Thầy Lang (Znachor) Chương 4

Chương 4
Tại chính trung tâm O-đrư-nư, trong điền trang không có gì đáng để người ta phải lưu ý.

Tòa dinh thự đồ sộ đã bị thiêu hủy trong thời gian chiến tranh, nay mọc đầy những bụi tầm ma, chút chit và ngưu bàng, mỗi năm lại phủ đầy thềm rêu phong mốc thếch, mỗi năm lại thêm phần đổ nát. Nữ chủ nhân, công tước phu nhân Du-ban-xê-va, vợ góa của một quan chức cao cấp trong triều đình Pê-tec-bua hiện đang định cư tại Pháp, chẳng khi nào lui tới dòm ngó gì đến chốn này. Viên quản lý, ông Pô-le-skê-vich, một ông lão tính khí kỳ quặc, chiếm hai phòng nhỏ trong tòa nhà phụ bằng gỗ trên sàn điền trang, nơi cũng không thiếu những dấu ấn của sự bừa bãi và thiếu chăm lo giữ gìn.



Nhưng khắp bốn chung quanh trải ra mênh mông những khoảng rừng bao la và truyệt vời của vùng Rừng Hoang O-đrưn-ke-xka, hàng nghìn hec-ta mọc đầy thông, tùng, sồi và bạch dương chen lẫn phi tử và đỗ tùng, bị chia cắt bởi những con đường mòn chật hẹp, ngoằn nghoèo, ngoắt ngoéo, trên đó người ta hay gặp vết chân lợn rừng và các loài thú có sừng hơn là vết chân người và ngựa. Từ trên cao nhìn xuống, cả khoảng không gian mênh mông kia nom như một tấm thảm nhung xanh óng ánh, trên đó có dính đầy những chuỗi cườm đen lóng lánh. Bởi nơi đây không thiếu chi những làn nước. Những mặt hồ hớn và nhỏ nối liền nhau bằng những dòng suối ẩn mình trong đám cây tống quả sủ và liễu xam khiến người ta có thể đi xuyên rừng bằng thuyền dễ hơn đi đường bộ. Chính vì vậy, những người coi rừng ít ỏi chốn đây thường sử dụng thuyền.

Chỉ khi nào phải tới tòa nhiệm sở nằm tại chính giữa vùng rừng người ta mới phải đi bộ. Tòa nhiệm sở ở sườn núi, trên một khu đất trống nho nhỏ, tứ phía được bao bọc bởi bức tường cao vút của rừng già đại ngàn. Trong tòa nhiệm sở là chánh kiểm lâm, anh Jan Ôc-sa con trai của ông lão Phi-líp Ôc-sa, người người hơn bốn mươi năm về trước đã cai quản rừng đại ngàn Ô-đrư-nhe-xka, và khi qua đời đã để lại chức trách kiểm lâm cùng tất cả những gì ông có cho đứa con trai. Ngay từ thuở thơ ấu, chàng trai đã du học ở Vin-nô, rồi sau đó đến tận thành Vac-sa-va xa xôi, nhiều năm sau anh trở về với tấm bằng kỹ sư lâm nghiệp trong túi, cùng vợ và đứa con gái nhỏ; từ đó sống trong tòa dinh thự và suốt năm năm nay có thẩm quyền quyết định mọi chuyện trong vùng rừng. Thẩm quyền đó là vô hạn, bởi lẽ cấp trên của anh, ông lão Pô-le-xki-ê-vich, tin tưởng anh hoàn toàn trong mọi chuyện, không hề can thiệp vào việc gì cả, và nếu như ông lão có ghé qua nhiệm sở của người chánh kiểm lâm thì chẳng phải để kiểm tra sổ sách mà chỉ để cùng phu nhân Bê-a-ta Ôc-sư-na trò chuyện chút đỉnh, cùng anh Jan chơi vài ván cờ, hoặc để cho cô bé Ma-rư-sia ngồi lên yên ngay trước mặt mình và "phi" trên trảng trống. Vả chăng, đó gần như là vị khách duy nhất lui tới nhiệm sở kiểm lâm.

Hẳn là Ôc-sa được thừa kế của cha tính thích cô đơn, ít có bao giờ anh đi lại thăm hỏi những người láng giềng - thực ra họ cũng ở khá xa - và họ cũng không đến thăm anh. Mặc dù còn trẻ anh là người chỉ thích ngồi nhà, điều đó không lấy làm lạ bởi anh có một người vợ xinh đẹp tuyệt vời, và như chàng gác rừng Ba-rơ-trúc hay nói, "một người rất thiện ý", cùng một cô con gái nhỏ giống như thiên sứ, như niềm hạnh phúc của gia đình.

Vì vậy, anh không thích đi đây đi đó. Bao nhiêu lần phải lên huyện lỵ Bra-xoa-vi, hoặc chẳng may phải đến tận Vin-nô, anh đều lần lữa từ ngày này sang ngày khác. Cũng có thể là do anh không được khỏe lắm, việc đi lại khiến anh rất mệt. Thường thường, hễ cứ bị nhiễm lạnh một chút, anh lại thổ ra huyết và nằm liệt giường. Nhưng đó là một người rất tốt bụng, rất nhân đạo và công minh, tất cả những người dưới quyền đều xót xa thấy anh mỗi ngày một héo hắt trông thấy. Đã hai lần họ phải đưa bác sĩ đến thăm bệnh cho anh, một chuyện thực vất vả và tốn kém, bởi tám dặm đường chẳng phải là một quãng ngắn ngủi gì. Người ta bảo rằng anh chánh kiểm lâm trẻ tuổi chắc chẳng qua khỏi nổi, và mọi sự hình như cũng có vẻ đúng vậy.

Mùa hạ trong rừng thật là tuyệt. Mùi nhựa cây thơm nồng nàn, không khí ấm áp như trong lò, đủ mọi thứ côn trùng vo ve đến váng cả tai. Những ngọn thông cao vút lắc lư, gió ồn ã trong những vòm lá sồi già, rêu dày như một tấm thảm xốp êm, còn quả rừng và nấm thì hằng hà sa số, có thể chỉ sống hoàn toàn bằng chúng ở nơi đây mà không sợ bị chết đói. Nhưng khi thu về, trong rừng lại trùm một sự tĩnh mịch tuyệt đối, hệt như trong nhà thờ lúc làm lễ thăng thiên. Cây cối đứng trầm tư, thậm chí chúng hình như không cảm thấy những chiếc lá của chúng vàng úa và đỏ sậm, rời khỏi cành, rơi thành từng mảng, từng mảng lớn. Còn về mùa đông, tuyết bao trùm tất cả chiều cao và chiều sâu, chồng chất thành những tấm đệm dày trên cành cây, và mỗi khi người ta hít thở, mỗi khi làn không khí lạnh buốt tốt lành kia ùa vào theo.

Nhưng hết đông lại sang xuân. Từ đất rừng đang tan băng, từ các hồ và những đầm lầy, hơi ẩm bốc lên, đó chính là mùa tệ hại nhất cho những người bị lao phổi.

Với chàng chánh kiểm lâm Ôc-sa cũng thế. Chàng chịu đựng mùa đông rất tốt, nhưng đến tháng ba khi tuyết bắt đầu tan, sức khỏe chàng lại suy sụp. Suy sụp đến nỗi đã bốn tuần liền chàng phải nằm liệt giường, và ngay cả việc nhận báo cáo của những người gác rừng chàng cũng phải tiến hành ngay trong phòng ngủ. Chàng gầy sụt đến mức khó lòng nhận ra nổi, nhiều khi những cơn ho sặc sụa kéo dài khiến chàng không nói được suốt mười lăm phút liền hay lâu hơn nữa. Trán chàng đầm đìa những giọt mồ hôi lạnh to tướng, hơi thở chàng rất khó nhọc.

Đến thứ bảy thì bà chánh kiểm lâm hoàn toàn không để cho một người gác rừng nào vào phòng chồng nữa. Nàng vào bếp gặp họ, người cũng nhợt nhạt, mệt mỏi, và chỉ nói rất khẽ:

- Nhà tôi mệt lắm, không... không thể để anh ấy mệt thêm nữa.

Rồi nàng òa lên khóc.

- Thưa bà, có nhẽ nên đi mời bác sĩ đến ạ. - một người lên tiếng. Ông nhà sẽ chết nhẹ nhàng hơn.

- Nhà tôi không thích bác sĩ. - phu nhân lắc đầu. - Chính tôi cũng đã van xin anh ấy thế nhưng anh ấy không đồng ý.

- Tôi vẫn muốn nên đi mời bác sĩ, - người khác bảo. - Còn với ông chánh kiểm lâm thì ta bảo chính bác sĩ tự đến, nghĩa là tiện đường ông ấy rẽ vào.

Mọi người đều đồng ý thế, Ôc-sư-na gạt nước mắt quay vào phòng ngủ. Sau bao đêm không chợp mắt, chính nàng cũng mệt lắm, nàng bước đi mà chân nặng như chì. Song khi đến gần giường người ốm, nàng cố mỉm cười, tỏ ra bình tĩnh. Nàng sợ rằng ánh mắt của Ja-nếch sẽ đọc được những ý nghĩ thật của nàng, những ý nghĩ khủng khiếp và đớn đau đang hành hạ tâm hồn tội nghiệp ấy. Khi chàng đã thiếp đi, nàng bèn quỳ xuống và cầu nguyện khẩn khiết.

- Lạy chúa, hãy tha tội cho tôi, xin Người đừng trừng phạt tôi, đừng trả thù tôi! Đừng cướp anh ấy đi! Tôi có tội, tôi đã phạm nhiều điều ác, nhưng xin Người hãy tha thứ! Tha thứ cho tôi! Tôi không thể làm khác được!

Và lệ giàn giụa cả khuôn mặt gần như trong suốt của nàng, môi nàng run rẩy trong khi thì thầm những lời khó hiểu.

Nhưng Ja-nếch lại tỉnh ngay. Một cơn ho nữa hành hạ chàng và trên chiếc khăn lại hiện ra thêm một vết máu nữa. Lại phải đưa nước và cho chàng uống thuốc.

Đột nhiên, đến đêm chàng đỡ đau hơn. Cơn sốt lui hẳn. Chàng bảo nâng người lên để chàng ngồi dậy. Không một lời phản đối, chàng uống cạn cốc kem sữa rồi nói:

- Anh thấy là anh sẽ sống!

- Chắc chắn rồi, hẳn thế rồi, Jan-ku (15)! Cơn nguy hiểm qua rồi, tất nhiên là thế. Anh đã thấy khỏe hơn. Rồi anh xem, chỉ tháng nữa là anh sẽ khỏe hoàn toàn thôi mà.

- Anh cũng nghĩ thế. Ma-ri-ô-la chưa ngủ hả em?

Không khi nào chàng gọi con bằng cái tên ấy. Ngay từ đầu chàng đã không thích tên gọi ấy và chỉ gọi con là Ma-rư-sia, khiến Bê-a-ta cũng quen dần.


- Vâng, con chưa ngủ. Nó đang làm bài.

- Thế ra em vẫn còn thì giờ dạy con học ư?..

Chàng nín lặng, rồi lát sau chàng bảo:

- Lạy Chúa, anh đã mang đến cho em và con biết bao khổ cực.

- Jan-ku! Sao anh có thể nói những lời kinh khủng nhường ấy! - Nàng hoảng hốt.

- Đó là sự thật.

- Chính anh cũng không tin điều đó. Anh đã mang lại cho em và con biết bao hạnh phúc, những niềm hạnh phúc đẹp nhất!...

Chàng nhắm mắt thì thầm:

- Anh yêu em. Bê-a-ta, càng ngày càng yêu đắm say hơn. Và chính tình yêu ấy không cho phép anh chết.

- Anh sẽ không chết, anh không thể chết được. Không có anh, cuộc sống đối với em sẽ tồi tệ hơn là cái chết. Nhưng chúng mình đừng nói tới chuyện ấy nữa anh. Chuyện ấy đã qua rồi, ơn Chúa! Anh biết không? Để em gọi Ma-rư-sia nhé. Đã bao lâu con không được gặp anh rồi. Anh cho phép chứ?

- Không nên. Ở đây không khí đầy mầm bệnh. Chính anh đang lo khi nghĩ em phải thường xuyên thở hít chúng. Đối với buồng phổi trẻ thơ của con đó là thuốc độc.

- Vậy thì để con đứng ở ngưỡng cửa thôi cũng được. Anh hãy nói với con đôi lời. Anh không biết con hay đòi điều đó đến mức nào đâu.

- Thôi cũng được - chàng đồng ý.

Bê-a-ta hé cửa gọi:

- Ma-rư-siu (16)! Cha cho phép con rồi đấy.

- Cha ơi! - Từ trong nhà vang lên tiếng reo vui mừng rỡ, rồi tiếp đó là những bước chân chạy gấp gáp.

Cô bé chạy vào và đứng sững lại. Đã hai tuần em không được gặp mặt người ốm và những thay đổi trên mặt cha khiến em kinh hoàng.

- Hôm nay cha thấy đỡ hơn, - Bê-a-ta nói vội, - nhưng cha mới chỉ cho phép con đứng ở cửa thôi. Vài hôm nữa cha sẽ dậy được và hai cha con sẽ lại cùng nhau nào rừng, con nhé.

- Con yêu của cha, dạo này con ra sao? - Ôc-sa hỏi con.

- Cám ơn cha. Mà cha biết không, cái cây bạch dương con cạnh Si-vư Ru-trai đã bị nước rửa trơ rễ ra rồi đấy!

- Nước rửa trơ ra rồi à?

- Vâng. Bác Ma-kô-oa bảo rằng nó sẽ đổ ngay bây giờ cho xem. Bác ấy còn bảo rằng anh Grư-sca, con trai bác ấy, hôm qua trông thấy bốn con nai ở chỗ suối cạn Ha-nin-xki ấy. Chúng nó đi thành hàng một nối đuôi nhau, cha ạ.

- Chắc chúng nó từ Rừng Đỏ sang.

- Vâng, bác Mi-kô-oa cũng bảo thế.

- Thế con chưa quên hết môn thực vật và vật lý đấy chứ? - Chàng mỉm cười hỏi.

- Còn lâu, cha ạ! - Cô bé khẳng định và để chứng minh điều đó cô bắt đầu kể ra những gì cô đã tự học được. Sau một lúc trò chuyện Ôc-sa gửi cho con một cái hôn gió để chia tay.

Tay chàng gầy và trắng một vẻ thiếu tự nhiên. Khi Ma-rư-sia đã ra, chàng nói:

- Con bé lớn nhanh thật. Mới mười hai tuổi mà nom đã gần bằng em rồi. Năm tới chúng mình sẽ phải gởi con đến trường thôi. Anh hi vọng rằng rốt cuộc công tước phu nhân cũng sẽ được phép đốn gỗ và khi ấy chúng ta sẽ lại vững vàng.

- Cầu Chúa ban cho. Cốt sao anh khỏe thật nhanh.

- Phải, phải - chàng hăng hái tán đồng, - anh sẽ phải khỏe để lo công chuyện. Nếu không chặt hạ, anh đã quyết định sẽ tìm một chỗ làm khác. Phải rời bỏ Rừng đại ngàn O-đrưn-ke-xka thì thật là nặng nề, nhưng Ma-rư-sia đã lớn rồi. Đó là điều quan trọng nhất.

Chàng hơi trầm ngâm rồi lát sau chàng hỏi:

- Em lại phải tiêu khá nhiều tiền thuốc thang phải không?

- Anh đừng lo chuyện ấy.

- Em biết không, anh cứ nghĩ nếu rằng bây giờ anh chết đi thì sau khi lo ma chay, em sẽ còn lại chẳng được mấy tí tiền nong. Điều đó hành hạ anh nhiều hơn cả... Có bán đồ gỗ trong nhà thì em cũng chỉ đủ sống được một năm thôi. Nhất là những tấm thảm tranh cổ kia. Hình như chúng cũng có giá trị đấy.

- Anh Ja-ku! Anh nói gì thế! - Nàng kêu lên trách móc.

- Không, anh chỉ nhắc lại những gì anh suy nghĩ đó thôi. Anh cũng nghĩ rằng trong trường hợp anh làm sao em có quyền nhắc người ta cấp một khoản tiền nào đó cho Ma-rư-sia. Anh không nghĩ là Vin-tru-rơ sẽ lại tìm được về. Nếu không, hẳn người ta đã viết trên báo. Chắc phải có một ai khác quản lý tài sản của ông ta, và Ma-rư-sia có quyền hưởng tài sản đó.

Mặt Bê-a-ta đỏ bừng.

- Chính anh nói thế ư, Jan-ku?! - Nàng kêu lên không giấu nổi vẻ bất bình.

Cho đến hôm nay, trong suốt năm năm qua, ch 7f50 a bao giờ họ nhắc một lời nào đến giáo sư. Suốt năm năm trời, kể từ khi chàng bảo nàng gửi hết các thứ quần áo của bé Ma-rư-sia tặng một nhà nuôi trẻ nghèo nào đó.

Ôc-sa nhìn xuống.

- Anh không có quền bắt con phải sống đời nghèo khổ.

- Nhưng em không có quền chia tay xin tiền của ông ấy. Trăm lần, ngàn lần không, thà chết còn hơn. Không bao giờ, Jan-ku, anh nghe không, không bao giờ!

- Thôi được rồi, chúng mình đừng nhắc đến chuyện ấy nữa đi em. Song em thấy đấy, nếu anh không sống nổi... Khi nghĩ rằng mình sẽ chết, anh thật kinh hoàng hình dung ra những điều sẽ xảy đến cho mẹ con em.

- Em biết may, biết thêu thùa, em có thể đi dạy thêu - Em có thể làm tất cả, trừ chuyện đó. Anh hãy nghĩ lại mà xem, em còn mặt mũi nào đến gặp những người thừa kế của ông ấy để mà đòi hỏi, em, kẻ mà bọn họ... có quyền coi là kẻ đã gây nên cái chết của ông ấy. Vả lại, anh Jan-ku, tại sao chúng mình nói tới việc ấy mà làm gì? Anh thấy đỡ hơn, ơn Chúa, mọi sự sẽ tốt đẹp vô cùng.

- Hẳn rồi, em thân yêu, chắc chắn là thế, - anh áp mặt vào tay nàng.

- Anh thấy chưa! - Nàng tươi lên, - Còn bây giờ anh phải cố ngủ đi nhé. Muộn rồi.

- Ừ. Anh thấy hơi buồn ngủ.

- Chúc anh ngủ ngon. Anh duy nhất của em, chúc anh ngon giấc. Giấc ngủ sẽ cho anh thêm sức.

- Chúc em ngủ ngon, niềm hạnh phúc của anh.

Nàng che đèn, quấn mình trong tấm chăn và ngả người trên ghế xô-pha. Nhưng mười lăm phút sau này chợt nhớ ra còn phải cho anh uống thuốc nước trước khi đi ngủ.

Nàng nhổm dậy, đếm đúng mười hai giọt thuốc bốc mùi crô-zôt, rót thêm nước, rồi cúi xuống phía người ốm.

- Jan-ku, - nàng khẽ gọi anh, - anh uống thuốc đã này.

Chàng không tỉnh. Nàng nhẹ nhàng chạm vào tay anh và cúi xuống người phía anh.

Và lúc ấy nàng nhìn thấy đôi mắt anh đang mở trừng trừng.

Anh không còn sống nữa.

------------------------------------------
(15) Tức Ja-nếch, gọi thân mật (N.D)
(16) Tên thân mật của Ma-ri-ô-la

Nguồn: truyen8.mobi/t110303-thay-lang-znachor-chuong-4.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận