Di cư và đô thị hóa
Từ năm 1991 đến năm 1999, con số các thành phố ở Trung Quốc tăng từ 497 đến 667. Quy mô của các thành phố cũng tăng. Trung Quốc đã có 13 thành phố trên 2 triệu dân. Ngân hàng Phát triển châu Á đánh giá rằng, đến 2010 dân đô thị Trung Quốc sẽ tăng từ 360 triệu lên 700 triệu gần gấp đôi con số hiện nay. Điều này có nghĩa là khoảng 1/2 dân số Trung Quốc sẽ là dân đô thị; đến 2050, 75% dân số sẽ sống ở các đô thị.
Thay đổi xã hội
Trước khi có các cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình, có rất ít người chuyển từ nông thôn đến sống ở các thành phố. Chế độ đăng ký hộ gia đình, gọi là “hộ khẩu” đã được đưa vào từ thời kỳ xã hội chủ nghĩa theo kinh tế tập trung để ngăn dòng người đổ vào các thành phố. Mỗi người ở Trung Quốc đều có một thẻ chứng minh nhân dân, có ghi nơi sinh, và họ chỉ được hưởng các chế độ về nhà cửa, giáo dục và chăm sóc y tế ở trong khu vực nơi sinh của mình. Năm 1984, hệ thống ''hộ khẩu'' này trở nên ít chặt chẽ hơn. Khi nền kinh tế bắt đầu phát triển, nó cũng tạo ra những việc làm mới, tạo ra những cơ hội việc làm rất cần thiết cho các lao động thất nghiệp ở nông thôn. Nhiều người rời 1991 bỏ nông thôn đến các thị trấn và thành phố để tìm kiếm việc làm. Ngày nay, Trung Quốc có số dân di cư, hay còn gọi là dân “trôi nổi”, gồm khoảng 100 triệu người.
Lao động di cư
Những người lao động di cư có xu hướng chỉ có được công việc hạng hai - đặc biệt là những công việc thấp kém mà không còn ai muốn làm. Những thành phố như Bắc Kinh và Thượng Hải (mỗi thành phố có khoảng 3 triệu lao động trôi nổi) thậm chí còn ngăn cản không cho người di cư làm một số công việc nhất định, đặc biệt là ở các vị trí quản lý. Những người di cư có xu hướng vào làm tại các phân xưởng sản xuất giày, quần áo, đồ gỗ, các công trường hoặc làm người giúp việc trong các gia đình. Một số thành phố phải hạn chế số lượng người di cư do tình trạng người di cư cạnh tranh việc làm với những người thất nghiệp ở thành phố.
Người lao động di cư được trả tiền công dưới 300 bảng Anh một năm, so với mức tiền công trung bình ở đô thị là 543 bảng Anh. Cũng có nhiều người không được trả đủ số tiền công. Thông thường, tiền công được trả một lần trong một năm, vào dịp tết Nguyên Đán của Trung Quốc, và một số tiền thì bị giữ lại cho đến khi họ quay lại sau ngày tết. Thêm vào đó, nhiều người di cư phải làm việc trong những điều kiện nguy hiểm, một số còn bị thương tật khiến về sau không được thuê mướn nữa. Các biện pháp bảo hiểm xã hội đang dần đần được áp dụng để giúp những người lao động di cư.
Năm 2002, tỉnh Tứ Xuyên có trên 13 triệu người lao động di cư. Gần một nửa số này phải di cư ra ngoài tỉnh. Phần lớn người di cư đi đến các đô thị, nơi người thân hay hàng xóm tìm cho họ công việc. Tỉnh An Huy hiện nay thành lập các cơ sở đào tạo nhiều kỹ năng lao động cho người lao động và giúp họ di cư đến làm việc ở 6 thành phố lớn. Các lao động di cư hàng năm gửi lại tỉnh An Huy 24 tỷ bảng Anh. Đây là cách giải quyết gọn gàng những vấn đề thất nghiệp và mang lại thu nhập xứng đáng. Về tổng thể, các làng nông thôn hàng năm nhận 450 tỷ bảng Anh từ những người đi sống ở các nơi khác. Một số người di cư quay trở lại đã sử dụng các khoản tiền kiếm được để thành lập các cơ sở kinh doanh sử dụng kỹ năng lao động mới của họ.
Di chuyển đến các thành phố
Trung Quốc hiện nay đang lên kế hoạch chuyển chừng 200 triệu lao động nông thôn đến các thành phố từ năm 2000 đến 2010. Việc cung cấp nhà ở, trường học và giao thông cho các lao động dư thêm này rất tốn kém.