Trời đất ban cho thân xác này, hình hài này, dù may mắn hay không, cũng xin cảm ơn, khi ta hơn những cây cỏ vô tri vô giác kia...
Mẹ sinh ra bốn người con. Tai ương ở đâu đổ lên vai gầy của mẹ, đáu đáu trên gương mặt khắc khổ của cha. Anh đầu bị teo cả hai chân chỉ lết đi quanh quẩn trong nhà. Chị gái thứ hai mặt rất xinh, nhưng hai tay lại bị teo. Chị gái thứ ba lành lặn, xinh xắn, nhưng sau khi cưới chồng lại đẻ ra một bé trai bị dị tật ở bộ phận sinh dục. Người chồng sau đó đã bỏ đi biệt tăm.
Lam là con thứ tư. Khi sinh ra, bàn chân trái của Lam bị quẹo lại và nhọn như hình tam giác, khi đi khập khiễng và không thể xỏ giầy hoặc dép. Hai bàn chân đi đất lâu ngày chai sần, lấm láp.
Học xong lớp 7, Lam ở nhà phụ làm ruộng với mẹ mãi đến năm ba mươi tuổi thì có người quen giới thiệu vào Sài Gòn trông em bé. Lam đồng ý và khăn gói vào Sài Gòn, hy vọng kiếm thêm chút tiền về phụ giúp cha mẹ. Làm nông bây giờ cũng chẳng đủ ăn, Lam ở nhà, thêm một miệng ăn nữa càng khó khăn.
Thành phố Sài Gòn đông đúc và sầm uất. Khu Lam giúp việc toàn người nước ngoài và người giàu sang, lành lặn, thơm tho. Lam mặc cảm với cái chân của mình lắm, suốt ngày ở trong nhà. Bù lại, Lam chăm em bé rất tươm tất, ngày ba bữa cháo, ba bữa sữa đều đặn. Mà em bé chỉ Lam cho ăn mới chịu. Em bé nhà chị chủ từ ngày có Lam về bế ẵm, ăn ngủ tốt, tròn ú ụ. Chị chủ nhà mừng lắm, thương Lam như người trong nhà.
Dần dần cũng quen, Lam bớt mặc cảm với cái chân xấu xí, chai cứng và bẩn vì không đi dép của mình. Thỉnh thoảng, Lam đi chợ mua giúp chị chủ nhà những thứ lặt vặt còn thiếu, bế em bé đi chơi trong xóm. Hai chị em quấn quýt lấy nhau. Mọi người cũng quen dần và không thấy sợ cái chân dị tật kỳ cục của Lam nữa.
Thấy Lam đi chân đất suốt, chị chủ nhà sợ Lam giẫm gai hoặc mảnh chai. Chị tìm trên mạng một chỗ đóng giày cho người khuyết tật ở đường Lý Chính Thắng, Quận 3.
Lam đi xe ôm đến địa chỉ đóng giày. Phải gửi và trốn em bé để đi (vì em bé theo Lam) nên Lam không kịp cả rửa chân. Lam xấu hổ và băn khoăn nghĩ mãi bàn chân xấu xí của mình.
Đến tiệm giày. Ra tiếp Lam là một anh thanh niên trẻ, trắng trẻo và dáng dấp thư sinh. Anh mỉm cười thật hiền với Lam, mời Lam ngồi xuống ghế. Lam ngồi xuống, theo bản năng tự nhiên, Lam giấu sâu bàn chân trái của mình dưới gầm ghế.
Anh thanh niên ngồi xuống bên cạnh Lam và dịu dàng nói:
- Nào, chị đưa chân em xem, chị muốn đóng giày da mềm hay simily?Chị thích màu nào?
Anh thanh niên đưa các màu mẫu cho Lam chọn, trắng, đen, vàng đủ cả...
- Em đóng loại gì cũng được...
Lam nói nhỏ. Lam cũng chẳng biết lựa chọn, có đi giày dép bao giờ đâu mà biết.
Anh thanh niên đưa hai tay đỡ lấy bàn chân dị dạng tật nguyền của Lam kéo sát vào người mình, chăm chú quan sát. Lam ái ngại, nhưng vẻ mặt anh thanh niên không thấy biểu hiện gì ngoài sự trân trọng, nâng niu. Anh lấy bàn tay vuốt lên vùng chai sần đen đủi, ngắm nghía và đo đạc một cách rất cẩn thận, tỉ mỉ. Dường như đó là bàn chân bình thường nhất, sạch sẽ như bao bàn chân khác.
- Xong rồi chị ạ. Hai tuần nữa chị ghé lấy giày nhé! - Anh thanh niên cười và vui vẻ nói với Lam.
- Vâng! Chào anh.
Lam ra về, lòng nhẹ bẫng. Lần đầu tiên, Lam cảm thấy mình như một người bình thường, không hề mặc cảm khuyết tật.
Hai tuần sau. Lam đến nhận giày. Vẫn anh thanh niên khi trước. Anh lấy trong tủ ra đôi giày trông thật đáng yêu: một chiếc bình thường, một chiếc bo tròn ôm nhẹ theo bàn chân trái của Lam. Đường nét tròn, thanh thoát và
Lam xỏ chân vào đôi giày. Cảm nhận sự êm ái chưa từng có. Lam cảm động nói lời cảm ơn và ra về.
Từ nay, đôi chân Lam đã sạch sẽ mỗi khi đi ra ngoài. Từ nay, Lam có giày như bao người khác.
... Ba tháng sau. Đôi giày của Lam vẫn mới tinh nằm im lìm trong tủ. Lam không dùng đến nó, bởi Lam không có thói quen đi giày từ nhỏ. Khi đi vào thấy vướng víu, khó chịu. Với lại, Lam không muốn che giấu sự thật về đôi bàn chân của mình, dù đôi giày rất đẹp.