Tôi về nhà. Sau sự náo nhiệt là bầu không khí lặng tờ của căn hộ trùm lên tôi. Ở quầy bar tôi có một điếu thuốc để cầm trong tay, có hơi ấm bạn bè và rượu. Chúng tôi là một hội bằng hữu kéo dài mấy tiếng, gắn với nhau bởi kẻ thù chung và whisky. Bây giờ chỉ còn máy nước nhỏ giọt. Tôi khó tin nổi: Sreykeo có căn bệnh viết bằng ba chữ cái hay hiện trên mặt báo. Phải khẩn trương làm gì ngay. Nhưng thay vào đó chỉ có một máy nước nhỏ giọt và tủ lạnh chạy rì rì giống hệt hôm qua, khi mọi chuyện - nói thế nào nhỉ? - còn ở trạng thái hôm qua. Tôi phải ra tay. Ngay bây giờ. Tôi viết email cho cô.
“Có lẽ bây giờ em rất buồn. Đừng lo lắng, em yêu của anh. Anh sẽ lo cho em và luôn bên cạnh em! Anh sẽ làm tất cả để cùng em. Đừng buồn, hãy cười lên! Nhưng ngay bây giờ em phải đến bác sĩ, hiểu không?”
Tôi nằm mãi không ngủ được. Tôi để cho dòng suy nghĩ tuôn chảy để tìm ý nghĩa trong tổng thể này. Tôi đã đắm chìm quá lâu trong ảo tưởng và nhắm mắt trước các dấu hiệu. Chị cô đã bị AIDS, nhưng tôi tự nhủ Sreykeo khôn hơn chị mình và luôn dùng bao cao su. Trong trí tưởng tượng của mình tôi đã biến bệnh ho của cô thành viêm a mi đan. Bệnh zona cũng được tôi bẻ queo thành hậu quả của chứng viêm a mi đan cho xuôi tai. Mặc dù tôi đã từng đọc thấy nó là triệu chứng đặc trưng của suy giảm miễn dịch.
Tôi đã tô vẽ, trang hoàng và xoay vần thực tế cho đến khi nó tưng bừng như công viên Disney, chỉ để không phải đối mặt với sự thật. Trong đời tôi không từng có chỗ cho AIDS. AIDS đi liền với mấy thằng nghiện dặt dẹo hay người châu Phi giơ xương. Chứ không phải trong một cô gái mi dài, đi mô tô và bắt cá bằng tay.
Hôm sau tôi đọc thư đáp của cô ở tòa soạn. Cô đã nói chuyện lần nữa với bác sĩ, và ông bắt cô làm một loạt thí nghiệm.
“chào anh yêu hôm nay em đến bác sĩ ông ấy nói em phải thử máu thêm 4 lần nữa
để đếm tế bào bạch cầu CD4, khám viêm gan siêu vi B, HBsAg và SGOT/SGOT(1)_. bác sĩ marlow dặn em 4 hôm nữa quay lại để ông nói gì đó, và em trả thêm 20 đô la cho ông ấy. HY VỌNG KIẾP SAU GẶP LẠI ANH Ở THỜI ĐIỂM TỐT ĐẸP HƠN EM YÊU ANH MÃI MÃI.”
Các thí nghiệm trên được làm tại Viện Pasteur. Một tuần sau cô gửi kết quả cho tôi qua email, in đầy một trang A4 tiếng Pháp. Cô chép lại từ đầu đến cuối, từng dấu phẩy, tuy không hiểu lấy một chữ trong đó. Nhất định là một việc vô cùng khó nhọc, đòi hỏi nhiều kiên nhẫn.
Tôi in kết quả thí nghiệm ra giấy và vào internet tìm. Trước tiên tôi muốn biết cô còn sống được bao lâu nữa. Trên mạng có rất nhiều thông tin về HIV. Tôi ngạc nhiên thấy mình biết quá ít về virus này. Tôi đã biết là bệnh này lây qua đường tình dục và kim tiêm đã sử dụng. HIV là tên của virus, trong khi AIDS là khái niệm tổng hợp cho các triệu chứng suy giảm miễn dịch dẫn đến kết thúc. Người ta có thể tự bảo vệ bằng bao cao su. Đó là tất cả những gì tôi biết.
Trung tâm kiểm dịch Mỹ hồi thập kỷ tám mươi đã đưa ra bảng phân loại bệnh nhân HIV còn giá trị lưu hành đến hôm nay. Hạng A gồm những người nhiễm HIV nhưng không biểu hiện triệu chứng. Hạng B là những bệnh nhân còn lại, có triệu chứng nhưng chưa đến giai đoạn AIDS. Bệnh nhân AIDS ở giai đoạn cuối thì xếp vào hạng C. Ai ở hạng nào là phụ thuộc vào các bệnh nhiễm trùng xuất hiện trong quá trình suy giảm miễn dịch.
Sreykeo có mụn rộp zona, nhiễm nấm và “tổn thương dây thần kinh ngoại biên” - một dạng bệnh do virus, gây ra cảm giác nóng như lửa ở bàn tay. Số tế bào bạch cầu CD4 - các tế bào của hệ miễn dịch bị virus tấn công - giảm xuống 403 trong một milimét khối máu. Bình thường là 700 đến 1400. Nói cách khác: cô nhiễm HIV thuộc hạng B2. Không được chữa chạy thì cô chỉ sống được vài năm nữa.
Hôm nay ôn lại thời gian ấy, tôi nhớ tất cả những gì đã làm, từng chi tiết một. Nhưng cảm xúc thì quên. Tôi không vì thế mà buồn. Dường như tiềm thức tôi đã xóa hết ký ức về cảm xúc lúc đó. Tôi hoạt động thuần túy như một người máy. Dĩ nhiên tôi không kể cho cô điều đó.
“Em đừng lo, chúng mình còn gặp nhau ở kiếp này - và cả kiếp sau. Chúng mình sẽ không thể có con ở kiếp này, nhưng kiếp sau sẽ đẻ thật nhiều. KIẾP SAU MÌNH SẼ CÓ MỘT THỜI GIAN TỐT ĐẸP HƠN! NHƯNG KIẾP NÀY CHÚNG MÌNH CŨNG CÓ THỜI GIAN TỐT ĐẸP!!!”
Sự thật cay đắng không phải chuyện cô đã nghĩ về kiếp sau, mà vẻ tất yếu trong khi cô nghĩ.
Tôi nhớ, cô ước gì được thật nhiều người gửi email nhân sinh nhật. Do đó tôi đã đề nghị tất cả bạn bè viết cho cô vài dòng, trong đó không nhắc đến bệnh tật.
Tôi gọi điện chúc mừng cô và hát Happy Birthday. Quả thực cô nhận được mười email của Sebastian, Sascha, Caspar... và rất thích thú. Tôi hỏi ngày hôm đó ra sao. Cô uống viên thuốc lắc đầu tiên trong đời cùng một bạn gái. Cô không nói vì sao dùng thuốc, nhưng tôi cũng không gặng hỏi. Tôi thấy mình thật ngu nhưng cũng không thích chỉ nói chuyện bệnh tật với cô.
Sự tàn bạo ở con virus này là bệnh tiến triển chậm chạp. Thoạt tiên là các nhiễm trùng lặt vặt, bệnh ngoài da, tiêu chảy nhẹ. Các triệu chứng nhẹ dần, cho đến khi có bệnh mới. HIV tấn công chỗ nào nó muốn, rất chậm chạp nhưng không cản nổi. Nó làm ta nản chí. Luôn có những giai đoạn hồi sức để ta có hy vọng, nhưng ta biết lần nhiễm trùng vừa qua chỉ là báo hiệu cho lần tới. Mỗi lần nhiễm trùng lại vẽ ra tương lai ảm đạm hơn một chút. Một cái chết tức tưởi. Người ta gầy đi, chỉ còn bộ xương, đẫm mồ hôi, da đầy vết lở loét và khối u thối khắm. Không ai muốn nhìn. Không ai muốn bắt tay hay ôm người bệnh.
Thỉnh thoảng cô gửi tôi ảnh. Quả thật cô gầy đi, quần áo có vẻ ngày càng rộng hơn. Trông cô như ngày càng trẻ ra. Trên ảnh trông cô như mới mười ba, chỉ khi nhìn kỹ mặt cô mới nhận ra cô lớn tuổi hơn.
Tất nhiên tôi suy nghĩ nên quyết định ra sao. Tôi không thể tưởng tượng sẽ cột cuộc đời mình vào một người bị quyết án phải tồn tại trong bất hạnh.
HIV thực sự là một virus giết chết tình yêu.
Hình ảnh về tình yêu của chúng tôi mang dấu ấn của vô vàn chuyện tình đã xem trong ti vi hay rạp phim. Trong những phim ấy, hai nhân vật chính phải đi theo tiếng gọi trái tim, bất kể sẽ gặp trở ngại nào. Họ được thúc đẩy bởi cảm xúc của mình, bị những cảm xúc ấy đá đi chuyền lại như gió đùa với lá thu. Ngoài đời người ta rõ ràng có thể quyết định yêu ai hay không yêu. Ai mà chả muốn chuyện tình của mình có hậu. Và một khi được biết người yêu mình nhiễm HIV thì ta chóng tìm được người mà ta sinh ra chỉ để lấy người ấy. Lúc đó người ta sẽ nói một câu đại loại như “Em rất quan trọng đối với anh - nếu không có HIV.” Đó là một lựa chọn luôn khả thi.
Nhưng tôi không muốn bỏ rơi cô lúc này. Cô sẽ chết. Đơn giản là tôi không rõ phải làm gì. Tôi không muốn nghĩ.
Tình yêu không là gì khác ngoài giấc mơ về một tương lai chung, căn nhà chung, con cái chung, những ngày sống chung. Nhưng nếu một trong hai người không có tương lai nữa? Tôi không biết có qua nổi thử thách này không, nếu không nghe Sebastian kể về một cậu bạn đồng tính ái cũng nhiễm HIV. Một mẩu thông tin mỏng mảnh như cọng rơm để tôi bám vào.
Sebastian kể về một “hỗn hợp thuốc viên” mà anh bạn ấy uống. Tôi hình dung ra anh ta mỗi sáng vào nhà tắm, dốc một cốc đầy thuốc viên đủ màu vào miệng. Theo lời Sebastian, thuốc gây ra nhiều tác dụng phụ nhưng có thể trì hoãn tiến triển bệnh. Tôi viết từ khóa “thuốc” và “HIV” vào Google. Không phải vì đặt hy vọng nhiều vào thuốc. Mà vì tôi không biết làm gì ngoài viết email và im lặng bên điện thoại.
Chẳng mấy chốc tôi tìm được từ chuyên môn: “Liệu pháp kháng retrovirus_(1) tích cực cao” viết tắt là HAART. Tôi phải kiếm dược liệu này cho cô. Vấn đề là ở Đức chỉ có hàng hiệu. Danh mục dược phẩm cho biết thuốc rẻ nhất, Lamivudin, cho một người có giá 250 euro/tháng. Còn đắt nhất là T-20 giá 2.500 euro. Bệnh nhân phải uống đồng thời ba loại thuốc. Tôi không đủ tiền. Ngoài ra phải có đơn mới mua được thuốc.
Tôi đọc trong internet là Brazil nhờ lách bản quyền của một số công ty dược phẩm mà chế tạo được thuốc mô phỏng, bán rẻ hơn hoặc thậm chí phát không cho bệnh nhân HIV. Tôi ngẫm nghĩ một lúc, toan nhờ một người quen ở Brazil mua hộ rồi gửi về Đức, sau đó tôi đem thuốc đó qua Phnom Penh. Tôi gọi điện cho một tổ chức cứu trợ và được biết ở Phnom Penh đã có nhiều dự án HAART, nhưng danh sách bệnh nhân đợi rất dài. Họ cũng cho biết chính phủ Thái Lan sản xuất thuốc kháng retrovirus tại các công ty dược nhà nước và bán ra với giá rẻ.
Tôi gọi Sreykeo và nói đã có thuốc, tuy không chữa được bệnh nhưng sẽ đẩy lùi cái chết được nhiều năm. Cô hỏi: “Nghĩa là mình vẫn cùng nhau chứ?“ Tôi vội nói “ừ,” nhưng đó chỉ là câu nói dối trong thế bí. Sự thực là tôi không biết. Không. Có. Có thể. Tôi không quá tin tưởng vào thuốc này.
Tôi muốn bảo Sreykeo đến ngay một dự án của tổ chức cứu trợ. Không có gì tệ bằng ngồi chờ và không làm được gì. Tôi muốn bắt tay vào việc gì đó, càng nhanh càng tốt. Do đó tôi viết cho bác sĩ Marlow. Nhưng ông khuyên tôi cứ bình tĩnh. Ông nghi ngại các tổ chức cứu trợ và không muốn hấp tấp đưa cô đến đó. Tôi chưa nên làm gì trước khi đến Campuchia và có cái nhìn bao quát. Tôi làm theo lời ông. Nghĩa là chẳng làm gì.
Hết chương 14. Mời các bạn đón đọc chương 15!