Tài liệu: Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nằm về phía Tây Bắc tỉnh Quảng Bình giáp biên giới Việt - Lào.
Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng

Nội dung

Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng

Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nằm về phía Tây Bắc tỉnh Quảng Bình giáp biên giới Việt - Lào. Vườn bao gồm một quần thể hang động phong phú, kì vĩ và một khu rừng nhiệt đới nguyên sinh với độ che phủ trên 95%. Vườn có tổng diện tích 85.754 ha.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là nơi có độ đa dạng sinh học cao nhất trong các vùng rừng Việt Nam với trên 95% diện tích rừng nguyên sinh trên núi Kẻ Bàng.

Về thực vật: Hiện có 140 họ, 427 chi, 751 loài thực vật bậc cao, trong đó có 36 loài quý hiếm, 20 loài được ghi vào sách đó Việt Nam. Rừng có nhiều loại gỗ quý như lim, gụ, mun…

Về động vật: có 32 bộ, 98 họ, 257 giống, 381 loài cửa 4 lớp động vật có xương sống ở trên cạn. Trong đó có 66 loài động vật quý hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam, 23 loài được xếp vào loại ưu tiên bảo vệ trên thế giới. Tại đây có nhiều loại động vật quý hiếm: Vọc, gấu, hổ, sao la, gà lơi lam, vượn bạc má, rùa vàng...

Phong Nha - Kẻ Bàng với hệ thống hang động đã được phát hiện có tổng chiều dài khoảng 106.000 m và có nhiều hang động chưa được thám hiểm. Phong Nha - Kẻ Bàng gồm hệ thống động Phong Nha và hệ thống động Vòm, với tổng chiều dài 64.384 m, trong đó riêng hang Vòm dài 13.690 m. Ngoài ra trong dãy núi Kẻ Bàng còn rất nhiều hang động khác như hang én, hang Thung, hang Đại Cáo...

Động Phong Nha thuộc loại thủy động (động nước) lớn với dòng sông ngầm dài ngót 14 km, khi chảy ra khỏi động trở thành dòng sông Sơn. Điều đặc biệt nguồn nước sông ngầm này không bao giờ cạn, chiều sâu trung bình từ 6 -10 m, có chỗ sâu nhất 83 m. Chưa một nhà khoa học nào tìm ra chỗ khởi nguồn của dòng sông ngầm.

Sách Đại Nam Nhất Thống chí gọi động Phong Nha là động Thần Tiên. Các triều đại phong kiến đã phong thần cho động Phong Nha như Hiển Linh, đến triều Minh Mạng sắc phong là “Diệu ứng chi thần” (1824).

Qua dấu tích văn tự Chămpa cổ khắc trên vách đá, động gồm 27 chữ do ông Leopold Cadiere, một linh mục người Pháp thám hiểm cuối thế kỷ XIX phát hiện, cho thấy Động Phong Nha được người Chăm biết đến từ thời xa xưa. Linh mục Cadiere suy tôn động Phong Nha là “Đông Dương đệ nhất động”. Tiếp đó nhà nghiên cứu người Pháp Pavis, rồi nhà thiên văn học người Anh Baton đã đến và tìm hiểu vào tháng 7-1924. Ông Baton cho rằng Phong Nha là chốn mê cung, có thể so sánh với các hang động nổi tiếng trên thế giới như Padirae (Pháp), Cuevas del Drac (Tây Ban Nha)…

Vào các năm 1990, 1992, 1994 đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh (BCRA), phối hợp với khoa Địa lý - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tiến hành khảo sát kỹ hơn động Phong Nha và đã công bố: động Phong Nha dài 7.729m. Cửa rộng 20 đến 25m, cao khoảng 10m và cho rằng: Phong Nha là động nước vào loại đẹp nhất thế giới. Ông Tim Allen thì nhận xét: “Động Phong Nha thuộc loại kỳ quan của Việt Nam và của thế giới đạt 7 tiêu chí quan trọng nhất về hang động: Hang có dòng sông ngầm dài nhất (13.969m); có cửa hang cao và rộng nhất, có bãi cát và bãi đá ngầm đẹp nhất, có hang khô rộng và đẹp nhất; có hồ nước ngầm đẹp nhất, có hệ thống nhũ tráng lệ, kỳ ảo nhất, hang dài nhất”.

Sức hấp dẫn của Phong Nha còn ở vẻ đẹp lộng lẫy kỳ thú của các thạch nhũ.

Chất liệu đá trong động Phong Nha có nhiều loại khác nhau. Đẹp nhất là loại đá sa khoáng lấp lánh và phát sáng.

Động Phong Nha hình thành từ xa xưa nhung tất cả vẫn còn vẻ đẹp từ hoang sơ. Dáng hình động vẫn được giữ nguyên vẹn. Hang cỏ những thạch nhũ tuyệt đẹp, màu cẩm thạch, vòm hang rộng.

Ngày 3-7-2003 tại cuộc họp của ủy ban UNESCO lần thứ 27 ở Paris, Pháp, đã công nhận Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên của thế giới.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4182-02-633705736358045268/Viet-Nam/Vuon-quoc-gia-Phong-Nha--Ke-Bang...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận