Truyện Và Kí Chương 2


Chương 2
ĐỘNG VẬT HỌC

"Càng học càng thấy mình dốt", đó là một câu ngạn ngữ châu Á. Trái với lệ thường, câu ngạn ngữ này không phải là một thứ gì kỳ cục khó hiểu, mà là một chân lý phổ biến.

Ví như, ông Jôdép Cayô(1), cựu Thủ tướng, nhà lý tài ngoại ngạch, một nhà văn không phải tồi, không phải tương đối tồi như Enxten(2) nói, sau khi đã cai trị bốn mươi triệu dân Pháp, đã nắm trong tay hàng triệu, hàng tỷ bạc, ông viết sách vở, rồi một buổi sáng nọ, ông vò đầu và gãi điên cuồng - không phải là gãi tóc, vì ông ta không có sợi tóc nào cả - mà gãi tai, đồng thời tự hỏi và hỏi người khác: Châu Âu sẽ đi tới đâu nhỉ? Nước Pháp sẽ đi tới đâu nhỉ? Câu hỏi tuy có vẻ rất giản đơn, nhưng cho đến nay vẫn chưa giải đáp được, trừ phi...

Này ngài Thủ tướng, xin ngài cho tôi biết chân của châu Âu và của nước Pháp ở chỗ nào, tôi sẽ nói ngài biết châu Âu và nước Pháp đi tới đâu!(1)

Đácuyn(2), nhà đại thông thái Đácuyn, từng biết rằng con ngươi của một con ếch xứ Ôvecnhơ tròn hơn con ngươi của một con ếch ở vùng Nốttinhham, và đuôi chim bồ câu ở Mếchxích có nhiều hơn đuôi chim bồ câu ở Thụy Điển ba cái lông, nhưng ông hoàn toàn không biết gì đến một loài động vật rất đông đúc và ngày nay ai cũng biết; và do số lượng cùng tính chất của nó, loài động vật này có thể được liệt vào hàng đầu của các loài động vật. Vì hiện tượng này cũng khá thú vị, nên chúng tôi thử trình bày cùng bạn đọc báo Người cùng khổ.

Kết quả những cuộc nghiên cứu kỹ càng cho phép chúng tôi khẳng định rằng nguồn gốc loài động vật này cũng lâu đời như nguồn gốc loài người, nếu không phải là lâu đời hơn nữa kia. Sự cấu tạo thể chất của nó hết sức kỳ lạ: ở tất cả các loài động vật, sự sinh sản ra lông lá thường là ở đằng đuôi; ở loài động vật này, lông lá lại mọc trên đầu; chỉ mọc trên đầu chứ không mọc ở cổ như bờm con ngựa. Lông lá này mịn màng như len và hung hung đỏ, hoặc cứng và đen, tùy theo khí hậu nơi nó sống. Khí hậu có ảnh hưởng rất nhiều đến màu da của nó. Màu da đỏ hoặc vàng hoặc đen, chớ ít khi trắng. Dù có những sự kỳ lạ đó, diện mạo của nó đôi khi cũng khá dễ thương. Loài động vật này đi hai chân. Nhưng, theo những tài liệu quan sát được tại nhiều vùng châu Á, thì nhiều khi nó lại trở thành loài đi bốn chân(1). Nói chung người ta có thể liệt loài động vật này vào loại hai tay. Điều làm cho loài động vật này rất đông đúc và có thể sống trên một diện tích rất rộng trên quả đất, chính là ở chỗ nó rất dễ dàng thích nghi với nhiều thứ đồ ăn hết sức khác nhau. Loài động vật này ăn thịt, ăn cỏ, ăn gạo và ăn cả tiền nữa. Cần chú ý rằng, khi một con vật cá biệt đã đến trình độ ăn cả tiền thì thường bị coi là thoái hóa, vì nó đã mất hết đặc tính tinh thần của nòi giống nó rồi(2).

Óc bắt chước của nó rất phát triển, và óc đó không phải nông cạn như ở loài khỉ hay loài vẹt, vì người ta nhận thấy rằng tài bắt chước của nó thường đạt tới chỗ tuyệt khéo, và đôi khi còn hơn cả cái mà nó bắt chước nữa.

Một vài đức tính thực dụng của nó còn cao hơn cả những đức tính thực dụng của các loài gia súc nữa kia. Một khi đã thuần thục rồi, thì tự nó để cho người ta hớt lông như một con cừu, chất đồ nặng lên lưng như một con lừa, và đưa vào lò sát sinh như một con bê. Loài động vật này rất dễ bị lóa mắt. Nếu người ta bắt ra một con, to nhất hay mạnh nhất trong bầy, và đeo vào cổ nó một vật gì lóng lánh như một đồng tiền vàng hay huân chương chẳng hạn, thì nó liền trở thành hoàn toàn ngoan ngoãn, lúc đó người ta có thể sai nó làm bất cứ việc gì và bảo đi đâu cũng được... và các con khác cứ việc theo nó một cách... khờ dại, nếu có thể nói như thế được(1).

Các nhà bác học của Hội Động vật đế quốc Anh (B.I.Z.A. - British Imperial Zoological Association) - vừa cho biết rằng loài sống trên bờ Ấn Độ Dương và trên bờ xứ Libi, vùng Hồng Hải, bắt đầu có những tiến hóa rất rõ rệt: nó không chịu để cho người ta bắt một cách dễ dàng, và không chịu để cho người ta đem về nuôi làm gia súc nữa(2). Hiện tượng mới đó không khỏi gây lo ngại cho các giới công nghiệp và khoa học trên thế giới, và đặc biệt là cho những giới đó ở phố các nhà giàu sụ Luân Đôn vì, tuy thịt loài vật đó không ăn được vì không thể ướp lạnh được, nhưng máu và mồ hôi của nó lại trở thành những thứ không thể thiếu để đổ dầu mỡ cho những cái máy chứa dồi thịt(3).

 

Để tóm tắt bản trình bày ngắn này, chúng tôi xin nói rằng, tên cái giống vật kỳ dị đó là Dân bản xứ thuộc địa (Colonie indigène); nhưng tùy theo từng vùng mà người ta gọi tên nó một cách khác nhau: Annamit, Mangatsơ, Angiêriêng, Anhđiêng, v.v... v.v...(1)

 

NGUYỄN ÁI QUỐC

T.B. - Chúng tôi vừa nhận được của một đồng nghiệp của chúng tôi là nhà bác học khoa học tự nhiên Đờ Páctú (De Partout)(2), một loài hiếm có, loài này hình như cũng có họ hàng thân thuộc gì đó với loài chúng tôi vừa nghiên cứu. Loài đó, theo bạn đồng nghiệp của chúng tôi, thì tên nó là: Người vô sản. Sau này chúng tôi sẽ nghiên cứu loài mới, Người vô sản đó, của Đờ Páctú (De Partout).

 

Báo Người cùng khổ, số 2, ngày 1-5-1922.


Bản dịch: Nhà xuất bản Sự thật,
Lên án chủ nghĩa thực dân,
Hà Nội, 1959, tr.7-10.

 



1. Jôdep Cayô (Joseph Caillaux): chuyên gia về tài chính,
Thủ tướng nước Pháp năm 1911, thi hành chính sách đánh thuế thu nhập.

2. Enxten (Einstein): một nhà bác học vĩ đại, một chiến sĩ hòa bình tích cực. Ông sinh năm 1879, mất ngày 18-4-1955. Thuyết tương đối của ông nêu lên rằng: Một số khái niệm cơ bản (như khái niệm về không gian, thời gian và khối lượng, v.v...) mà trước đây người ta vẫn tưởng có tính chất tuyệt đối, thì nay phải quan niệm lại là tương đối mới đúng với chân lý khách quan. Ngược lại, một số khái niệm trước đây mà người ta vẫn tưởng là có tính tương đối (thí dụ tốc độ ánh sáng trong chân không...), nhưng thực ra lại có tính tuyệt đối (tốc độ này không thay đổi dù quan sát từ bất cứ hệ quy chiếu nào). Lênin đánh giá Enxten là "một trong những người cải tạo tự nhiên vĩ đại nhất" (Đại bách khoa toàn thư, Liên Xô, xuất bản lần thứ hai, quyển 48, tr.343).

1. Ý câu này có lẽ nhằm mỉa mai châm biếm rằng, nước Pháp và một số nước tư bản châu Âu sống bằng cách vơ vét, bóc lột thuộc địa.

2. Đacuyn (Darivin): nhà bác học Anh vĩ đại, sinh năm 1809, mất năm 1882. Ông sáng lập ra khoa sinh vật học duy vật chủ nghĩa về nguồn gốc và sự phát triển của các giống vật. Ông là người đầu tiên đã dựa vào nhiều tài liệu khoa học mà sáng lập một lý luận khoa học sâu rộng về sự tiến hóa của những hình thức của thể hữu cơ, bác bỏ lý luận siêu hình về tính bất biến của các giống vật. Tác phẩm chủ yếu của ông là cuốn Bàn về nguồn gốc các loài.

1. Nguyên chú của đồng chí Nguyễn Ái Quốc: "Loài quan lại đứng theo tư thế Xalamalếch".

Xalamalếch (phiên âm từ chữ Salamalec): lối chào của người
Ả Rập, đầu cúi thật rạp xuống đất. Tác giả có ý chỉ vào bọn quan lại hay quỳ gối cúi đầu làm thân nô lệ.

2. Ý mỉa mai đả kích sâu cay. Câu này nhằm chỉ vào lũ quan lại bản xứ bám gót bọn đế quốc thực dân, vơ vét bòn đãi của dân chúng, không còn tinh thần giống nòi dân tộc gì nữa.

1. Chân tướng của bọn quan lại trên tiếp tục bị tác giả vạch trần. Lũ thực dân thường đem những thứ như mề đay, phẩm hàm ra nhử lũ tay sai, và thế là bọn này lôi kéo thêm những phường mất gốc khác.

2. Câu này có thể là tác giả nhằm chỉ những phong trào đấu tranh dân tộc, những khuynh hướng chống chủ nghĩa đế quốc đang xuất hiện như một sự "tiến hóa rõ rệt", một "hiện tượng mới" ở các vùng này.

3. Nguyên chú của đồng chí Nguyễn Ái Quốc: "Cũng gọi là các nhà tư bản".

1. Annamit: người Việt Nam.

Mangatsơ: người ở xứ Mađagatxca, trên Ấn Độ Dương, đối diện với xứ Môdămbích châu Phi.

Anhđiêng: người Ấn Độ.

2. Đờ Páctú (De Partout): một cái tên do tác giả tự đặt ra, có nghĩa là Khắp nơi. Đờ Páctú cũng có người hiểu nghĩa là Tất c.

Tiếng Pháp De (viết hoa) đặt trước họ, chỉ người nào đó thuộc dòng quý tộc.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83963


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận