Tiếng Dương Cầm Trong Mưa Chương 43


Chương 43
Cha và con gái

Ký ức tuổi thơ ngọt ngào và nguyên vẹn mãi trong tôi...

 

 

 Ngày Chủ nhật, cha cho tôi đi ra biển thả lưới. Gọi là biển, nhưng đó chỉ là một cái vịnh nhỏ có nhiều dãy núi đá cao sừng sững che chắn.

 Con đường nhỏ đi ra biển được trải đá dăm gồ ghề, hai bên đường, những cây sói nở hoa vàng rực rỡ, (loại hoa giống hoa loa kèn, nhưng nhỏ hơn, cánh mỏng và có một nhụy dài màu đỏ, phấn vàng). Bầy ong ríu rít, chăm chỉ hút mật dưới ban mai trong trẻo.

 Cha vác lưới đi trước, tôi mang giỏ tre lúp xúp chạy theo sau. Bàn chân trần bé xíu giẫm lên cát sỏi lạo xạo. Tôi vô tình giẫm lên những chú ốc xoắn bám trên ngọn cỏ tránh thuỷ triều mà chưa kịp trèo xuống. Những miệng ốc thu nhanh vào trong vỏ.

Tôi chạy và thích thú lắng nghe hơi thở mặn mòi của biển, sóng vỗ rì rầm êm ái. Mặt trời tỏa ánh sáng rực rỡ ngắm nhìn tôi, cô bé nhỏ có hai bím tóc dài ngồ ngộ này,  mặt trời lên ngang đỉnh núi cao nhất thì dừng lại, biển mát và bình yên.

    Cha mình trần lội ra tới mực nước cao hơn đầu gối rồi thả lưới xuống biển, phao  xốp trắng nổi theo con sóng bập bềnh. Tôi lội quanh quanh chỗ cạn, leo lên những gốc sú, gốc vẹt, tìm những con cua, con ốc mượn hồn chạy trốn rất nhanh, ngắm những cây sú con mọc sát bước chân mẹ, rễ vồng lên tránh nước thật dễ thương.

    Một tiếng sau, thấy nhiều phao chuyển động, bị kéo xuống bất thường, tôi theo cha ra gỡ lưới. Tôi mặc nguyên cả bộ đồ bộ cũ mẹ may cho mà lội theo cha, nước có chỗ ngập gần đến ngực, nhưng có cha bên cạnh tôi hoàn toàn yên tâm. Rồi cha sẽ dạy tôi tập bơi.

    Nhiều cá quá! Những chú cá đối vảy trắng lấp lánh mắc kẹt trong lưới, không ra được, giãy giụa, nhưng càng giãy thì càng mắc chặt hơn. Chỉ việc giữ chặt đầu cá, khéo léo lấy tay gỡ nhẹ mắt lưới và rút cá ra, không làm rách lưới là được. Cha gỡ cho vào giỏ tre sau lưng tôi. Chốc lát giỏ tre đã đầy. “Sao con không thấy nặng hả cha?”. “Lên bờ đeo không nổi đâu con ạ, nước đỡ giúp con đó!”. Cha âu yếm nhìn tôi, đứa con gái cha đặt tất cả niềm tin và hy vọng.

Một đoạn lưới chìm hẳn xuống nước mất hút cả phao, thì ra là hai chú sam biển to tướng mắc vào. Cha khéo léo gỡ hai chú ra, xách đuôi chúng nhấc lên khỏi mặt nước, những cái chân ngắn chi chít đua nhau giãy giụa tìm lối thoát...  

 

Đó chỉ là buổi đầu tiên cha “huấn luyện” cho tôi dạn dày với biển. Những ngày Chủ nhật sau, cha con tôi lại chuẩn bị đồ nghề, khi thì cần câu cáy ở hai bên kè núi, khi thì câu cá  ở hố bom. Hết biển, cha đưa lên rừng hái sim, hái muồng, chặt củi, bắt rắn hổ, rồi xuống ruộng trồng mía, trồng khoai...

Tôi không còn hay sợ hãi vu vơ nữa. Buổi chiều học bài xong, tôi và Thanh rủ nhau đi bộ qua con đường nhựa nhỏ, ra biển chơi. Chiều xuống, biển càng mát, lộng gió. Sóng lăn tăn. Chúng tôi tha thẩn chơi trên bờ cát vàng, đuổi bắt những chú dã tràng nhỏ tí xíu nhưng chạy nhanh như máy.

 Tôi và Thanh đi về phía có doi đất nổi cao. Ở đó, sú, vẹt mọc thành một dải dài, xanh và rậm rạp. Những chùm hoa trắng nhỏ tí xíu, thơm ngai ngái, ong bướm dập dìu rất vui mắt. Lá sú giòn, vị chát, chúng tôi nhấm nháp cả hoa, quả mà không bị đau bụng.

 Thủy triều xuống, biển cạn. Những chú ốc leo lên bám đầy trên rễ cây, nhiều con còn leo lên cao tận thân cây. Những cái hang tròn sâu hoắm là nhà của những chú cua, chú cáy đang thập thò, chạy qua chạy lại trên cát và trốn vào hang rất nhanh khi nghe tiếng động nhỏ. 

Những buổi sau, hai đứa nhặt được cả giỏ ốc xoắn đầy. Đôi khi còn bắt được những con cáy, con còng thật to.

 

Buổi tối, tôi rửa ốc và lá chanh cho vào nồi. Nồi ốc sôi thơm nức, tỏa mùi thơm của lá chanh pha lẫn mùi biển thật hấp dẫn. Tôi giã gừng, tỏi ới làm nước mắm chua cay ngọt, ra sân hái gai bưởi già, mang ra giữa sân, mời các cô, các bác nhà bên cạnh cùng ăn. Trăng sáng, chuyện trò rôm rả trong miên man gió biển thổi vào mát rượi.  

 Tuổi thơ tôi trôi qua, ngọt ngào tình cha dìu dắt tôi từng bước vào đời...

... Ba mươi năm sau. Tôi trở về nơi xưa. Biển đã cạn. Lau sậy mọc lấn thành rừng. Dấu vết xưa chỉ còn trong kỷ niệm. Cha ơi, bây giờ cha ở đâu?

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83940


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận