Sống Từng Ngày Chương 13


Chương 13
Chào anh yêu

Có gì đó không ổn trong cơ thể cô. Cứ sau một lần nhiễm trùng thì lại tiếp lần khác. Không có ngày nào mà cô không bị một chứng nào đó. Cô luôn bị sốt, người mệt mỏi và kiệt quệ. Tôi đã quen với chứng ho kinh niên của cô, thậm chí coi đó là chuyện bất khả kháng. Nhưng các chứng bệnh thường trực khác có ý nghĩa gì? Tôi chỉ nghe cô than thở qua điện thoại - chỉ là than thở hay còn chuyện gì bất ổn khác?

Một hôm cô kể bị đau tai, chắc chắn là viêm tai giữa. Cô đến một bác sĩ Campuchia và được cấp kháng sinh. Cô uống thuốc mười hôm liền, hộp thuốc hết nhẵn mà vẫn chưa hết viêm - thậm chí còn trở thành kinh niên. Một lần khác cô kể là có “đốm” trên người, “rất đau và ngứa!” cô nói. Đó là những vết phồng nhỏ mọng nước lan đầy trên bụng, ngực và lưng. Cô lại đến chỗ ông bác sĩ Campuchia. Tôi bảo cô đánh vần từng chữ tên thuốc mà ông ta cho uống. Vì đường điện thoại rất tồi nên nửa tiếng sau tôi mới nắm được tên thuốc: A-C-I-C-L-O-V-I-R.

Tôi gọi điện cho Ed, anh bạn sinh viên Y ở Munich đã cùng tôi đến Heart of Darkness. Từ khi về nhà, chúng tôi thỉnh thoảng viết email cho nhau. Anh nói, Aciclovir là một loại thuốc kháng khuẩn để trị mụn rộp và zona, ở Đức được biết đến với tên Zovirax. Bệnh của cô tên là zona. Tôi tìm vào internet. Bệnh này sinh ra bởi cùng loại virus như thủy đậu. Thường ra người ta chỉ bị thủy đậu một lần vì sau đó cơ thể tạo ra kháng thể bảo vệ suốt đời. Tuy vậy một lượng nhỏ virus sống sót và tấn công đường dây thần kinh dưới da khi cơ thể suy nhược - đó là bệnh zona(1)_.

Tôi đọc trên một trang mạng: “Bệnh này có thể là dấu hiệu suy giảm hệ thống miễn dịch mà nguyên nhân lại có thể là một bệnh khác. Trong số người bị bệnh này có bệnh nhân AIDS, người vừa trải qua hóa trị liệu hoặc phải uống thuốc ức chế miễn dịch.”

Quả là đáng sợ khi người ta cố nhìn cây để chẳng thấy rừng. Cho đến nay tôi vẫn không rõ vì sao mình lại thế. Thay vào đó, tôi tin lời ông bác sĩ Campuchia: viêm a mi đan mãn tính đã làm cơ thể cô yếu đi và gây ra mọi khó chịu. Tôi viết một email cho cô.

“Có thể viêm a mi đan mạn tính làm em suy nhược và mở đường cho mọi lây nhiễm khác. Em có nhớ lần bị đau ngực đi kèm những vết mụn đỏ? Đó là mụn rộp zona, một chứng bệnh của những cơ thể yếu.”

Tôi gọi điện cho đại sứ quán Đức hỏi địa chỉ một bác sĩ tốt ở Phnom Penh. Nhưng người ta chỉ cho tôi địa chỉ bệnh viện SOS rất đắt tiền. Sreykeo nhớ là Jean-Luis hay đến một bác sĩ tên là Marlow. Tôi cũng đã nghe tên ông ta, một bác sĩ ở Phnom Penh mà ai cũng biết, một người Anh đồng tính khá lập dị. Ông đăng quảng cáo trong báo địa phương là chuyên gia về “bệnh da liễu và hoa liễu”. Đã có lần một tổ chức phi chính phủ Mỹ đưa ông ta vào nhà tù T3 khủng khiếp của Phnom Penh mấy tháng vì ông quan hệ với một tay đĩ đực. Sau này mới biết là cậu bé được tổ chức kia cho tiền để khai ra như vậy. Nhưng chuyện đó không liên quan gì. Ở Campuchia hầu như không có bác sĩ bản địa được đào tạo bài bản, vì Khmer Đỏ đã tàn sát hết tầng lớp trí thức. Marlow là bác sĩ Tây duy nhất ở Phnom Penh lấy giá phải chăng. Sreykeo hẹn lịch đến khám ở chỗ ông.

Ít lâu sau cô gọi vào máy di động của tôi giữa giờ làm việc, đúng lúc tôi đang bận. Đường dây quá tồi khiến tôi chẳng hiểu gì. Giữa những âm thanh loẹt xoẹt tôi chỉ nhận ra cô rất bức xúc. Tôi bảo cô nên viết email để sau đó tôi trả lời điện thoại. Trong giờ nghỉ trưa tôi phóng xe đạp về nhà kiểm tra email. Đã có thư cô, với dòng chủ đề là “Chào anh yêu.” Mở email ra, tôi chỉ thấy mỗi một từ viết hoa: “DƯƠNG TÍNH.”

Strange Days_(1)

Vừa lúc Tillmann gọi điện đến. Tôi không nhớ anh hỏi gì, chỉ nhớ đó là chuyện tầm phào ngớ ngẩn. Tôi nghe anh nói, nhưng tất cả chuội đi không vào đầu. Có lẽ giống cảnh nhân vật chính trong phim rú lên và lăn ra bất tỉnh. Nhưng thực tế con người cần rất lâu để hiểu hết một tin tức làm thay đổi cuộc đời mình. Thoạt tiên ta cố bám vào ý nghĩ rằng tất cả chỉ là một sự nhầm lẫn sẽ được sáng tỏ tức thì. Tôi nhìn lên màn hình lần nữa. Nhưng từ “DƯƠNG TÍNH” vẫn còn đó. Nhất định tôi đã nhìn lại lần thứ ba, thứ tư, trước khi thực sự hiểu rõ ý nghĩa của nó.

Tôi không kể cho Tillmann gì cả, chỉ trả lời gì đó rất sỗ sàng. Anh quát lại, sau đó chỉ còn tiếng tút tút trong ống nghe. Tôi ngồi đực ra một lúc rồi đi đi lại lại.

Thật khó diễn tả ý nghĩ của tôi lúc đó. Cố diễn tả sẽ chỉ có kết quả bất lực và hời hợt. Riêng nỗ lực định viết ra đã là một khinh suất.

 

 

Hôm nay tôi không nhớ cảm xúc của mình ngày ấy nữa. Tôi chỉ biết mình không khóc, cũng không tuyệt vọng. Đó là tâm trạng sau này. Thoạt tiên tôi gọi điện cho Sreykeo, từ cuộc nói chuyện này tôi chỉ nhớ mỗi một câu nói của cô: “Có thể họ thử sai.” Tôi nói, nhất định họ thử chính xác. Cô nói: “Em hy vọng họ có thuốc tốt.” Tôi nói: “Không. Không có thuốc chữa AIDS đâu.” Tôi không muốn nói dối cô để sau này làm cô thất vọng thêm.

Cỏ vẻ như lo lắng lớn nhất của Sreykeo không phải cái chết trước mặt. Mà cô chú trọng hơn khả năng sinh con. Lần này tôi cũng đáp: “Không.” Nhất định tôi cũng nói vài lời động viên, nhưng hôm nay không nhớ đã nói gì. Người ta có thể nói gì trong giây phút ấy nữa? Nói gì cũng sai.

Cô đơn không chịu nổi. Sascha không ở nhà, hôm đó cậu ta phải làm việc đến đêm. Nửa tiếng sau tôi ngồi trên xô pha nhà Sebastian. Tôi kể Sreykeo bị AIDS, sau đó Sebastian nói gì thì tôi đã quên. Nói gì đây, “rồi sẽ ổn thôi” à? Sebastian làm điều đúng nhất - cậu để tôi ngồi đó và lắng nghe tiếng động từ sự hiện diện của người khác: tiếng bàn phím lách cách, ly cốc leng keng. Và không hỏi nhiều.

Tôi không chịu nổi tình cảnh Sreykeo cô đơn ở Phnom Penh. Cô đơn với bệnh tật. Cô không cho ai biết. Ngoài tôi. Càng không cho gia đình biết. “Họ chỉ nói mồm và làm em đau đớn hơn,” cô trả lời câu hỏi của tôi. Tôi ngồi đây, và nếu gọi điện cho cô thì lại không biết nên nói gì. Trớ trêu thay, mai là sinh nhật cô, ngày 27 tháng 3.

Thực ra tôi định đến Phnom Penh vào dịp đó. Cô rất mừng thấy có người nhớ sinh nhật mình, vì trong gia đình cô không ai biết sinh nhật người khác, mẹ cô thậm chí không biết ngày sinh của chính mình. Nhưng tờ báo đang định trình bày lại maket nên tôi không được nghỉ. Cô rất thất vọng. Tôi cũng vậy. Đã thế lại thêm tin dữ này.

Ngồi trên xô pha, tôi chọn lung tung các kênh ti vi cho quên mọi sự. Ngày ấy cách tôi nhìn đời bị ti vi chi phối mạnh mẽ. Tôi cho rằng cuộc sống như một tập trong phim Star Trek: ngay từ đầu người xem đã biết ai sẽ chết. Khi có thêm một nhân vật mới, dễ thương và khá mờ nhạt, ta có thể mường tượng ra người đó sẽ kết thúc ra sao. Nếu một người trong nhóm phi hành gia yêu nhân vật đó thì cơ may sống sót lại càng kém hơn. Và nếu còn thêm đoạn người đó cùng ra ngoài phi thuyền để hoàn thành một nhiệm vụ thì ta biết ngay: “Hãy cầu nguyện lần cuối đi!” Bù lại thì nhóm phi hành gia hay số phận sẽ trả thù cho cái chết miễn cưỡng của nhân vật mới ấy, theo đúng luật công bằng của các thiên anh hùng ca mà kịch bản nào cũng tuân thủ.

Tôi cho rằng cuộc đời cũng chỉ là một kịch bản. Ta có thể thấy cái chết của một người xảy ra khi kịch bản cuộc đời muốn thế. Nhưng không đúng.

Một cậu bé làm quen một cô gái. Họ yêu nhau. Sau đó: cô gái chết vì AIDS. Hết phim. Vô nghĩa. Một bộ phim rác rưởi.

Cho đến lúc đó, với tôi HIV chỉ là ba chữ cái thỉnh thoảng xuất hiện trong mục thời sự giữa các đoạn quảng cáo. Một chữ viết tắt. Một ẩn dụ. Bây giờ tôi học được thêm: đó là một con người, với hàng mi dài, với thói quen tẽ hai bánh bích quy khỏi lớp sô cô la để ăn nhân rồi mới ăn bánh. Người đó có một vết sẹo nhỏ trên sống mũi từ một lần ngã trên bậc thang nhà sàn của mẹ hồi bé. Người ấy chưa bao giờ nghe đến toàn cầu hóa. Bù lại thì biết bắt cá bằng tay, biết đi mô tô và hạ bất kỳ cơ thủ Ái Nhĩ Lan nào bên bàn billiard.

Nếu không khẩn trương làm gì thì người ấy sẽ bị các bệnh ngoài da và mụn bọc ăn thịt, gầy đét vì tiêu chảy không ngừng, rồi cuối cùng sẽ chết bởi sưng phổi hoặc lao.

Tiếc rằng không ai quan tâm đến chuyện ấy. Sreykeo sẽ bị cơn bão của những sự kiện ấy thản nhiên nuốt sống.

42 triệu người nhiễm HIV. Bây giờ tôi mới thấu hiểu con số này. 42 triệu Sreykeo. Con số lớn đến nỗi biến ta thành vô cảm. Tôi đã tiếp nhận tính logic của mục thời sự. Mười người Đức chết là một thảm họa, hơn một vạn người châu Phi chết là một tin vặt. Trong mắt chúng ta, khi ở cái gọi là Thế giới Thứ Ba hàng chục vạn người cùng chết một lúc vì AIDS hay một lý do nào khác thì cái chết của một người đơn lẻ không ghê gớm lắm. Sai.

Tôi hỏi Sebastian có một đĩa DVD phim hành động vớ vẩn nào đó không. Tôi muốn quên. Muốn xem một phim không có ai đau khổ nhưng đầy những cảnh đùng đoàng, những kẻ ác chết nhanh chóng và không đau đớn, và rốt cuộc cái Thiện chiến thắng. Nói về nỗi đau của mình chỉ làm mọi chuyện tồi tệ thêm. Người ta hay nhầm rằng “đem ra bàn bạc” sẽ làm dịu mọi thứ. Nhưng không đúng đối với những gì không thể thay đổi.

Sebastian chỉ có phim Strange Days: trong tương lai gần sẽ chế tạo được máy nhớ, khả dĩ ghi lại cảm xúc và trải nghiệm của con người. Một số kẻ điên rồ tấn công nhà băng và giết người để sau đó bán các băng ghi lại cảm xúc nảy ra lúc đó. Có cảnh một phụ nữ bị hãm hiếp và bóp cổ chết trong khi thủ phạm bật máy nhớ để ghi lại cảm xúc của hắn.

Tôi lợm giọng suýt nôn. Tôi ép hai tay vào tai, nhìn chòng chọc xuống sàn và cắn răng đợi qua cảnh trên, một cảnh quá thực đối với tôi. Tôi biết Sreykeo đã nhiều lần trải qua những chuyện với đàn ông mà ở phương Tây định nghĩa là hãm hiếp. Nhưng đó là một chữ lạ với cô. Cô là ca ve, chuyện đó không có gì đặc biệt, thậm chí không ghê gớm đến nỗi phải kể ra. Sau đó cô lại đi làm tiếp. Nói chuyện ấy ra làm gì nếu cô không chống lại được? Tôi căm thù người viết kịch bản. Vì sao người ấy lấy hãm hiếp làm chuyện giải trí? Chỉ một người chưa bao giờ trải nghiệm việc con người thực sự làm những điều đó mới quay được một phim như thế.

Tillmann đến sau giờ làm việc. Anh ôm và vỗ lưng tôi. Anh đem theo hai lon bia, chúng tôi ngồi bệt dưới sàn cùng uống. Sau đó anh kéo Sebastian và tôi xuống thang. Ở tầng trệt nhà Sebastian có một quán bar, Villa Verde, lúc nào cũng náo nhiệt. Náo nhiệt như một quán bar đưa chủ nó đến ngưỡng vỡ nợ. Quầy nước bằng cẩm thạch soi sáng từ bên trong, tỏa ánh lờ mờ và ấm đến nỗi nhiều khách áp mặt lên đó ngủ thiếp đi.

Tan tầm Sascha cũng đến. Cậu ngớ người ra như các khách khác và chỉ thốt ra: “Dã man. Tillmann gọi whiskey loại đắt, nâng ly và nói: “Mừng cuộc sống.” Tất cả đặt tay lên vai tôi. Anh hay xử sự thiên về bi lụy, nhưng trong khoảnh khắc này không ai thấy đó là khiên cưỡng. Sau vài tiếng đồng hồ tê liệt, tôi cảm thấy một sợi vàng tết bằng hạnh phúc trong ngực, giống một người trong bóng tối mịt mùng của hang sâu bỗng nắm được tay vào một sợi dây để hy vọng sờ lần ra đến cửa hang.

Hết chương 13. Mời các bạn đón đọc chương 14!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/38076


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận