Tiếng Dương Cầm Trong Mưa Chương 33


Chương 33
Giấc mơ xưa

Đời người nhanh lắm, nhìn lại  như một giấc mơ...

 

 

... Đêm khuya. Mưa phùn suốt cả ngày. Chiếc quần dài đen duy nhất mẹ đã bán mấy giạ lúa để may cho Lành khi cô tròn mười sáu tuổi dù giặt và đã phơi cả buổi chiều mà vẫn còn ướt. Sáng mai, cô dậy sớm đi chợ bán măng rồi. Trằn trọc suy nghĩ, Lành rón rén dậy, nhóm bếp đốt lửa ngồi hơ quần cho nhanh khô.

Ngoài trời, mưa xuân tí tách, ếch nhái râm ran đón xuân. Buồn ngủ quá. Nhưng cố vậy. Cô đã hơ khô được một nửa chiếc quần, cố gắng chút nữa rồi đi ngủ. Cả ngày cấy lúa ngoài đồng, hai mắt Lành nặng trĩu, cô bỗng thiếp đi giây lát. Lơ mơ nghe mùi khét, giật mình choàng tỉnh dậy. Trời ơi! Ngọn lửa vô tình đã cháy sém hết một bên ống quần rồi! Cô cuống cuồng dập lửa, tỉnh hẳn.

Lành hoảng hốt ra xa bếp lửa, hỡi ôi, làm sao mặc được nữa, cô gục đầu khóc nức nở, nuối tiếc và ân hận. Mai biết nói thế nào với mẹ đây? Chiếc quần dài đầu tiên mẹ cho, cô chưa một lần được mặc. Mai biết lấy quần đâu mặc đi chợ bán măng?

Ôm chiếc quần vào lòng, cô âm thầm khóc, lo lắng ngồi trong góc nhà đến sáng.

Mẹ dậy, thấy con gái mặt mũi sưng húp, ngồi cúi đầu nép ở góc nhà, bà hỏi: “Sao con không đi chợ? Đi sớm đi con ạ!” Lành òa khóc. Mẹ không giận. Xót thương con, bà ôm Lành vào lòng: “Thôi nín đi, lấy quần của mẹ mặc tạm”, mẹ nói và lấy kim chỉ nhíp lưng quần lại, xắn lên cho vừa con. “Khoai luộc chín rồi, ăn rồi đi con”. “Dạ”.  Mẹ đã không nặng lời với cô, cô càng thêm trách mình bất cẩn. Cô gánh măng đi chợ, lòng nặng trĩu.

Ngày hôm sau, mẹ mở rương, lục sâu dưới đáy ruột tượng cũ, lần đếm từng đồng xu lẻ xếp lại cẩn thận. “Mẹ sẽ may cho con cái quần khác”. Nghe mẹ nói vậy, nước mắt Lành vòng quanh, thương mẹ và càng giận mình. Số tiền ấy mẹ đã phải dành dụm rất lâu...

... Năm mươi năm sau. Bà cụ Lành ngày ấy đã có đủ cháu nội, cháu ngoại. Con trai là tiến sỹ y khoa, bác sỹ khoa ngoại bệnh viện Chợ Rẫy. Con gái là giáo viên dạy văn trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Bà ở chung với con trai. Bà sống công bằng, nhân hậu với con dâu, con rể. Không phân biệt. Bà hết lòng yêu thương, chăm sóc, giúp đỡ con cháu những gì mình còn có thể giúp được. Không lên giọng dạy đời, không trách móc, kể công... Đáp lại, bà có  cuộc sống thanh thản. Con cháu nể phục, kính yêu và chiều chuộng. Các con bà thỉnh thoảng về nhờ bà, khi thì lên gấu quần, khi bóp cái eo bị rộng, bà vui khi còn giúp được cho các con...

Chiều hai chín Tết, ngoài trời mưa xuân lất phất rơi. Mở tủ lấy chiếc áo khoác vào người cho khỏi lạnh, bà chợt nhớ lại chiếc quần  ngày xưa. Ký ức tuổi thơ hiện về, rõ ràng như mới vừa hôm qua. Bà nhớ mẹ vô cùng. Mẹ ơi, bây giờ mẹ đang làm gì, mẹ ở đâu? Con thèm được nghe mẹ nói, thèm được ngồi vào lòng mẹ quá.

... Ngày về quê bốc mộ cha mẹ, bà dậy sớm, ra chợ chọn mua hai tấm lụa đỏ loại mềm nhất, đẹp nhất... Bốn mươi năm. Không còn dấu vết nào của cha, bà đeo kính,  lần tìm trong đất cát mong tìm một chút xương nhỏ còn sót lại, nhưng vô vọng... Cha đã đi xa lắm. Cha đã trở về với cát bụi, với tổ tiên. Mộ mẹ chỉ còn lại một chút xương ống chân màu nâu nhạt. Bà lặng lẽ khóc...

“Chào bà, cháu mới đi học về”. Cháu ngoại học lớp 5 đi học về chạy vào ôm lấy bà. Hai má hồng lên trong bộ váy voan trắng nhiều tầng xinh xắn. “ Ừ, bà chào con”. Bà mỉm cười, con bé hao hao giống bà hồi nhỏ. Nhưng bây giờ, cuộc đời đã sang trang.  Đời bà đã khổ nhiều rồi, nhìn con cháu đủ đầy, hạnh phúc, bà mỉm cười sung sướng.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83637


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận