Nông nghiệp
Nông nghiệp là phương thức sản xuất truyền thống ở Trung Quốc. Nó luôn luôn là một nghề vất vả và ngày nay phần lớn đất trồng còn được cày bằng tay. Về tổng thể, chỉ có 10% diện tích đất đai của Trung Quốc thuận lợi cho các loại cây trồng. Hầu như ở khắp nơi, mọi người canh tác những mảnh đất nhỏ có diện tích về đại thể là bằng nhau. Hãy hình dung một nông trại chỉ có 1/4 hécta đất, tức là bằng 1/4 diện tích của một sân bóng. Việc nuôi sống 22% dân số thế giới (1,3 tỷ người) với vẻn vẹn đất canh tác của thế giới là một thách thức lớn. Khí hậu chủ yếu quy định các loại cây trồng có thể được trồng ở các vùng khác nhau của Trung Quốc.
Các vùng nông nghiệp chủ yếu
Vùng đất bằng phẳng, màu mỡ có diện tích lớn nhất ở Trung Quốc là đồng bằng Hoa Bắc. Các khu vực rộng bao la đang được thủy lợi hóa. Thủy lợi hóa là công việc rất quan trọng bởi lượng mưa mùa hè ở khu vực này thường không đủ cho sự sinh trưởng của cây trồng.
Các đồng bằng ở trung lưu, hạ lưu sông Dương Tử và ở châu thổ Châu Giang được canh tác thâm canh. Do có mùa đông ấm hơn so với vùng phía bắc nên hàng năm đất đai có thể cho ít nhất hai vụ thu hoạch. Mùa hè nóng và ẩm, nên lúa là cây cho hạt quan trọng nhất. Ở khu vực sông Dương Tử, lúa mì, lúa mạch và cây cải dầu được trồng vào mùa đông. Xa hơn xuống phía nam, mùa đông đủ ấm để trồng vụ lúa thứ hai. Vùng nông nghiệp quan trọng khác là đồng bằng Thành Đô màu mỡ, nơi mà nền thuỷ lợi có từ 2.200 năm trước giúp duy trì được nông nghiệp thâm canh.
Những thay đổi trong nông nghiệp
Nông nghiệp Trung Quốc thay đổi trong những năm gần đây. Các yếu tố như hạt giống tốt, các loại phân bón và việc tăng cường sử dụng thủy lợi (quan trọng ở những nơi có lượng mưa dưới 400mm) giúp tăng sản lượng cũng như giúp cải thiện kỹ năng và kỹ thuật trồng trọt của nông dân. Một loại giống lúa lai mới (25% diện tích đất trồng trọt được trồng lúa) đã làm tăng sản lượng. Tuy nhiên trong khi sản lượng cây trồng tăng lên thì một diện tích đất trồng trọt tốt đã bị mất đi trước sự phát triển của các đô thị và các hồ chứa nước. Điều nghịch lý là các hồ chứa nước này lại thường cung cấp nước thuỷ lợi. Các cải cách kinh tế đã cho phép người nông dân trồng các loại cây ăn quả và rau để bán ngoài chợ, ngoài số lương thực mà họ phải bán cho nhà nước. Lối sống thay đổi, đặc biệt tại các thành phố, cũng có nghĩa là các thói quen ăn uống cũng thay đổi ở các vùng đô thị, ngoài các lương thực thiết yếu như gạo, những người khá giả có thể mua nhiều loại thực phẩm. Thịt nhất là thịt nạc, chiếm một phần ngày càng lớn trong món ăn của người dân Trung Quốc. Trứng, thịt gia cầm và dầu thực vật cũng vậy. Do đó, nông dân sống gần các đô thị đang trồng các loại cây có giá trị cao để bán ở các thành phố. Nghề nuôi trồng thủy sản phát triển rộng khắp. Thông thường cá được nuôi ở những cánh đồng ngập nước.
Các phương pháp nông nghiệp kỹ thuật cao
Phát triển công nghệ sinh học và công nghệ thông tin cũng giúp tăng sản lượng lương thực của Trung Quốc. 1/3 khu vực Phố Đông được dành cho kinh doanh nông nghiệp định hướng thị trường và có kỹ thuật cao. Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển ngành kinh doanh này. Kinh doanh nông nghiệp là nền nông nghiệp mang tính chất thương nghiệp, sử dụng công nghệ hiện đại, ví dụ như sản xuất các loại rau và hoa trong các nhà kính được quản lý bằng máy tính; hay là thu hoạch lúa bằng máy móc cơ khí trên những cánh đồng rộng. Điều này rất khác với những phương pháp nông nghiệp truyền thống, canh tác những mảnh đất nhỏ và sản xuất lương thực chỉ đủ để các nông dân tự nuôi sống họ.