Lịch Sử Tình Yêu Chương 1


Chương 1
Những lời cuối cùng trên Trái đất

Lúc người ta viết cáo phó cho tôi. Ngày mai. Hay là ngày kia. Cáo phó sẽ viết: LEO GURSKY ĐỂ LẠI MỘT CĂN HỘ ĐẦY PHÂN. Tôi ngạc nhiên tại sao mình còn chưa bị chôn sống. Nơi này không được rộng. Tôi phải vất vả lắm mới giữ được một lối đi lại giữa giường và toilet, giữa toilet và bàn ăn, giữa bàn ăn và cửa trước. Giả sử tôi muốn đi từ toilet ra cửa trước ư, chịu chết, phải vòng qua bàn ăn mới được. Tôi thích tưởng tượng giường là chốt nhà, toilet là chốt một, bàn ăn là chốt hai, cửa trước là chốt ba: giả sử có tiếng chuông cửa lúc tôi đang nằm trên giường, tôi sẽ phải vòng qua toilet và bàn ăn để ra tới cửa. Nếu đó là Bruno, tôi lẳng lặng mở cửa cho cậu ấy vào rồi chạy trở lại giường, tiếng hò reo của đám khán giả vô hình vang dội trong tai. Truyen8.mobi

Tôi thường tự hỏi ai sẽ là người cuối cùng trông thấy tôi còn sống. Nếu phải cá, tôi sẽ đặt cược vào thằng bé giao hàng của tiệm đồ Tàu. Một tuần thì đến bốn tối tôi gọi đồ. Lần nào nó tới tôi cũng loay hoay tìm ví tiền thật lâu. Khi thằng bé đứng ở cửa cầm chiếc túi vấy mỡ, tôi tự hỏi liệu có phải đêm nay tôi sẽ ăn nốt chiếc nem rán, leo vào giường, và rồi lên cơn đau tim trong lúc ngủ hay không.

Tôi cố gắng để được người khác nhìn thấy. Đôi khi ra ngoài, tôi mua chút nước quả ép dù chẳng hề thấy khát. Nếu cửa hàng đông người, tôi sẽ làm quá tới mức cố tình làm tiền lẻ rơi vương vãi khắp sàn nhà, xu lớn xu nhỏ văng tung tóe mọi hướng. Tôi sẽ quỳ xuống. Phải cố gắng lắm tôi mới có thể quỳ gối, song đứng lên còn đòi hỏi nỗ lực lớn hơn. Nhưng chưa hết. Có lẽ trông tôi chẳng khác nào thằng ngốc. Tôi vào cửa hàng giày Athlete’s Foot và hỏi Ở đây có những loại giày thể thao nào nhỉ? Tay bán hàng sẽ nhìn tôi như nhìn một gã khờ (mà đúng tôi là kẻ khờ thật) và chỉ tôi tới một đôi Rockport họ có, một đôi trắng toát. Không, tôi sẽ nói thế, tôi có đôi này rồi, sau đó tôi đến khu bán sản phẩm của hãng Reebok và nhặt ra một món thậm chí trông còn chẳng giống giày, có lẽ là đôi bốt chống ướt, rồi hỏi lấy cỡ 9. Cậu trai sẽ ngó tôi lần nữa, cẩn thận hơn. Cậu ta sẽ nhìn săm soi thật lâu. Cỡ 9, tôi sẽ nhắc lại, tay nắm chặt đôi giày dệt. Cậu ta sẽ lắc đầu và đi về phía sau để lấy giày, đến lúc cậu ta trở lại thì tôi đang tuột tất ra. Tôi sẽ kéo hai ống quần lên và nhìn xuống thứ già nua nhàu nhĩ ấy - hai bàn chân tôi, và một phút bối rối sẽ trôi qua cho tới lúc cậu trai nhận ra là tôi đang đợi cậu ta xỏ giùm đôi bốt. Thực sự thì chẳng bao giờ tôi mua cả. Tất cả những gì tôi muốn là không chết vào một ngày không có ai trông thấy mình. Truyen8.mobi

Cách đây vài tháng tôi thấy một mẩu quảng cáo trên báo. Nội dung: TÌM NGƯỜI MẪU KHỎA THÂN CHO LỚP VẼ. 15 ĐÔ/GIỜ. Có vẻ tốt đến mức không tin nổi. Được người ta nhìn thường xuyên. Rất nhiều người. Tôi gọi theo số điện thoại trong quảng cáo. Một phụ nữ bảo tôi có mặt vào thứ Ba tuần sau đó. Tôi cố gắng mô tả bản thân nhưng bà ta không quan tâm. Thế nào cũng tốt hết, bà ta bảo.

Ngày trôi qua chậm chạp. Tôi kể với Bruno nhưng cậu ta hiểu lầm và nghĩ rằng tôi đăng ký lớp học vẽ để được nhìn các cô gái khỏa thân. Cậu ta không muốn tôi đính chính. Họ phô ngực hả? cậu hỏi tôi. Tôi nhún vai. Cả phần dưới nữa chứ?

Sau khi bà Freid trên tầng bốn chết và phải mất ba ngày mới có người phát hiện ra, Bruno và tôi bắt đầu có thói quen kiểm tra tình hình của nhau. Chúng tôi bịa ra những cái cớ nho nhỏ - Tớ hết giấy vệ sinh rồi, tôi nói vậy khi Bruno mở cửa. Một ngày trôi qua. Sẽ có tiếng gõ cửa phòng tôi. Tớ mất cuốn chương trình truyền hình rồi, cậu sẽ giải thích, còn tôi đi tìm cuốn của mình dù biết rằng cuốn của Bruno vẫn luôn nằm trên ghế băng. Có một lần cậu ta xuất hiện vào chiều Chủ nhật. Tớ cần một chén bột mì, cậu nói. Thật là một cái cớ vụng về, song tôi không thể kìm nổi mình. Cậu đâu biết nấu ăn, tôi nói. Một khoảng im lặng. Bruno nhìn vào mắt tôi. Cậu thì biết gì, cậu ta nói, tớ sắp nướng bánh.

Khi tới Mỹ tôi chẳng quen biết ai ngoài một người họ hàng là thợ khóa, vì vậy tôi làm việc cho ông. Nếu ông là thợ đóng giày thì tôi cũng đã là thợ đóng giày rồi; nếu ông làm nghề xúc phân, tôi cũng đã đi xúc phân rồi. Nhưng ông là thợ khóa. Ông dạy nghề này cho tôi, và đó là nghề tôi đã theo. Chúng tôi cùng mở một cửa hiệu nho nhỏ, rồi một năm nọ ông mắc bệnh lao, người ta phải cắt bỏ lá gan, rồi ông sốt tới 41 độ và chết, thế nên tôi quản lý cửa hiệu. Tôi gửi cho vợ ông một nửa tiền lãi, ngay cả khi bà đã tái giá với một ông bác sĩ và chuyển tới Bay Side. Tôi làm nghề sửa khóa hơn năm mươi năm. Tôi chưa từng tưởng tượng mình sẽ thành như vậy. Ấy thế nhưng. Sự thực là tôi dần thích nghề này. Tôi giúp những người bị khóa bên ngoài được vào trong, với những người khác thì tôi giúp họ bỏ lại bên ngoài những thứ không thể cho vào, vì vậy họ có thể ngủ mà không gặp ác mộng. Truyen8.mobi

Rồi một hôm tôi nhìn ra cửa sổ. Có lẽ lúc đó tôi đang ngắm bầu trời. Trước cửa sổ thì thậm chí một thằng ngốc cũng trở thành Spinoza. Chiều trôi qua, bóng tối buông dần. Tôi với tay giật dây bật bóng điện và đột nhiên thấy như thể vừa bị một con voi giẫm lên tim. Tôi ngã khuỵu gối. Tôi nghĩ: mình không sống được mãi. Một phút trôi qua. Rồi một phút nữa. Tôi bấu ngón tay xuống sàn, lê mình về phía chiếc điện thoại.

Hai mươi lăm phần trăm cơ tim tôi ngừng hoạt động. Phải cần nhiều thời gian phục hồi, tôi không bao giờ trở lại làm việc nữa. Một năm trôi qua. Tôi ý thức được thời gian trôi đi thật vô tình. Tôi đăm đăm nhìn ra cửa sổ. Tôi theo dõi mùa thu chuyển sang đông. Rồi đông bước sang xuân. Có vài hôm Bruno xuống gác ngồi cùng tôi. Chúng tôi biết nhau từ khi còn là trẻ con, hai đứa cùng học với nhau. Cậu là một trong số bạn thân nhất của tôi, cậu đeo cặp kính dày, có mái tóc hung hung đỏ mà cậu vốn rất ghét và giọng nói vỡ ra khi xúc động. Trước đây tôi không biết rằng Bruno vẫn còn sống, rồi một ngày tôi đang đi bộ dọc đường East Broadway thì nghe thấy giọng cậu. Tôi quay lại. Bruno xây lưng lại phía tôi, đang đứng trước một hiệu tạp hóa hỏi giá thứ quả gì đó. Tôi nghĩ: mày chỉ tưởng tượng ra thôi, mày đúng là kẻ ngủ mơ, làm thế quái nào đó lại là bạn thời thơ ấu của mày được chứ? Tôi đứng như trời trồng trên vỉa hè. Cậu ta nằm dưới lòng đất rồi, tôi tự nhủ. Mày đang ở đây giữa nước Mỹ, nơi có tiệm ăn nhanh McDonald cơ mà, tỉnh lại đi. Tôi chờ đợi, chỉ để thật chắc chắn. Tôi đã không nhận ra mặt cậu ấy. Nhưng. Dáng đi của cậu ấy không lẫn vào đâu được. Khi cậu sắp sửa bước qua tôi, tôi chìa cánh tay ra. Tôi không biết mình đang làm gì nữa, có khi chỉ là tôi đang tưởng tượng, tôi túm lấy tay áo cậu. Bruno, tôi nói. Cậu dừng bước xoay người lại. Ban đầu cậu có vẻ sợ hãi rồi bối rối. Bruno. Cậu nhìn tôi, hai mắt bắt đầu ướt lệ. Tôi nắm lấy bàn tay kia của Bruno. Tôi đã nắm được một bàn tay và một tay áo. Bruno. Người cậu bắt đầu run lên. Cậu đưa tay lên chạm vào má tôi. Chúng tôi cùng đứng giữa vỉa hè, mọi người vội vã bước qua, đó là một ngày tháng Sáu ấm áp. Mái tóc Bruno mỏng và bạc trắng. Cậu làm rơi túi quả. Bruno. Truyen8.mobi


Vài năm sau vợ Bruno mất. Không chịu nổi khi sống trong căn hộ ấy mà không có vợ, mọi thứ đều khiến Bruno nhớ tới cô, thế nên khi có một căn hộ ở tầng trên nhà tôi chuyển đi thì cậu chuyển vào. Chúng tôi thường ngồi với nhau ở bàn ăn phòng tôi. Có khi cả buổi chiều trôi qua mà cả hai chẳng nói một lời. Nếu nói chuyện, chúng tôi không bao giờ dùng tiếng Yiddish. Ngôn ngữ của thời niên thiếu trở nên lạ lẫm với cả hai - chúng tôi không thể sử dụng nó được như cũ, vì thế cả hai chọn cách không bao giờ dùng tới nữa. Cuộc sống đòi hỏi một ngôn ngữ mới.

Bruno, người bạn già chung thủy của tôi. Tôi vẫn chưa mô tả cậu ấy cho thật đầy đủ. Liệu có đủ khi nói rằng cậu là người không thể tả nổi? Không. Thà thử rồi thất bại còn hơn không thử lần nào. Phần chân tóc trắng mềm mại của cậu khẽ phất phơ trên lớp da đầu như bông bồ công anh mào lông chỉ còn lơ thơ. Nhiều lần, Bruno ạ, tớ rất muốn được thổi vào đầu cậu và ước một điều. Chỉ một chút lịch sự còn sót lại mới ngăn tớ không làm điều ấy. Hoặc có lẽ tớ nên bắt đầu với chiều cao của cậu, vốn rất hạn chế. Có cố lắm thì cậu hầu như cũng không cao tới ngực tớ. Hay tớ sẽ bắt đầu với cặp mắt kính cậu đã thó từ một cái hộp rồi tuyên bố đó là đồ của cậu, hai thứ tròn to khủng khiếp đã khiến mắt cậu lồi ra đến mức phản ứng thường xuyên của cậu trông như là có động đất 4,5 độ Richter? Đó là mắt kính dành cho phụ nữ, Bruno! Tớ chưa bao giờ có gan nói thật với cậu điều đó. Nhiều lần tớ đã thử. Còn nữa. Hồi nhỏ, cậu là đứa viết lách giỏi hơn. Hồi ấy tớ quá tự phụ nên không nói với cậu điều ấy. Nhưng. Tớ biết. Hãy tin lời tớ, hồi ấy tớ biết rõ điều đó cũng như bây giờ vậy. Tớ đau đớn khi nghĩ tới chuyện mình chưa bao giờ nói với cậu điều đó, cũng như khi nghĩ về tất cả những gì lẽ ra cậu đã có thể đạt được nếu biết về năng khiếu của bản thân. Tha lỗi cho tớ, Bruno. Người bạn lâu năm nhất của tớ. Người bạn thân thiết nhất. Tớ vẫn chưa công bằng với cậu. Khoảng cuối đời tớ cậu đã gần gũi với tớ như vậy. Cậu, đặc biệt là cậu, có lẽ đã tìm ra ngôn từ cho tất cả.

Một lần, cách đây lâu rồi, tôi thấy Bruno nằm giữa sàn phòng khách, bên cạnh một lọ thuốc đã hết sạch. Cậu ấy đã chịu đựng quá đủ. Tất cả những gì cậu ấy muốn là ngủ vĩnh viễn. Bên ngực cậu dán một mẩu giấy ghi: TẠM BIỆT NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. Tôi hét lên. KHÔNG, BRUNO, KHÔNG, KHÔNG, KHÔNG, KHÔNG, KHÔNG! Tôi tát vào mặt cậu, đột nhiên hai mắt Bruno vụt mở. Ánh mắt cậu lờ đờ trống rỗng. TỈNH DẬY ĐI, ĐỒ BỎ ĐI! tôi hét lên. NGHE TỚ NÀY: CẬU PHẢI TỈNH DẬY! Hai mắt Bruno lại vụt mở lần nữa. Tôi gọi 911. Tôi đổ đầy một bát nước lạnh rồi hắt vào mặt cậu. Tôi áp tai vào ngực cậu. Rất xa, một tiếng còi vẳng lại. Xe cứu thương tới. Ở bệnh viện người ta bơm rửa dạ dày Bruno. Tại sao ông uống hết số thuốc ấy? bác sĩ hỏi. Nôn nao, kiệt sức, Bruno bình thản nhướng hai mắt. ÔNG NGHĨ VÌ SAO TÔI UỐNG HẾT CHỖ THUỐC ẤY? cậu rít lên. Phòng hồi sức đột ngột yên lặng, ai nấy đều chằm chằm nhìn cậu. Bruno rên lên và quay vào trong tường. Đêm đó tôi đặt cậu vào giường. Bruno, tôi nói. Rất xin lỗi, cậu nói. Thật ích kỷ. Tôi thở dài quay người chuẩn bị bỏ đi. Ở lại với tớ! cậu kêu lên.

Sau đó chúng tôi không bao giờ nói về chuyện ấy. Cũng hệt như chúng tôi chẳng bao giờ nói về thời thơ ấu, về những ước mơ cả hai cùng chia sẻ rồi đánh mất, về mọi thứ đã xảy ra và đã không xảy ra. Một lần chúng tôi im lặng ngồi cùng nhau. Đột nhiên một trong hai bật cười. Thế rồi tiếng cười lan sang người kia. Chẳng có lý do gì để cười nhưng chúng tôi bắt đầu khúc khích, tiếp theo chúng tôi rung cả người trên ghế rồi lên, rú lên cười, nước mắt chảy đầy xuống má cả hai. Một đốm ướt xuất hiện trên đũng quần tôi, điều đó khiến chúng tôi cười dữ hơn, tôi đập bàn thình thình và cố thở, tôi nghĩ: có thể tôi sẽ ra đi như thế này, trong một tràng cười, còn gì tốt hơn được chứ, cười và khóc, cười và hát, cười để quên đi rằng tôi đơn độc, rằng đó là điểm kết của cuộc đời tôi, rằng thần chết đang đợi tôi ngoài cửa. Truyen8.mobi

Hồi nhỏ, tôi thích viết. Viết là việc duy nhất tôi muốn làm khi lớn lên. Tôi tạo ra những con người tưởng tượng và viết chuyện của họ vào đầy những cuốn vở. Tôi viết về một cậu bé lớn lên người ngợm lông lá tới mức người ta săn đuổi cậu để lấy lông. Cậu phải nấp trong các lùm cây, thế rồi cậu đem lòng yêu một con chim kiêu kỳ hợm hĩnh. Tôi viết về cặp sinh đôi có cơ thể dính nhau, một trong hai kẻ đó yêu tôi. Tôi hình dung những cảnh làm tình hết sức độc đáo. Nhưng chưa hết. Khi lớn lên, tôi đã quyết định rằng mình muốn trở thành một nhà văn thật sự. Tôi cố viết về những điều có thật. Tôi muốn mô tả thế giới, bởi sống trong một thế giới không được mô tả thì thật quá cô đơn. Trước khi bước sang tuổi hai mốt tôi đã viết được ba cuốn sách, có Chúa mới biết chuyện gì xảy ra với ba cuốn sách ấy. Cuốn đầu tiên viết về Slonim, thị trấn tôi sống mà lúc thì thuộc về Ba Lan, lúc lại thuộc về Nga. Tôi đã vẽ một bản đồ thị trấn để làm minh họa, ghi rõ các tòa nhà và cửa hiệu, chỗ này là hàng thịt Kipnis, đây là nhà may Grodzenski, còn đây là nơi sống của Fishl Shapiro - người mà chẳng ai xác định được là tzaddik hay là kẻ đần độn, đây quảng trường và khoảng sân chúng tôi đã chơi, đây là nơi con sông nở ra và đây là chỗ nó hẹp lại, đây là nơi bắt đầu cánh rừng, còn đây là ngọn cây mà Beyla Asch đã treo cổ, đây và đây nữa. Ấy thế nhưng. Khi tôi trao cuốn sách cho người duy nhất ở Slonim có ý kiến mà tôi quan tâm, cô chỉ nhún vai bảo rằng nếu tôi tự tưởng tượng được thì cô thấy thích hơn. Vậy nên tôi viết cuốn sách thứ hai và nghĩ ra nhiều thứ. Tôi đưa vào đó những người mọc cánh, những cây có bộ rễ đâm lên trời, những người quên mất cả tên của mình và những người không thể quên được điều gì; tôi thậm chí còn sáng tạo ra từ ngữ mới. Khi đã hoàn thành, tôi chạy một mạch tới nhà cô. Tôi lao qua cửa, đâm bổ lên gác và đưa cuốn sách cho người duy nhất ở Slonim có ý kiến mà tôi quan tâm. Tôi dựa vào tường và quan sát khuôn mặt cô trong lúc cô đọc. Bên ngoài trời đã tối nhưng cô vẫn đọc. Nhiều giờ trôi qua. Tôi thả người trượt xuống sàn. Cô cứ đọc và đọc. Khi xong, cô ngước lên. Một lúc khá lâu cô không nói gì. Rồi cô nói rằng có lẽ tôi không nên bịa ra mọi thứ bởi như vậy sẽ thật khó tin nổi bất cứ điều gì.

Người khác có lẽ đã bỏ cuộc. Tôi thì bắt đầu lần nữa. Lần này tôi không viết về những thứ có thật và cũng không viết về những thứ tưởng tượng ra. Tôi viết về điều duy nhất tôi biết. Các trang viết cứ dày lên. Ngay cả sau khi người duy nhất có ý kiến mà tôi quan tâm đã lên tàu đi Mỹ, tôi vẫn tiếp tục viết tên cô đầy các trang.

Sau khi cô ra đi, mọi thứ trở nên hỗn loạn. Không người Do Thái nào được an toàn. Có tin đồn về những chuyện bí hiểm, và vì không thể tìm hiểu đúng sai ra sao nên chúng tôi không tin, cho tận tới khi chúng tôi không có lựa chọn nào khác, lúc ấy đã quá muộn. Khi ấy tôi đang làm việc ở Minsk nhưng mất việc nên về nhà ở Slonim. Quân Đức tiến về phía Đông. Chúng đến ngày càng gần hơn. Một buổi sáng chúng tôi nghe tiếng xe tăng của chúng tiến đến, mẹ bảo tôi vào nấp trong rừng. Tôi muốn đưa thằng em út theo, nó mới mười ba tuổi, nhưng mẹ bảo tự bà sẽ dẫn nó. Sao tôi lại nghe lời nhỉ? Vì như vậy dễ hơn à? Tôi rời nhà chạy vào rừng. Tôi nằm yên dưới đất. Có tiếng chó sủa phía xa. Nhiều giờ trôi qua. Rồi những tiếng súng. Rất nhiều tiếng súng. Vì lý do nào đó mọi người không la hét. Hoặc có lẽ tôi đã không nghe thấy tiếng họ la hét. Sau đó chỉ còn im lặng. Người tôi tê liệt, tôi nhớ rằng mình cảm thấy vị máu ở miệng. Giờ tôi cũng không biết khi ấy đã bao thời gian trôi qua nữa. Nhiều ngày. Tôi không bao quay trở về. Khi tỉnh lại, tôi đã đánh mất cái phần duy nhất trong tôi từng nghĩ rằng mình sẽ tìm được ngôn từ diễn tả dù chỉ một phần nhỏ nhất của cuộc sống. Truyen8.mobi

Ấy thế nhưng.

Vài tháng sau cơn đau tim, năm mươi bảy năm sau khi từ bỏ, tôi bắt đầu viết trở lại. Tôi làm việc ấy chỉ vì mình, không vì bất kỳ người nào khác, đó là sự khác biệt. Chuyện tìm kiếm ngôn từ không còn là vấn đề, và quan trọng hơn, tôi biết rằng tìm được từ đúng cũng là điều không thể. Và vì chấp nhận rằng điều tôi đã từng tin là có thể thực ra lại là bất khả, và bởi biết mình sẽ không cho bất kỳ ai đọc một từ nào trong những dòng ấy, tôi viết một câu:

Ngày xưa có một cậu bé.

Câu này vẫn nằm yên đó, trong suốt nhiều ngày cứ thế chăm chăm nhìn lên từ cái nếu không có thì sẽ là trang giấy trắng. Tuần sau đó tôi viết câu tiếp theo. Rồi chẳng mấy chốc có cả một trang. Điều ấy làm tôi hạnh phúc, giống như nói chuyện thật to với chính mình vậy - việc đôi khi tôi vẫn hay làm.

Một lần tôi bảo Bruno, Thử đoán xem tớ viết được bao nhiêu trang rồi?

Chịu, cậu nói.

Viết thử một con số rồi chuyển qua bàn đi, tôi nói. Bruno nhún vai và rút trong túi ra một cây bút. Cậu nghĩ một hai phút gì đó, quan sát kỹ mặt tôi. Đoán chuẩn đi, tôi nói. Cậu tì người trên khăn ăn, nguệch ngoạc một con số rồi chuyển cho tôi. Tôi viết lên khăn ăn của mình con số thực tế - 301. Chúng tôi đẩy hai chiếc khăn ăn qua bàn. Tôi cầm khăn của Bruno lên. Tôi không thể giải thích vì sao cậu lại viết số 200.000. Cậu cầm khăn ăn lên rồi đưa trả lại tôi. Mặt cậu dài thượt ra.

Đôi lúc tôi tin rằng trang cuối cùng cuốn sách của tôi và trang cuối cùng của đời tôi chỉ là một thôi, hoàn toàn giống nhau, rằng khi cuốn sách kết thúc thì đời tôi cũng chấm dứt, một cơn gió lớn sẽ quét qua cả căn hộ của tôi và đưa những trang viết đi, và khi trong không trung không còn những trang giấy trắng chấp chới nữa, căn phòng sẽ chỉ còn sự yên lặng, chiếc ghế tôi từng ngồi sẽ bỏ trống.

Sáng nào tôi cũng viết thêm một chút. Ba trăm lẻ một trang không phải không có ý nghĩa gì. Đôi lúc sau khi viết xong, tôi đi xem phim. Với tôi thì đó luôn là một sự kiện lớn. Có thể tôi mua chút bắp rang bơ và khi có người xung quanh trông thấy, tôi sẽ làm đổ vương vãi. Tôi sẽ ngồi ở hàng ghế đầu để màn ảnh choán hết tầm nhìn của mình sao cho không gì làm tôi mất tập trung vào khoảnh khắc ấy. Và tôi muốn khoảnh khắc đó kéo dài mãi mãi. Tôi không thể nói cho bạn hiểu tôi hạnh phúc thế nào khi ngồi ở đó xem phim, hình ảnh phóng đại lên. Tôi có thể nói là lớn lao hơn cuộc sống, dù chưa bao giờ tôi hiểu được nghĩa của cụm từ này. Cái gì lớn lao hơn cuộc sống chứ? Ngồi hàng ghế trên cùng nhìn lên gương mặt của cô gái đẹp cao bằng tòa nhà hai tầng và để những xung động từ giọng nói của cô vỗ về hai chân sẽ khiến ta nhớ đến tầm vóc thực của cuộc sống. Vậy nên tôi ngồi hàng ghế đầu tiên. Nếu tôi ra về với cảm giác cứng đơ ở cổ và sự cương cứng đang giảm dần thì chỉ bởi đó là chỗ ngồi tốt. Không phải tôi là kẻ bậy bạ. Tôi là người muốn được lớn lao ngang tầm cuộc sống.

Trong cuốn sách của tôi có những đoạn tôi thuộc lòng.

Thuộc lòng, tôi không sử dụng từ đó một cách bừa bãi đâu. Truyen8.mobi

Trái tim tôi yếu ớt, không đáng tin. Khi tôi ra đi, đó sẽ là do tim tôi. Tôi cố gắng hết sức giảm tải cho nó. Nếu có điều gì có thể gây ảnh hưởng, tôi sẽ hướng điều ấy đi chỗ khác. Chẳng hạn như đến ruột, hoặc hai lá phổi - những thứ có thể đột nhiên nghẹt lại một chút nhưng chưa bao giờ phải ngừng một nhịp thở. Khi tôi đi qua một tấm gương và liếc diện mạo của mình trong đó, hoặc khi đang ở bến xe buýt mà có vài đứa trẻ ranh đến phía sau tôi và nói, Ai có mùi cứt thế nhỉ? - những điều nhỏ nhặt làm mất thể diện vẫn xảy ra hằng ngày - những chuyện như thế thì nhìn chung tôi sẽ dùng gan tiếp nhận. Những tổn thương khác tôi đưa vào những bộ phận khác. Tuyến tụy thì tôi dành để chịu đựng tất cả những gì đã đánh mất. Sự thật là có quá nhiều thứ mà cơ quan đó lại rất nhỏ. Nhưng bạn sẽ thấy ngạc nhiên là nó có thể chịu đựng nhiều đến mức nào, tất cả những gì tôi cảm thấy chỉ là một cơn đau nhói nhanh qua. Đôi khi tôi tưởng tượng cảnh giải phẫu chính mình. Thất vọng về bản thân: thận phải. Thất vọng của những người khác về tôi: thận trái. Những thất bại riêng tư: ruột. Tôi không có ý làm ra vẻ như mình đã tạo ra cả một ngành khoa học về vấn đề này. Chuyện này đâu được suy tính cẩn thận như thế. Mọi điều diễn ra hết sức tự nhiên. Chỉ là tôi nhận ra những nguyên tắc hoạt động nhất định thôi. Khi thời gian quay ngược lại và bóng tối trùm xuống trước khi tôi sẵn sàng, tôi cảm nhận được điều này - vì những lý do tôi không giải thích nổi - ở hai cổ tay mình. Và khi tôi tỉnh dậy với các ngón tay cứng đơ thì gần như chắc chắn là tôi vừa mơ về thời thơ ấu. Cánh đồng chúng tôi thường chơi, cánh đồng mà mọi thứ đều đã được khám phá và mọi chuyện đều có thể xảy ra. (Bọn tôi chạy hăng đến mức tưởng như mình sẽ khạc ra máu: với tôi đó là âm thanh của thời thơ ấu - tiếng thở dồn dập và tiếng giày gõ xuống nền đất cứng.) Các ngón tay cứng đơ chính là giấc mơ về thời thơ ấu khi những năm tháng ấy được trả về với tôi vào cuối đời. Tôi phải đưa tay hứng dưới vòi nước nóng, hơi nước làm mờ tấm gương, bên ngoài kia đám bồ câu xôn xao. Hôm qua tôi trông thấy một gã đàn ông đá một con chó và thế là tôi cảm thấy đau ở ngay sau hai mắt. Tôi không biết gọi chỗ này là gì: nơi trước khi nước mắt xuất hiện ấy. Nỗi đau của sự quên lãng: xương sống. Nỗi đau của hồi tưởng: xương sống. Tất cả những lần tôi đột ngột nhận ra rằng cha mẹ mình đã chết, thậm chí ngay cả lúc này, tôi vẫn thấy ngạc nhiên vì mình còn tồn tại trên thế giới trong khi thế giới từng tạo ra tôi không còn tồn tại: hai đầu gối tôi, phải mất nửa ống Ben-Gay và rất nhiều nỗ lực chỉ để co gối lại thôi đấy. Để tiếp nhận những thứ đến và đi theo thời kỳ, cũng như những lần tôi thức dậy và trong giây lát cứ tưởng có người đang nằm ngủ cạnh mình: búi trĩ. Nỗi cô đơn: không có cơ quan nào tiếp nhận được cả.

Mỗi sáng lại thêm một chút.

Ngày xưa có một cậu bé. Cậu sống ở một ngôi làng bây giờ không còn tồn tại, trong một căn nhà bây giờ không còn tồn tại, bên rìa một cánh đồng bây giờ không còn tồn tại, nơi mọi thứ đều được khám phá và mọi chuyện đều có thể xảy ra. Một cái que có thể là thanh gươm. Một viên cuội có thể là kim cương. Một ngọn cây có thể thành lâu đài. Truyen8.mobi

Ngày xưa có một cậu bé sống trong căn nhà mà phía bên kia cánh đồng có một cô bé giờ không còn nữa. Cả hai đã nghĩ ra cả ngàn trò chơi. Cô là Hoàng hậu còn cậu là Vua. Trong nắng thu, mái tóc cô sáng lên như vương miện. Họ nắm thế giới trong những bàn tay nhỏ nhắn. Rồi khi trời tối, cả hai chia tay nhau khi lá vẫn còn vương trong tóc.

Ngày xưa có một cậu bé yêu một cô bé, tiếng cười của cô là câu hỏi mà cậu muốn dành cả cuộc đời để tìm câu trả lời. Khi họ lên mười, cậu ngỏ lời cầu hôn với cô. Khi mười một tuổi, cậu dành cho cô nụ hôn đầu. Lúc mười ba tuổi có một lần cả hai cãi nhau to và suốt ba tuần họ không nói với nhau câu nào. Khi mười lăm tuổi, cô cho cậu xem vết sẹo trên ngực trái. Tình yêu giữa họ là một bí mật không hé lộ với bất cứ ai. Cậu hứa với cô rằng chừng nào còn sống, cậu sẽ không yêu cô gái nào khác. Nếu em chết thì sao? cô hỏi. Khi ấy vẫn thế, cậu đáp. Vào sinh nhật thứ mười sáu của cô, cậu tặng cô một cuốn từ điển tiếng Anh rồi cả hai cùng nhau học từ. Cái gì đây? cậu hỏi và di ngón trỏ quanh mắt cá chân cô, rồi cô sẽ tra từ đó. Còn đây? cậu hỏi và hôn khuỷu tay cô. Elbow! Từ với ngữ kiểu gì thế không biết? và cậu sẽ liếm khuỷu tay cô, khiến cô cười khúc khích. Thế còn đây? cậu hỏi, chạm vào làn da mềm mại sau tai cô. Em không biết, cô nói rồi tắt đèn pin và thở dài xoay người nằm ngửa. Mười bảy tuổi, họ ân ái lần đầu tiên, trên lớp rạ trong một chuồng gia súc. Sau này - khi những chuyện họ không thể tưởng tượng nổi xảy ra - cô viết cho cậu một lá thư có đoạn: Khi nào anh mới hiểu rằng không có ngôn từ cho tất cả?

Ngày xưa có một chàng trai yêu cô gái, cha cô đã hết sức khôn ngoan dốc toàn bộ những đồng zloty mình có để đưa con gái út sang Mỹ. Ban đầu cô không chịu đi, nhưng chàng trai cũng hiểu chuyện nên đã nài nỉ cô, thề rằng có chết anh cũng kiếm chút tiền và tìm cách sang theo cô. Thế nên cô ra đi. Anh kiếm được việc ở thành phố gần nhất, làm lao công trong một bệnh viện. Ban đêm anh thức muộn để viết sách. Anh gửi cho cô một lá thư trong đó anh chép mười một chương của cuốn truyện bằng chữ nhỏ li ti. Anh thậm chí không chắc liệu lá thư có đến nơi hay không. Anh tiết kiệm tiền hết mức có thể. Một ngày kia anh bị sa thải. Không ai nói tại sao. Anh trở về nhà. Mùa hè năm 1941, các Einsatzgruppen tiến sâu hơn về phía Đông, giết hại vài trăm ngàn người Do Thái. Một ngày nắng nóng tháng Bảy, chúng tiến vào Slonim. Vào giờ đó, vô tình chàng trai đang nằm trong rừng và nghĩ về cô gái. Có thể nói rằng chính tình yêu của anh dành cho cô đã cứu sống anh. Trong những năm sau đó chàng trai trở thành người đàn ông gần như tàng hình. Bằng cách này anh đã thoát khỏi tử thần.

Ngày xưa có một người đàn ông tàng hình đã tới Mỹ. Trước đó anh đã mất ba năm rưỡi lẩn trốn, chủ yếu trong rừng nhưng còn trong cả các con hẻm, nhà kho, hầm hố. Rồi cũng qua. Xe tăng Nga tiến vào. Anh sống sáu tháng trong trại dành cho người vô gia cư. Anh chuyển lời tới người anh họ làm thợ khóa ở Mỹ. Anh nhẩm đi nhẩm lại trong đầu những từ tiếng Anh mà anh biết. Knee. Elbow. Ear. Cuối cùng hồ sơ của anh cũng được duyệt. Anh bắt tàu hỏa ra bến tàu thủy, và sau một tuần anh tới cảng New York. Một ngày mát mẻ tháng Mười một. Gập trong tay anh là mảnh giấy ghi địa chỉ của cô gái. Đêm đó anh nằm thao thức trên sàn nhà người anh họ. Lò sưởi kêu to nhưng anh vẫn thấy biết ơn vì có được hơi ấm. Buổi sáng, người anh họ phải hướng dẫn cho anh ba lần cách bắt tàu điện ngầm đến Brooklyn. Anh mua một bó hồng nhưng chúng héo mất bởi dù anh họ đã hướng dẫn tới ba lần nhưng anh vẫn bị lạc. Cuối cùng anh cũng tìm được nơi đó. Chỉ đến lúc đưa tay nhấn chuông cửa rồi trong đầu anh mới thoáng qua ý nghĩ rằng có lẽ anh nên gọi trước. Cô mở cửa. Cô choàng lên mái tóc một tấm khăn màu xanh nước biển. Anh có thể nghe âm thanh tường thuật một trận đấu bóng vọng qua tường nhà hàng xóm. Truyen8.mobi

Ngày xưa, người con gái từng là cô bé kia đã lên tàu tới Mỹ, cô nôn thốc nôn tháo suốt cả hành trình, không phải do say sóng mà do cô có mang. Khi biết điều ấy cô đã viết thư cho chàng trai. Ngày ngày cô chờ đợi thư từ anh nhưng chẳng có bức nào. Cái bụng lớn dần lên, cô cố giấu để khỏi mất việc ở nhà máy may - nơi cô đang làm việc khi ấy. Vài tuần trước khi đứa bé ra đời, cô nghe người ta kể rằng bọn Đức đang giết người Do Thái ở Ba Lan. Ở đâu? cô hỏi, nhưng không ai biết ở đâu. Cô thôi không đi làm. Cô không thể nhấc nổi mình khỏi giường. Sau một tuần, con trai của ông chủ cô tới thăm. Anh ta mua thức ăn cho cô ăn, cắm một bó hoa vào chiếc bình cạnh giường cô. Khi biết rằng cô đang có mang, anh gọi một bà đỡ. Đứa bé trai ra đời. Một hôm cô gái ngồi dậy trên giường và trông thấy con trai ông chủ đang đưa nôi cho đứa bé trong nắng. Vài tháng sau cô đồng ý lấy anh. Hai năm sau cô sinh thêm một đứa nữa.

Người đàn ông đã trở nên tàng hình ấy đứng trong phòng khách nhà cô nghe toàn bộ chuyện này. Khi ấy anh hai mươi lăm tuổi. Kể từ lần cuối cùng gặp cô, anh đã thay đổi rất nhiều, và lúc này đây một phần trong con người anh muốn cất lên tiếng cười khô lạnh. Cô đưa cho anh bức hình nhỏ chụp thằng bé, lúc đó lên năm tuổi. Bàn tay cô run rẩy. Cô nói: Hồi ấy anh ngừng viết thư. Em nghĩ là anh đã chết. Anh ngắm bức hình chụp thằng bé sẽ lớn lên có dung mạo giống anh và - dù khi ấy anh còn chưa biết - sẽ vào đại học, yêu, thất tình, trở thành một nhà văn nổi tiếng. Nó tên gì? anh hỏi. Cô nói: Em gọi nó là Isaac. Họ đứng im lặng một lúc lâu, trong lúc anh đăm đăm nhìn bức ảnh. Cuối cùng anh cũng gượng nói được ba từ: Đi với anh. Tiếng bọn trẻ hò hét vọng lên từ con phố bên dưới. Cô nhắm nghiền hai mắt. Đi với anh, anh nói và chìa một tay ra. Nước mắt chảy dài trên gương mặt cô. Anh nói với cô ba lần. Cô lắc đầu. Em không thể, cô nói. Cô nhìn xuống sàn. Xin anh, cô nói. Vì thế anh làm việc khó khăn nhất anh từng làm trong đời mình: cầm mũ và bước đi.

Và nếu như người đàn ông ngày xưa là chàng trai hứa rằng sẽ không yêu cô gái nào khác chừng nào anh còn sống đã giữ lời hứa của mình, thì đó không phải do anh ương ngạnh hay thậm chí chung thủy. Anh không thể không làm thế. Và một khi đã từng lẩn trốn ba năm rưỡi thì, che giấu tình yêu của mình với đứa con trai không hề biết rằng anh tồn tại chẳng có vẻ gì là điều không thể tưởng tượng nổi. Nhất là khi người phụ nữ duy nhất anh yêu muốn anh làm thế. Rốt cuộc, phải che giấu thêm một điều nữa cũng có nghĩa lý gì đâu, khi anh ta đã biến mất hoàn toàn?

ĐÊM TRƯỚC KHI đến làm mẫu cho lớp vẽ, tôi thấy hồi hộp và hào hứng. Tôi mở cúc áo sơ mi và cởi ra. Rồi tôi nới lưng quần và cởi ra. Áo lót. Rồi quần lót. Tôi đứng trước tấm gương ngoài sảnh, trên người chỉ còn đôi tất. Tôi có thể nghe thấy tiếng hét của bọn trẻ ở sân chơi bên kia phố. Dây bật bóng điện ở phía trên đầu nhưng tôi không bật. Tôi đứng nhìn mình trong ánh sáng còn sót lại. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình điển trai. Truyen8.mobi

Hồi nhỏ, mẹ và các dì thường bảo rằng lớn lên tôi sẽ trở nên đẹp trai. Hồi đó tôi hiểu rõ mình chẳng phải kẻ đáng để người ta chiêm ngưỡng song vẫn tin rằng rốt cuộc thế nào mình cũng sẽ có chút đẹp đẽ. Giờ tôi không hiểu khi ấy mình nghĩ gì nữa: rằng thì đôi tai tôi - vốn chìa ra thành một góc thô kệch - sẽ thu gọn lại, và bằng cách nào đó đầu tôi sẽ phát triển hợp với đôi tai? Rằng mái tóc tôi - không khác gì bàn chải cọ toilet - theo thời gian sẽ thẳng ra và óng ả? Rằng khuôn mặt tôi, vốn chẳng hứa hẹn gì mấy - hai mí mắt nặng như đeo đá, môi mỏng - rồi đây sẽ tự phát triển thành thứ gì đó không quá tệ? Suốt nhiều năm, buổi sáng thức dậy là tôi ra soi gương liền, lòng khấp khởi hy vọng. Ngay cả khi đã quá lớn tuổi để mà nuôi hy vọng như vậy, tôi vẫn làm thế. Tôi lớn lên mà chẳng có tiến triển gì. Đúng ra thì mọi thứ càng trở nên tệ hơn khi tôi bước vào thời niên thiếu và mất đi những nét hấp dẫn dễ thương mà tất cả trẻ con đều có. Vào năm Bar Mitzvah một đợt trứng cá viếng thăm tôi, chúng lưu lại suốt bốn năm. Nhưng tôi vẫn tiếp tục hy vọng. Ngay khi trứng cá hết, đường chân tóc của tôi bắt đầu lùi lên trên, như thể muốn tách mình khỏi gương mặt đáng xấu hổ của tôi. Hai tai - hài lòng với sự chú ý mới dành cho chúng lúc này - dường như càng ra sức trở thành trung tâm thu hút chú ý hơn nữa. Hai mi mắt tôi cụp xuống - một phần sức căng cơ phải dành hỗ trợ cho nỗ lực của đôi tai - thế nên lông mày tôi giành lấy cuộc sống của riêng chúng, chỉ trong một thời gian ngắn đã đạt được độ dài bất kỳ ai có thể hy vọng, rồi vượt qua tất cả những hy vọng ấy và cứ thế dài ra cho đến khi bằng lông mày người Neanderthal. Trong nhiều năm tôi tiếp tục hy vọng rằng mọi thứ rồi sẽ khác đi, nhưng tôi chẳng bao giờ nhìn vào gương mà nhầm hình ảnh trong đó với thứ gì khác ngoài sự thật. Theo thời gian, tôi ngày càng ít nghĩ về chuyện đó. Rồi gần như chẳng còn nghĩ nữa. Ấy thế nhưng. Có thể một phần nhỏ trong tôi chưa bao giờ ngừng hy vọng - vì thế ngay cả bây giờ có những lúc tôi đứng trước gương, tay nắm thằng nhỏ đã nhăn nheo, thầm tin rằng thời điểm tôi trở nên điển trai vẫn chưa tới.

Buổi sáng tới lớp học vẽ, ngày 19 tháng Chín, tôi thức giấc trong trạng thái phấn khích. Tôi mặc quần áo, điểm tâm bằng một thanh Metamucil, sau đó vào nhà vệ sinh và hồi hộp đợi kết quả. Nửa giờ chẳng được gì, nhưng sự lạc quan của tôi chẳng hề mất. Rồi tôi cũng cố rặn được một loạt viên nho nhỏ. Tràn đầy hy vọng, tôi chờ thêm chút nữa. Rất có khả năng tôi sẽ chết khi đang ngồi trên bồn cầu, quần ngang mắt cá. Tóm lại tôi đã ngồi rất lâu ở đó, toàn bộ chuyện này nêu lên một câu hỏi khác, đó là: ai sẽ là người đầu tiên trông thấy tôi chết?

Tôi tắm rửa rồi mặc quần áo. Ngày chậm chạp trôi. Khi không chờ được nữa, tôi bắt một chuyến xe bus chạy cắt ngang thành phố. Mẩu quảng cáo trên báo được gập vuông nhét túi, vài lần tôi lấy ra để xem địa chỉ dù đã thuộc lòng. Phải mất một lúc tôi mới tìm được đúng tòa nhà. Ban đầu tôi nghĩ có sự nhầm lẫn nào đó. Tôi đi qua nó ba lần cho tới khi nhận ra rằng chắc chắn là tòa nhà đó rồi. Đó là một nhà kho cũ. Cửa trước han gỉ, được giữ cho mở ra bằng một thùng các tông. Trong khoảnh khắc, tôi để bản thân tưởng tượng rằng mình đã bị dụ tới đây, bị cướp rồi giết. Tôi tưởng tượng cảnh thân thể mình nằm trong một vũng máu trên sàn nhà.

Trời đã tối, bắt đầu có mưa. Tôi sung sướng cảm nhận gió và những hạt mưa trên mặt, thầm nghĩ rằng tôi chỉ còn rất ít thời gian sống. Tôi cứ đứng đó, không thể tiến, không thể thoái lui. Cuối cùng tôi nghe thấy tiếng cười vọng ra từ bên trong. Thấy chưa, mày đúng là đồ dở hơi, tôi nghĩ. Tôi với tay định cầm lấy tay nắm cửa thì đúng lúc đó cửa bật mở. Một cô gái mặc chiếc áo len quá khổ so với người bước ra. Cô xắn hai tay áo lên. Hai cánh tay cô gầy gò xanh tái. Ông cần giúp gì à? cô hỏi. Có những lỗ nhỏ xíu trên chiếc áo len. Chiếc áo dài xuống tận đầu gối, bên dưới cô gái mặc một chiếc váy. Hai ống chân cô để trần dù trời lạnh. Tôi đang tìm lớp vẽ. Có một mẩu quảng cáo đăng trên báo, có lẽ tôi đã đến sai chỗ… tôi lập cập sục túi áo khoác tìm mẩu quảng cáo. Cô gái ra hiệu, trỏ lên gác. Tầng hai, phòng đầu tiên bên phải. Nhưng một tiếng nữa mới đến giờ vào lớp. Tôi ngước nhìn tòa nhà. Tôi nói, Tôi nghĩ mình có thể lạc đường nên đến sớm. Cô đang run lên. Tôi cởi áo mưa. Này, mặc cái này vào. Cô sẽ ốm mất. Cô gái nhún vai nhưng không cử động để lấy cái áo. Tôi vẫn chìa tay ra cho đến lúc thấy rõ rằng cô sẽ không lấy nó. Truyen8.mobi

Chẳng có gì để nói nữa. Có cầu thang, vì thế tôi bước lên. Tim tôi đang đập mạnh. Tôi tính chuyện quay trở lại: đi qua cô gái, xuôi con phố đầy rác rưởi, xuyên qua thành phố, trở về căn hộ của tôi nơi vẫn còn việc để làm. Tôi là loại người ngốc nghếch gì vậy khi nghĩ rằng người ta sẽ chẳng quay đi khi tôi cởi áo và tụt quần rồi đứng trần như nhộng trước mặt họ? Khi nghĩ rằng họ sẽ quan sát đôi chân nổi đầy tĩnh mạch, hai hòn cà vặn vẹo và lông lá của tôi, và rồi gì chứ - bắt tay vào phác họa? Ấy thế nhưng. Tôi không quay lại. Tôi nắm chặt lấy tay vịn và bước lên cầu thang. Tôi có thể nghe thấy tiếng mưa rơi lên cửa sổ mái. Một ngọn đèn đầy muội đen chiếu thẳng từ trên xuống. Cuối cầu thang là một hành lang. Bên trái là căn phòng nơi một người đàn ông đang vẽ trên một tấm toan lớn. Căn phòng bên phải trống trơn. Có một khối phủ một tấm nhung đen dài, một vòng tròn ghế gấp và giá vẽ lộn xộn. Tôi bước vào và ngồi xuống chờ đợi.

Sau nửa giờ người ta bắt đầu bước vào. Một người phụ nữ hỏi tôi là ai. Tôi đến đây vì mẩu quảng cáo ấy mà, tôi nói với cô. Tôi đã gọi điện và nói chuyện với một người. Tôi thấy nhẹ cả người vì cô có vẻ hiểu. Cô chỉ cho tôi chỗ thay đồ, một góc có treo tấm rèm tạm bợ. Tôi đứng đó và người phụ nữ kéo rèm che quanh tôi. Nghe thấy tiếng chân cô bước ra xa, nhưng tôi vẫn đứng yên. Một phút trôi qua, thế rồi tôi bỏ giày. Tôi xếp hai chiếc thật ngay ngắn. Tôi tụt tất và nhét vào giày. Tôi bật cúc áo sơ mi và cởi ra; có một cái mắc nên tôi treo lên đó. Tôi nghe tiếng ghế va chạm rồi tới tiếng cười. Đột nhiên tôi chẳng hề quan tâm đến chuyện có người trông thấy mình nữa. Tôi muốn vồ lấy đôi giày và chuồn ra khỏi phòng, xuống cầu thang và ra khỏi đó. Ấy thế nhưng. Tôi cởi cúc quần. Rồi một ý nghĩ xuất hiện trong tôi: chính xác thì “khỏa thân” nghĩa là gì?

Liệu có thực sự nghĩa là không mặc đồ lót? Tôi ngẫm nghĩ. Nếu người ta muốn trông thấy tôi khi vẫn mặc đồ lót mà tôi lại bước ra với cái-bạn-biết-là-gì lủng lẳng thì sao? Tôi với tay lấy ra mẩu quảng cáo trong túi. NGƯỜI MẪU KHỎA THÂN, mẩu báo ghi thế. Đừng có ngu ngốc, tôi tự nhủ. Đây không phải những họa sĩ nghiệp dư. Chiếc quần lót đã tụt xuống đầu gối tôi thì tiếng bước chân của người phụ nữ trở lại. Ông ở đó ổn chứ? Ai đó mở một cánh cửa sổ và một chiếc xe hơi phóng vọt qua dưới làn mưa. Ổn, ổn. Chút nữa tôi sẽ ra. Tôi nhìn xuống. Có một vết bẩn bé xíu. Đám ruột của tôi. Chúng chưa bao giờ ngừng làm tôi kinh sợ. Tôi bước chân ra khỏi chiếc quần lót và cuộn nó thành cục tròn.

Tôi nghĩ: xét cho cùng cũng có thể mình tới đây để chết. Chẳng phải tôi chưa từng thấy nhà kho nào trước đó hay sao? Có thể những người này là kiểu người mà người ta gọi là thiên thần. Cô gái bên ngoài, tất nhiên rồi, làm sao tôi lại không nhận ra được chứ, cô ta rất nhợt nhạt. Tôi đứng không động đậy. Tôi bắt đầu thấy lạnh. Tôi nghĩ: vậy ra đây là cách thần chết tóm lấy mày. Trần truồng trong một nhà kho bỏ không. Ngày mai Bruno sẽ xuống gác, gõ cửa phòng tôi và sẽ không có ai trả lời. Tha thứ cho tớ, Bruno. Tớ vẫn luôn muốn nói lời tạm biệt với cậu. Tớ xin lỗi vì đã làm cậu thất vọng với số trang viết ít ỏi. Rồi tôi nghĩ: cuốn sách của tôi. Ai sẽ tìm thấy nó? Liệu nó có bị ném đi, cùng với những thứ đồ khác của tôi? Mặc dù nghĩ rằng tôi viết cuốn sách ấy cho bản thân, sự thật là tôi vẫn muốn có ai đó đọc nó. Truyen8.mobi

Tôi nhắm hai mắt và hít vào. Ai sẽ lau rửa thi thể tôi? Ai sẽ đọc kinh Kaddish? Tôi nghĩ: hai bàn tay của mẹ tôi. Tôi kéo rèm ra. Tôi thấy cổ họng nghẹn lại. Tôi bước về phía trước. Nheo mắt trước ánh điện, tôi đã đứng trước họ.

Tôi chưa bao giờ là người có tham vọng lớn.

Tôi rất dễ khóc.

Tôi không có đầu óc khoa học.

Tôi thường bất lực trong việc tìm từ ngữ để diễn đạt.

Trong khi những người khác cầu nguyện, tôi chỉ mấp máy môi.

Xin mời.

Người phụ nữ lúc nãy chỉ chỗ thay đồ cho tôi trỏ về phía chiếc bục phủ nhung.

Xin đứng đây.

Tôi bước qua sàn. Có khoảng mười hai người, ngồi ở ghế và cầm các tập vẽ. Cô gái mặc chiếc áo len rộng cũng ở đó.

Hãy làm bất kỳ điều gì ông thấy thoải mái.

Tôi không biết xoay mặt về phía nào. Họ xếp thành vòng tròn nên ai đó sẽ phải đối diện với hậu môn của tôi dù có xoay kiểu gì. Tôi chọn cách giữ nguyên tư thế như hiện tại. Tôi để hai cánh tay xuôi dọc theo thân và tập trung nhìn vào một điểm trên sàn. Họ nhấc bút chì lên.

Chẳng có gì xảy ra. Thay vào đó, tôi cảm nhận được lớp vải nhung sần dưới hai bàn chân, lông tay dựng lên, các ngón tay tôi như mười quả tạ nhỏ trĩu xuống. Tôi thấy nhột nhạt trước ánh nhìn của mười hai cặp mắt. Tôi ngẩng đầu lên.

Hãy cố đứng yên, người phụ nữ nói.

Tôi chằm chằm nhìn vào một kẽ nứt trên sàn bê tông. Tôi có thể nghe tiếng bút chì của họ lướt trên trang vẽ. Tôi muốn mỉm cười. Cơ thể tôi đã bắt đầu nổi loạn, hai đầu gối bắt đầu run còn các cơ lưng căng ra. Nhưng tôi chẳng quan tâm. Nếu cần, tôi sẽ đứng đây suốt cả ngày. Mười lăm rồi hai mươi phút trôi qua. Rồi người phụ nữ nói: Sao chúng ta không nghỉ một chút rồi bắt đầu lại với một tư thế khác nhỉ.

Tôi ngồi. Tôi đứng. Tôi xoay để những người chưa đối diện với hậu môn tôi giờ trông thấy nó. Các trang vẽ lật qua. Tiếp tục như thế, tôi không biết là bao lâu. Một lần tôi nghĩ mình sắp xỉu. Tôi hết tỉnh táo lại đến đờ đẫn rồi lại tỉnh táo và đờ đẫn. Hai mắt tôi nhòa lệ vì đau đớn.

Làm thế nào đó tôi đã mặc lại quần áo được. Tôi không thể tìm thấy quần lót và đã quá mệt mỏi nên thôi không tìm nữa. Tôi lê xuống cầu thang, hai tay bám chặt lan can. Người phụ nữ theo sau tôi, cô nói, Chờ chút, ông quên lấy mười lăm đô la. Tôi cầm tiền rồi khi đút tiền vào túi, tôi sờ thấy chiếc quần lót vo tròn ở đó. Cảm ơn. Tôi nói thật lòng. Tôi kiệt sức. Nhưng hạnh phúc. Truyen8.mobi

Tôi muốn nói ở một nơi nào đó rằng: tôi đã cố gắng khoan dung. Nhưng không hẳn. Có những thời điểm trong đời mình, nhiều năm trời, giận dữ đã chi phối tôi. Sự xấu xí của tôi lộ hết cả ra ngoài. Trong cay đắng cũng có chút hài lòng nhất định. Tôi cố gắng ve vãn nó. Nó đang đứng ngoài, tôi mời nó vào. Tôi quắc mắt với thế giới. Và thế giới cau có lại với tôi. Chúng tôi cùng chằm chằm nhìn nhau với vẻ ghê tởm. Trước đây tôi thường đóng sập cửa trước mặt người khác. Tôi đánh rắm khi muốn đánh rắm. Tôi tố cáo nhân viên thu ngân ăn lận vài xu trong khi tôi vẫn nắm đồng xu ấy trong tay mình. Rồi một ngày tôi nhận ra rằng tôi đang trở thành loại người đáng khinh chuyên làm những điều ti tiện ngớ ngẩn. Người ta đi qua đường để tránh mặt tôi. Tôi là hiện thân của một căn bệnh quái ác. Và nói thật lòng: tôi không thực sự giận dữ. Không còn nữa. Tôi đã bỏ lại cơn giận của mình ở đâu đó từ lâu rồi. Bỏ nó xuống một chiếc ghế trong công viên và bước đi. Ấy thế nhưng. Bao năm trôi qua tôi không biết cách sống nào khác. Bỗng một hôm tỉnh dậy tôi nói với mình: không phải đã quá muộn. Những ngày đầu tiên đến thật lạ lùng. Tôi phải tập mỉm cười trước gương. Nhưng nó đã trở lại với tôi. Như thể một gánh nặng đã được trút bỏ. Tôi buông ra và có thứ gì đó đã buông tôi ra. Vài tháng sau, tôi gặp Bruno.

Khi tôi từ lớp vẽ trở về, có một mẩu giấy của Bruno gắn trên cửa phòng tôi. Mẩu giấy viết: CẬU Ở ĐÂU? Tôi quá mệt mỏi nên không thể leo lên gác bảo với cậu. Trong nhà tối om, tôi kéo sợi dây bật bóng đèn ở sảnh. Tôi nhìn mình trong gương. Mái tóc tôi - phần còn lại của mái tóc thì đúng hơn - dựng đứng ở phía sau đầu như một ngọn sóng chồm lên. Gương mặt tôi trông nhăn nheo như một thứ đồ bị bỏ ngoài mưa.

Tôi đổ vật xuống giường, người vẫn còn mặc nguyên quần áo trừ quần lót. Quá nửa đêm thì chuông điện thoại reo. Tôi tỉnh dậy khi đang dở giấc mơ, trong mơ tôi dạy cho cậu em trai Josef đái thành hình cung. Đôi lúc tôi gặp ác mộng. Nhưng đây không phải ác mộng. Chúng tôi đang ở trong rừng, cái lạnh bập răng vào lưng cả hai. Hơi nước từ tuyết bốc lên. Josef quay về phía tôi, mỉm cười. Một đứa bé đẹp, tóc vàng, mắt xám. Màu xám, giống đại dương vào ngày không có mặt trời, hoặc giống con voi tôi đã trông thấy ở quảng trường thành phố khi tôi bằng tuổi nó. Rõ như ban ngày, đứng trong ánh mặt trời như rắc bụi. Sau đó không ai còn nhớ là đã trông thấy con voi ấy, và bởi không thể hiểu được làm thế nào một con voi lại đến được Slonim, không ai tin tôi cả. Nhưng tôi đã trông thấy nó.

Có tiếng còi hụ xa xa. Ngay khi em trai tôi mở miệng nói, giấc mơ vỡ tan và tôi thức giấc trong bóng tối phòng ngủ của mình, mưa lộp độp gõ vào cửa kính. Điện thoại tiếp tục đổ chuông. Là Bruno, chẳng nghi ngờ gì cả. Nếu không ngại rằng cậu ta sẽ gọi cảnh sát thì tôi đã lờ tịt đi rồi. Sao cậu ta không chỉ lấy gậy chống gõ vào lò sưởi như vẫn thường làm nhỉ? Gõ ba lần nghĩa là CẬU CÒN SỐNG KHÔNG?, hai lần là CÒN, một là KHÔNG. Chúng tôi chỉ làm việc đó vào ban đêm, ban ngày quá ồn ào và dù sao đi nữa thì không phải lúc nào cũng hữu dụng bởi Bruno thường ngủ thiếp đi trong khi vẫn đeo tai nghe Walkman.

Tôi tung chăn và lập cập bước sang phía bên kia phòng, va ngay vào chân bàn ăn. A LÔ? Tôi hét vào điện thoại nhưng bên kia đã ngắt máy. Tôi gác máy, vào bếp và lấy một chiếc cốc từ tủ đựng đồ xuống. Nước trong vòi kêu ùng ục rồi bắn vọt ra. Tôi uống một chút rồi nhớ ra cái cây cảnh của mình. Tôi đã có nó được gần mười năm. Nó chẳng có bao nhiêu sức sống, nhưng vẫn sống. Màu nâu nhiều hơn xanh. Có những phần đã héo khô. Nhưng nó vẫn cứ sống, luôn ngả về phía bên trái. Ngay cả khi tôi xoay sao cho phần cây từng hướng về phía mặt trời không còn xoay về phía mặt trời nữa, nó vẫn ương bướng ngả về bên trái, chọn cách chống lại nhu cầu tự nhiên để ưu tiên cho một hành động sáng tạo. Tôi đổ số nước còn lại trong cốc vào chậu. Mà sum sê có nghĩa gì nhỉ?

Một lát sau chuông điện thoại lại đổ. Được rồi, được rồi, tôi nói và nhấc ống nghe lên. Không cần phải đánh thức cả khu nhà dậy đâu. Đầu dây bên kia im lặng. Tôi nói: Bruno hả? Truyen8.mobi

Có phải ông Leopold Gursky đấy không?

Tôi đoán chắc là người ta đang cố bán được cho tôi thứ gì đó. Người ta luôn gọi điện để bán hàng. Một lần họ nói rằng nếu tôi gửi một tấm séc 99 đô la, tôi nhất định sẽ được một thẻ tín dụng, tôi nói, Đúng, chắc chắn rồi, và nếu tôi bước dưới một con bồ câu thì tôi nhất định sẽ được một đống phân.

Nhưng người đàn ông đầu dây bên kia nói rằng ông ta chẳng cố bán cho tôi thứ gì. Ông ta đã khóa cửa và không vào nổi nhà của chính mình. Ông ta đã gọi điện cho Trung tâm Thông tin để xin số điện thoại của một thợ khóa. Tôi bảo ông ta rằng tôi đã nghỉ việc. Người đàn ông ngừng lại. Có vẻ ông ta không thể tin nổi vận đen của mình. Ông ta đã gọi ba người khác nhưng chẳng ai nhấc máy. Ở đây đang mưa như trút, ông ta nói.

Ông không thể nghỉ ở chỗ nào khác qua đêm nay à? Buổi sáng thì tìm thợ khóa dễ thôi. Có vô khối ấy.

Không, ông ta nói.

Mà, ý tôi là, liệu có quá đáng không… ông ta bắt đầu rồi ngừng lại, đợi tôi lên tiếng. Tôi chẳng nói gì. OK, thôi vậy. Tôi có thể cảm thấy sự thất vọng trong giọng nói của ông ta. Xin lỗi vì đã quấy rầy ông.

Thế nhưng ông ta chẳng gác máy, tôi cũng vậy. Lòng tôi ngập tràn cảm giác có lỗi. Tôi nghĩ: mình cần ngủ làm gì nhỉ? Sẽ có thời gian mà. Ngày mai. Hoặc ngày kia.

Thôi được, thôi được, tôi nói, dù thực lòng chẳng hề muốn nói như vậy. Tôi sẽ phải lục đống đồ nghề của mình. Có lẽ tôi sẽ phải tìm như tìm kim đáy bể hay hay tìm một người Do Thái ở Ba Lan. Giữ máy chút được chứ - Tôi đang kiếm cái bút.

Ông ta cho tôi địa chỉ tận mạn trên thành phố. Chỉ khi gác máy rồi tôi mới nhớ ra rằng có thể tôi phải chờ đến lúc mọc rễ thì mới có xe bus xuất hiện vào giờ này. Trong ngăn kéo bếp tôi có danh thiếp của Dịch vụ Xe hơi Sao vàng, không phải bởi tôi đã từng gọi họ. Nhưng chẳng bao giờ ta biết trước điều gì. Tôi gọi một chiếc xe rồi bắt đầu lục tung tủ ngoài sảnh để tìm hộp đồ nghề. Thay vào đó tôi lại tìm thấy hộp đựng mấy cặp kính cũ của mình. Có trời mới biết tôi mua chỗ kính ấy ở đâu. Có lẽ ai đó đã bán chúng trên phố, cùng ít đồ sứ không cùng bộ và con búp bê không đầu. Thi thoảng tôi thử đeo một đôi vào. Một lần tôi tráng trứng trong khi đeo đôi kính dùng để đọc sách của các bà. Đĩa trứng tráng trông ra thật khổng lồ, chỉ nhìn thôi cũng khiến tim tôi cũng thắt lại vì sợ. Tôi quờ tay trong hộp và lôi ra một đôi. Mắt kính vuông, sáng màu và dày hơn một phân. Tôi đeo vào. Sàn nhà sụt xuống dưới chân và khi tôi thử bước một bước, nó bật lên. Tôi lập cập tiến về tấm gương ngoài sảnh. Tôi ghé sát vào gương để nhìn cho rõ nhưng tính toán nhầm nên cộc đầu vào tấm gương. Chuông cửa kêu. Người ta cứ thích đến khi ta chưa chuẩn bị sẵn sàng. Một phút nữa tôi sẽ xuống, tôi hét vào loa. Khi tôi gỡ cặp kính ra, hộp đồ nghề nằm ngay dưới mũi mình. Tôi đặt một bàn tay trên nắp chiếc hộp méo mó. Rồi tôi nhặt áo mưa từ sàn lên, soi gương vuốt lại mái tóc và bước ra ngoài. Mẩu giấy của Bruno vẫn còn dán ở cửa, tôi vò nát và nhét vào túi.

Một chiếc limousine đen đứng nổ máy dưới phố, mưa đổ xuống trong ánh đèn pha. Ngoài chiếc này, chỉ có vài chiếc xe không người khác đậu dọc lề đường. Tôi chuẩn bị quay vào tòa nhà thì tài xế chiếc limousine hạ kính cửa sổ xuống và gọi tên tôi. Ông ta đội mũ xếp màu tía. Tôi bước tới bên cửa sổ xe. Chắc là có nhầm lẫn, tôi nói. Tôi đã gọi một chiếc xe hơi. Truyen8.mobi

OK, ông ta nói.

Nhưng đây là chiếc limousine, tôi chỉ rõ.

OK, ông ta nhắc lại, ra hiệu cho tôi vào trong xe.

Tôi không thể trả thêm tiền.

Chiếc mũ xếp gật gật. Ông ta nói: Vào xe đi, trước khi ông ướt sạch.

Tôi chui vào trong. Có ghế bọc da, hai chai rượu bằng pha lê để dọc tủ đồ. Xe to hơn tôi tưởng tượng. Tiếng nhạc du dương êm ái từ phía trước và nhịp điệu nhẹ nhàng của cần gạt nước như mơn man tôi. Tài xế cho mũi xe ngoặt vào đường rồi hai chúng tôi chạy vào màn đêm. Ánh đèn giao thông nhòe ra trên những vũng nước. Tôi mở một chai pha lê nhưng nó rỗng không. Có một lọ k 572e ẹo bạc hà nhỏ, tôi dốc vào đầy các túi mình. Khi nhìn xuống, tôi thấy mình chưa kéo khóa quần.

Tôi ngồi thẳng người lên và hắng giọng.

Thưa quý ông quý bà, tôi sẽ cố hết sức nói sao cho ngắn gọn, tất cả các vị đã kiên nhẫn lắm rồi. Sự thật là tôi bị sốc, thật ra tôi đang tự cấu người mình. Một niềm vinh hạnh chỉ có trong mơ, một Huy chương Sao vàng cho Thành tựu Trọn đời, tôi gần như không cất nổi lời… Chuyện này có thật đấy chứ? Ấy thế nhưng. Có đấy. Tất cả những bằng chứng cho thấy thế. Trọn đời cơ đấy.

Chúng tôi đi xuyên qua thành phố. Tôi đã từng cuốc bộ qua hết các khu này, nghề nghiệp đưa tôi đi khắp cả thành phố. Thậm chí ở Brooklyn người ta cũng biết tôi, tôi đi khắp mọi nơi. Mở khóa cho người Hasids. Mở khóa cho người da đen. Thậm chí đôi lúc tôi đi bộ cho thoải mái, tôi có thể dành cả ngày Chủ nhật chỉ để cuốc bộ. Một lần cách đây nhiều năm, tôi tự đưa mình tới trước Vườn bách thảo và rồi vào trong để ngắm hoa anh đào. Tôi mua một ít bim bim Cracker Jacks và ngắm nhìn đám cá vàng béo mập lười biếng bơi trong bể. Có một đám cưới đang chụp ảnh dưới một tán cây, những bông hoa trắng khiến cả cây như thể vừa một mình trải qua trận bão tuyết. Tôi tìm tới nhà kính trồng cây nhiệt đới. Bên trong là một thế giới khác, ấm và ẩm ướt, như thể hơi thở của những người đang làm tình đã bị giữ hết cả trong đó. Tôi dùng ngón tay viết lên lớp kính: LEO GURSKY.

Chiếc limousine dừng lại. Tôi tì mặt lên cửa sổ xe. Nhà nào? Người lái xe chỉ một căn nhà liên kế. Đó là căn nhà đẹp có các bậc tam cấp dẫn lên cửa, đá chạm hình những chiếc lá. Mười bảy đô la, người lái xe nói. Tôi lần túi lấy ví tiền. Không có. Túi kia. Có mẩu giấy của Bruno, chiếc quần lót của tôi lúc tối, nhưng chẳng có ví tiền nào. Cả hai túi áo khoác, Không, Không. Chắc chắn trong lúc vội vàng tôi đã quên ví ở nhà rồi. Rồi tôi nhớ ra món tiền kiếm được từ lớp vẽ. Tôi sục tay qua đống kẹo bạc hà, mẩu giấy, chiếc quần lót rồi thấy nó. Xin lỗi, tôi nói. Thật xấu hổ làm sao. Toàn bộ tiền tôi mang theo người là mười lăm đô. Tôi phải thừa nhận rằng khi ấy tôi do dự, không muốn chia tay với những tờ tiền, từ ngữ dành cho chúng không chỉ là “cực kỳ khó kiếm” thôi đâu, mà phải là một từ gì đó khác, cay đắng ngọt ngào hơn thế. Nhưng sau khi lưỡng lự một chút, cái mũ xếp tía gật gật và chỗ tiền của tôi được chấp nhận. Truyen8.mobi

Người đàn ông đứng ở lối vào. Tất nhiên ông ta không trông đợi tôi sẽ đến bằng một chiếc limousine, thế mà tôi nhảy ra như thể Thợ khóa từ trên trời rơi xuống. Tôi thấy xấu hổ và muốn giải thích, Hãy tin tôi, tôi không bao giờ tưởng mình là một nhân vật đặc biệt đâu. Nhưng trời vẫn mưa như trút, thế nên tôi nghĩ rằng người đàn ông cần tôi hơn bất kỳ lời giải thích nào về việc tôi đã tới đó bằng cách gì. Tóc ông ta dính bết cả vì nước mưa. Ông ta cảm ơn tôi ba lần vì đã tới. Không có gì, tôi nói. Ấy thế nhưng. Suýt nữa tôi đã không tới đấy.

Cái khóa thật khó chịu. Người đàn ông đứng phía trên, cầm chiếc đèn pin của tôi. Nước mưa nhỏ giọt xuống gáy tôi. Tôi cảm thấy có bao nhiêu điều phụ thuộc vào việc tôi mở được cái khóa đó. Nhiều phút trôi qua. Tôi cố rồi thất bại. Cố và thất bại. Và rồi cuối cùng tim tôi bắt đầu đập dồn dập. Tôi xoay tay nắm rồi cánh cửa mở ra.

Chúng tôi đứng ở sảnh, nước trên người nhỏ tong tong. Ông ta bỏ giày ra, thế nên tôi cũng tháo giày mình. Ông ta cảm ơn tôi lần nữa rồi đi thay quần áo khô và gọi cho tôi một chiếc xe hơi. Tôi cố gắng khước từ, nói rằng tôi có thể bắt xe bus hay vẫy taxi, thế nhưng ông ta không nghe thấy vì tiếng mưa. Ông ta để tôi lại trong phòng khách. Tôi thơ thẩn đi vào phòng ăn, từ đó tôi trông thấy một căn phòng đầy sách. Tôi chưa từng thấy nơi nào không phải thư viện mà có nhiều sách như thế. Tôi bước vào.

Tôi cũng thích đọc sách. Tôi tới thư viện nơi tôi ở mỗi tháng một lần. Cho mình thì tôi lấy một cuốn tiểu thuyết; do Bruno bị đục nhân mắt nên tôi lấy cho cậu một cuốn sách thâu băng. Ban đầu cậu tỏ ra hoài nghi. Tớ phải làm gì với thứ này? cậu nói và nhìn chiếc hộp đựng băng Anna Karenina cứ như thể tôi vừa đưa cho cậu hộp đựng chất thụt hậu môn vậy. Ấy thế nhưng. Một hay hai ngày sau đó, khi tôi chuẩn bị đi có việc thì một âm thanh từ trên gác ầm ầm vọng xuống: TẤT CẢ CÁC GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC ĐỀU GIỐNG NHAU, tí nữa làm tôi cuồng lên. Sau đó bất kỳ cuốn nào tôi mang cho là cậu đều nghe với âm lượng tối đa, sau đó trả lại tôi mà không bình luận gì. Một buổi chiều tôi từ thư viện trở về, mang theo băng Ulysses. Sáng hôm sau, khi tôi đang trong nhà vệ sinh thì CHÀNG BÉO OAI VỆ BUCK MULLIGAN, dội từ phía trên xuống. Cậu ta nghe suốt một tháng liền. Bruno có thói quen khi chưa hiểu đầy đủ điều gì đó, cậu bấm nút dừng và tua lại. THỂ THỨC KHÔN CƯỠNG CỦA HỮU THỂ: CHÍ ÍT LÀ NHƯ VẬY. Tạm dừng, tua lại. THỂ THỨC KHÔN CƯỠNG CỦA. Tạm dừng, tua lại. THỂ THỨC KHÔN CƯỠNG. Tạm dừng. THỂ THỨC. Khi tới ngày phải trả, cậu muốn mượn thêm lần nữa. Đến lúc ấy tôi đã chán với trò ngừng rồi chạy băng của cậu nên tôi đến cửa hàng The Wiz kiếm cho cậu một chiếc máy nghe nhạc Sony Sportsman, giờ thì Bruno đi đâu cũng giắt chiếc máy vào thắt lưng. Theo như tôi biết, cậu chỉ thích giọng Ireland. Truyen8.mobi

Tôi mải mê xem xét hết các giá sách trong nhà người đàn ông. Theo thói quen, tôi nhìn xem có cuốn nào của con trai tôi - Isaac. Quả nhiên là có. Và không chỉ có một mà tới bốn cuốn. Tôi di ngón tay dọc theo gáy các cuốn ấy. Tôi dừng lại ở cuốn Nhà kính và nhấc nó ra khỏi giá. Một cuốn sách đẹp. Tập truyện ngắn. Tôi không biết mình đã đọc chúng đến bao nhiêu lần nữa. Có một truyện - truyện được lấy tên làm nhan đề sách. Đó là truyện tôi thích, nói thế không có nghĩa tôi không thích tất cả các truyện. Nhưng truyện này đứng một mình. Không phải một mình mà riêng ra. Truyện này ngắn nhưng lần nào đọc tôi cũng khóc. Truyện kể về một thiên thần sống ở phố Ludlow. Không xa tôi, chỉ phía bên kia phố Delancey. Thiên thần đã sống ở đó lâu tới mức không nhớ nổi vì sao Chúa trời đưa mình xuống hạ giới. Ban đêm thiên thần nói chuyện với Chúa, còn ban ngày cậu trông chờ một lời nào đó từ Người. Để giết thời gian, thiên thần đi bộ khắp thành phố. Ban đầu cậu thường ngạc nhiên về mọi thứ. Cậu bắt đầu thu thập các viên sỏi. Dạy cho chính mình các bài toán khó. Ấy thế nhưng. Mỗi ngày trôi qua cậu lại bớt mù mờ hơn một chút về vẻ đẹp của thế giới. Ban đêm, thiên thần nằm thao thức lắng nghe tiếng bước chân của góa phụ tầng trên mình và mỗi sáng, ở cầu thang, cậu bước qua ông già - ông Grossmark - người dành hết thời gian ban ngày của mình lê bước hết lên lại xuống gác, lên lại xuống, miệng lầm bầm Ai đó? Thiên thần có thể nói rằng đó là tất cả những gì ông già từng nói, trừ một lần khi thiên thần bước qua cầu thang, đột nhiên ông già xoay về phía cậu và nói Tôi là ai? Điều ấy làm thiên thần - vốn chẳng bao giờ nói gì và cũng chẳng có ai hỏi - giật mình đến nỗi không thốt nên lời, dù chỉ là: Ông là Grossmark, con người. Càng chứng kiến nhiều đau khổ, trái tim thiên thần càng bắt đầu trở nên chống đối Chúa trời. Cậu bắt đầu lang thang qua các phố vào ban đêm, dừng lại bên bất kỳ ai có vẻ cần một người lắng nghe. Những điều cậu nghe được - quá nhiều. Cậu không thể hiểu nổi. Khi cậu hỏi Chúa vì sao Người làm cho cậu vô dụng đến thế, giọng thiên thần vỡ òa, cố gắng ngăn những giọt nước mắt giận dữ. Cuối cùng cậu ngừng hẳn nói chuyện với Chúa. Một đêm, cậu gặp một người đàn ông dưới một cây cầu. Họ cùng uống chỗ rượu vodka người đàn ông mang trong cái túi nâu. Do thiên thần say, cô đơn và tức giận với Chúa, và cũng vì một lý do ngay cả bản thân thiên thần cũng không biết: cậu thấy mình cần tâm sự với ai đó - một nhu cầu bức thiết thường thấy ở con người, cậu nói cho người đàn ông biết sự thật: cậu là một thiên thần. Người đàn ông không tin cậu nhưng thiên thần vẫn một mực khẳng định như vậy. Người đàn ông đòi cậu chứng minh điều ấy. Thế nên dù trời lạnh, thiên thần kéo áo lên và cho người đàn ông xem vòng tròn hoàn hảo trên ngực mình - dấu của một thiên thần. Nhưng điều ấy chẳng có nghĩa lý gì với người đàn ông, vốn không biết về dấu của thiên thần, thế nên ông ta nói, Hãy cho tôi xem điều Chúa có thể làm, vì vậy thiên thần - ngây thơ như mọi thiên thần - chỉ vào ông ta. Vì người đàn ông nghĩ rằng thiên thần đang nói dối, ông ta đấm vào bụng thiên thần, khiến cậu lảo đảo lùi về sau và ngã khỏi trụ cầu xuống dòng sông đen thẫm. Đó là nơi cậu chết đuối, bởi các thiên thần không biết bơi. Truyen8.mobi

Một mình trong căn phòng đầy sách, tôi cầm cuốn truyện của con trai mình bằng cả hai tay. Lúc đó là nửa đêm. Quá nửa đêm. Tôi nghĩ: Tội nghiệp Bruno. Có lẽ lúc này cậu ấy đã gọi điện cho nhà xác hỏi xem liệu ai đó mang đến một ông già trong ví có mẩu giấy ghi: TÊN TÔI LÀ LEO GURSKY TÔI KHÔNG CÓ GIA ĐÌNH LÀM ƠN GỌI CHO NGHĨA ĐỊA PINELAWN TÔI CÓ MỘT LÔ Ở ĐÓ TRONG KHU DÀNH CHO NGƯỜI DO THÁI XIN CẢM ƠN VÌ ĐÃ QUAN TÂM.

Tôi lật cuốn sách của con trai để nhìn ảnh nó. Chúng tôi đã gặp nhau một lần. Không gặp mà đứng mặt đối mặt. Hôm ấy là một buổi đọc giới thiệu tác phẩm ở số 92 phố Y. Tôi đã mua vé trước bốn tháng. Rất nhiều lần trong đời tôi tưởng tượng ra cảnh chúng tôi gặp nhau. Tôi là cha nó, nó là con trai tôi. Ấy thế nhưng. Tôi biết không bao giờ điều ấy có thể diễn ra, không theo như cách tôi muốn. Tôi đã chấp nhận rằng điều tốt nhất tôi có thể hy vọng là một chỗ trong số những người nghe. Nhưng trong buổi đọc tác phẩm hôm ấy, có điều gì đó nảy ra trong đầu tôi. Sau đó tôi thấy mình đứng trong hàng, hai tay run rẩy khi tôi ấn vào tay nó mẩu giấy mà tôi đã ghi tên mình. Nó liếc nhìn mẩu giấy và chép tên tôi vào một cuốn sách. Tôi cố nói điều gì đó nhưng không có âm thanh nào phát ra. Con trai tôi mỉm cười và cảm ơn tôi. Ấy thế nhưng. Tôi không hề nhúc nhích. Có gì nữa không bác? nó hỏi. Tôi vẩy vẩy hai tay. Người phụ nữ phía sau dành sốt ruột và lách về trước để chào con trai tôi. Như một kẻ ngốc, tôi cứ thế vẩy vẩy tay. Con trai tôi có thể làm gì được? Nó ký vào cuốn sách của người phụ nữ. Tất cả mọi người đều khó chịu. Hai bàn tay tôi tiếp tục nhảy múa. Hàng người phải di chuyển vòng qua tôi. Thi thoảng con tôi ngước nhìn tôi, bối rối không hiểu vì sao. Một lần nó mỉm cười với tôi theo kiểu ta vẫn cười với một kẻ ngu độn. Nhưng hai bàn tay tôi chật vật nói cho nó biết mọi điều. Ít nhất là hết khả năng chúng có thể làm trước khi một nhân viên an ninh túm lấy khuỷu tay tôi và hộ tống tôi ra cửa.

Khi ấy là mùa đông. Những bông tuyết trắng to đùng chất đống dưới các cột đèn đường. Tôi đợi con trai tôi bước ra nhưng nó chẳng hề xuất hiện. Có lẽ có cửa sau, tôi cũng không biết nữa. Tôi bắt xe bus về nhà. Tôi bước dọc con phố phủ đầy tuyết trước khu nhà tôi ở. Theo thói quen, tôi quay lại nhìn những dấu chân của mình. Khi về tới khu nhà, tôi tìm kiếm tên mình trên các chuông cửa. Và vì tôi biết rằng đôi khi tôi nhìn thấy những thứ không hiện diện ở đó nên sau bữa tối tôi gọi cho Trung tâm Thông tin để hỏi liệu tên tôi đã được ghi vào danh sách hay chưa. Đêm ấy trước khi đi ngủ, tôi mở cuốn sách ra, tôi đã đặt lên bàn đầu giường. TẶNG LEON GURSKY, trong sách có chữ viết thế. Truyen8.mobi

Tôi vẫn còn đang cầm cuốn sách thì người đàn ông được tôi mở cửa giúp xuất hiện phía sau tôi. Ông biết cuốn này à? ông ta hỏi. Tôi đánh rơi cuốn sách, nó rơi bụp xuống chân tôi, gương mặt con trai tôi chằm chằm nhìn lên. Tôi chẳng biết khi ấy mình đang làm gì nữa. Tôi cố gắng giải thích. Tôi là cha của ông ta, tôi nói. Cũng có thể tôi đã nói: Ông ấy là con trai tôi. Dù đã nói gì, tôi cũng nói một cách rõ ràng bởi người đàn ông trông có vẻ sốc, rồi ngạc nhiên, rồi có vẻ không tin tôi. Với tôi thì không tin cũng chẳng sao, bởi rốt cuộc tôi nghĩ mình là ai chứ, xuất hiện trên một chiếc limousine, mở khóa, và rồi tuyên bố là cha của một nhà văn nổi tiếng?

Đột nhiên tôi mệt mỏi, mệt mỏi hơn tôi từng thấy trong suốt nhiều năm. Tôi cúi người, nhặt cuốn sách lên rồi đặt trở lại giá sách. Người đàn ông vẫn nhìn tôi, nhưng ngay khi đó tiếng còi xe vang lên ngoài cửa, thật may mắn, bởi tôi đã chịu đủ việc người ta nhìn mình trong một ngày. Thôi, tôi nói, từ từ tiến về phía cửa trước, tôi phải đi đây. Người đàn ông thò tay lấy ví, móc ra một tờ 100 đô rồi đưa cho tôi. Cha của ông ấy ư? ông ta hỏi. Tôi nhét tờ bạc vào túi và đưa cho ông ta một chiếc kẹo bạc hà miễn phí. Tôi xỏ hai chân vào đôi giày ướt sũng. Không hẳn là cha của ông ấy, tôi nói. Và vì không biết phải nói gì khác, tôi nói: bác của ông ấy thì đúng hơn. Có vẻ điều này đã đủ làm cho người đàn ông lẫn lộn hết cả lên, nhưng để chắc chắn, tôi thêm: không hẳn là bác ông ấy. Người đàn ông nhướng mày. Tôi nhấc hộp đồ nghề và đi ra cửa, bước vào màn mưa. Ông ta cố gắng cảm ơn lần nữa vì tôi đã tới, song tôi đã xuống cầu thang. Tôi vào xe. Người đàn ông vẫn đứng ở lối vào, nhìn ra ngoài. Để chứng tỏ mình có vấn đề về thần kinh, tôi vẫy chào ông ta theo kiểu nữ hoàng.

Lúc tôi về tới nhà thì đã ba giờ sáng. Tôi bò vào giường. Tôi kiệt sức. Nhưng tôi không thể ngủ nổi. Tôi nằm ngửa, lắng nghe tiếng mưa và nghĩ về cuốn sách của mình. Tôi chưa bao giờ đặt nhan đề cho nó, bởi cuốn sách cần gì nhan đề nếu không có ai đọc?

Tôi ra khỏi giường và vào bếp. Tôi cất bản thảo của mình trong một cái hộp ở lò nướng. Tôi lấy ra, đặt lên bàn ăn rồi cho một tờ giấy vào máy đánh chữ. Tôi ngồi một lúc lâu nhìn trang giấy trắng. Bằng hai ngón tay, tôi gõ một nhan đề:

CƯỜI & KHÓC

 

Tôi ngẫm nghĩ về nó vài phút. Không phù hợp. Tôi thêm một từ nữa.

 

CƯỜI & KHÓC & VIẾT

 

Rồi một từ nữa:

 

CƯỜI & KHÓC & VIẾT & ĐỢI

 

Tôi vo viên tờ giấy ném xuống sàn. Tôi đặt nước lên đun. Bên ngoài mưa đã dứt. Một con bồ câu gù trên bậu cửa sổ. Nó xù người lên, đi tới đi lui rồi bay đi. Tự do như chim, có thể nói vậy. Tôi cho thêm một trang giấy vào máy và gõ:

 

NGÔN TỪ CHO TẤT CẢ Truyen8.mobi

 

Trước khi có thể thay đổi ý định lần nữa, tôi quay máy lấy tờ giấy ra, đặt lên trên cả tập rồi đóng nắp hộp. Tôi kiếm ít giấy màu nâu rồi gói lại. Ở mặt trước, tôi ghi địa chỉ của con trai mình mà tôi đã thuộc lòng.

Tôi chờ đợi điều gì đó xảy ra, nhưng chẳng có gì. Không có cơn gió nào cuốn mọi thứ đi. Không có cơn đau tim nào. Không có thiên thần nào ngoài cửa.

Đã năm giờ sáng. Phải vài giờ nữa bưu điện mới mở cửa. Để giết thời gian, tôi lôi máy chiếu từ dưới ghế sofa ra. Đó là điều tôi làm trong những dịp đặc biệt, chẳng hạn sinh nhật của tôi. Tôi đặt máy chiếu lên một hộp đựng giày, cắm điện vào và bật công tắc. Một tia sáng như pha với bụi làm bức tường sáng lên. Tôi cất bức hình chiếu trong một cái bình trên giá bếp. Tôi thổi bức hình, đặt vào máy, cho chạy. Hình ảnh dần hiện rõ. Một ngôi nhà có cửa màu vàng bên rìa một cánh đồng. Đó là một ngày cuối thu. Giữa các cành cây đen, bầu trời đang chuyển màu cam rồi tới xanh đen. Khói củi bốc lên từ ống khói, qua cửa sổ tôi gần như có thể trông thấy mẹ mình vươn người qua một chiếc bàn. Tôi chạy về phía ngôi nhà. Tôi có thể cảm thấy gió lạnh quất vào hai má. Tôi chìa một tay ra. Và vì đầu óc tôi tràn ngập những giấc mơ nên trong chốc lát, tôi tin mình có thể mở cửa và đi xuyên qua đó. Truyen8.mobi

Bên ngoài trời đang sáng dần. Trước mắt tôi, căn nhà thời thơ ấu mờ đi gần như không thấy rõ nữa. Tôi tắt máy chiếu, ăn một thanh Metamucil và vào nhà vệ sinh. Khi đã làm xong tất cả những việc định làm, tôi tắm rửa rồi ra lục kho chứa đồ để tìm bộ vest. Tôi thấy đôi giày chống nước trước đó tôi đã tìm kiếm, và một cái đài cũ. Cuối cùng, nhăn nhúm nằm dưới đáy tủ là bộ vest, một bộ vest trắng mặc mùa hè, có thể chấp nhận được nếu bỏ qua vết ố hơi nâu ở cuối vạt trước. Tôi mặc đồ vào. Tôi nhổ nước bọt vào lòng bàn tay và vuốt nếp cho tóc. Tôi để nguyên bộ chỉnh tề ngồi đó, gói giấy màu nâu đặt trong lòng. Lúc 8 giờ 45, tôi mặc áo mưa và kẹp gói giấy vào cánh tay. Tôi nhìn mình một lần cuối cùng qua tấm gương ở sảnh. Rồi tôi ra khỏi cửa, bước vào buổi sáng.

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25444


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận