Mấy tuần sau tôi đến Darmstadt thăm bố mẹ. Có những lúc tôi tự hỏi, bố mẹ tôi nghĩ gì khi thấy đứa con út nhà mình yêu một cô gái ở Phnom Penh. Họ có lo không? Có thể. Bố mẹ bao giờ chả lo.
Tôi tin rằng chuyến đi châu Á của tôi còn căng thẳng đối với họ hơn là đối với tôi. Mẹ tôi thường xuyên gửi email than phiền là tôi quá thưa thớt thư từ. Giữa những dòng chữ ẩn giọng trách cứ pha lẫn lo lắng. Mẹ tôi có một trí tưởng tượng phong phú khi hình dung ra các thảm họa. Khi các con không ở nhà, bà thực sự trải qua những ác mộng, dù có lý do chính đáng hay không, và bà làm mình làm mẩy như một đứa bé hờn dỗi để chúng tôi phải chú trọng điều đó. Giờ đây bà đã ở lứa tuổi không bị giật mình khi được các cháu gọi là “bà”, nhưng cái tính hờn mát thì không hề thuyên giảm.
Từ khi ba đứa con ra khỏi nhà, bố mẹ tôi sống trong một ngôi nhà quá rộng cho hai người. Họ nuôi hai con mèo con đen thui - mẹ chúng là mèo hoang - để có cái mà chăm sóc thế chỗ cho con cái. Bố tôi là nha sĩ, mẹ tôi dạy trường tiểu học.
Chiếc áo dài tôi mang về cho mẹ tất nhiên là quá nhỏ. Chúng tôi ngồi ở bàn bếp xem mấy tấm ảnh tôi đem về từ châu Á. Hai người lắng nghe tựa như tôi kể về một sinh vật mới được phát hiện trên Sao Mộc. Cũng chẳng có gì lạ, vì cả đời họ đã ra khỏi châu Âu đâu. Bố tôi lấy cuốn bản đồ của câu lạc bộ ô tô từ trên giá xuống để tìm những địa danh mà tôi nhắc đến. Ông ngắm trang bản đồ như xem bề mặt mặt trăng. Ông kể Sreykeo gọi ông là “bố” trong điện thoại, ông muốn biết tại sao. Tôi nói, ở Campuchia người ta cũng gọi bố bạn mình là bố, đó là chuyện thường tình, không có gì phải suy nghĩ cả.
Ông lo lắng, và tôi biết lý do. Người bạn thân nhất của ông hồi còn bức màn sắt chia cắt Đông-Tây đã du lịch Đông Âu và làm quen một phụ nữ ở Romania. Ông liều mạng dùng hộ chiếu giả để đưa cô ta vượt biên, làm mọi chuyện vì cô ta. Bố mẹ tôi đã thấy kết cục không lành. Nhưng ông bạn không đón nhận lời khuyên bảo nào, mà ngày càng ngập ngụa vào vụ này. Tình bạn của họ đâm ra sứt mẻ, và rốt cuộc ông ta bị người đàn bà làm cho tàn tạ. Cô ta ly hôn, bỏ ông lại với một núi nợ nần. Cuối cùng ông treo cổ tự sát trong nhà để xe. Vụ này làm bố mẹ tôi sinh ra hoang tưởng khi nghĩ đến Sreykeo. Bố tôi sợ tôi vấp phải chuyện tương tự.
Tình cờ tối hôm đó bà tôi gọi điện đến. Nói một cách nhẹ lời là bà tôi rất cổ hủ. Tôi không rõ tại sao lại đem chuyện Sreykeo ra kể với bà, cũng có thể tôi muốn khiêu khích.
“Trời ơi, bọn nước ngoài! Một lũ lười nhác! Cháu sẽ tự hại mình,” bà tôi nói.
Quả thật bà tôi dùng chữ “nước ngoài”, không cần đếm xỉa là ở Campuchia thì Sreykeo không phải là người nước ngoài! Cho đến lúc ấy tôi vẫn coi ác cảm của bà tôi đối với người nước ngoài là một chuyện lẩm cẩm buồn cười. Bây giờ thì thái độ đó làm tôi tức giận.
“Bà có biết không, bọn cháu sẽ đẻ một đống cháu cho bà, chúng nó sẽ ngồi trong lòng bà và gọi bà ơi, đứa nào cũng mắt xếch cả.”
Bố mẹ tôi phì cười. Tôi thì tin rằng đó là một thảm họa trong mắt bà tôi. Tôi nghe tiếng bà tôi rên rỉ ở đầu dây kia, tựa như vừa nhận tin nước Đức thất trận. Tôi không rõ tại sao mình xử sự thế; hôm nay thì tôi hiểu, chọc tức bà tôi chẳng đem lại lợi lộc gì.
Tôi bảo bố mẹ là trong dịp lễ Giáng sinh tới tôi không muốn có quà, mà xin tiền mặt để mua vé sang Campuchia. Lúc mới về nhà bố mẹ, tôi rất hưng phấn. Có nhiều chuyện phải kể ra bằng được, toàn những chuyện của riêng tôi. Và tôi kể hết - trừ một chi tiết: sẽ khá khó khăn để cho bố mẹ biết rằng con trai họ đã làm quen một bạn gái làm nghề mại dâm.
Họ giết em
Tôi về đến Hamburg vào buổi tối. Sascha và Lulu chơi trò xếp chữ trong bếp. Trò chơi này là thứ còn sót lại từ mùa hè của chúng tôi. Tôi hỏi Lulu có nghe gì về cô gái mà tôi từng mua vé máy bay cho. Cô nói là mất quan hệ sau khi được biết là cô ta không theo tôi đi châu Á.
Hồi hè tôi đã tưởng rằng cuộc đời bốn chúng tôi sẽ gắn liền với nhau mãi mãi: tôi, bạn gái, Sascha và Lulu. Mọi chuyện nhạt đi nhanh chóng xiết bao. Giờ chúng tôi chỉ còn ba người ngồi dưới ánh nến trong bếp và xếp chữ cái thành hàng.
Ít lâu sau Sascha và Lulu cũng sinh ra cãi vã. Được vài tuần thì Lulu dọn đi và ngủ trên xô pha ở nhà một người bạn. Chỉ còn lại hai chúng tôi nữa thôi. Sascha sinh ra trầm cảm. Trong thời gian này cậu ta cũng nhận được ít việc, thường ngủ dậy lúc giữa trưa, cuốn một điếu thuốc tẩm ma túy và xả nước vào bồn tắm. Rồi cậu ngủ cả ngày hoặc nghe đọc truyện trên CD. Những ngày này chúng tôi ít chuyện trò, ai cũng thui thủi buồn bã tiếc nuối mùa hè vừa qua. Ngày đó tôi chưa biết rõ nhưng đã có linh cảm: trong đời tôi có gì đó biến đổi, có gì đó không bao giờ còn như xưa nữa. Đây là mùa hè cuối cùng mà tôi còn thấy mình là một đứa trẻ.
Sebastian, Sascha và những người khác trong nhóm bạn vui mừng có đề tài buôn chuyện do tôi mang đến. Sreykeo và tôi là “phi vụ đỉnh”, thường được đem ra tranh luận bên chai vang chát. Một buổi tối, Caspar trao cúp cho tôi - nghi thức của chúng tôi, dành cho một thành tích đặc biệt. Thường thì những thành tích đặc biệt kiểu ấy là sự kiện đem lại đề tài buôn chuyện cho cả nhóm. Ví dụ như Sascha nhận cúp cho “cú phê hoành tráng nhất trong năm”. Nhưng lần này Caspar đã làm cho tôi một chiếc cúp chính cống. Cậu ta tạc gỗ thân hình tôi - một cơ thể gầy gò với mái tóc xoăn bù xù - rồi phun sơn kim tuyến. Phía sau cúp có chữ “Giải nhất cho hỗ trợ phát triển vì đam mê”. Nhận được cúp này thật vui, tôi còn giữ đến tận bây giờ.
Hồi mùa đông 2003 Sebastian và tôi là bạn nối khố, có lẽ do cùng cảnh sầu muộn. Cậu nghe tin bạn gái cũ của mình lại đi với bạn trai cũ của cô ta, còn tôi thì nhớ Sreykeo. Chúng tôi hay cùng nhau uống một ly vang, và có thể nói là cùng đau nỗi bất hạnh. Trái với trầm cảm, nỗi buồn có gì đó ấm cúng dễ chịu. Khi nào tôi hết tiền thì Sebastian trả. Cậu nói: “Không sao mà, cậu đang có một sứ mệnh.”
Trong phạm vi của mình, Sreykeo và tôi đã tìm được một lề lối quen thuộc. Chúng tôi gửi SMS cho nhau mỗi ngày, thỉnh thoảng viết email, vài hôm một lần tôi gọi điện cho cô và mỗi tháng gửi 150 đô la - cứ thế cả đời cũng được. Cho đến khi tôi nhận được một email làm đảo lộn hết thảy.
“Anh yêu em lại bị ho như hồi anh ở đây! sáng nay em lại ho...!”
Lại ho, như dạo trước. Thuốc kháng sinh của ông bác sĩ Campuchia cấp cho không công hiệu. Chỉ đỡ một thời gian ngắn rồi lại tái phát nặng như cũ. Tôi nhớ lời ông bác sĩ nói là Sreykeo có sẹo trên a mi đan và khuyên chúng tôi cắt bỏ. Tôi cũng nghĩ là viêm a mi đan mãn tính. Tôi bật Google, tìm theo từ khóa “viêm a mi đan” và “bệnh viện Bangkok”. Ở Đông Nam Á chỉ có thể phẫu thuật a mi đan ở Bangkok, thủ đô Thái Lan. Tôi đọc kỹ tất cả các thông tin tìm được: triệu chứng, điều trị, kháng sinh, phẫu thuật. Tuy nhiên cũng ngạc nhiên là trong danh mục các triệu chứng không thấy chứng ho.
Chúng tôi vẫn tiếp tục vài hôm lại nói chuyện điện thoại. Cô thuật lại những vụ cãi cọ ầm ĩ trong gia đình, cô hay khóc và nhắc đi nhắc lại: “Họ giết em! Họ giết em mất thôi!” Gia đình quẫn tiền. Bệnh HIV của Djiat tốn nhiều tiền bác sĩ, vượt khả năng chi trả của gia đình hằng tháng. Lại thêm tiền mua sữa bột cho Rottana. Vậy là bà mẹ đi vay tiền và không biết trả nợ bằng gì. Mười phần trăm lãi suất mà các chủ nợ thường đòi gây thêm áp lực cho gia đình. Bà mẹ và Djiat chơi bài. Họ đến thầy bói để nhờ đoán trước kết quả xổ số - hy vọng trúng độc đắc để giải quyết mọi vấn đề. Dĩ nhiên chỉ mất thêm tiền.
Tôi nghĩ là bà mẹ Sreykeo có chủ ý hẳn hoi về quan hệ giữa hai chúng tôi. Bà hay bảo cô chớ tin là tôi sẽ quay lại Campuchia, ý bà là tôi sẽ không cho cô tiền nữa. Kể cả khi bà không nói hẳn ra mồm là Sreykeo nên tiếp tục con đường làm tiền, song bà thường xuyên trách cô không chịu hỗ trợ gia đình và không đưa mẹ tiền. Sreykeo đáp lại, cô cũng chẳng bao giờ được tiền để đến trường. Thường là câu chuyện không tìm được hồi kết nào khác ngoài một trận đòn.
Một hôm Sreykeo viết cho tôi là cô được một bạn gái mời dự sinh nhật, và cô xin phép được mua một món quà. Tôi khá bực mình khi trả lời, tiền của tôi gửi cô không để cô mua quà tặng cho nửa dân số Campuchia. Tôi không ngờ nhận được câu trả lời sau đây.
“chào anh yêu anh biết là em rất yêu anh và luôn nhớ anh em rất hạnh phúc được anh gửi tiền và hiểu tiền đó chỉ để cho em. nhưng hằng tháng em phải trả tiền học, tiền ăn, tiền nhà, các phí khác. đôi khi em thấy rất khó khăng, có thể em phải đi với đàn ông em muống nói cho anh biết vì em cảm thấy anh là của riêng em nếu em đi với đàn ông thì em thấy rất rất tồi tệ và khóc vì rất nhớ anh. Em mong anh không giận em. Em muốn nói nhiều với anh khi nói chuyện với anh nhưng viết thì hơn. Em yêu anh *** hãy cẩn trọng. Yêu anh rất nhiều..! *** SREYKEO anh luôn trong tâm chí em.”
Tôi thấy ngạt thở. Không cảm xúc nào tàn bạo hơn là sự bất lực. Cho đến giờ tôi tràn đầy lạc quan, nghĩ mình làm chủ tình thế và có thể thay đổi cuộc đời Sreykeo với vài quyết định, mấy lời khuyên và một chút tiền. Chỉ cần một thằng Tây có chút kiến thức học đường và vài tờ đô la trong túi là có thể dạy đời cho tất cả. Sai hết.
“Chào em yêu,
em lại đi làm ở Heart of Darkness à? Không, anh không giận em, nhưng anh rất đau khổ. Anh muốn phát điên. Em biết, anh yêu em thực sự. Anh tiếc là không thể gửi cho em quá mức 150 $. Thực đấy, anh không nói dối. Đơn giản là anh không có nhiều tiền như vậy. Anh muốn nói nhiều với em. Em luôn trong ý nghĩ của anh. ****** Yêu em. Benjamin”
Tối hôm đó tôi cùng Tillmann đi uống bia sau giờ làm. Tôi kể cho anh nghe hết. Anh nhìn vào cốc bia rồi nhìn sang tôi: “Anh thấy là sứ mệnh đã thất bại!“ Anh khuyên tôi bỏ cuộc. Tôi đạp xe về nhà và suy nghĩ nên làm gì. Hôm sau Sreykeo viết thư trả lời. Một câu trả lời đầy mâu thuẫn nội tại bí ẩn.
“Không anh yêu em không đến haert of darkniss em chỉ ngĩ là không thể làm thế vì em yêu anh rất nhều em định gọi điện cho anh nhưng không kết nối được dôi khi em gọi anh nhưng anh không nhấch máy anh yêu em nhớ anh lắm anh xấu hổ là đúng! nhưng em rất buồn. Lúc nèo đi làm em cũng ngĩ về anh rất nhiều anh yêu em không thể không có anh!
LUÔN YÊU ANH *** SREYKEO”
Một mặt cô kể là không đi làm tiền, mặt khác lại nói là vẫn quay lại đường cũ. Tuy nhiên tôi hài lòng với tin này: tôi chỉ đọc ra những gì tôi muốn đọc. Vì sự thật sẽ quá phũ phàng. Bộ óc xoay vần con người thật kỳ lạ.
Hết chương 11. Mời các bạn đón đọc chương 12!