Chuyện Nỏ Thần Chương 1


Chương 1
Vương họ Lý, tên Ông Trọng, người Từ Liêm.

Thân dài hai trượng ba thước. Khí chất thẳng thắn, dũng mãnh khác thường . Lý Tế Xuyên (Việt Diện U Linh) Cuối đời Hùng Vương có người xã Thụy Hương, huyện Từ Liêm, đất Giao Chỉ, họ Lý tên Thân. Sinh ra rất to lớn, cao hai trượng ba thước. Tần Thủy Hoàng muốn cất quân đánh ta. Vua Hùng bèn đem Lý Thân tiến nhà Tần. Thủy Hoàng mừng lắm, phong làm chức Tư lệnh hiệu Úy. Đến khi Thủy Hoàng thôn tính thiên hạ, Lý Thân có công, được Thủy Hoàng sai giữ Lâm Thao ở Trường Thành, uy danh vang dội đến Hung Nô. Sau, tuổi già, Lý Thân về nước, Hung Nô lại sang xâm phạm cửa ải. Thủy Hoàng nhớ Lý Thân, sai người sang triệu. Lý Thân không chịu đi, trốn vào rừng núi. Bấy giờ, An Dương Vương nói dối vua Tần là Lý đã chết. Thủy Hoàng đúc tượng đồng Lý Thân, đặt hiệu là Ông Trọng, dựng ở cửa Tư Mã, kinh đô Hàm Dương. Trong bụng tượng chứa được mấy chục người. Mỗi khi có sứ giả bốn phương đến, vua Tần ngầm sai người chui vào bụng tượng, lay cho tượng cử động. Người Hung Nô trông thấy, sợ lắm, tưởng quan Tư lệnh hiệu Úy Lý Ông Trọng còn sống, không dám động tới cửa ải.

Vũ Quỳnh và Kiều Phú (Lĩnh Nam Chích quái)

* * *

Hai con voi thình lình nhô lên giữa làn nước đỏ xuộm trước lưỡi cát mỏng đầu bến. Nước nhếnh nhoáng như trát bùn đen nhánh lên mình voi. Không trông rõ được hai người cởi trần trùng trục, đen trũi, ngồi vắt vẻo trên lưng voi. Những ống chân voi đã nhấp nhô ngang mặt nước. Sóng sông ào ào xô vào theo. Đô Lỗ và Đô Nồi cưỡi voi qua sông chơi thăm cố Ông Trọng. Mới ít lâu không sang mà chỗ bến vào xóm nhà cố Ông Trọng, trông đã phong quang hẳn. Vừa như hôm nào, đưa Cao Lỗ ra bến, Ông Trọng bảo:

" Rác rưởi quá! Rác rưởi quá! Chỗ người ở thì phải cơ ngơi ra hồn, không được hôi hám bề bộn hang cày cáo thế này". Quả nhiên, hôm nay đã thấy đổi khác như lời Ông Trọng. Cả một vùng bãi khủyu sông Cái trước mặt, những cây gỗ mục mùa lũ trên ngược trôi về, năm này năm khác, đọng cao như gò. Bây giờ không còn vết tích đâu nữa. Phía trên mớm nước, chỉ thấy sum suê những bụi chuối lá, chuối mắn -tàu dày như chiếc mo cau, xanh ngắt, kéo ngang thân xuống, che những buồng chuối lá gân guốc, những buồng chuối mắn tròn mẫm. Quá vào trong, những bãi ngô, bãi dâu xanh rợn. Liên tiếp xa đến hút mắt vẫn chỉ một màu xanh xanh lẫn lộn những bãi khoai lang dây bò bề bộn như cỏ rối. Những dây lang nổi chằng chịt, lá khoai tốt như lá ráy. Phảng phất, phía bãi nào cũng nghe tiếng hát, tiếng kèn lá chuối trẻ con quấn thổi chơi

- Mà không trông thấy người.

Cả Đô Lỗ, Đô Nồi cùng tấm tắc trong bụng: "Cố già ngoài trăm tuổi rồi mà vẫn nói gì làm nấy được!" Đô Lỗ chỉ tay ra vùng bãi khoai lang trước mặt, bảo Đô Nồi:

- Cố già tài thật, mới hôm nào chỉ thấy quạ với diều hâu đậu từng đám trên đống gỗ mục, bây giờ đã xanh rờn thế kia.

Cố Ông Trọng thọ ngoài trăm tuổi rồi. Mỗi năm, Ông Trọng lại cầm cái mũi lao đồng gạch một vạch đánh dấu tuổi vào chiếc mai rùa ở góc nhà. Thật ra, cả Đô Nồi, Đô Lỗ cũng chưa thể đứng hàng bạn vong niên của ông cố. Mà mới chỉ vào hàng cháu chắt chút Ông Trọng. Từ lúc còn bé, hai đô đã nghe người già kể ngày xưa vùng ta có một tay võ một mình đấu ngã hàng trăm người, đi đường gặp sông thì nhảy qua sông, gặp gò đống nhảy qua gò đống. Hai tay xách hai cái cối đá, lẳng một cái, vỡ đầu cả hai con hổ về làng rình bắt lợn. Năm Đô Lỗ ngoài hai mươi tuổi, nghe tin Ông Trọng ở xa về, Đô Lỗ thường đến thăm mừng. Có khi rủ Đô Nồi cùng đi. Ông Trọng hay cùng hai chàng trai trẻ ấy bàn bạc, thật hợp chuyện. Đôi khi lại thử sức võ, tập vật, đánh roi. Trong câu chuyện, trong mọi cách ăn ở, xử sự và tài nghệ, Ông Trọng hợp tính và quý hai người lắm. Ông Trọng thường khoe với khách đến chơi:

" Người được như Đô Nồi, Đô Lỗ không phải thiên hạ sẵn có đâu".

Lần đầu tiên ấy, Đô Lỗ đến lạy mừng Ông Trọng. Đô Lỗ cũng như bao người các cõi, cũng như mọi người làng, cả cháu chắt cũng không ai biết mặt Ông Trọng. Nhưng tiếng tài Ông Trọng thì cồn như sóng cả bể Đông. Đâu đâu cũng thành câu chuyện kể đất nước ta có ông tướng đi trấn giữ Trường Thành nước Tần. Ông tướng trấn Trường Thành nước Tần nay đã về quê. Các vùng đồng bãi hai bên sông Cái đồn dậy lên, người người nô nức đến. Rồi tận các cõi Lục Hải, Ninh Hải, Chu Diên, Cửu Chân cũng trảy hội về... Đô Lỗ ở Vũ Ninh về đến bên kia sông, rồi ngồi nan sang. Từ bến lên, tấp nập đến lạ lùng. Người đánh trâu. Người khiêng lợn. Người gánh rượu. Có người vác ngược cả buồng chuối mắn chín vàng rộm. Vào đến trong xóm, càng rậm rịch. Người các nơi đến mừng Ông Trọng phải làm rạp trú ra tận ngoài bãi. Tiếng cồng sôi như nước vỡ. Ai cũng mừng được vào lạy Cố Ông Trọng. Đô Lỗ bước vào, trông lên thấy một cụ già quắc thước. Tóc râu và lông mày bạc trắng. Cố cao lớn khác hẳn mọi người, đến độ trông như không phải người thật. Cố cởi trần, da mồi đỏ hắt. Hai hàm răng đen rức, vẫn chưa rụng chiếc nào. Con mắt cố sáng ngời, hầu như ai nhìn, gặp ánh mắt cố, tự nhiên đã phải vòng tay, ý tứ vào khuôn phép. Đô Lỗ quỳ xuống, lắp bắp:

- Cháu là Cao Lỗ.

Ông Trọng cười ha hả:

- A, cháu là Đô Lỗ bên Vũ Ninh đấy à?

Đô Lỗ giật mình, kính phục đến chỉ biết đứng nép bên đầu gối Ông Trọng. Không còn nhớ mảy may nào về cái tiếng Đô Lỗ đã mấy năm nay một mình giữ giải vật đất Vũ Ninh. Nhãng đi, quên cả mình đương là tay đô đầu giải. Chỉ thấy ra như chú bé bi bô chơi bò quanh chân cụ cố. Đô Lỗ ở lại với Ông Trọng mấy ngày, cứ quanh quẩn bên cố như ông cháu. Ông Trọng vui chuyện với Đô Lỗ, có khi nằm chuyện rỉ rả đến khuya. Nghe tiếng vạc đi ăn đêm đã về trong bờ tre, mới chợt nhớ đã tảng sáng. Rồi Ông Trọng chỉ bảo cho Đô Lỗ những miếng vật nòi, và phép đánh roi, bắn nỏ. Đô Lỗ cảm thấy một nỗi sung sướng không biết đấu nào đong cho xiết nữa. Quả thực, Đô Lỗ đã nổi tiếng giỏi vật. Đô Lỗ đã nức danh đất Vũ Ninh, như Đô Nồi ở Hương Canh. Đô Lỗ thạo những miếng roi hiểm, Đô Lỗ lại biết cách bật nỏ một máng ra một lúc năm mũi tên. Nhưng trước Ông Trọng, Đô Lỗ lại tưởng mình chỉ là đứa trẻ ngẩn ngơ. Chẳng phải chỉ là nghĩ thế, mà có điều thật như thế. Những miếng vật Ông Trọng dạy cho, thoạt tưởng dễ, mà cực hóc hiểm. Người vật non chưa từng ngờ ra như thế bao giờ. Ông Trọng đã già lụ khụ. Thế mà khi Đô Lỗ vòng thử cho Ông Trọng ra miếng, tay Đô Lỗ đụng vào vóc mình cố già, cứ như xiết vào cây gỗ lim, gỗ chò. Ghê thật. Một hôm, Đô Lỗ thưa với Ông Trọng:

- Cố ơi! Cháu xin rước cố sang Vũ Ninh chơi.

- Ừ , thế nào tao cũng phải đi chơi dối già. Nhưng mà từ đây sang Vũ Ninh...

Đô Lỗ lại nói:

- Xin cố đừng bận lo lắng đến chuyện đường xá. Cháu sẽ bắt một con voi về rước cố đi chơi.

Ông Trọng lại cả cười:

- Hay đấy! Hay! Ngày còn trẻ, còn ở nhà, tao đi bắt voi, chỉ mới sang cửa rừng bên kia sông đã gặp voi rồi. Bây giờ nghe nói voi ít ra ăn ven sông nữa, phải không?

- Trong chân núi vẫn còn nhiều.

- Ừ , bắt cho tao con voi. Đã bao năm nay chưa được ngồi lên bành voi. Bắt cho tao con voi.

Đầu mùa nắng, đâu đâu cũng nhộn nhịp mùa săn, vào tận trong rừng. Bấy giờ chưa có mấy mưa rào. Suối còn cạn mà trời đã oi. Voi ở rừng sâu hay ra tụ uống nước ven suối. Từng đàn gấu, đàn nai kéo về quanh làng, ven sông, tìm ăn quả trám rụng. Suốt đêm, tiếng hươu giác gọi nhau, nghe phía nào cũng văng vẳng. Mấy hôm trước, có nắng, trên các đầu sàn nhà, đã thấy phơi từng đống lù lù những cỗ lưới. Rồi sáng sớm, nghe tiếng chó sủa nhũng nhẵng chạy theo người vác lưới đi rừng. Cả làng đeo ống cơm đi suốt ngày theo lưới vây bắt hươu, bắt gấu. Ngày nào cũng nghe lệnh chiêng và tiếng tù và đuổi thú vang động khắp các rừng. Những người hôm trước vác lưới vào rừng nhắn về nói trông thấy có vết chân voi ra. Vết chân mới - trận mưa nhỏ đêm trước, nước đọng vũng trong những vòng gót to như những trôn đấu ấn xuống mặt đất. Đô Lỗ về Hương Canh, lại rủ Đô Nồi cùng đi săn voi. Mùa săn voi cũng là mùa hội săn. Cả đêm, người các xóm thui lợn, nướng cá vui chơi tiễn phường săn. Nhiều người đến xin họp phường cùng đi. Nhưng Đô Nồi bảo thôi. Chuyến này -không nói trước, sợ sái -trong ý định hai người chỉ định bắt một con voi rồi về. Hai người chỉ đem đôi voi nhà làm voi mồi đi theo. Lần khác phường sẽ đi đông hơn. Mùa săn còn dài. Mọi thứ đã sắp sẵn. Đô Nồi và Đô Lỗ cưỡi chung một con voi. Chú voi nhỡ lon ton theo sau, lưng chất các thứ vòng song, vòng mây hun, những cuộn da trâu bện thành thừng, những sào dài đầu buộc thòng lọng, những bì cói gạo ngô cùng những ống bương chứa nước mưa, mấy bó tên, cánh nỏ, những chiếc giáo nhọn, móc câu...

Các đồ nghề và thức ăn cho người phường săn ở được dài ngày trong rừng thẳm. Nửa đêm ấy, voi và người âm thầm vào rừng Báng ngay đầu Hương Canh. Rồi liền mấy hôm, đi qua rừng Dùng, rừng Dó, đến tận rừng Bùi Nhùi sát chân núi mới quay lại. Vẫn chưa gặp được dấu vết có voi về. Trời mưa từ chập tối. Những trận mưa rào đầu mùa. Tiếng mưa tiếng sấm vang như tiếng trống, tiếng cồng khua loạn từ lưng trời xuống bốn phía bóng tối quanh mình. Tiếng sét kéo theo ánh chớp xanh lẹt suốt mặt sông Cái. Những con nước bỗng ngút lên như bốc lửa. Tiếng sấm đuổi nhau từ vòng trời xuống đầu rừng rồi lại chạy xa đi tận đâu. Tiếng mưa sầm sập, rồi lác đác, sau chỉ còn thánh thót. Nước trên tàu chuối, tàu cọ rích xuống. Hai con voi với Đô Lỗ và Đô Nồi vẫn lặng lẽ đi trong mưa. Voi lù lù như bóng đất nổi lên. Voi cứ đi, voi chưa đến đấy bao giờ mà như đã thuộc đường, lùi lũi mãi vào trong. Voi dừng lại trước một tảng đá lớn. Đô Lỗ và Đô Nồi nhảy trên lưng voi xuống, trèo lên hốc đá. Bóng tối và bóng rừng phủ kín. Đấy cũng là hai người phường săn đi ngủ. Tờ mờ sáng, tiếng vượn hú rin rít khắp vách đá giục nhau xuống rừng kiếm ăn sớm, Đô Lỗ và Đô Nồi đã khoác nỏ, đeo ống tên, lại cắp theo một bó lao. Hai người từ trong hốc tối lần ra ngoài. Để lại sau lưng hai con voi đứng im như tạc vào vách đá.

Hai người trèo lên cây giâu gia cao, bóng trùm cả một vùng xung quanh. Mặt đất mờ mờ. Rồi đến lúc sáng rõ hẳn. Trận mưa đêm qua đã quét dọn quang đãng cả. Vừa sáng, mặt trời lên. Các khe lá rậm rạp nhấp nháy nhởn nhơ những vệt nắng mới. Đã trông rõ vết voi đi lằn lối dưới gốc cây giâu gia. Lốt chân vẫn nguyên thành bàn cao cao như những cái thúng nhòi chồng lên nhau. Voi ăn đàn qua, thấy còn dấu vòi quăng nhổ cây, cây lộn xộn hai bên nghiêng ngả rập xuống. Voi đi hay tìm kết đàn, cứ mỗi lúc đàn một to hơn. Đến rừng này mới vài con đi với nhau, vài hôm sau tới cánh rừng khác đã thêm hàng chục con, có khi hàng trăm, nghênh ngang khắp một vùng. Đàn voi rừng ăn ngoài kia đã đánh hơi được có voi lạ tới -hai con voi nhà đứng trong rừng sâu, thế nào cũng lần theo vết chân vào.

Sắp tới nơi, lốt chân voi nhà lẫn lốt chân voi rừng. Những con voi ngửi hơi đi tìm đàn. Đến trưa, con voi đầu đã đủng đỉnh đến giữa quãng rừng ấy. Con voi to mốc như tảng đá, những tảng đá biết thũng thĩnh lặng lẽ bước êm như không. Thỉnh thoảng mới nghe mặt đất, tiếng cành, lá khô, tiếng bùn lép nhép, lắc rắc. Những con voi đã rõ ràng thấy vết chân voi lạ. Một con thả dài vòi xuống mặt bùn, rồi chun lên, như ngửi, như đánh hơi, dò xét. Rồi cả đàn lại thong thả bước theo những lốt chân vào quãng rừng sâu. Một con voi đi lên trước. Những voi đực đầu đàn lực lưỡng. Cả đàn theo, lần lượt dọc dài. Voi nào cũng khoan thai, bốn chân khuỳnh chụm vào, bước đều tăm tắp. Đô Lỗ và Đô Nồi vẫn ngồi yên trên cành giâu gia. Đàn voi đi dưới. Những tấm lưng voi theo nhau rùng rùng nhấp nhô như cả trăm con trăn cùng quăng mình, cuồn cuộn luồn qua. Giống voi ăn cỏ, ăn quả, ăn lá, không hôi hám nặng mùi. Nhưng cả đàn theo liền, hơi nóng bốc lên rừng rực như suối lửa. Hai người ngồi trên cây mà mồ hôi lưng vã ra. Đàn voi ấy dài quá. Đi một lúc mà trông xuống vẫn thấy lực lưỡng những con voi đực kềnh càng. Lại có những con voi con tự dưng quay ngang đợi voi mẹ tới. Rồi những con voi con lại bước theo voi mẹ.

Voi con lũn chũn, đầu đụng vào bụng mẹ, chạy loăng quăng, nhấp nhô. Đô Lỗ ngắm một voi con. Con voi nhỏ ấy ước độ ba bốn tuổi, mà đã phổng pháp gồ ghề bằng con trâu mộng. Bước từ tốn, nền nã, lừ đừ. Không như những con voi nhỏ hơn, mới chỉ một hai tuổi, đương chạy líu ríu đằng kia. Con voi này trông vừa mắt quá. Voi này về, đương độ tuổi vực được nhanh, chóng biết sai bảo. Đô Nồi đã chuyền cành cây sang đứng cạnh Đô Lỗ từ lúc nào. Vừa lúc voi nhỏ kia đi tới, Đô Lỗ vung tay giơ sào, tung làn dây da trâu xuống. Vòng dây xòe tròn, chụp vào đầu voi. Một chân voi cất lên, thòng lọng tròng luôn cả vào. Thoắt cái, vòng song ném xuống với chiếc thòng lọng da trâu đã siết chặt, treo từ cổ xuống chân trước voi. Trong khi Đô Lỗ cong người ra sức co thừng lên, Đô Nồi thoăn thoắt nắm cả cuộn da trâu lẫn dây song buộc quành mấy vòng vào thân cây giâu gia. Con voi đương đi bị đứng lại. Voi cuốn vòi, rứt cái thòng lọng. Nhưng không được. Voi nhảy hai chân trước, rít lên, quật mình đùng đùng vào gốc cây. Cũng vẫn thế. Đàn voi đi trên, thấy động, tán loạn chạy ra cả khu rừng. Đến khi biết rõ quãng loạn trong đoàn, tất cả đổ xô lại. Những voi mẹ quăng vòi húc xả vào con voi bị vướng thòng lọng. Những tảng lưng voi đẩy vào nhau, rung chuyển. Nhưng cây giâu gia cổ thụ, rễ cái ăn sâu lắm, không đổ được. Con voi con bị buộc vào cây, vùng lên. Chốc chốc, cái cây lại rùng mình, chao đi. Hai người vẫn đứng yên nhìn xuống đàn voi lồng lộn. Cánh nỏ đã căng sẵn, đặt trên vai. Đô Lỗ giơ tay rút một ngọn giáo phóng xuống. Ngọn giáo phập vào sau tai con voi đực vừa xô vào. Voi hốt hoảng nhảo ra, cái giáo vẫn cắm chong chỏng. Những con voi khác chen vào. Đàn voi đã trông thấy hai người phường săn trên cây. Voi nhổ đám cây con, voi quơ đá, quăng rào vào. Những ngọn lao mũi đồng, những cánh nỏ từ tay Đô Lỗ, Đô Nồi căng vun vút trổ xuống. Những con voi bị trúng lao, trúng tên chồm lên, khua vòi quật vòi lung tung. Hai người phường săn chĩa nỏ bắn ra tận những con voi còn đương loanh quanh luống cuống đằng xa.

Lũ voi phía ấy bị những mũi nhọn thình lình cắm vào mình nhảy loạn xạ. Một lát, cả đàn nhốn nháo chạy dồn sang cánh rừng khác. Không con nào dám xông vào gốc cây giâu gia như lúc nãy nữa. Đô Lỗ nhảy xuống, tay cầm thừng dắt con voi chạy, lôi cả thòng lọng lằng nhằng về hang đá. Đàn voi đằng kia thấy voi chạy, cả lũ lại rầm rập ùa theo. Nhưng, Đô Nồi vẫn còn ngồi thu mình trên cành giâu gia, đưa nghiêng cánh nỏ nhằm xuống. Lúc này, mới đến việc đánh chặn của Đô Nồi. Những con voi đi đầu bị trúng nỏ. Có phát tên hiểm xuyên vào con mắt ti hí. Voi quăng vòi lên, đau quá, xô ngược trở lại. Thế là cả đàn nhốn nháo, lại cuống cuồng chạy trở lại. Không voi đàn nào dám đuổi nữa. Hai con voi nhà trông thấy Đô Lỗ dắt con voi bị thòng lọng chạy lại. Đã quen hiệu quen việc rồi, hai voi nọ cung cúc chạy trước. Voi con đeo thòng lọng ở cổ và trên bắp chân trước, trông thấy có voi chạy trước mặt, chẳng biết voi nào, ngỡ voi đàn, càng bồn theo nhanh. Lúc này, Đô Lỗ đã nhảy phắt lên ngồi trên cổ voi. Dường như con voi không biết, vẫn hùng hục chạy. Chẳng mấy lúc đã ra tới quãng bãi trống. Con voi rừng theo hai voi nhà, chạy nhông nhông đến tận lùm tre đầu xóm. Đến đấy, Đô Lỗ nhảy thoắt xuống, dắt voi buộc vào gốc cây đa. Đô Lỗ lại lấy ở đâu ra những vòng thòng lọng song đã vắt sẵn, quàng nốt vào hai chân sau voi. Voi ngã kềnh ra, chưa kịp khua vòi chống cự lại. Voi giãy giụa, lăn lộn. Cả bốn chân đã bị trói chỏng vó. Vòi quật, miệng há hốc, rít in ỉn. Nhưng xung quanh vắng lặng. Hai con voi nhà đã đi vào phía rặng chuối, đứng cong vòi bẻ ăn mấy nải chuối cuối buồng. Con chim bồ các ở đâu toan về đậu trên ngọn đa như mọi khi, thấy tiếng động lạ dưới gốc, lại bay vổng lên. Đô Lỗ quay lại nhìn cẩn thận một lần nữa con voi bị trói vào gốc đa rồi về nhà. Hai voi nhà trông thấy Đô Lỗ, vội vã chạy trong bụi chuối ra, lững thững bước sau chủ. Đến trưa, Đô Nồi cũng đã về tới đầu xóm, tay cầm cánh nỏ không. Đô Lỗ đứng đợi dưới lùm tre, dáng boăn khoăn. Thấy Đô Nồi, Đô Lỗ hớn hở chạy ra. Đô Nồi giơ chiếc ống tên rỗng, nói:

- Voi con này chạy, cả đàn nó đuổi theo. Phải bắn xả một loạt. Mấy con đi đầu thủng mặt, thủng tai. Có thế chúng nó mới chịu tan đàn.

May quá, vừa lúc hết cả ống tên. Con voi rừng bị trói bên gốc đa. Có đến nửa tháng, không một ai ngó ngàng đến. Những hôm mưa suốt chiều suốt đêm, như trút nước. Hạt mưa quật như roi vụt xuống, voi vẫn phải nằm bốn vó cong queo lên. Ngày nắng rát, chiều đến, nắng xiên khoai. Lưng voi cong lại, giơ ra chịu nắng, không cựa quậy tránh đi được. Voi đói, voi vật vã vòi. Hai bên mép sùi bọt trắng nhả, quánh như bột. Voi khát quá. Con mắt ti hí nhắm nghiền, lử lả. Rồi con voi con chỉ còn thoi thóp đợi chết. Những tiếng rừng xa xôi cứ mơ hồ dần, không nghe được nữa. Nhưng mà voi không thể chết được. Đấy là phép dạy voi của phường săn. Những ngày mới bắt voi ở rừng về, phải hành hạ thế, đến lúc dạy bảo, nó mới chóng biết ăn lời. Rồi một hôm Đô Lỗ ra gốc đa. Cõng theo một bó ngô cả cẳng cả bắp. Đô Lỗ cầm cây ngô quét vào mắt voi. Voi từ từ mở mắt. Voi ngửi thấy mùi thơm lá ngô, râu ngô, chợt tỉnh. Đô Lỗ đưa cả cây ngô vào miệng voi. Con voi nuốt trửng ngay. Rồi Đô Lỗ đặt bó ngô xuống đấy, dỡ ra. Voi nằm nghiêng, giơ vòi, vơ vào miệng từng cây ngô cả bắp, cả lá. Một thoáng, hết veo. Hôm sau, Đô Lỗ lại vác bó cây ngô đến cho voi ăn. Một hôm, voi được cởi trói hai chân trước. Voi đứng hẳn lên. Rồi thòng lọng ở cổ, ở chân cũng được phường săn tháo ra. Con voi rúc vòi hùng hục cuốn cả cây ngô. Hai voi nhà đến bên cạnh, cũng thủng thỉnh ăn như nhau. Cả tháng được chén như thế.

Rồi Đô Lỗ dạy voi quỳ, voi đi, voi quay đầu. Voi đã biết cong mũi vòi lại cho người đứng vào, rồi nhấc người lên ngồi trên lưng mình. Lúc Đô Lỗ quất roi mây vào lưng, lúc quát, lúc cười, lúc cho ăn từng buồng chuối, từng gông cỏ. Voi đã biết nghe lời người chỉ cho đi quanh quanh. Rồi voi biết ra bờ sông uống nước. Lại quơ vòi lên ngắt quả bưởi. Voi thích nhất được ăn chuối. Voi đi tìm bụi chuối, vặn xuống, đưa vào mõm một lúc hết cả buồng hàng chục nải. Nghe hiệu hú gọi của Đô Lỗ, voi quay lại, đủng đỉnh về đứng dưới gốc đa. Đô Lỗ cưỡi voi sang nhà Ông Trọng. Con voi đã thuần rồi đem biếu Ông Trọng, bước theo sau. Hai con voi lội qua sông Cái. Trẻ con trông thấy, chạy vào bảo. Ông Trọng ra đón Đô Lỗ tận ngoài bãi. Đô Lỗ giơ tay làm hiệu. Con voi nhún hai chân trước ra điệu mời. Rồi voi chúm cong vòi lại. Ông Trọng cười, vuốt râu, bước đúng vào giữa vòi voi. Voi nhấc bổng Ông Trọng đưa lên ngồi chễm chệ trên lưng voi. Ông Trọng hể hả nói to:

- Ha! Ha! Mấy chục năm nay mới lại biết cái mùi hôi lưng voi.

Ông Trọng và Đô Lỗ cưỡi voi đi rong dọc sông Cái, mãi đến sẩm tối mới trở về. Con voi lại vươn vòi lên, cung kính, nhẹ nhàng đỡ Ông Trọng xuống. ở chơi mấy hôm, rồi Đô Lỗ về, để con voi ở lại với Ông Trọng. Đã lâu, từ độ ấy, hôm nay Đô Lỗ mới lại rủ Đô Nồi đi thăm Ông Trọng. Xuống xin cụ chỉ bảo phép đánh roi. Lại có ý mời cụ đi Vũ Ninh chơi. Hai con voi lênh khênh đưa Đô Lỗ và Đô Nồi vào xóm. Những nếp nhà sàn lửng, nửa cái cột trốn ghé vào gò đất, bóng mái lá gồi thấp thoáng. Lác đác, cây trám, quả xanh chi chít lẫn trong vòm lá xanh đen. Những cây cau đứng thành hàng rào, thân mốc trắng, thẳng như che mành trước xóm. Hai người vừa đi mà lại phân vân, chưa biết Ông Trọng có nhà không. Thường khi cả tháng cố không ở nhà. Lão ông cao tuổi nhất thiên hạ, đâu cũng trọng vọng, đâu cũng tranh nhau được đón cụ đến chơi, hơi hướng cụ để cái phúc cho con cháu mọi nhà. Vào đến gốc đa, hai con voi bỗng đứng dừng lại. Có cái gì khác, voi vừa đánh hơi thấy. Hai người nghển nhìn vào. Quả có chuyện lạ. Con voi con đương bị thòng lọng tròng vào cổ. Ông Trọng giơ cái roi song, nhứ nhứ vào đầu voi. Con voi im thít, không biết đương thản nhiên hay đương sợ. Nhưng mẩu đuôi con con vẫn phất đi phất lại. Ông Trọng quát hỏi:

- Mày chừa chưa? Chừa chưa?

Con voi vẫn thong thả vẫy cái đuôi hủn hoẳn. Đô Lỗ và Đô Nồi nhảy xuống, chạy vào.

- Nó có tội gì mà cố chửi nó thế? Sao thế?

Ông Trọng quay ra:

- À , các cháu đã sang...

Rồi chỉ cái roi song vào đầu con voi, kể với hai người:

- Hư lắm. Dám ra ngoài bờ sông, bẻ nát cả bãi ngô. Ông trói lại hỏi tội đấy.

Đô Lỗ bước đến, vuốt tay lên trán, lên tai voi:

- Thằng này còn như trẻ con, hay thèm ăn vặt, cố ạ. Nó lại thích nhá ngô non, chuối xanh. Cố mắng thế, nó nghe biết tội rồi. Cháu xin cố tha cho nó. Có hai con voi kia đến nữa. Chúng nó sẽ bảo nhau nền nếp, từ nay không được ăn vụng, phải chừa ăn vụng.

Ông Trọng cười:

- Cũng ne nẹt thôi mà.

- Lại quắc mắt:

- Không có Đô Lỗ hôm nay xin cho, tao gông mày lại một tháng.

Rồi cố Ông Trọng buông tay roi xuống. Đô Lỗ bước tới, cúi xuống, ghé răng cởi chiếc thừng da trâu buộc quấn hai đầu những đốt song vận thành chiếc gông đóng cổ voi. Khúc song doãi ra, vừa lúc hai con voi kia bước đến. Ba con voi giơ vòi hít nhau, như mừng chào hỏi. Ông Trọng và hai tay đô lững thững vào xóm. Trên khoảng đất phẳng trước nhà, leo tràn lan vào đống cành giong tre, những dây bàu lá xanh tròn xoe, hoa vàng phấn. Quả bàu dài nằm ườn, quả bàu lọ ngồi lổm ngổm. Những quả gấc đỏ ối, lủng lẳng ngay đầu mái lá cọ. Có hai đứa bé cởi trần đóng khố ngồi bậu cửa, chầu hẫu nhìn ra. Thấy người đi vào, hai đứa đứng phắt dậy. Đô Nồi kêu lên:

- Kìa Đống! Kìa Vực! ạ hay! Các con đi bắt cá kia mà.

Ông Trọng nói:

- Đừng mắng các cháu, phải tội. Lúc nãy vừa đến, các cháu đã thưa với ông là nghe được bố với chú Đô Nỏ sắp sang đây đánh roi, thích quá, xin sang xem một lúc thôi.

Nhưng Đô Nồi vẫn trợn mắt:

- Bọn quái này, sang đường nào?

Vực tinh nghịch, làm hiệu quào quào hai tay. Còn Đống chắp hai tay lên bụng, cúi đầu.

- Chúng con bơi.

Mặt Đô Nồi vẫn còn vẻ bực. Nhưng trong bụng thì nghĩ vừa vui vừa lạ. Từ nhà ở Chiêm Thạch ra tới bãi, cách một đỗi đường, rồi lại bơi qua sông. Thế mà tưởng như vừa lúc nãy chúng nó còn ở ngoài nhà, hai đứa đương hí hoáy nức thêm mấy nan tre cật vào miệng giỏ để đi bắt cá. Đô Nồi nghĩ mừng về hai đứa con mới năm nao còn loắt choắt, giờ đã thành những quân không vừa. Thằng anh, thằng em như nhau, chạy như ngựa, bơi như con giái cá rồi. Ông Trọng quát:

- Đã nấu nước, giã chè chưa?

Hai anh em cùng thưa:

- Nấu rồi ạ.

- Xách vào đây, pha nước đi.

Đống ra ngoài bờ cỏ. Bếp lửa vừa tàn. Ba cọc cây dựng lên làm vua bếp, một đống than, trên đặt tàu lá cọ tươi buộc túm, vỏ bùn đã khô, ám khói đen kịt. Túm lá cọ trát bùn đun nước vừa sôi, bếp cũng vừa tắt. Vực vào trong nhà, bê ra một cái liễn đại da lươn, đặt giữa cửa. Lúc nãy, khi Ông Trọng ra gốc đa quở mắng chú voi, hai anh em đã trèo lên cây hái chè, rồi cầm hòn cuội làm chày đá giã chè ngay trong liễn. Ông Trọng đã bảo:

" Chốc nữa, bố chúng cháu với chú Đô Nỏ sang tập roi. Có nước chè vò uống cho gân tay càng khỏe". Đống xách hai túm lá gồi vào, mở lạt ra đổ nước sôi đầy liễn. Khói bốc um, mùi chè xanh thơm ngát khắp nhà. Đô Nồi và Đô Lỗ vào sau vách, vác ra hai cây roi. Đôi cây tre đực đã ngâm bùn ao rồi hun khói bếp róc nhẵn t 7191 ừng vấu. Đằng ngọn, buộc sẵn túm bùi nhùi bồ hóng. Vào đấu, ngọn roi quệt ra bồ hóng. Ai không đỡ được, bị chịu nhiều vết nhọ, người ấy thua. Ông Trọng đứng cầm trịch, tay xoè ra, giơ lên. Tầm roi dài quềnh quàng cả một cây tre nguyên. Người đánh roi, hai tay cầm giữa, vừa vững đuôi vừa khoẻ tay đâm đỡ trước mặt. Hai tay đấu roi đã ra giữa bãi cỏ. Người nào cũng đóng khố một, trần trùng trục, lẳn mình trắm. Cây tre đực cầm ngang, hai đầu bùi nhùi bồ hóng chụm hờ vào nhau. Hai người cùng móp bụng lại, giạng chân, đợi cố Ông Trọng lên hiệu cho đấu. Hai cây roi vào trận. Ngọn roi, lưng roi va nhau chan chát. Mỗi tiếng chát đập vào, ngọn roi lại nghiêng ra ngoài. Người không vững tay, loạng quạng theo roi. Nhưng không, ngọn roi cứ vun vút. Hai cây roi trong tay hai lực sĩ cứ xoắn lại, cứ phấp phới -như hai con trăn quần thảo. Đống và Vực chăm chú xem đến há hốc miệng. Những miếng roi đâm, đỡ, gạt hay quá. Lâu lắm mà chưa ai bị một chấm bồ hóng. Hai ngọn roi đè vào nhau, không roi nào chịu nhau. Lật sấp lật ngửa, vẫn ngang tầm cây tre thẳng đuột, đứng im. Rồi hai ngọn roi tựa vào nhau, như hai con gà trống chọi dựa cổ, cố thở. Nhưng đấy là hai lực sĩ để hai lưng roi tựa nhau, sửa soạn miếng mới. Hai lưng roi im lặng, im phăng phắc.

Mà trông hai người thì biết trong im lặng như thế, trận đấu vẫn gay go thật sự. Bắp tay, bắp vai, bắp chân chạy rần rật, cuồn cuộn lên xuống. Những miếng roi đương trong thế đứng im, im mà tung hoành. Hai khuôn mặt đỏ rần rần. Mồ hôi chảy ròng, rồi lã chã xuống. Chỉ còn trông thấy những giọt mồ hôi lăn ra và trên chốc bụng đều đều phập phồng như con ếch ngậm hơi. Bỗng dưng, ngọn roi Đô Lỗ chùng lại, như rùng mình. Rồi, chưa ai kịp trông theo, giữa rốn Đô Nồi đã bị khuyên hẳn một vệt nhọ đen sì, trên xấp mồ hôi nhễ nhại. Đống và Vực nhảy lên, reo:

- Bố thua rồi! Bố thua chú Nỏ rồi!

Ông Trọng xua tay cười:

- Thôi thôi, mời hai ông đô hãy nghỉ tay.

Vào uống bát nước chè. Uống nước đã, rồi hẵng làm miếng nữa. Hai người buông roi xuống cỏ. Đống và Vực bưng đến một chồng bát đàn, rồi nghiêng liễn, đổ từng bát nước chè xanh ngắt, bốc khói nghi ngút. Mọi người bưng bát nước ngồi xuống. Ông Trọng nói:

- Chú Đô Nỏ nhanh lắm. Giỏi lắm, giỏi lắm. Lúc ráo riết nhất mà chuyển thế võ vậy thì không ai kịp nghĩ. Chú Đô Nồi thua vào lúc tưởng mình đương vững, đương rình mò tìm miếng. Không phải ta đổi miếng mà chùng lại, kẻ kia đương căng hoá hăng, người nhanh đến thế nào cũng không đoán nổi được ngọn roi ấy sắp đổ hay ngọn roi chuyển miếng. Cả đến trong bụng cũng bối rối. Thế là tâm không định được. Chỉ chưa dứt một cái chớp mắt đâu. Bùi nhùi bồ hóng chú Đô Nỏ cứ việc chấm vào giữa bụng chú Đô Nồi thôi. Chuyển mềm đánh cứng trong lúc hai bên đương ngang như tường thành là như thế đấy. Nào, uống bát chè ngon cho lại sức nào...

Giữa bãi, Đống và Vực đã vác roi lên, khua khoắng loạn xạ. Hai cậu bé vừa vờn roi vừa hét. Đám trẻ trong các xóm quanh đấy đã chạy đến từ lúc nào, xúm lại, reo hò rầm rĩ. Ông Trọng cũng phải buông bát nước, nhìn xem đường roi đã khá gọn của hai chú bé con nhà nòi. Cũng chưa chú nào chấm được vào nhau một vết nhọ. Lại đương đứng gầm ghè, roi đè roi, ngang sức như bố Nồi với chú Đô Nỏ lúc nãy. Đất nước thượng võ, con trẻ cũng biết háo hức ngọn roi, miếng vật. Đến trưa, khói thui lợn đã ngun ngút quanh nhà. Các tay đấu roi dẹp đám, đợi bữa chén. Nhìn mọi người chạy đi chạy lại trong nhà, ra bãi, nhộn nhịp bếp núc, Ông Trọng cứ vuốt râu cười khà khà:

- Lúc già lại được trở về nơi chôn rau cắt rốn, lại thấy cháu chắt đông đàn bao nhiêu lần hơn xưa. Một đời người được cái may cái vui đến thế là đủ.

Rồi Ông Trọng lại vui chuyện. Người xúm đến quanh. Ông Trọng kể chuyện người mọi nơi đều biết đánh đá ra lửa, biết nuôi dê, lợn lấy thịt, nuôi chó cho phường săn, biết bắt ngựa bắt voi về giúp việc mang vác. Vót lao ném rồi làm ngọn mác, cái cung, cánh nỏ, cái lưỡi câu, cái đinh ba, cái đó, cái rìu. Bắn con hươu đỡ phải đuổi. Tìm con cá khỏi mất công chắn tay be bờ tát nước... ở Tần cũng như ở Hồ, hệt các đời vua chủ ta, thiên hạ đâu cũng sinh sống thế, nhân nghĩa thế. Ai có nhớ câu chuyện Thành Vương nhà Chu trò chuyện với sứ giả vua Hùng. Thành Vương hỏi:

" Giao Chỉ vấn tóc, vẽ mình, để đầu trần, đi chân đất, nhuộm răng đen là cớ làm sao?". Người của vua Hùng đáp:

" Vấn tóc ngắn để tiện đi lại trong rừng. Vẽ mình cho giống hình long quân, khi bơi lội dưới sông, loài giao long không dám phạm tới. Đi chân đất để tiện trèo cây. Cày bằng dao, trồng bằng lửa. Trời nắng để đầu trần cho đỡ nóng bức. Ăn trầu cau, răng đen trừ được ô uế" Đấy đấy, hồi quốc sơ, ta đã biết lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ làm chiếu, nướng chim công, lấy cá, ba ba làm mắm, lấy rễ gừng làm muối. Đất cấy được gạo nếp, bỏ ống tre lam cơm. Bắc gỗ làm nhà cao tránh hổ báo... Ông Trọng lại nói:

- Năm trước, ta còn ở ngoài Trường thành ngoài kia Hàm Dương, bây giờ được trở lại nơi cha mẹ cho mình thành người. Nào thấy đâu khác nhau, không phải như vua quan Tần bỉ báng rợ Hồ, man Việt. Không, người Thương, người Miên, người Ngô cũng thế thôi. Mỗi người ở nơi đã được sinh ra là cái sướng nhất. Ta đi cả đời đến đầu bạc trở lại mới thấy ra niềm sung sướng ấy. Tra lúa, trồng kê, thấy con cháu đúc được cày đồng hơn cày mũi đá mà mừng. Con cháu biếu cho miếng bánh trưng, bánh dày, bánh mật, bánh ngói, cơm nắm, cơm lam, xôi nén... được nhắm rượu thịt trâu thui, gỏi cá... Răng chưa rụng, nhưng phải làm cối nghiền mới nhai được miếng trầu thơm ấm. Lại nhớ mùi trầu cau nồng nàn từ thuở còn rúc vú mẹ. ại thôi, ăn một bữa gỏi cá anh vũ chấm nước bỗng gừng rồi ngủ một giấc, là được rồi...

Ông Trọng cười khớ khớ một lúc. Cười đến ứa nước mắt, cuối đuôi con mắt nhăn nheo. Đến Đô Lỗ, Đô Nồi chắc cũng chưa thấu hết được ý tứ tâm tư một đời tha hương của ông già trên trăm tuổi ấy, kể chi đám chú Đống, chú Vực. Ngoài bãi cỏ trước nhà, mùi cá anh vũ nướng đã thơm điếc mũi. Ông Trọng trông ra, thấy ngoài phía cây đa, một con ngựa phóng tới. Trời tạnh ráo mà cả người cưỡi và chiếc ngựa đen tuyền cùng ướt lướt thướt. Nước nhỏ thành vệt trên lối đi. Hẳn người ngựa vừa bơi sông Cái sang. Vào đến giữa ngõ, người cưỡi ngựa nhảy xuống. Mình để trần, lưng vắt vẻo chiếc khố đuôi lươn. Người ấy đỡ cái bọc to đội trên đầu xuống. Thì ra, quần áo, nón, thắt lưng đã được túm cả lên đầu lúc người ngựa qua sông. Trông biết đấy là ông quan lạc ở trên ngược về. Quan lạc đến trước mặt Ông Trọng, quỳ xuống.

- Lạy cố! Lạy cố!

Ông Trọng nói:

- Việc gì cũng để đấy. Hẵng uống ngụm nước. Rồi đợi bưng cá nướng vào, nhắm cái đã.

- Việc vội lắm.

- Việc gì?

- Tôi không được biết. Hình như có người bên Tần đến. Vua chủ sai đi mời cố về.

Ông Trọng xốc ống quần, xoa bàn tay trên đầu gối, đuôi mắt chau lại, đăm đăm ngẫm nghĩ. Bấy lâu, vua Tần đã dẹp xong nước Yên, nước Hàn, nước Tề, nước Ngụy, nước Kinh, nước Đại, cả các tộc Việt phía nam đã vào một mối quận huyện. Doanh Chính đã xưng đế, định đô ở Hàm Dương rồi. Ngoài ải, dân phu đã đắp Trường thành ra đến cửa quan Sơn Hải giáp bể. Thiên hạ, vua Tần đã vỗ yên từ lâu rồi mà... Hay là... Hay là... Bao nhiêu năm ở Tần, Ông Trọng không lạ tâm tính bất nhất của Doanh Chính. Từ khi lên ngôi, Thủy Hoàng lại càng ngông cuồng... Không biết chuyện gì thế này. Thế rồi ông quan lạc đưa tin đã chạy ngựa về trước. Ăn uống xong, mọi người cùng đưa Ông Trọng sang sông. Con voi con phá bãi ngô đã được Ông Trọng tha tội rồi. Ông Trọng vừa bước tới, voi nghiêng vòi đỡ Ông Trọng lên ngồi vào bành trên lưng. Ông Trọng đĩnh đạc, chễm chệ trên lưng voi chẳng khác các chàng trai Đô Nồi, Đô Lỗ. Sông Cái bao la trước mặt. Nắng toả xuống, mặt nước sáng rực đến chân trời. Không trông thấy lùm tre, bến bãi bờ bên kia. Đống và Vực cùng ngồi trên lưng voi nhà với bố. Ba con voi cuốn cong vòi, lội ào ào. Càng ra ngoài nước càng xiết, càng mênh mang. Ba con voi khoan thai, ung dung như đi trên bộ. Người ngồi giữa mỏm lưng voi mấp mé các làn sóng xoáy nước quấn quanh. Không biết voi đương đi hay voi bơi. Trông vào bờ đã xa tắp, vẫn thấy ba con voi lù lù lênh khênh như lúc vừa ra khỏi bến. Chỉ khác, Đống và Vực ngứa ngáy chân tay, không chịu ngồi yên trên lưng voi. Hai anh em sà xuống mặt nước, lúc bơi trước, lúc bơi sau, lượn quanh đàn voi. Đống và Vực chẳng cần cưỡi voi cưỡi trâu mới qua được sông. Hằng năm, đến mùa cá trên nguồn về đẻ, bố Đô Nồi thường sai hai con lội lên tận ngã ba sông Cái bắt cá anh vũ. Chẳng phải rìu, phải đơm đó, anh em lặn xuống nước, quơ tay đuổi cá, nửa buổi đã bắt được đầy thời đem về. Đã trông rõ mép cát vàng mịn thia lia trước những bụi tre xanh xanh kéo dài. Đôi chỗ, nổi lên một cây gạo, hoa nở đỏ rực rỡ một vùng. Ba con voi lần lượt lên đứng đợi nhau trên bãi cát. Đô Nồi hét hai con:

- Về đi bắt cá, đi ngay. Có khi chiều nay cố với chú Đô Nỏ về nhà ta...

Đống và Vực hét to hơn bố:

- Rồi bố với chú ấy đấu roi nốt. Sáng ngày chưa xong mà.

Đô Nồi xua tay:

- Về ngay, về đi ngay...

Đống và Vực cùng chắp tay quỳ vái cố Ông Trọng rồi chạy biến vào bãi ngô, khiến những con cuốc ấp trứng trong bụi cây đương khắc khoải kêu "cuốc cuốc" gọi nhau, bỗng bay lè xè tán loạn sang cánh bãi bên cạnh. Ba người cưỡi voi men bờ sông, ngược lên. Dần dần, qua những lùm tre dằng dịt, xanh ngắt, lả xuống ngang đầu. Có khi phải cúi xuống luồn đi. Con voi còn cố đứng lại, quơ vòi lên, vít xuống, tống cả cành lá vào miệng. Người cưỡi voi phải rút dao nghển đầu ra phạt cây tre ngả ngang, con voi tha cả cây tre đi. Bên kia bờ tre đã nhấp nhô những trái đồi đất. Trên đồi, cây cọ xòe quanh từng tàu lá tròn xanh tơ.

Những trận mưa to đầu mùa vẫn còn để lại vết trên mỏm cao xối xuống, rạch thành từng luống đất đỏ xuộm quanh chân đồi -làng xóm quây quần ở đấy, những nếp nhà tường đá ong xù xì, mái lá cọ, lá nứa, lẫn lộn tựa vào nhau. Đến đây, lối đi tràn lan qua những bãi đất bãi cỏ tranh, cả ba con voi cứ thong dong chạy chồm lên. Từng lùm bụi đỏ bốc đằng sau. Ông Trọng vẫn ngồi thẳng trên lưng con voi bồn, ung dung như từ lúc trèo lên. Ông Trọng chưa nhấp một ngụm rượu, mà mặt đỏ phừng giữa vùng râu, tóc, lông mày bạc phơ cứ bay thốc từng nạm trước làn gió ngược. Mọi người ngẩng lên, bỗng thấy đằng kia một đám bụi bốc mù mịt. Đám bụi cuồn cuộn dịch gần lại trước đàn voi. Lát sau, ba con voi đã gặp một đàn hàng chục con ngựa lố nhố dàn trước mặt. Ngựa các quan lạc đi trước. Rồi đến ngựa vua Thục tiến ra. Vua Thục cởi trần, lực lưỡng, tay cầm cương ngựa, cái giậm xúc cá vác trên bả vai. Trên lưng những con ngựa khác, người nào cũng vác đó, vác giậm. Có người vác cỗ lưới, lỏa tỏa chân đồng chân cuội va xuống lưng. Ba con voi vừa dừng lại đã cất vòi lên đỡ Ông Trọng và Đô Lỗ, Đô Nồi xuống. Cả ba người cùng cúi đầu trước vua Thục, lúc ấy đã xuống ngựa. Vua Thục chạy lại, cầm tay cố Ông Trọng. Rồi vua Thục nhìn quanh. Bốn bề, bãi ngô bát ngát cao ngập đầu. Vua Thục bảo đám quân gia:

- Bay ra bắt cá ở vực cuối bãi kia. Ta vào nghỉ trong bãi ngô.

Túp lều đi bãi người ta dựng từ độ tra ngô. Nhưng mái cọ và cột chôn vẫn còn đứng được suốt mùa mưa. Quan lạc và mấy người lính dắt ngựa vào trước, ném xuống những cẳng ngô khô rồi trải lên mấy chiếc chiếu đậu mới, trắng ngà. Ba con voi đã vào trước lều. Bãi gió lào xào, xanh rờn. Những bắp ngô mới nhú, to bằng bắp tay, râu nõn phơ phất. Nhưng con voi của Ông Trọng đứng yên. Ngọn ngô cọ cả vào bắp chân, vào cổ voi. Vòi voi vẫn thõng xuống, loăng quăng đập ve. Nghiêm quá. Như không biết thức ăn ngon ngay cạnh miệng. Voi hãy còn nhớ trận đòn. Vua Thục nói:

- Có người vua Tần đến. Tôi không muốn ông vào trong thành. Nhỡ chúng họ trông thấy, mà tôi chưa gặp ông, chưa biết thế nào.

- Có việc gì hệ trọng...

- Sứ Tần nói người Hồ lại phạm vào Trường thành. Vua Tần nghĩ bao nhiêu năm ông trấn ngoài ấy, người Hồ không dám động tĩnh. Nay chỉ có ông, người Hồ mới lui được.

Ông Trọng nói:

- Tôi đội ơn vua chủ khéo ý tứ không muốn để người của vua Tần giáp mặt tôi. Một đời tôi lưu lạc, tuổi già rồi mới được về quê. Tôi không đi nữa, vua chủ ạ.

Vua Thục nói:

- Tôi cũng đã nghĩ ông sẽ bảo tôi thế. Nhưng biết trả lời người kia thế nào?

Ông Trọng giơ tay vuốt làn tóc trắng:

- Nói là tôi chết rồi. Năm nay tôi đã trên một trăm tuổi. Một đời tôi dài gấp mấy đời người ta rồi. Có khi nào bên nước Tần lại ngỡ tôi còn sống. Vua Tần cho người tìm cũng là tìm cầu may đấy thôi. Nói tôi đã chết, tin ấy cũng nghe lọt tai được.

Đương cao hứng, Ông Trọng lại xắn quần, xoa hai tay vào đầu gối.

- Chỉ bởi tôi về được đất quê, được ngồi bãi ngô, được ăn con cá, con tôm, con lươn, con chạch bắt ở vực, ở đầm. Chỉ bởi cõi ta từ thời ông An Tiêm biệt ra đảo mà rồi cũng lần mò về được, thói tục ta đã quen đoàn tụ quây quần... Bởi vậy... vì thế, vì thế mà tôi vẫn sống đến hôm nay.

Ông Trọng lại cười to. Lây cả cái vui đến Đô Nồi và Đô Lỗ vẫn ngồi nghiêm hai bên gối Ông Trọng. Hai người như nghe ra điều mới lạ, cứ "vâng ạ, vâng ạ" luôn miệng. Vua Thục đặt tay lên lưng Ông Trọng.

- Tức thật, giá hôm nay không có sứ vua Tần ở trong thành, các người cùng tôi về chén bữa cá gỏi. Chỗ vực này cũng nhiều cá anh vũ lắm.

Ông Trọng nói:

- Để khi khác. Bây giờ tôi có điều muốn bàn. Vua Thục kính cẩn, lặng yên, ngước nhìn Ông Trọng.

Ông Trọng thong thả nói:

- Cõi ta không thiếu người tài. Người như các chú Nồi, chú Nỏ này tuy hiếm mà vẫn có. Cứ trông đến những cháu Đống, cháu Vực con cái các chú ấy còn bé bỏng mà cũng đã chớm nảy nòi thì khắc biết. Nòi nào giống ấy, tôi mừng lắm. Nhưng tôi còn lo ta chưa có thành vững. Đất Văn Lang chỉ mới được cái hiểm đồi núi, không phải là nơi dụng võ, không ở thế trung tâm nghìn đời. Ta cần phải xây thành. Tôi ở Tần, tôi biết vua Tần vốn ngông cuồng, lại thâm hiểm. Biết đâu, chỉ người sứ này về nói tôi chết rồi, vua Tần có thể muối mặt phát quân ngay đấy. Tôi chết rồi mà, ta hết người giỏi rồi mà.

Ông Trọng im lặng, ngẫm nghĩ một lúc.

- Vả cứ xem việc ta giao hảo, đi lại bấy lâu, cũng đủ rõ tính nết nó.

Voi đen đưa mừng chưa như ý, lại đòi bạch tượng. Cả mấy cõi phải lùng bắt cho được tê giác trắng, cực nhọc chừng nào. Ta lấy tình xóm giềng đối đãi, người lại bỉ mặt nghĩ đấy là thân phận phên giậu... Từ khi vua Tần nghe mưu sĩ đưa quân đánh xuống phía Nam, bắt họ Việt các nước ấy lập ra quận huyện Quế Lâm, Nam Hải, Tượng Quận, đặt chức Úy cai trị, tôi càng thấy mối lo đến trước mắt. Vua chủ phải sớm định liệu mới được. Vua Thục đăm đăm nhìn Ông Trọng rồi nói:

- Ừ , ta phải xây thành... phải xây thành...

Ông Trọng lại nói:

- Tôi vẫn ngày đêm nghĩ thế. Tôi đã đi tìm được một vùng đất phong thủy có cơ lâu dài. Vùng ấy đất tổ ong, phơi nắng thì rắn chắc hóa đá. Một dải đồi tổ ong tựa bờ sông Thiếp, sông Thiếp nối sông Lý sang các ngọn lên Vũ Ninh, lại ra sông Cái, xung quanh hiểm hóc, bao bọc nhiều đầm hồ, nhiều vực. Đánh bộ, đánh thủy, tiến lui đều thuận. Thế dữ như rừng đại ngàn, dẫu cho kẻ địch có lọt vào cũng khó còn mang xác ra được.

Vua Thục hỏi:

- Có phải sông Thiếp gần đây không?

- Phải, đất ấy giữa vùng Kẻ Nhồi, Kẻ Vang... Gần đây, ngay đây thôi. Từ chỗ này, chỉ dạo quá một quãng, đã tới địa đầu đất quý của ta. Ta hẵng đi xem nào.

Đàn voi ngựa ra khỏi bãi ngô, tới bờ sông Thiếp. Lùm tre rủ trên bóng nước lặng mát. Vua Thục cùng với Ông Trọng, Đô Nồi, Đô Lỗ và các quan lạc vượt qua mấy quả đồi thấp, trọc lóc. Đồi đá ong cằn cỗi, cả đến cỏ gà, cỏ ấu cũng không len lỏi trồi lên được. Nhìn hút mắt đến tận đằng xa, vẫn trông toàn một màu đất đá vàng khè đỏ xuộm như thế,

- N hư bức tường thành xây sẵn ven hào nước. Mọi người dừng lại trên đồi. Vua Thục ngước mắt ra bốn phía. Bên kia sông Cái, dãy núi Ba Vì nổi xanh ngắt trên nền trời sáng trong. Lại như cả một dải tường thành trấn giữ vòng ngoài nối liền với sau lưng, triền núi phía tây sừng sững tay ngai hùng tráng. Sông núi dựng lên những chiếc lá chắn bày trận liên tiếp, trập trùng không một khe hở. ại thôi, đúng là đất hiểm nghìn năm dụng võ đây rồi.

Vua Thục gật đầu nói:

- Đất này có thế vạn đại thật. ạ hay, tôi đã qua Kẻ Nhồi, Kẻ Vang biết bao nhiêu lần mà không thấy như hôm nay.

Vua Thục cúi xuống, vái Ông Trọng:

- Khi tôi còn trẻ ở bên kia chân núi Ngũ Lĩnh đã nghe tiếng ông một mình sang Tần, nay mới được thấy rõ ràng con mắt và cái tài ông.

Ông Trọng vuốt râu, chỉ tay ra trước mặt:

- Một tòa thành đá ong mọc lên suốt dọc bờ sông này. Vua chủ trông kìa, quân thủy ta từ Vũ Ninh vào sông Thiếp xuống qua cửa thành ra sông Cái, chỉ áng một buổi. Lại bao nhiêu đầm vực án giữ với một khuỷu sông Cái ngăn lại. Ta giấu mình từ các bờ lau sậy bên kia tiến ra thình lình, cắt quân nó quãng nào cũng bằng cầm con dao lóc miếng thịt.

- Phải, ông nói phải...

- Còn việc xây thành, giữ thành đã có các chú này giúp vua chủ.

Ông Trọng vươn tay đập xuống lưng Đô Nồi và Đô Lỗ. Vua Thục nói nhỏ, thành kính, thiết tha:

- Ông yên tâm. Ông yên tâm.

Ông Trọng cùng Đô Nồi, Đô Lỗ từ biệt vua Thục ở quãng bờ sông Thiếp ấy. Nhưng vua Thục còn ruổi ngựa theo voi tiễn Ông Trọng một quãng. Vua Thục dặn với:

- Hôm nào mát trời, người vua Tần về rồi tôi cho đón ông sang chơi.

Ông Trọng nói:

- Được, ta còn tháng rộng ngày dài. Tôi nói xong với vua chủ việc ấy, có chết tôi cũng nhắm mắt được rồi.

- Không, phải sang đánh chén cái đã.

- Được, được.

Cả hai ngả đường, bụi cuốn ngùn ngụt mỗi lúc một xa. Buổi chiều, Ông Trọng đã trở về đến Chiêm Trạch. Đô Nồi khẩn khoản:

- Cố với chú Nỏ vào ngơi chân đã.

Ông Trọng nói:

- Tao cũng muốn ghé chơi với hai cháu bé. Nhưng thôi, nghỉ một đêm chẳng bõ. Để hôm nào lên vua chủ ở chơi lâu một thể.

Tính Ông Trọng vốn vậy, định làm gì, không ai cản nổi. Thế là Đô Nồi lại đưa tiễn ra tận bờ sông. Đống và Vực ở nhà trông thấy bụi bốc ngoài bãi, đoán voi bố về, chạy ra đón. Tiếc ngẩn ngơ không được Ông Trọng vào chơi. Cứ khoe lúc nãy tát được một thời cá anh vũ, cá béo bụng dày một gang mỡ vàng. Làm gỏi cá béo thế, ngon không gì bằng... Thế mà cụ chả nghỉ lại. Hai con voi Ông Trọng và Đô Lỗ đã lội qua sông, lên bến. Ông Trọng vào nhà, bảo Đô Lỗ:

- Chú đun cho ta nồi nước. Đừng đun nồi đất. Ta chỉ thèm uống nước nồi lá cọ trát bùn. Nước sôi có mùi lá tươi, chè ngấm càng đậm.

Đô Lỗ nghiền xong cối chè vò, nước cũng vừa sủi sùng sục trong bọc lá. Đô Lỗ đổ ra liễn, ủ lại vào rơm một chốc, lấy chiếc bát đàn, múc, bưng đến đầu giường Ông Trọng. Bát đàn nước còn nóng, xanh ngắt, khói toả trắng mờ.

Ông Trọng uống cạn một ngụm, ngẩng lên, chẹp chẹp miệng, nói:

- Ngon quá! Ngon quá! Không đâu có được giống chè vò ra uống, nước đun bọc lá cọ ngon đến như thế này.

Ông Trọng nhìn ra trước cửa. Đã nhá nhem tối, nhưng vẫn trông thấy những dây bầu lọ, dây bí leo trên cành rong. Quả bầu, quả bí lổm ngổm cạnh những quả gấc buông thõng, đỏ chói. Bốn bên làng xóm êm đềm trong hoàng hôn. Ông Trọng thong thả nói với Đô Lỗ:

- Ta mừng đã bàn được việc xây thành với vua chủ. Nhưng việc kíp lắm. Các chú phải thúc bách vua chủ hằng ngày mới được.

Ông Trọng bảo Đô Lỗ ra múc bát chè tươi nữa. Rồi Ông Trọng từ từ ngả người xuống giường. Đô Lỗ lại trước cột, châm cái bùi nhùi đầu trám. ánh sáng tỏa khắp nhà. Ngoài kia, tiếng ve cất ra rả trong bóng tối nhọ nhem. Đô Lỗ bưng bát nước vào. Ông Trọng nằm quay mặt vào vách, đầu gối chiếc gối gỗ mít như người đương giấc ngủ trưa. Đô Lỗ đặt bát nước, mời Ông Trọng. Nhưng không thấy Ông Trọng ừ hữ gì. Đô Lỗ khẽ lay vai. Ông Trọng vẫn nằm yên như thế. Đô Lỗ bước ra, nước mắt giàn giụa. Đô Lỗ vỗ hai tay vào trán con voi đứng ngoài giọt gianh. "Cố mất rồi! Cố mất rồi!". Đô Lỗ xách chiếc chày tay lên, đánh liên hồi vào thành cối gỗ. Tiếng chày va, kêu lên côông côông. Thế là bốn phía biết hiệu báo nhà nào có người ốm, có người chết, nhà nào làm sao đây. Người tất tả chạy đến. Con voi đủng đỉnh bước lên, chui hẳn đầu vào dưới mái nhà. Voi quỳ phủ phục cả bốn chân, chầu vào giường Ông Trọng.

 

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/51641


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận