thêm nước thì hàng nghìn người sẽ mất sinh kế và kinh tế Trung Quốc sẽ bị thiệt hại.
Dự án nước Nam – Bắc
Dự án nước Nam – Bắc là kế hoạch chuyển nước từ sông Dương Tử đến lưu vực Hoàng Hà qua ba tuyến. Dự án nước Nam – Bắc được lập kế hoạch nhằm để chuyển dòng nước rất cần thiết từ lưu vực sông Dương Tử đến Đồng bằng Hoa Bắc. Lưu lượng của sông Dương Tử lớn hơn lưu lượng của Hoàng Hà 20 lần và Dự án nước Nam - Bắc chỉ có thể chuyển được 3% lưu lượng của sông Dương Tử.
Giống như đập Tam Hiệp (xem phần Phát triển kinh tế), Dự án nước Nam – Bắc gây nhiều tranh cãi và tốn nhiều chi phí. Những người phản đối việc xây dựng đập thì lập luận rằng việc sử dụng nước một cách hiệu quả hơn sẽ có thể giải quyết được vấn đề thiếu nước của Đồng bằng Hoa Bắc. Họ cũng chỉ ra rằng, việc đắp con đập của hồ chứa Dangrangkon ở trung lưu sẽ làm ngập nhà cửa của 250.000 người, buộc họ phải di dời đi. Những người phản đối cũng tin rằng, việc phân thủy từ sông Dương Tử có thể ảnh hưởng các hệ sinh thái ở Hoàng Hà.
Những ủng hộ Dự án nước Nam - Bắc thì lập luận rằng, nếu không có nước thêm mà dự án mang đến thì không thể bảo vệ được môi trường của Đồng bằng Hoa Bắc. Thiếu nước có thể làm cho các vùng đất nhuận thủy và các châu thổ thu hẹp diện tích, các sông khô cạn, mực nước ngầm hạ thấp thêm và mức độ ô nhiễm tăng.