Hình Phạt Nhân Đôi Chương 11


Chương 11
Giữa sân vận động sáng rực, một người đàn ông thách thức toàn thế giới.

Anh ta hoàn toàn trần trụi, chân giạng háng, tay giơ lên trời, nhìn những hàng ghế trống với một vẻ hoàn toàn khinh bỉ.

- Người ta đang chờ anh đấy, anh Ballard à.

 Anh ta nhìn tôi mà không nhận ra tôi là ai rồi đột nhiên nhanh nhẹn đưa cả hai tay nắm lấy hạ bộ để khoe tôi.

- Bây giờ không phải là lúc đâu, anh Ballard à.

- Thế theo chị thì lúc nào mới đúng lúc?

 Anh ta nửa bình thường, nửa điên khùng. Trước cửa phòng thay quần áo, hai người cảnh sát mặc quân phục kiên nhẫn chờ, xe cấp cứu cũng chờ, còn vợ của anh ta khóc nức nở:

- Trời ơi! Nhục nhã chưa, bác sĩ ơi, nhục nhã chưa! Lại còn trước tất cả mọi người nữa chứ…

- Chị đừng lo lắng, những chuyện như thế có thể xảy ra… Chồng chị đã có lần bị lên cơn thế này rồi à?

- Không, không! Bác sĩ thử nghĩ mà xem, nếu thế thì tôi đã ly dị rồi…

- Chị thử nhớ lại xem. Chồng chị có khi nào như thế không?

Chị vợ bối rối, tái mặt, rồi đỏ mặt.

- À... vâng, cũng có... Nhưng chỉ ở nhà riêng với tôi thôi. Tôi không nghĩ rằng anh ấy bị bệnh... tôi nghĩ rằng anh ấy... anh ấy thấy tôi sexy...

 Chị ta vừa nói những lời cuối cùng vừa giấu mặt vào trong lòng bàn tay. Khổ chưa! Bây giờ thì hỏng cả rồi, đến cả những kỷ niệm riêng tư đó.

 Ballard không phải là một người bệnh nguy hiểm. Chẳng qua là anh ta đang lên cơn mà thôi. Sau khi cho đội rugby thiếu niên mà anh ta là huấn luyện viên ra về, anh ta bắt đầu chạy vòng quanh sân vận động, vừa chạy vừa cởi quần áo, làm cho đội đến tập sau đó khá ngạc nhiên. Anh ta trần trụi chạy như thế khoảng hơn một giờ mà không để những người đuổi theo mình bắt được. Cuối cùng thì các nhân viên của Tòa thị chính quyết định gọi cho Trung tâm. Mặc dù đã chạy hàng chục cây số quanh sân vận động, mặc dù mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt, anh ta vẫn không có cảm giác mệt mỏi gì cả.

 Việc khó nhất là thuyết phục được anh ta dừng lại để nghe tôi nói. Cuối cùng anh ta cũng chấp nhận đi theo tôi, nhưng hình như bây giờ anh ta lại thay đổi ý kiến.

- Anh Ballard à, nếu anh không đi với tôi ngay lập tức thì anh sẽ phải ở lại một mình đấy.

 Tôi ra hiệu. Tất cả đèn sân vận động tắt phụt.

- Bây giờ chúng tôi sẽ phải đóng cửa sân vận động. Chúc anh ngủ ngon!

- Thế mình đi đâu nhỉ?

- Đi bệnh viện.

- Tôi cứ thế này mà đi nhé? Tôi nóng chỗ ấy lắm.

- Thế cũng được.

- Chị có "cái ấy" không?

 Anh ta diễn giải về đề tài này suốt cả quãng đường đi đến bệnh viện Saint-Guy nơi mà sau đó tôi cho anh ta nhập viện ngay lập tức.

 

 Vừa đến bệnh viện, tôi đi ngay cùng bệnh nhân đến khoa thần kinh với hy vọng thầm kín là Hugo vẫn còn trực. Vừa bước ra khỏi thang máy thì tôi nhìn thấy Hugo đang nói chuyện sôi nổi với Sarah. Cả hai đều khoác áo blouse trắng, nhưng Sarah, cũng như mọi khi, mở cúc áo sâu đến nỗi người ta có thể thấy áo lót đăngten màu đen làm tôn nước da trắng như sữa của cô ta. Hàng cúc phía dưới không cài, vì vậy ai cũng có thể thấy rằng cô ấy có đôi chân rất tuyệt. Tất nhiên là không ai trong số bệnh nhân của cô ấy, thường là đã ở trong tình trạng nguy kịch, lại tỏ thái độ phản đối.

 Chúng tôi chưa gặp nhau từ hàng tuần nay, vì thế chúng tôi ôm chầm lấy nhau và trao đổi tin tức. Sarah bắt tôi phải hứa sẽ qua phòng làm việc của cô ấy uống một tách cà phê mà không chờ đến sang năm, còn tôi thì hứa hẹn đủ điều, miễn là cô ấy để tôi lại một mình với Hugo trong vòng ba phút. Đó là tất cả thời gian mà tôi có.

 Khi Sarah đã đi rồi, tôi nhìn Hugo mỉm cười và cố gắng chịu đựng không ôm hôn anh.

 

- Thật may là anh vẫn còn ở đây! Đúng y như em đã dự đoán!

Hugo liếc nhìn tôi với vẻ lườm lườm, trong khi bệnh nhân Ballard tôi mới đưa đến đang được một y tá cao to dẫn đi chỗ khác.

- Em lại gửi cho anh một bệnh nhân à?

- Một người có vẻ rất bình thường, nhưng nói nhiều điều bậy bạ đến nỗi em nghĩ rằng có vấn đề tổn thương thùy trán.

 Hugo mím môi với vẻ khó xử, dường như chỉ vì phép lịch sự mà anh không đuổi tôi cùng ông bệnh nhân của tôi đi chỗ khác. Thật là tuyệt vời!

- Anh giận em à?

 Nhìn vẻ mặt của Hugo thì đủ biết là anh ấy chẳng những rất muốn đuổi tôi đi, mà còn muốn xẻ tôi ra thành từng mảnh nhỏ nữa. Tôi dũng cảm hỏi:

- Liệu có lý do gì không?

- Em là người nói đến chuyện mổ tử thi à?

 Thôi đúng rồi. Từ đêm hôm Solange bị xe đâm chết, tôi vẫn tự hỏi đến khi nào thì chuyện này mới vỡ lở ra. Hôm ấy, sau khi rời khỏi bệnh viện Garches, chúng tôi ngồi chờ trời sáng tại một quán cà phê trên đại lộ Champs-Elysées ở trung tâm Paris và uống rượu hâm nóng để lấy lại sức lực. Dường như chúng tôi sợ rời xa nhau, sợ cuộc sống bắt đầu thức dậy ở phía bên kia cửa kính. Chúng tôi cùng ở bên nhau trong thử thách một cách tâm đầu ý hợp đến nỗi tôi có cảm giác rằng Hugo đã thầm đồng tình với hành động của tôi và do vậy tôi không cần nói đến chuyện ấy nữa.

Vậy là tôi đã nhầm...

- Tên lái xe khai với cảnh sát rằng có ai đó trong gia đình người bị nạn đã cho anh ta ý tưởng thông minh này. Chỉ có em với những suy nghĩ điên rồ mới có thể làm thế thôi! Em tưởng là anh ấy cần đến điều đó à?

- Ai cơ? Fabrice hay là người lái xe?

- Em có thôi ngay không! Trong cuộc đời, điều gì cũng có lúc của nó, anh cứ nghĩ là ít ra em đã hiểu điều này rồi...

- Nhưng... nhưng em có đùa đâu. Em xin lỗi nếu câu hỏi của em làm anh khó chịu...

 Hugo gắt lên:

- Thế tại sao cô lại nói về chuyện mổ tử thi? Cô đã thấy Fabrice đau khổ thế nào hay chưa? Cô có thấy vợ anh ấy ở trong tình trạng thế nào không?

- Chắc anh muốn nói về tình trạng do Fabrice gây ra?

 Hugo nhìn tôi với vẻ miệt thị khiến tôi đau đớn rồi hỏi một cách lạnh lùng:

- Thế à? Đó là phát hiện của cô à? Cô cho là Fabrice đã giết vợ à?

- Không, không phải thế! Nói đúng hơn là không trực tiếp.

 Tôi lấy hết can đảm tấn công vào pháo đài trước mặt:

- Anh có biết là Fabrice đánh vợ không?

 

 Tôi tự cảm thấy ngạc nhiên là sao điều ấy khó nói ra thế. Hugo nhìn tôi với vẻ lạnh như băng và tôi sợ hãi nhận thấy rằng giữa chúng tôi như có một vực thẳm vừa mở ra. Chỉ trong vòng hai giây đồng hồ, tôi đã chuyển từ địa vị của một người được yêu sang vị trí của một người xa lạ muốn làm điều ác.

- Tôi không hiểu tại sao cô lại xử sự như vậy với Fabrice. Với gia đình tôi, với tôi. Tôi không thể ngờ cô lại có thể làm điều đó.

 Đồng hồ điểm 12h đêm trong khoa thần kinh. Lúc 12h kém 1 phút, tôi đã vượt quá ranh giới vô hình giữa những điều được phép và những điều bị cấm. Bây giờ tôi xứng đáng bị đuổi ra khỏi cuộc đời của Hugo, giống như một nàng Eva giả hiệu. Điều làm tôi bị tổn thương nhất là Hugo hoàn toàn không tưởng tượng được rằng tôi có thể nói sự thật.

 Tôi chịu đựng cái nhìn thù địch của Hugo. Đồng thời tôi cũng nhận thấy rằng anh có nước da tai tái, vẻ mặt mệt mỏi vì thiếu ngủ. Chắc là Hugo ngồi suốt đêm ở đầu giường ông anh...

- Hugo, dù anh có muốn hay không thì đó vẫn là sự thật. Solange mới đến nhà em cách đây một tuần. Mắt chị ấy tím bầm và tóc bị mất một mảng.

- Solange đến nhà cô à? – Hugo hỏi, vẻ ngờ vực.

- Em không biết chị ấy đến để làm gì, - tôi nói thêm với giọng gần như đứt quãng. – Em đã không nghe chị ấy.

 

Thôi thế là tôi đã nói ra rồi. Tôi đã thú nhận. Nhưng điều kỳ lạ là việc tôi không nghe Solange nói không hề làm Hugo bị sốc mà chỉ làm anh thốt lên:

- Solange có một vết bầm và cô kết luận ngay là lỗi của Fabrice! Phải rồi, cô vẫn nghĩ như thế về chuyện cưới xin và đời sống vợ chồng! Rõ ràng là theo cô thì chỉ có khả năng duy nhất là chồng đánh vợ mà thôi!

 Nếu không thì còn là ai nữa? Nhưng tôi không nhận xét về câu bình luận vô lý của Hugo, mà chỉ nói thêm:

- Em không cần phải đoán mò làm gì, chính Solange nói thế. Chị ấy đã nói đến việc ly dị...

 Hugo cười khẩy:

- À ra thế! Hai con ngoan, nhà đẹp, được chồng yêu! Tôi vẫn biết là bà ấy ngu xuẩn, nhưng đến mức độ ấy thì thật là quá đáng!

 Tôi không thể ngăn mình nói cao giọng:

- Tại sao anh không nghe em nói nhỉ? Anh tưởng là em chỉ bịa ra để đùa thôi à? Anh tưởng em tự hào về vai trò của mình trong chuyện này à? Em cũng đã xử sự y hệt anh, em đã từng chê trách nạn nhân! Điều duy nhất em có thể làm để chuộc lại lỗi của mình là làm sáng tỏ sự thật về cuộc đời đau khổ chị ấy đã sống với anh của anh. Tất nhiên là chị ấy sẽ không sống lại được, nhưng con chị ấy sẽ biết là có người đã bảo vệ hồi ức của mẹ chúng...

- Chuộc lại ư? Hồi ức ư? Cô làm tôi tưởng như mình đang mơ ngủ!

 Tôi thở dài:

- Nhưng em cũng thế, em cũng tưởng như mình đang mơ ngủ!

 Lần này thì tôi đầu hàng. Cánh cửa thang máy tự động đóng vào để cho tôi có thời gian, trong khoảng thời gian xuống hai tầng gác thấp tè, sửa sang lại mặt mũi.

 

 Ở Trung tâm dường như là ngày tận thế. Sức khỏe của con chó Kiki ngày càng xấu đi và bà chủ Sheila không làm thế nào gọi điện được cho bác sĩ thú y. Tôi thật không may vì đêm ấy chỉ có tôi với Sheila ở Trung tâm và tôi hoảng sợ nghĩ đến việc sẽ phải chứng kiến giờ tận thế của con Kiki đáng thương. Kiệt sức, nó nằm bẹp trong giỏ, thở dốc, mắt lờ đờ không còn sức sống. Mùi chó càng nặng nề hơn bình thường, nhưng điều đó không ngăn được Sheila cứ vài phút lại ôm chặt nó vào lòng.

 Khi bà ta ngẩng lên đưa cho tôi danh sách các cuộc gọi, tôi chia sẻ một ánh mắt với vẻ đau khổ đến nỗi chính tôi thấy ngượng.

 Tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ phải hỏi:

- Tôi có thể giúp gì được không?

 Bà ta lắc đầu, không nói được lời nào. Mà để làm gì cơ chứ? Bà ta thừa biết tôi nghiêng về phía nào rồi.

 Tôi cố lấy hết sức hỏi lại lần nữa:

- Có nặng quá không?

 Bà ta gật đầu ra hiệu là có, vẻ thảm hại vì cô đơn và lo sợ. Kiki sẽ chết và để bà ta lại chơ vơ trên đời! Kiki sẽ chết và bà ta chỉ còn mỗi việc điền sổ và móc len mà thôi!

Tôi vào phòng làm việc và gọi điện cho anh Gilles của tôi là chủ gara ôtô.

- Anh có khách hàng nào là bác sĩ thú y không?

 Gilles bực mình lầm bầm vì bị gọi dậy:

- Có!

- Anh nghe em nói này, em đang ở Trung tâm, có một con chó sắp sửa chết. Anh có nghĩ là ông khách hàng của anh, cái ông bác sĩ thú y ấy, đến được không?

- Ai mà dám từ chối giúp ông chữa ôtô bao giờ!

 Trước khi dập máy, Gilles còn cố hỏi lại, vẻ nghi ngờ:

- Anh bỏ qua một thông tin nào hay sao đấy? Anh cứ nghĩ em làm việc trong bệnh viện cơ mà...

 Tôi không trả lời. Có nhiều điều rất khó giải thích. Khi tôi báo với Sheila là tôi đã tìm được một bác sĩ thú y, Sheila ôm chầm lấy tôi, đầm đìa nước mắt:

- Tôi không ngờ là cô lại... Lại là cô... – Bà ta vừa nói vừa nấc.

 Bẹp gí dưới tám mươi kí lô thịt và mỡ được gói lại trong một hệ thống áo lót và dây chằng chịt, tôi cố gắng chống đỡ để không bị ngã, gần như ngạt thở vì một mùi tổng hợp của nước hoa Dior và mùi hôi của chó. Tôi cố đẩy bà ta ra một cách thật nhẹ nhàng, cố gắng trở về thế giới bình thường, thế giới mà trong đó chúng tôi chỉ có những quan hệ hoàn toàn công việc trên cơ sở một thứ bậc được xác định rõ ràng.

- Chị ngồi xuống đây, - tôi khuyên. - Chị sẽ ngất đi bây giờ...

- Véra, chị không hiểu được đâu! Kiki là cả cuộc đời tôi!

 Thế theo bà thì tại sao tôi lại gọi tìm một bác sĩ thú y? Tôi đã định nói thế rồi lại đành ngậm miệng. Mà cứ xem những việc mới xảy ra trong cuộc đời tôi thì đủ thấy là có lẽ sắp tới Sheila sẽ phải dạy tôi móc len để tôi có việc làm trong ngày nghỉ cuối tuần.

Tạm thời thì một tay bà ấy vuốt bộ lông của con Kiki và một tay túm lấy tôi.

- Hồi tôi chuyển việc từ bệnh viện chỗ tôi làm trước đến đây, các chị y tá tặng tôi con Kiki này làm quà tạm biệt. Tôi mừng ơi là mừng! Lúc đó nó mới có ba tháng tuổi thôi... Xinh ơi là xinh...

 Tôi vừa góp chuyện vừa cố tìm cách thoát ra khỏi vòng tay ướt át:

- Thế bệnh viện ấy là bệnh viện gì?

- Ôi dào, chán hơn ở đây nhiều!

- Hồi sức à?

- Không, bệnh viện phụ sản. Ban đêm cứ hết ca nọ đến ca kia. Cứ như là các bà sản phụ cố tình ấy! Nói thật là ở đây tôi đỡ mệt hơn nhiều!

 Nhất là trong một bệnh viện phụ sản thì làm sao mà mang con Kiki của bà vào được! – Tôi nghĩ thầm một cách cay đắng. Nhưng có một bác sĩ Cabral khác rất tử tế lại tiếp tục nói:

- Chị Sheila này, các bệnh viện phụ sản đều phải báo tất cả thông tin về các vụ sinh nở chứ nhỉ? Ngay cả khi người mẹ bỏ con sau khi sinh, gọi là sinh con với hồ sơ X ấy mà.

- Tất nhiên rồi.

- Nghĩa là nếu có một đứa bé không được khai sinh như là con của ai đó, hoặc nếu nó mới sinh ra đã chết, thì dù sao cũng phải còn lại một dấu vết gì đó của việc sinh nở đó chứ? Tôi muốn nói là tất cả những đứa trẻ sinh ra ở Pháp...

 Sheila không để tôi nói hết:

- Chị biết không, không chỉ có bệnh viện phụ sản đâu. Còn có người sinh con ở nhà nữa chứ.

 Tôi nhìn Sheila như bị thôi miên. Đúng rồi, đây là mắt xích còn thiếu! Rõ ràng là Giselle Leguerche đã sinh con ở nhà bố mẹ và như vậy là bí mật của cô ta được giữ kín đằng sau những cánh cửa kim loại.

 Đó chính là lúc có một chiếc xe Mercedes 4x4 màu đen tuyệt đẹp, bóng loáng, kính màu, đỗ xịch trước cửa Trung tâm, bánh xe kêu ken két. Tất nhiên là những bãi đỗ xe loại thường không xứng đáng với loại xe đẳng cấp này. Ít ra là điều đó cho phép tôi hiểu quan hệ có vẻ đặc biệt gần gũi giữa ông anh chủ gara của tôi và người chủ xe bác sĩ thú y này. Bây giờ tôi chỉ còn việc đóng vai bà chủ của con Kiki như anh Gilles đã khuyên lúc nãy. Nếu anh ấy mà thấy chúng tôi, con Kiki và tôi, anh ấy chắc phải tưởng mình đang mơ ngủ.

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87394


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận