Truyện Và Kí Chương 3


Chương 3
LỜI THAN VÃN CỦA BÀ TRƯNG TRẮC

Quốc vương nước Nam sắp làm "khách của nước Pháp". Gọi là có lời chào mừng tí ti, chúng tôi kính dâng ngài giấc mộng này của đồng chí Nguyễn Ái Quốc của chúng tôi, người bầy tôi trung thành của ngài.

 

Đêm tối quằn quại dưới làn mưa nhỏ hạt dầm dề. Mảnh trăng vàng vọt cố bíu trên những mái lều tranh. Cây đẫm ướt đầm đìa nước mắt tuôn rơi. Gió thổi qua những cụm lá mệt mỏi va nhau thành tiếng kinh rợn. Cành cây vặn vẹo như những cánh tay ma quái, và những đám nước bị từng cơn gió đột ngột quất, cứ nức nở. Cảnh vật nước Nam, lồng trong cây cỏ um tùm, vốn tươi vui và thơ mộng thế dưới ánh trăng, nay buồn thảm lạ lùng. Cơn hấp hối đang chơi vơi khắp. Tai ương lảng vảng đâu đây.

Ánh sáng lừ đừ của những cây nến thơm chấp chới, đầu ngọn bấc cong queo, hắt lên những cây cột sơn mài nhẵn bóng trong cung điện những bóng đen lung lay và những con mắt hấp háy. Bọn quan hoạn lim dim uể oải trên chiếc chiếu trải dưới đất ở một góc nhà. Như cảm thấy được có im lặng đang bò lê.

Trống canh vừa điểm ba tiếng. Tùng, tùng, tùng! Các anh là người phương Tây, các anh chẳng hiểu thế là thế nào cả, hử? Tùng, tùng, tùng! Nhân nó lên năm, thế là ba giờ của các anh đấy! Đây là thời khắc ban đêm lúc lương tri cất cao tiếng. Lúc các đống mả khạc ra những kẻ nằm bên trong, họ lìa khỏi những tấm liệm he hé mở, để ra ngoài đi dò đi dẫm, cất lên tiếng rú hoan lạc. Lúc đầu óc con người đầy rẫy những bóng hình mộng mị. Tùng, tùng, tùng! Nhân nó lên ba, thì ấy là con số chín, con số tận cùng trong những con số chẳng thể chia cũng chẳng thể nhân, mà theo vua Phục Hi thì nó biểu hiện sự suy đốn của một sinh linh được coi như cùng tột (dương cửu)(1).

Đó chính là lúc Thiên tử nằm mơ. Ngài mơ thấy những con rồng chạm trên tủ, bàn bỗng biến động, hóa thành những con rắn gớm ghiếc, mở thao láo những con mắt đỏ ngầu tia máu. Còn những con phụng hoàng(2), giống chim tượng trưng cho uy quyền vua chúa, thì vươn chiếc cổ dài ngoẵng tua tủa lông, quệt mỏ xòe cánh, y hệt đám gà trống cáu kỉnh, đáng ghét. Mọi vật bằng ngọc thạch, bằng châu báu, đều xỉn đi, xám xịt lại. Tất cả cứ từ từ quay tròn, và tan dần, tan dần. Rồi một bóng ma trùm khăn, trăng trắng hiện lên. Nhà vua kinh hoàng run lên lập cập, vì không phải vua chúa nào cũng đều can đảm như Hămlét(1), và thông minh như thế thì lại càng không. Ngài muốn kéo chiếu che mặt, mà không được.

Đường bệ và giận dữ, bóng ma nói với vị chủ hoàng cung thế này:

- "Mi có nhận ra ta không, đứa con khốn khổ kia ơi! Ta là một trong những người khai sáng nước Nam tươi đẹp này đây. Ta là Trưng Trắc, năm 39(2) đã cùng em gái ta là Trưng Nhị(3) và đồng bào đánh đuổi bọn xâm lăng, trả thù chồng, giải thoát quê hương. Đừng có run lên như thế, con ơi! Mà phải lắng tai nghe lấy lời mẹ bảo! Chẳng hay mi có biết rằng, theo tập tục nghìn năm của nước Nam ta xưa cũ thì Hoàng đế là chịu mệnh trời để trị dân, vì thế mà được coi là con của trời, cha mẹ của dân?

Vua muốn xứng với lòng trời và làm tròn nhiệm vụ chí tôn của mình thì phải chịu khổ trước dân và chia sướng sau dân. Vua phải tuân lệnh trời, mà tiếng dân chính là truyền lại ý trời. Bằng không thì ấy là trời đoạn tuyệt, tổ tiên từ bỏ, nhân dân ruồng rẫy.

Giở sử đất nước ra mà xem, mi sẽ thấy tổ tiên đã treo bao tấm gương đạo đức và dũng cảm, chí khí và tự tôn. Lý Bôn (544)(1), với một nhúm nghĩa sĩ, đã nổi dậy và bẻ gãy ách đô hộ của Hán tộc. Ngô Quyền (938) đã phá tan đạo quân nước ngoài kéo vào đánh chiếm đất đai Tổ quốc ta.

Dân ta sống trong hạnh phúc và thịnh vượng dưới triều nhà Đinh. Năm 980(2), Lê Đại Hành đã dũng cảm không chịu khuất phục trước yêu sách của láng giềng hùng mạnh hơn mình gấp bội, ông đã đánh thắng địch, giết chết tướng địch. Do đó đã giải thoát được đồng bào khỏi nạn nô dịch.

Quân Mông Cổ đi đến đâu phá sạch đấy, đã bị nhà Trần vẻ vang của chúng ta đánh bại (1225)(3). Lê Lợi đã hùng dũng đứng ra lãnh đạo cuộc cách mạng nước Nam đập tan chế độ tàn bạo và hạch sách mà những kẻ tự xưng là bảo hộ ta bắt ta chịu.

...

Thật là nhục nhã thậm tệ, thật là chán ngán ghê gớm, thật là cay đắng ê chề xiết bao cho các vị, nếu từ những tầng mây, tổ tiên mi phải trông thấy dân tộc mà các vị đã giành được tự do nay chịu phận nô lệ, đất nước đã được các vị giải thoát nay lâm vào cảnh nô dịch, kẻ kế tục ngai vàng của các vị nay sống trong ươn hèn.

Mặc dầu lễ nghi không cho phép các vị nguyên thủ nước ta rời khỏi cung cấm, thế nhưng chúng ta vẫn phải đau buồn nhận thấy rằng vẫn có những bậc quân trưởng phải lưu vong.

Năm 1407, Tàu đánh nhau với ta; nhờ ý chí độc lập và lòng khát khao tự do hơn là nhờ quân đông sức mạnh, nước Nam đã thắng. Chinh chiến lúc đó thế là lại bắt đầu. Giặc biết rằng không khuất phục được ta bằng uy lực, đã dùng chiến tranh hao mòn. Trần Đế Quỹ(1) đã lãnh đạo dân Nam đoạt được thắng lợi, sau thấy dân cùng kiệt, đói khát, máu đổ xương rơi. Ông biết rằng giặc chỉ muốn hại mình ông, và chúng bắt được ông rồi thì dân Nam sẽ được yên ổn. Vì vậy ông ra nộp mình, ông nộp mình để dân ông đỡ hao tốn sinh linh, xương máu. Bị cầm tù giải đi, ông nhảy xuống sông tự tử. Ông thà chết vinh chứ không sống nhục. Ngày nay, mỗi buổi mặt trời mọc lên lặn xuống, muôn nghìn ánh hào quang vàng óng quây trên dòng sông trong nước bạc long lanh, tạo nên đài kỷ niệm vĩnh cửu cho linh hồn bất diệt của con người chiến bại vĩ đại đó.

...

 

Tiếp đó là Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân - người ở ngôi ngay trước mi. Chính những kẻ xưng xưng là tôn trọng phong tục luật lệ nước ta đã đày ải ba vị và mai đây sẽ dùng mi làm món đồ rao hàng thuộc địa, cổ động đế quốc. Có thấy không, con! Chẳng thể bao giờ trong niên giám nước mi lại có một ông vua Nam nào chịu làm tôi tớ đến như mi, lại có một cuộc ngự giá tuần du nào thảm hại đến mức này. Trước đây, mi đã từng phạm tội báng bổ là bệ lên bàn thờ linh thiêng của ông vải hình ảnh ghê tởm của thằng da trắng ngái ngủ và bụng phệ nọ, nó sặc lên mùi tỏi, ớn mùi thây ma. Tại sao, ừ, tại sao mi lại làm thế? Nay mi lại sắp lẩn xa tôn miếu. Tay mi sẽ không thắp hương vào những tiết đầu xuân, đầu thu nữa. Mi sẽ không tự tay mó hương án, dâng hoa quả đầu mùa và cúng cơm mới nữa. Vẫn hay, con ạ! Rằng tất cả những cái ấy chẳng qua đều là nghi lễ cổ hủ; nhưng mi cũng thừa biết rằng chỉ còn độc nghĩa vụ đó là mi còn làm được với tổ tiên và mi cũng chỉ còn độc cái uy tín đó thôi trước mắt thần dân.

"Giờ mi lại sắp làm tệ hại hơn nữa. Mi sắp ca ngợi công đức của những đứa bóc lột và hiếp đáp dân mi. Mi sắp phô trương sự thịnh vượng của đất nước mi, cái thịnh vượng được sắp đặt đâu ra đấy trong trí tưởng tượng quá giàu của bọn bóc lột. Mi sắp tâng bốc công ơn vô ngần và tưởng tượng của nền văn minh đã thâm nhập sơn hà xã tắc của mi bằng mũi nhọn của lưỡi lê và bằng họng súng ca nông.

Ôi, nhìn, hãy nhìn nào, đứa con thảm thương kia ơi! Hãy nhìn quanh mi! Thấy chăng Trung Hoa đang thức tỉnh, Nhật Bản đang duy tân...? Thấy chăng toàn cầu đang tiến, chỉ có dân mi là, nhờ mi và lũ quan thượng của mi, cứ phải chìm ngập mãi trong vũng lầy dốt nát và tôi đòi khốn nạn?

Hãy nhìn Triều Tiên, Ai Cập và Ấn Độ, tất cả các nước đó đều đang đứng lên đòi quyền lợi, công lý và


tự do!

Chính giữa lúc đó thì mi... Im... Nghe kìa! Nghe thấy chăng... Nghe thấy chăng những tiếng kêu gào...? A! Người ta đến kia kìa, đông quá, tất cả những người dân nước Nam đã bị thiệt mạng cho cuộc chiến tranh ở châu Âu. Người ta đến đòi những gì mà bọn quan thầy mi đã cùng mi hứa hẹn với người ta, anh em người ta. Trả lời người ta đi nào! A! Người ta giận dữ người ta
bỏ đi.

Bây giờ thì người ta quay lưng đi rồi, người ta đang đi đến phía đằng kia. Có thấy người ta không? Đằng kia ấy, nơi mặt trời đang mọc huy hoàng khôn xiết, nơi tung bay kiêu hãnh lá cờ Nhân đạo và Lao động. Đấy! Chính đấy là nơi yên nghỉ tâm linh những người đã khuất, là tương lai của dân tộc mà mi đã phụng sự chẳng ra gì!

Gà sắp gáy sáng. Sao Bắc Đẩu tiến ngang trời. Nhạc tiên đang giục giã ta. Thôi, chào!"

Mồ hôi nhớp nháp đẫm trán vị chúa thượng đang ngủ. Ngài muốn kêu lên. Nhưng không kêu được. Lưỡi ngài líu lại vì sợ.

Một quan hoạn bước vào, khom khom cái lưng ba lần, rồi the thé cái giọng đàn bà:

 

- Ngai Dưới(1)! Đã có lệnh lên đường của Tòa Khâm truyền sang rồi đấy ạ!

 

NGUYỄN ÁI QUỐC

 

Báo Nhân đạo, ngày 24-6-1922.
Bn dịch: Phạm Huy Thông,
Truyện và ký, Nhà xuất bn Văn học,
Hà Nội, 1974, tr.17-23.

 



1. Nguyên bản viết "giương cửu", vì tác giả muốn bạn đọc Pháp đọc được gần âm Việt Nam hơn. Nếu viết "dương cửu" thì bạn đọc người Pháp sẽ đọc như ta đọc "đương cửu" (d ở tiếng Pháp đọc như đ).

Dương cửu: một quẻ trong Kinh Dịch, biểu hiện mức cao nhất mà một con người hoặc một sự vật có thể tiến tới được và từ điểm này trở đi nó sẽ xuống dốc (khái niệm thuộc vũ trụ quan siêu hình huyền bí Trung Quốc cổ, sau thường gắn với mê tín về tướng số).

Phục Hi: vua thần thoại Trung Quốc cổ sơ, được coi là thủy tổ của vũ trụ quan nói trên. Tục truyền, Phục Hi, quan sát vũ trụ thấy có trời, đất, người, có mặt trăng mặt trời, có ngày và đêm, có nam và nữ, có nước lửa, sấm sét, núi sông, mưa gió... đã sáng tạo ra "bát quái" là kiểu chữ đồ họa cổ xưa của văn hóa Trung Quốc, để ghi lại những nhận thức ấy.

2. Phụng hoàng được viết bằng tiếng Việt trong nguyên bản tiếng Pháp, với cách gọi thông thường hơn: phượng hoàng.

1. Hămlét: nhân vật chính trong vở kịch cùng tên của văn hào Anh Sếchxpia. Trong đoạn đầu của vở kịch, Hămlét, hoàng tử Đan Mạch, tiếp xúc với bóng ma vua cha hiện về đòi được con báo thù.

2. Đến năm 40, Bà Trưng chiến thắng và xưng là Trưng Vương.

3. Trưng Trắc, Trưng Nh: hai chị em, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta chống lại ách thống trị của bọn phong kiến phương Bắc, nhà Đông Hán, ở đầu Công nguyên. Dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, nhân dân ta đã giành lại được nền độc lập từ tay nhà Hán.

1. Lý Bôn: tức Lý Bí, nổi dậy từ năm 542, và cuộc khởi nghĩa kéo dài trong nhiều năm.

2. Đến năm 981, Lê Đại Hành thắng ở cả Chi Lăng và Bạch Đằng.

3. Năm 1225, nhà Trần chiến thắng giặc Nguyên Mông lần thứ nhất.

1. Trần Đế Quỹ tức Trần Quỹ hay Trần Ngỗi, đã cùng Trần Quý Khoáng, cũng là dòng dõi nhà Trần, nối tiếp nhau lãnh đạo kháng chiến chống quân Minh từ năm 1407 đến năm 1414. Cả hai người lần lượt bị bắt. Trần Ngỗi đã bị giết và Trần Quý Khoáng đã nhảy xuống sông tự tử.

1. Ngai Dưới: ở đây tác giả chơi chữ dịch sát từng chữ của từ Bệ hạ sang tiếng Pháp (Trône-sous). Hạ (dưới) là "sous", mà "sous" thì lại cũng có nghĩa là những đồng xu, đồng hào. Vậy ở đây có thể hiểu Ngai Dưới, cũng có thể hiểu Ngai Xu. Ngai Dưới ngụ ý là ngồi ở ngai vua mà vẫn là ở dưới gót giày của thực dân. Ngai Xu ngụ ý là ngồi ở ngai vua bù nhìn để kiếm xu. Chuyển sang bản dịch tiếng Việt chỉ được phần nào ý đùa cợt và châm chọc.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83964


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận