Đến tận lễ Giáng sinh tôi mới hiểu ra. Năm ấy tôi cùng chị Annette và con gái Anna về thăm bố mẹ. Tôi yêu ngày lễ này ở nhà bố mẹ, vì mọi chuyện được cường điệu vô độ. Bố mẹ tôi không chỉ dựng một cây thông Nô en, mà hai cây! Nền nhà quanh hai gốc cây trải rêu xanh lấy trong rừng từ đầu tháng Mười Hai. Họ dùng rễ cây, sỏi và vỏ cây tạo ra cảnh máng cỏ, nhiều lúc có cả dòng sông nhỏ kèm thác nước bằng giấy bạc.
Những hình thiên thần được sưu tầm từ mấy chục năm, mỗi năm lại bổ sung thêm. Đức Bà Maria, Thánh Joseph, Chúa Hài Đồng, con lừa và con bò được bố tôi nặn bằng đất sét trước khi ông vui lễ Giáng sinh đầu tiên với mẹ tôi và chị tôi. Đầu Thánh Joseph bây giờ phải lấy tăm để giữ cho khỏi rơi. Còn có một dàn nhạc toàn thiên thần bằng gỗ của vùng Erzgebirge (Núi Quặng) do họ hàng bên Đông Đức gửi tặng, bổ sung thêm một loạt thiên thần chơi nhạc làm bằng thạch cao, trông thì biết đã trải qua hai Thế chiến: nhiều thiên thần mất tay hoặc chân, ở chỗ gãy thò ra dây thép han gỉ. Ba Vua do mẹ tôi nặn bằng đất sét, béo mập tròn xoe và chìm trong rêu, tựa như vừa ăn thịt mấy con lạc đà của mình. Thậm chí có cả hình một con quỷ đất sét mà anh tôi có lần giấu trong rêu, không lộ cho ai biết.
Năm nay bố mẹ tôi dựng ba cây thông liền. Cháu Anna có cây riêng của mình, tất nhiên không cắm nến. Nó hãnh diện ngồi trước cây. Bố mẹ tôi chất một núi quà giữa phòng khách. Hai con mèo ngạc nhiên lò dò đi vòng quanh. Nhìn cây thông nhỏ mà tôi trào nước mắt: nó tượng trưng cho tất cả những gì tôi ước cho Sreykeo. Tôi hiểu là mình không bao giờ cho cô được nhiều như thế. Tôi không đủ tiền, sức mạnh và quyết tâm.
Từ nhiều năm nay tôi không khóc, nhưng bây giờ tôi khóc hàng mấy tiếng, hết cả buổi lễ. Cứ mỗi khi tưởng là đã trấn tĩnh được thì ai đó lại ấn một gói quà dính dáng đến Sreykeo hay Campuchia vào tay tôi. Bố mẹ tôi lấy tấm hình chụp ở sông của cô in lên T-shirt, bảo “để làm áo ngủ”. Tillmann cho tôi cuốn từ điển Khmer. Một cô bạn gái tặng sách về lịch sử Campuchia. Mãi không dứt.
Hôm sau Sreykeo gọi điện. Thoạt tiên cô nói chuyện với mẹ tôi và chúc “Giáng sinh vui vẻ.” Rồi cô nói chuyện với tôi. Cô kể là đã đi nhảy với một người đàn ông. Tôi biết ý cô nói gì. Nhưng cô chỉ muốn tiền của người đó thôi, cô nói thêm.
“Em nghĩ thế à?”
Chúng tôi nói chuyện với nhau mấy giờ liền. Một lúc nào đó tôi nói, tôi không thể ở lại với cô. Cô khóc. Tôi nói “good-bye” và đợi cô cũng đáp “good-bye” để tôi cúp máy. Nhưng tôi chỉ nghe cô vừa nức nở vừa phản đối. Tôi nói “good-bye” lần nữa, hai lần, rồi ba lần, nhưng cô nhất quyết không chấm dứt. Rồi tôi cũng phải đặt máy xuống. Hai phút sau máy lại đổ chuông.
Tôi dập máy. Khó diễn tả cảm xúc của tôi. Mệt mỏi. Mệt mỏi với cả thế giới. Không có ai để tôi trách móc được. Không phải Sreykeo. Cũng không phải tôi. Pha lẫn trong buồn chán và xấu hổ là một chút nhẹ lòng. Tôi đã thử và thất bại. Giờ thì tôi có thể thảnh thơi làm lại từ đầu. Một cảm giác nhẹ lòng đến với ta khi nhận ra thất bại.
Tối hôm ấy tôi nằm trong phòng trẻ con của mình ngày xưa, ngó lên trần, ngắm mô hình phi thuyền Enterprise bằng nhựa vẫn treo ở đó. Giọng cô vẫn đọng trong trí óc tôi, như lúc cô lấy hơi để nói gì đó đúng lúc tôi tắt máy. Cú sốc từ cuộc gọi ấy đối với Sreykeo không phải là thực tế tôi chia tay với cô, vì dù sao thì cả thời gian dài cô luôn phải dự tính điều đó. Một câu thoái thác lịch sự từ phía tôi, hay đơn giản là không trả lời các email của cô nữa. Có lẽ cô choáng váng khi nhận ra rằng mấy tháng qua tôi thực sự nghiêm túc trong mối quan hệ này.
Tôi tin rằng lúc tôi quay về Đức cô dự đoán một lúc nào đó tôi sẽ lãng ra. Sau khi giữ vững quan hệ được mấy tháng liền, cô bắt đầu suy nghĩ, và muốn tìm hiểu tâm trạng tôi. Vì thế cô nói ra lời thú tội. Tuy nhiên bên cạnh nỗi đau và xấu hổ tôi cảm thấy một điều nữa: cô đã gây ấn tượng cho tôi. Không có cách nào minh chứng cho lòng thật thà hơn là thú nhận đã nói dối.
Tôi quá ngô nghê. Tôi gửi tiền không phải vì muốn giúp cô, mà để tạo cho mình một cảm giác yên ổn - mà không thèm quan tâm xem chỗ tiền ấy có tác dụng gì không. Tôi đã nhắm mắt không muốn thấy vấn đề. Gửi chút tiền và tin rằng sẽ làm được một biến chuyển là quá Tây! Giờ đây các vấn đề quyện lại thành một mê hồn trận không lối ra. Thậm chí tôi còn không rõ người ta cần bao nhiêu tiền để sống nổi ở Phnom Penh. Ngoài ra, không chỉ Sreykeo phải sống bằng chỗ tiền đó, mà cả một gia đình, mấy tờ đô la biến mất như rơi vào một cái thùng không đáy.
Mấy hôm sau chúng tôi lại nói chuyện điện thoại lần nữa. Tôi bảo sẽ tiếp tục giúp cô, nhưng chúng tôi không còn “cùng nhau” và tôi sẽ không gọi cô là “em yêu” nữa. Tôi chỉ nghe tiếng nức nở. Rồi giọng cô gần như căm giận: “Em đã giết tình yêu của em vì tiền.”
Tôi đã chọn cho mình con đường trung dung: giúp cô, nhưng không nhận trách nhiệm. Hôm nay tôi hiểu đó là điều bất khả thi. Tôi kể với các bạn là đã chia tay với cô.
Buổi tối, điện thoại di động réo chuông. Tin nhắn của cô không có gì đặc biệt. “Chào anh yêu” - cô chúc tôi ngủ ngon. Tựa như không có gì xảy ra. Có lẽ vì cô không biết nên nói gì hay thể hiện ra sao cho đúng. Tôi không bắt liên lạc nữa. Tối hôm sau lại một SMS, sau đó hai SMS cùng ngày. Tôi ngạc nhiên vì sự cứng đầu ấy. Mỗi tối cô lì lợm gửi một tin, phớt lờ sự lạnh nhạt của tôi. Sau hai tuần tôi lại đáp lại, nhưng nói thẳng ở điện thoại rằng cô không thể là bạn gái của tôi, chừng nào cô còn đi với đàn ông.
Tôi nghĩ lại quyết định của mình. Những gì tôi tự biết về mình là quá phũ phàng. Tôi buông cô ra, và cô ở lại đó một mình với số phận đã an bài. Ở tuổi 23 tôi đã phải tự thú rằng mình từng bỏ rơi một con người. Đó là một chuyện mà ta không được phép làm, cũng chính vì lợi ích riêng, vì ký ức ấy sẽ đeo đẳng ta đến trọn đời.
Tôi lại thử lần nữa với cô, vì tôi biết được điều quan trọng nhất trong đời cô. Đó không phải là gia đình cô - cô hy vọng lần này sẽ rời bỏ được họ. Cũng không phải tiền. Và cô không nhất thiết muốn ra nước ngoài. Tất nhiên cô cũng muốn có lần thấy xứ sở khác, nhưng đó là chuyện phụ. Tất cả những gì cô muốn là lấy chồng và sinh một đứa con - một gia đình của riêng mình. Tôi biết điều đó không chỉ vì cô luôn nói ra, mà vì tôi có thể thực mục sở thị. Hễ thấy một đứa trẻ con nào là cô dừng lại ngắm nó, tựa như chưa bao giờ được thấy một tạo vật thần kỳ như vậy. Giả sử nếu thấy khả năng thực thi ước vọng đời mình với một người đàn ông, có lẽ cô không bao giờ dám dễ dàng đánh bạc với quan hệ ấy. Và nhược bằng phải làm, ắt phải có một vấn đề mà ngày ấy tôi chưa biết.
Thường là thế: thoạt tiên cách hành xử của cô khiến tôi thấy hoàn toàn thiếu hợp lý. Chỉ khi để tâm hơn đến cuộc sống của cô tôi mới ngộ ra rằng cô xử sự hoàn toàn có lý do. Điều đó đem lại cho tôi niềm tin mới.
Tôi phải suy tính mọi chuyện lần nữa. Đầu tiên là chuyện tiền. Cô cần một số tiền đủ để sống mà không phải dựa vào nguồn cũ. Nhưng bao nhiêu là đủ? Một câu hỏi đơn giản nhưng khó trả lời, khi người ta biết quá ít về điều kiện sinh hoạt ở Campuchia như tôi ngày ấy. Trong một cuốn cẩm nang du lịch có viết là một nữ công nhân ở Phnom Penh được trả 40 đô la mỗi tháng, và với sự ngớ ngẩn của một du khách phương Tây tôi suy ra rằng một người ở thành phố ấy cần 40 đô la là đủ sống. Tôi đã quên mất rằng sự nghèo đói cũng thể hiện ở mức lương không đủ cầm hơi. Đó là cái khó khăn khi ta bập vào một nền văn hóa lạ: không biết tìm ẩn số ở đâu. Ta không biết là ta không biết gì.
Ở Phnom Penh, một cá nhân cần cho thực phẩm, quần áo và xe ôm mỗi ngày khoảng 5 đô la, chưa kể đến tiền nhà và bác sĩ. Nếu còn đeo theo một gia đình thì còn nhiều hơn. 300 đô la hằng tháng là con số sát thực tế. Ngày đó tôi kiếm 900 euro mỗi tháng đã trừ thuế. Với giá thuê nhà và sinh hoạt ở Hamburg, tôi không thể dành ra 300 đô la đó được. Lại phải kể thêm 500 euro vay của Tillmann nữa. Bố mẹ tôi lờ hẳn chỗ tiền đưa tôi dạo trước. Tôi có một khoản chi lạm tài khoản là 2.000 euro và thẻ tín dụng được dùng trong khung 1.000 euro - đủ để tha hồ đi vay. Và chính đó là việc tôi làm, vì tôi cần tiền, cần ngay lập tức.
Sreykeo bỏ việc làm ở quán bar đầu tiên vì ở đó toàn ca ve, cô ngại tôi sinh ra nghi ngờ. Tôi giục cô tìm việc mới. Tiếng Anh của cô vừa đủ chuyện trò, hầu như cô không học hành gì ở trường. Do đó cô chỉ có một lựa chọn là làm bồi bàn. Một người quen cô ở Heart of Darkness chỉ cho một chỗ làm ở quầy nước nhà hàng Soho 2, cách Heart of Darkness vài trăm mét.
Một quán nhỏ với bàn billiard trên lầu một. Không phải một quán bar để vào tìm ca ve, nhưng do ở cùng khu đèn mờ nên khách vào đây cũng cùng loại. Cô chỉ làm việc ở đó đúng một tối thì được một người Pháp bắt chuyện. Jean-Luis vừa quá tuổi 50 và hút mỗi ngày hai, ba bao thuốc. Ông ta có một quán rượu vang nhỏ đắt tiền gần Chùa Bạc, đặt tên là Le Petit Bordeaux. Ông hỏi Sreykeo có muốn làm phục vụ ở nhà hàng đó và đưa mức lương hậu hĩnh 150 đô la mỗi tháng, một số tiền quá cao cho mặt bằng Phnom Penh, nơi bồi bàn chỉ được trả chừng 50 đô la.
Tôi quá ngây thơ nên tin rằng Le Petit Bordeaux là một nhà hàng đặc biệt. Cô rất hãnh diện về mình, tôi cũng thế. Mức lương rất cao này sẽ giúp tôi không phải gửi nhiều tiền như trước nữa. Cô kể là khi làm việc cô mặc váy màu vang chát và sơ mi trắng. Nghe rất nghiêm túc. Và thoạt tiên mọi việc cũng trôi chảy.
Một tháng sau Tillmann cùng bạn trai Marc qua châu Á. Marc là biên tập viên của tạp chí Neon. Tillmann hay khuyên Marc vứt bỏ khăn trải giường mang logo đội bóng 1. FC Cologne thì sẽ trúng gái hơn. Và luôn nhận được câu trả lời: “Cô nào yêu tớ thì phải yêu cả vải trải giường của tớ.”
Marc tỏ vẻ lo lắng khi kể cho tôi nghe về “vành đai sốt rét” mà họ sẽ phải vượt qua. Có lẽ anh ta hình dung ra một bầu trời đen kịt những đám mây côn trùng sát thủ theo hình mẫu tráng ca Homer.
Tôi nóng lòng đợi Tillmann tin về, vì tôi muốn biết anh nhận xét Sreykeo ra sao. SMS của anh đến vào một đêm. Họ đã sống sót khi băng qua vành đai sốt rét và nhắn tin hẹn gặp Sreykeo ở Walkabout. “Cậu lỏi ơi, bà cô này yêu cậu như ăn phải bả, cưới liền tay đi.” Quả là một sự đổi ý bất ngờ ở Tillmann. Mấy hôm sau anh bồi thêm một email.
“Anh thực sự không tin là cô ta làm tiền, Ben ạ, anh rất chắc chắn như vậy. Nhưng anh cho rằng cô ta không khoái gia đình lắm, thêm vào đó Walkabout mới là gia đình của cô ấy. Bà cô này khá say cậu đấy, anh nói cho cậu biết, ước gì anh cũng nhận được lời bày tỏ đầy thuyết phục như thế từ một người phụ nữ.”
Một tin vui. Nhưng Tillmann cũng viết là cô sắp mất việc đang làm. Tôi khá ngạc nhiên vì trên điện thoại cô không kể gì về vấn đề ở chỗ làm. Ban đầu Jean-Luis rất hài lòng, nhưng một hôm ông nói muốn cưới cô. Đó là lý do của mức lương ngất ngưởng - ông muốn đưa cô về quán nhà mình làm việc vì ông đang tìm vợ. Phnom Penh có cơ man nhà hàng, quán bar và khách sạn của chủ Tây. Không tất cả, nhưng nhiều người trong số họ chọn nhân viên theo ngoại hình rồi sử dụng miễn phí. Sreykeo bảo đã có bạn trai, nhưng ông ta đáp rằng tôi quá trẻ và không đủ tiền đưa cô sang Đức, còn ông thì dư tiền.
Nhưng cô không muốn tiền, mà muốn có gia đình, và từ đó trở đi mọi chuyện xấu đi. Mỗi lần Jean-Luis thấy tôi gửi tiền cho cô là ông đổ tội cô lấy tiền trong két. Lập tức ông hạ mức lương xuống 50 đô la.
Sreykeo cũng nhận thấy ngay công việc này vô nghĩa, vì nói cho cùng cô không kiếm được đủ tiền nữa. Lương tháng không hơn tiền trả xe ôm mấy. Cô làm vài tiếng buổi sáng, trưa được nghỉ, chiều phải bồi bàn đến tận đêm. Mỗi ngày bốn chuyến xe ôm, một chuyến giá 1.500 real hay 25 cent. Vậy là với lương tháng 50 đô la cô phải trả 30 đô la xe ôm. Vỡ cốc cũng bị trừ vào lương. Không có lý do gì để làm việc ở đây nữa. Dạo này cô lại hay ốm, và tất nhiên nghỉ là mất lương. Thay vì ngủ cho khỏe để hôm sau đi làm, cô đi chơi billiard đến tận khuya ở Walkabout. Nhưng tôi không nhận ra mối liên quan đó mà chỉ cho rằng cô vô kỷ luật. Tillmann viết:
“Anh nghĩ là cô ta gần môi trường mại dâm hơn mức vô hại. Anh rất tin là cô ta không làm tiền và cũng quyết tâm không sa vào đó. Nhưng chuyện sẽ không đơn giản.”
Tôi cáu điên lên, vì tôi đã tưởng rằng công việc này giúp cô thoát cảnh mại dâm - nhưng cô đã bỏ việc một cách dễ dàng. Tôi muốn gọi điện nhưng không gặp nên càng cáu hơn. Rốt cuộc cô bắt máy và bị tôi quát cho một trận. Lần đầu tiên tôi quát cô. Sau khi đặt máy tôi gửi thêm một tin nhắn: “Anh cố gọi điện cho em cả trăm lần nhưng không được. Nếu em bỏ việc này thì sẽ không bao giờ gặp lại anh nữa, em hãy nhớ lấy. Giờ thì đi ngủ đi.” Tôi muốn dùng mọi biện phát ép cô đi làm tiếp. Nhưng công việc này là một ngõ cụt. Tôi chỉ không muốn nhận ra.
Phnom Penh dành cho một cô gái nông thôn thất học đúng ba lựa chọn: công nhân xưởng may, bồi bàn hay mại dâm. Tôi quá ngây thơ về việc bồi bàn ở quán Tây. Đa phần chủ Tây của một quán bar hay nhà hàng không muốn bỏ lỡ dịp gạ gẫm các nhân viên nữ của mình. Họ tin chắc rằng mấy cô gái trẻ nghèo khó không có ước mơ gì hơn là được làm gái bao của Tây và lên giường với người nào hứa cưới. Sreykeo đã cả gan lắc đầu khiến gã người Pháp bực mình. Cái mà hắn muốn cũng chỉ là một dạng mại dâm mà thôi.
Hết chương 12. Mời các bạn đón đọc chương 13!