Chuyện Nỏ Thần Chương 2


Chương 2
Năm 214, trước công nguyên

Tần Thủy Hoàng sai tướng Đồ Thư đem quân sang đánh Bách Việt và Âu Lạc. Lúc bấy giờ, ở phía bắc thì nhà Tần mắc họa với người Hồ, ở phía nam thì mắc họa với người Việt. Vào Việt, Tần đóng quân ở đất vô dụng, tiến không được, thoái cũng không xong. Trải hơn mười năm, đàn ông phải mặc áo giáp, đàn bà phải chuyên chở. Khổ không sống nổi, người thắt cổ tự tử trên cây dọc đường, người chết trông nhau.

Tư Mã Thiên (Sử ký)

Người Việt chạy vào rừng, đặt người tuấn kiệt lên làm tướng. Ban đêm ra đánh quân Tần. Đại phá Tần, giết được tướng Tần là Đồ Thư. Đến khi Tần Thủy Hoàng chết, Tần Nhị Thế bãi binh. (Hoài Nam Tử) Ông Nỏ, tên là Cao Lỗ, quê ở Vũ Ninh. Còn gọi là Đô Lỗ hay Đô Nỏ. Cao Lỗ cùng em là Cao Tứ đều là tướng tài của An Dương Vương... Xã Hương Canh có một nhà nghèo, làm nghề nặn nồi niêu. Hai ông bà hiếm hoi, sinh được một con trai, đặt tên là Nồi. Nồi giỏi vật, cả vùng gọi là Đô Nồi. An Dương Vương mở hội thi võ chọn người tài giỏi. Nồi được vua cử làm lạc tướng. Vợ ông Đô Nồi người làng Chiêm Trạch, sinh được hai trai, đặt tên là Đống và Vực. Hai anh em Đống, Vực đều giỏi võ. Ba bố con cùng làm quan triều An Dương Vương.

(Truyền thuyết Hùng Vương

Hội Văn nghệ tỉnh Vĩnh Phú 1981)

* * *

Tần Thủy Hoàng gọi tướng Đồ Thư về Hàm Dương, truyền:

" Nước Âu Lạc nhỏ như cái đấu, ta cho ông sang đấy, chỉ đong vài đấu đã hết người...". Nhưng ngoài mười năm rồi, hàng vạn quân Tần vẫn lặn lội ở phương nam. Nghe nói có người Đồng, người Linh, người Cật sinh sống trên các ngọn nước, người Bàn Hồ ở bên kia núi Ngũ Lĩnh cũng về giúp Thục. Tình thế quân Tần lại càng khó nữa.

Đương giữa trưa. Nắng dữ như táp lửa, thổi lên ngùn ngụt. Những cây ngô lá cháy đỏ áy. Mỗi cơn gió nóng chồm qua, cánh bãi sóng nắng lửa lên ngùn ngụt. Trên các nẻo đường hai bên bờ sông, đất nứt toác từng quãng. Con trâu đi vô ý lọt chân xuống, không thể rút lên được, đành chết đứng giữa nắng. Cả vùng trời tức thở. Chỉ nghe có tiếng con ve kim kêu ong ong như tiếng nắng ran ra. Nắng cháy thui chết hết. Còn có mỗi giống ve sống sót. Tiếng kêu oi ả rúc ráy từ đâu rầu rĩ, rền rĩ ra, không biết. Phía chân trời bên kia, một đám mây đùn lên, đen kịt như bồ hóng. Đương nắng cháy, trời đã lại dọa mưa bão. Nắng càng gắt khủng khiếp. Vực nước to đã cạn, chỉ còn một hũm sâu cạnh bãi ngô. Giữa chỗ lòng chảo sâu nhất, những đống bùn khô trắng đương khoanh thắt lại, một đám thâm sịt se se chon von giữa chũm đất nhão. Đống và Vực bì bõm lội bắt chạch trong vũng bùn xốp khô ấy. Mỗi lúc, hai anh em đứng im, không ai trông thấy nữa, lẫn vào mô bùn. Cả Đống và Vực cứ mải mê rút chân từ trong bùn lún, như đuổi theo đàn chạch vô hình đương chạy trốn dưới hốc sâu rồi lại cúi xuống thọc tay vào bùn, ngập lên tận nách. Trên sườn vắt vẻo chiếc giỏ buộc dây chuối quàng xuống bụng. Nước cạn, cá trắm, cả đến cá quả cũng chỉ còn lại bộ xương trắng nhởn trên mặt bùn khô. Con ếch, con lươn đã bỏ lỗ tránh đi đâu. Chỉ một giống chạch chịu được cơn nóng còn rúc xuống ẩn dưới đáy bùn. Bỗng trong tịch mịch, nghe lạc đạc, rời rạc những tiếng gõ khô khốc, nặng trịch, uể oải. Con trâu con bò ở chỗ nào đương lểu đểu đi trong nắng trên cao. Ngoảnh mặt lên, thấy đầu bờ đằng kia, trên đường nắng chói rung rung lên có người đương đi tới. Người ấy cưỡi trâu, một tay lại kéo theo con trâu nữa bằng cái chão buộc vào cây giáo tròng vào cổ trâu. Bao năm đã quen mắt thế, chỉ thoạt trông cũng biết đấy là bọn quân quan Tần đi đốc lương. Mỗi bước, con trâu như sắp rời chân rời móng ra. Mõm trâu vều lên. Từng đám bọt mép phùi trắng nhả. Tưởng như chỉ còn sức cố được vài bước. Người khật khưỡng trên lưng con trâu đi trước, vẻ còn thảm hơn trâu. Người cũng há mõm như trâu. Dãi rớt và nước mắt ứa rờn rợt xuống bụng.

Người ấy chỉ bện quanh hông một vòng khố bằng bẹ bàng. Mình trần, bắp chân, mặt vốn nhợt nhạt đã xám nắng, thành màu mốc xám. Đầu đen kịt, không phải chỉ vì tóc rũ rượi, mà nắng dữ quá, cả cái tai, cái gáy tóc che cũng đen cháy bồ hóng. Chỉ còn hàm răng vẩu nhe ra, vẫn trắng nhởn. Người và trâu lẽo đẽo, như trong cái vạc đồng hầm hập úp trên đầu. Mồ hôi vã xuống, lóa mắt. Người lính Tần cũng đã trông thấy Đống và Vực. Người lính chống ngọn giáo xuống mặt đường nắng chang chang. Con trâu đứng lại, người ấy gọi to xuống:

- Lên đây, lên...

Đống và Vực rút tay khỏi vũng lầy, lật đật chạy lên, chùi tay bùn vào bẹn. Người lính Tần nói:

- Tìm cho quan... ngụm nước, ngụm nước.

Đống nhanh nhẹn nói:

- Có, có nước tôi để đằng kia, ông quan Tần ạ.

Rồi lại lễ phép:

- Quan cùng đi với chúng tôi, quan cho anh em tôi cưỡi con trâu đi không này đến chỗ gốc cây. Chúng tôi để nước ở đấy.

- Nhanh lên!

Người lính Tần nghiêng cái giáo, sợi thừng buột khỏi đầu trâu. Đống đập tay độp độp vào mang tai trâu, rún chân, nói: "Mau nào! Mau nào!" Có tiếng người quen quen giục, những con trâu chợt bước gượng lên. Móng trâu lộc cộc trong nắng vàng khè. Đến một cây chết nắng trơ trụi, sém hết lá, không nhận ra cây đa hay cây đề. Nhưng thân cây to, đã ngả thành vệt rợp che bóng mặt trời xế trưa. Đống nói:

- Quan đứng vào bóng cây cho mát.

Người lính Tần tụt từ lưng trâu xuống, không đắn đo, không hò hét, há miệng bước lủi thủi như mê, chưa tỉnh. Khát nước quá, sắp quỵ xuống, hay say nắng cũng nên. Hai con trâu và hai anh em chơ vơ giữa nắng nhường bóng mát thân cây cho người lính. Người ấy cũng chẳng nghe rõ Đống nói. Đống phải dắt tay vào. Người ấy phờ phạc ngồi huỵch xuống. Rồi ngẩng mặt lên, nói giọng khao khao:

- Nước đâu... Nước!

Đống đã trèo lên cây, moi trong hốc ổ quạ làm tổ ra hai tàu lá cọ buộc túm rồi nhảy xuống. Đống bưng cả hai túm lá đến trước mặt người lính Tần, đặt một bọng xuống đất rồi cởi cái dây cỏ gà buộc đầu túm. Nước trong lá rỉ ra rơi lã chã xuống đất thấm biến mất. Người lính trố mắt, giơ tay với lấy. Đống bưng túm lá cọ đầy nước lên.

- Để tôi cầm hầu quan uống. Quan cầm thì đổ hết mất. Quan cứ uống thả sức. Rồi tôi lại biếu quan đem bó nước này đi.

Người lính ngửa cổ uống òng ọc như tiếng nấc, tiếng sôi bụng. Đến lúc người ấy nhuôi hai tay ra, mặt toát đầm mồ hôi hột, mắt đờ đẫn, lả đầu vào gốc cây. Đống nói:

- Tôi cho quan mang túm nước này đi.

Người lính Tần khẽ gật đầu. Tự nhiên, nhếch mép, chìa nhô cả hàm răng trên trắng nhả. Đống lại hỏi:

- Quan muốn ăn cá không?

Người ấy gật đầu. Đống trông ra trước mặt, làm hiệu:

- Đằng kia có cá.

Người ấy hếch hàm nham nhở, như mới hoàn hồn. H ồn mới ngơ ngác ở đâu về, miệng nói chưa bắt vào chuyện. Người ấy nói:

- Rồi tao cưỡi trâu... Chúng mày dắt con trâu này... một thằng đi trước, một thằng đi sau... Đi chệch chỗ, tao xỉa giáo, có thằng chết. Tao đi lùng mấy ngày mới được đấy. Mất thì tao giết thịt chúng mày thay thịt trâu.

Nói rồi mân mê cán giáo. Lúc nãy sắp chết, tay nắm cây giáo làm gậy chống. Bây giờ khỏe, lại nhớ đến đâm chém. Đống nói:

- Có cá quả.

Người ấy như ngớ ra:

- Cá quả à? Cá quả thế nào?

- Đằng kia có cá quả.

Đống lại nói:

- Để tôi cưỡi trâu đi cho nhanh.

Nói rồi lại phắt lên lưng trâu, vỗ vào vai trâu. Hai anh em cưỡi hai con trâu, khật khưỡng bước. Rồi trâu bỗng cất vó chạy. Như biết mình đương sắp được về chỗ sống, trâu lồng lên, bồn lên. Người lính Tần chỉ cố nói được mấy câu lúc nãy rồi lại lử đử, đờ đẫn, doạng hai tay hai chân. Khát nước quá, lại no nước quá, bây giờ bải hoải không nhấc nổi mình, không đứng lên được. Cứ ngồi tựa gốc cây, rũ ra như con gà sắp chết giây. Chốc lại cong cổ, nấc một cái. Đến đỗi anh em Đống nói rồi không đợi trả lời, cưỡi trâu đi luôn, người lính Tần cũng chỉ nhớ: Cá quả! Cá quả! Rồi đờ mắt nhìn theo, không rõ việc gì nữa. Mãi sau người ấy mới dần dần nhớ ra ta là quan đốc lương. Càng ngày, kiếm được ra lương ăn càng khó. Cả hàng quân thành ra quân đi đốc lương mà cũng không xong. Đi mấy ngày không gặp người. Người chạy đâu mất cả. Đốt hết các nhà trong làng, cũng không thấy cái gì chui ra. Cả nghìn người vác giáo khắp vùng, gặp gì chặt nấy. Bắp ngô, quả mít, bầu bí, nhổ cả bãi đỗ, bãi lạc... Rồi may mắn thế nào, gặp được đàn trâu đứng đầu bãi. Chắc vẫn có người ở đây, cứ giấu trâu quanh quẩn, mới có trâu ra sớm vậy... Thôi, thôi, hơi đâu mà tìm đuổi thêm. Cũng đi xa bọn quá rồi. Bắt được hai con, mấy đứa hám ăn, lao đuổi nữa, không thấy trở lại. Phải quay về thôi. Mấy lần, có đứa sa đà nhỡ chân đã mất tích. Những thằng này hẳn chết rồi. Đánh dấu chỗ này lại. Còn có hai người cưỡi hai con trâu về. Một người cảm nắng chết lăn trên lưng trâu xuống. Bây giờ một mình ta, con cưỡi con dắt về đến đây. Người lính Tần ấy cứ nhớ ra đến đâu lại càng đâm sợ. Từ lúc còn một mình đã hốt. Đến giờ, trông quanh quất không thấy hai con trâu đâu, bỗng rú lên. Hai đứa trẻ cưỡi trâu lơ lửng trước mặt kia kìa. Người ấy giật thót mình. Nếu chúng nó cứ thế đi, cũng chịu không cách đuổi theo. Đầu gối nhức, không cất nổi vài bước. Chết rồi, chết rồi... Có phải một đứa giơ tay, rõ ràng tay nó xách con cá. Thằng bé cưỡi trâu bên cạnh, vẫy vẫy. Hình như chúng nó gọi lên lấy cá. Nhưng mà buốt chân quá không nhích lên được. Chúng mày đem cá lại đây, trả trâu lại đây. Chúng mày đem cá lại đây, chúng mày...

Nước bọt đặc sệt trong cuống họng. Chỉ hộc được ra mấy tiếng, như con hươu giác, cổ tắc lại. Người ấy vung tay lên lao cái giáo. Ngọn giáo bổng lên được vài sải chân, mũi đồng loang loáng, rồi rơi xuống trong nắng, ngay trước mặt. Lại luống cuống giơ tay như muốn quào chúng nó lại. Như nghe tiếng gọi lên đấy lấy cá... lấy cá... Đống và Vực vẫn sóng đôi trên lưng trâu. Một lát, hai con trâu bồn nhanh. Bụi đỏ mù mịt cuốn. Bụi tan, không thấy trâu đâu nữa. Chỉ có nắng hầm hập vàng ủ dột đến tận cánh rừng xa xa. Giữa đồng không trơ trọi, nắng lửa vẫn đổ xuống ngùn ngụt. Đám mây đen bên kia sông nổi lừng lững như càng dồn cho bầu trời ứ nắng, rực nắng, sắp thiêu đốt cả mặt đất, bãi ngô, cả những bụi tre xao xác, vàng cháy, đã khô cong. Người lính Tần thất thểu lạch đi. Mũi giáo chống xuống, không còn sức lay rút lên được. Mặc đấy, phải đi. Một tay xách túm lá đựng nước còn lại. Tàu lá cọ che đầu đã rơi lúc nào. Cả mặt, cả người trần trụi, đen củ gắm, nhễ nhại mồ hôi. Được một quãng, người ấy ngã chúi đầu, vập mặt xuống đất. Nửa mặt cắm vào khe đất nẻ, không nhúc nhích được nữa. Nắng vẫn đổ lửa trên lưng người lính Tần chết đường.

Anh em Đống đã về tới cửa rừng. Người và trâu đã lẫn vào bóng lá báng, lá móc diều mọc thành búi. Cái nắng ngùn ngụt đốt đỏ đuôi tóc đã đọng lại ngoài kia rồi. Đống và Vực nhảy xuống, ngồi xệp giữa bóng mát. Miệng há hoác, thở khè khè. Hai con trâu cũng lử lả khuỵu chân, mõm quệt xuống mặt đất ẩm, phòi ra từng mảng bọt trắng. Đàn chuồn chuồn ớt đỏ rực trong nắng bốc run rẩy, chúi ùa vào bóng cây. Ngỡ như còn chập chờn ngoài nắng chỉ một thoáng nữa, đến phải cháy rơi rụi xuống đất. Bóng rừng râm mát làm cho cả người và trâu hồi lại, hết cơn say nắng. Vực nói cợt:

- Chắc ông quan Tần đốc lương chết nắng rồi.

Đống gật đầu:

- Ừ , mà cứ còn cưỡi trâu thế, chẳng gặp ai đánh, ai giết, thì cả trâu cả người rồi cũng đến chết nắng. Đã gặp vô khối quân Tần chết nắng nằm như con tôm phơi đấy thôi.

Rồi Đống nói:

- Ta về mau, chả có bố ở nhà sốt ruột.

- Bố đã bảo lúc nào chúng mình về, bố mới đi mà...

- Ừ , nhưng ngộ thế nào...

- Cũng chả biết sao. Mới hôm trước nghe nói quân Tần còn đâu bên kia mải tràn lên ngược mà chợt cái, đã kéo xuống dọc sông Cái, đông như kiến ấy rồi.

Đống ngẫm nghĩ, rồi nói:

- Cả vùng đồi bãi ngoài kia quân Tần ở khắp, cắm lá cọ che nắng. Người lúc nhúc núp trong tàu lá, nắng ghê quá. Ta về gọi cả làng, đêm nay ra cho một mồi lửa. Nắng thế này, lửa bén chúng nó chết không kịp chạy đâu.

Vực reo lên:

- Ừ , mà đứa nào sống sót chạy vào rừng, lại được ăn phát nỏ. Phải đấy, phải đấy.

Đống và Vực đến vỗ lưng trâu. Hai con trâu uể oải, nặng nề đứng lên. Rồi cũng đủng đỉnh đi. Hai anh em lúi húi bước theo trâu. Bóng lá càng dần mát. Những con trâu đã lại sức. Người và trâu đã đi sâu vào rừng. Tầng tầng tán lá cây to và dây leo quấn quýt rậm rịt. Ngước trông lên chỉ thấy từng đợt sáng xanh, càng xuống thấp càng xanh thẫm. Mặt đất không một tia nắng lọt vào. Chỗ nào cũng tối ẩm ướt, bước chân mát rời rợi. Ngoài rừng, nắng vẫn rực lửa. Cuối trời, một bọng mây đen kịt lừng lững trồi lên. Vào sâu, vùng rừng lại thoang thoáng những cây báng, thân chồng chất mấy lần bắp bẹ cao quanh gốc to xù, nham nhở, như lúc nào cũng có lũ gấu ngồi xúm xít. Nhưng đấy là những xác người chết đã rữa. Diều hâu, quạ, chim lợn đã rỉa sạch từ lâu, chỉ còn trên mặt đá, bộ xương với cái đầu lâu trắng hếu. Đôi chỗ, mảnh áo quần xám còn sót lại, bệt dưới cỏ. Rồi nhận ra chỗ tảng đá gốc cây nào cũng có những đám xương rũ ra như thế. Có cái nằm dài như bộ xương cá, giơ lủa tủa hai mạng xương sườn. Có cái rụm thành một dúm lù lù. Có chỗ cao chất đống -chắc cả bọn cùng chết một chỗ. Nhưng mùi hôi thối tan đã lâu, từ năm trước.

Quen mắt, Đống và Vực không chú ý. Cứ rảo bước nhanh hơn. Có lúc đứng lại, đợi hai con trâu quơ vội ít cỏ. Rồi lại đi, giữa những bộ xương trắng nhởn. Rừng sâu càng râm mát. Bao lần, quân Tần trảy đi ngoài rừng, có khi ào ào như nước lũ. Nhưng rồi không dám vào đây nữa. Bọn đi tống lương khỏe rà rẫm đã biến thành những đống xác đầu rừng, mỗi ngày một nhiều. Bọn khác mò vào. Lại chết. Một đám nữa. Ngày ấy, có bọn chỉ mới tới cửa rừng đã nhảo ra. Nhan nhản những bộ xương trắng nhả. Khiếp quá, níu nhau chạy. Nhưng không kịp. Người trong rừng nấp gò đá giương nỏ bắn theo. Những đứa chậm chân chết ngã lăn. Lại thêm những đống xác, những đống xương. Mấy năm nay, nghe có quân Tần đi men cửa rừng, cũng chẳng ai vác nỏ ra bắn. Vẳng tiếng hô hoán xa xa. Biết cũng không đứa nào dám trèo qua những đống xác. Rồi quả nhiên tiếng hò hét im dần. Đã tới một dãy hang đá.

Đống và Vực về tới mái đá nhà mình. Từ năm chạy vào núi, vẫn ở chỗ mái đá này. Trong rừng, đủ cái nuôi sống người quanh năm. Quả chuối dại chát, nhưng hoa chuối thái ngâm nước, ngọt như rau ngót. Rừng bứa, giâu gia, ổi, mít, bưởi, chim thả hạt rơi mọc bạt ngàn cây. Dưới đất, củ mài, củ gắm, măng tre, trúc. Rau dớn, gỗ mục thành nấm, thành mộc nhĩ. Bắt kỳ đà, bẫy dím, lập phường săn hươu nai... mùa nào thức ấy. Chẳng khác ở ngoài làng... ánh sáng xanh rờn trên cao tỏa xuống những kẽ lá móc diều trên đầu hang. Không thấy cánh nỏ của bố gác trên tai đá. Bố đi rồi. Mấy người các hang quanh đấy chạy lại. Ai nấy đã biết anh em Đống về. Chỉ mới vào cửa rừng, trong này nghe động lá, trông chim bay, đã biết. Người xóm giềng không lạ. Nhưng người ta kéo đến xem anh em Đống vừa đánh về được hai con trâu. Bọn quân quan Tần đã ăn hết trâu trong vùng. Đã lâu ở đây không ai trông thấy trâu.

Đi bắt trâu rừng về vực cày phải ngược nước xa, không ai muốn đi. Bởi chưng, kiếm cái ăn khác được. Đành không có trâu bò cày, bỏ bãi. Chỉ còn thuổng làm ngô, vun khoai cho khi ra bờ sông khỏi thấy trơ trụi quá. Thế mà quân Tần kéo qua cũng đào hết cả. Người đến đông trước cửa hang. Những đứa trẻ nhà ai tới đã vắt vẻo tót lên ngồi lưng trâu từ lúc nào, đương giẩu mỏ lên, hóng chuyện. Một cụ già lưng rám đỏ bồ quân, hỏi:

- Các cháu bắt được trâu ở đâu đấy?

- Của bọn quân Tần, ông ạ.

- Ồ giỏi!

Người xúm quanh hai con trâu rồi lại nghé nghiêng mặt, rờ tay lên bắp chân, lên mông từng con một. Như lạ lùng con vật lâu lắm mới thấy.

- Trâu này có khi quân Tần lừa được từ trên ngược về. Móng còn dày, lông rậm. Trâu rừng mới nuôi chưa vực được mùa cày nào. Chưa có u vai mà.

Một người chép miệng:

- Chẳng trâu đây cũng trâu nơi khác. Vùng ta đã lâu chẳng còn bóng con nào.

Đống thấy hình như chưa ai biết có quân Tần ngoài bờ sông, liền nói:

- Quân Tần đã kéo về khắp các bãi rồi đấy. Đẵn bao nhiêu lá cọ làm lều.

Cụ già nói:

- Biết rồi, đương định cách ra đốt nó đây.

Vực hỏi:

- Bố cháu đâu?

Ông cụ hỏi lại:

- Thế ra các cháu đi từ tối hôm qua à?

- Chúng cháu đi bắt chạch từ trưa hôm kia.

Ông cụ nói:

- Bố Nồi ngược đêm qua rồi. Bấy giờ cứ tưởng réo mưa. Nghe kỹ hóa ra không phải.

Quân Tần rào rào chạy ngược ngoài cánh bãi, đi như lũ về, nửa đêm cũng chưa dứt. Không ai ngủ được. Bố Nồi đoán chúng nó lại lên đánh vua chủ. Bao nhiêu lần tràn lên, mà chưa biết được vua chủ ta ở đâu. Chúng nó lại lên. Rồi bố Nồi vác nỏ đi. Nóng bụng quá. Đống và Vực đã quen những lần bố đi như thế. Lát sau, mọi người tản về. Anh em Đống lúi húi nướng chạch. Đêm nay còn bận. Ai cũng nhớ câu ông lão dặn:

- Người nào cũng phải xách nòm ra. Nhà nhà sửa soạn cái bùi nhùi rơm. Ai cũng đã đi đốt quân Tần nhiều lần rồi. Vào mùa ra bãi trồng khoai, tra ngô, gặp chúng nó đến, phải đuổi chúng nó đi. Cả nghìn mái lều chỉ cho mồi nòm lửa, cháy vèo trong nháy mắt. Bọn đến sau không biết ở đấy đã cháy lều chết người, lại đóng quân lại. Thế là dẫu cho chưa có gió nồm, chưa ra trồng khoai, cũng lại phải đốt cho chúng nó chạy đi nơi khác.

Khắp nơi đâu cũng vặn bùi nhùi, đợi đêm. Đống và Vực đã buộc được hai mồi rơm to. Lại bó tên, cánh nỏ. Đốt rồi bắn vào đám lửa cho không dám chạy ra. Chúng nó phải chết thiêu trong lều. Nhưng bỗng trời tối sầm. Những tảng mây đen bên kia sông không ai để ý, đã lừng lững kéo lên kín trời. Trong rừng, bóng tối nhờ nhờ, thảng thốt, người như bị bịt mắt. Đương bức bối bỗng lạnh ngắt. Giữa vùng cây kín bưng, không nhìn rõ ra trước mặt. Mấy người chạy ra, ngửa mặt, kêu:

- Bão to, bão to đến nơi rồi.

Hai con trâu đột nhiên chân trước chân sau như múa lên, móng va lộc cộc vào đá. Khi trời đất đương giáp cơn sắp mưa to, những con trâu đã đánh hơi biết trước, cứ chạy cuống, rống hộc hộc. Anh em Đống phải quẳng dây song vào cổ buộc hai con trâu đứng gốc cây. Đằng kia có tiếng quát:

- Gió to, cây đổ chết bây giờ. Cây đổ, cây đổ.

Thế là trâu và người tụt cả vào mái đá. Trên nóc rừng mênh mông, tiếng gió cuồn cuộn xô lên như sóng đánh. Cơn dông đương cuốn mưa tới. Rừng chuyển động, vặn mình răng rắc. Rồi mưa trút xuống trong tiếng cây đổ ầm ầm. Cơn nước, cơn dông ào ạt tới. Cây đổ, nước đổ, chốc lát đã vùi cánh rừng vào ngọn nước và bóng tối náo động. Suốt đêm, mưa bão gầm thét. Trong rừng tối thui, rét run. Không biết trời đã tối hay tối trời mưa. Không biết còn đương đêm hay mưa bão đã mấy ngày đêm rồi. Chẳng ai đoán được.

Nhưng điều ngạc nhiên, trong các hốc đá, ngọn lửa cứ rừng rực liên miên, tơi bời giữa những cơn gió giật trút nước ngoài cửa hang. Người đốt lửa làm cái ăn, cái sưởi. Đốt lửa lên như thế cho những con gấu, con hổ, con rắn, con hươu chạy loạn rừng biết đấy có người. Chúng mày hẵng đi khe khác, hốc khác mà tránh bão. Đến sáng ấy tạnh quang. Không ai biết mấy ngày mấy đêm đã qua. Nhưng vẫn chưa ai ra khỏi hang. Sưởi lâu, đâm ra bện lửa. Vả lại, hơi mưa trong rừng còn lạnh tê. Quanh lửa, trong đống than, từng hạt ngô nổ, nhảy ra trắng bông. Trẻ con tranh nhau nhặt ngô nở. Mùi thịt hươu, thịt dím khô nướng thơm phức. Đô Nồi từ ngoài cửa rừng vào. Những vùng cây đổ ngổn ngang, người đi phải luồn rạp xuống mới chui qua được. Đô Nồi trèo qua tảng đá, hú lên. Tiếng vang vào âm u. Trong các hang có người ở đều vội hú theo. Cho biết tiếng đi rừng gọi nhau. Thế là Đô Nồi đã rõ trong cánh rừng đổ bề bộn, mọi người vẫn ở hang. Đô Nồi lên tiếng cốt để chòm xóm biết mình đã về, lại nghe xem chòm xóm thế nào. Mọi người đến hang nhà Đô Nồi. Mưa đã tạnh hẳn.

Đống và Vực thấy bố xách một con dím lông lủa tủa nhóng nhánh. Mưa bão thế mà bố đã bắt được dím, về sớm vậy. Ông lão đầu bạc vẫn trần lưng khoác cái vỏ cây sui, đứng trước mái đá, hỏi vào:

- Bố Đô có gặp vua chủ ta không?

- Chẳng thấy đâu cả.

- Hay là vua chủ sa vào tay quân Tần rồi.

- Nhô ra đâu cũng chỉ gặp nó. Nó như mưa như bão, chỗ nào cũng thấy.

Nhiều người nhớn nhác:

- Vua chủ, vua chủ... Chư ông bảo thế nào?

Đô Nồi nói:

- Chẳng cơn cớ gì đâu. Vua chủ ta tránh đi nơi nào chưa gặp được đấy thôi. Cụ đô có nhớ đã bao nhiêu lần quân Tần trèo qua cả dãy núi Nghĩa Lĩnh. Nhiều đến không ai nhớ mấy phen mà đếm được. Vua chủ ta vẫn mạnh khỏe, bình yên. Sau cơn loạn, gặp lại, chưa khi nào người đổi sắc mặt. Đừng lo, đừng lo, cố ạ.

Ông già nói:

- Thôi đã tạnh trời, đợi nắng lên ta lo việc ra đốt quân Tần. Bố Nồi này, các con đã làm bùi nhùi cho rồi kia.

Đô Nồi hỏi:

- Đốt quân Tần ở đâu?

- Ngoài bãi ngô ấy.

Đô Nồi cười to:

- Tôi vừa đi qua bãi ngô. Có gặp đứa nào đâu.

- Cháu Đống cháu Vực về còn bảo nó ở ngoài bãi. Nhiều người hôm trước đã trông thấy nó đi chặt lá cọ mà.

Đô Nồi lại cười:

- Mưa bão cuốn chết cả rồi, còn đứa nào nữa! Vừa bão, vừa lũ, đến cả cánh rừng này gặp ngọn nước cũng đến phải trôi phăng nữa là quân Tần.

Mọi người hấp tấp kéo ra ngoài rừng, lên gò cao nhìn. Quả là không còn một tàu lá cọ, một bóng người dưới bãi. Trước mặt, chỉ thấy những mảnh ruộng rộc bỏ hoang, những vũng bùn đen lờ lờ nằm kẹp giữa hai dãy núi đất. Cả vùng lồi lõm cỏ xước nhàu nát. Dọc bãi trơ trụi, lổng chổng, như luồng bão nước ống vừa băng qua, lôi đi hết cả người, cả cây cối. Đất vạc đỏ ối thành vệt. Không ai có thể tưởng trên những sườn đồi ấy hôm trước còn kín người, với những con trâu, con dê còn sống sót mà quân Tần tầm nã ở đâu về được, đem đóng gióng tre ngăn đứng từng chuồng, cạnh những con lợn bị trói, suốt ngày đêm kêu váng trong nắng lửa.

Các cánh rừng xung quanh, chỗ nào cũng lố nhố người trong các hang núi ra đứng trên đồi nhìn xuống. Rồi lại như mọi khi bình thường, thấy người xuống vực, bắt cá rô, bắt ếch. Được mưa mới, đám ếch nhái kéo về bãi hạn tràn nước sớm nhất. Lại những bọn người ra tìm họa may còn sót cây ngô nào không. Chẳng còn đâu. Bới kỹ, chỉ được vài củ khoai đứt dây trong đất, quân Tần chưa kịp móc lên. Nắng lại rực rỡ như mấy hôm trước. Nhưng chưa gay gắt. Bởi hơi nước mưa còn lại đương phủ trên những cây móc diều lá xanh già. Những bụi tre rập rờn, vân vân. Chập tối, trăng đã vằng vặc lọt xuống khe lá.

Người ngồi cửa hang nhìn lên thấy thấp thoáng những bóng đen bay ra, sà xuống cả trong cây. Thoạt đầu, tưởng động rừng, những con dơi ông, dơi bà to bằng tàu cau, ra ăn sớm. Nhưng không phải. Tiếng kêu rền rĩ như tiếng rên suốt từ trong rừng ra ngoài đồi. Bóng bay mỗi lúc càng nhiều. Tiếng thê thảm cứ kéo loạn bốn phía. Đấy là tiếng chim lợn. Ai nghe rõ rồi cũng nháo nhác lên. Những con chim lợn dang cánh lỏa tỏa như cành lá móc diều, đêm đến đi tìm ăn xác chết. Tiếng chim lợn kêu, nghe được ở đâu là đấy có điềm người sắp chết, người chết, có điều tàn hại sắp xảy ra. Chim lợn bay rợp từng quãng trời sáng trăng. Bao nhiêu con chim lợn cùng rên lên một lúc. Người ở rừng sâu lạnh rợn gáy. Sắp chết hết giống người hay sao mà chim lợn tìm ăn thịt người chết bay ra nhiều đến thế kia. Người ta cứ chong mắt lên cả đêm. Cũng không dám đốt lửa. Tưởng như con chim lợn ấy mà trông thấy đâu sáng, sà xuống, khoằm mỏ xé người ra mà ăn tươi cả đến những người sống ngồi đây. Chim lợn ra đông quá.

- Sao? Sao thế này?

- Tuyệt hết giống người đến nơi rồi, đến nơi rồi...

Một cụ già

- V ẫn ông lão đô hôm trước ấy, đã lọ mọ từ ngoài cửa rừng vào. Ông lão vừa ra ngoài ấy nghe ngóng về. Ông lão trở về, gặp các bà lão, cả đám đương tụ lại trước tảng đá khoảng rừng lưa thưa ánh trăng. Những người đứng đây cũng đã trông rõ ông lão bước chệnh choạng giữa vệt sáng trăng và những đống xương người.

Người càng nhao nhao.

- Sao ở ngoài ấy, cụ đô ơi! Sao, sao...

Ông lão giơ tay, hỏi lại:

- Khoan khoan. Có ai ngửi thấy mùi gì đấy không?

Nhiều người lắc đầu.

- Chẳng thấy gì cả.

Trong rừng, mùi lá mục ẩm hôi hám. Bóng tối thoảng một mảng thơm hoa dại. Cũng không để ý bao giờ. Một bà lão chép miệng:

- Mùi mẽ nào đâu!

Ông lão cười hê hê:

- Mũi chúng bay điếc cả rồi. Vào đến đây mà tao vẫn thấy nồng nặc lắm. Ngoài kia còn ghê bằng mấy.

- Mùi gì thế?

- Mùi người chết chứ mùi gì, đấy đấy.

- Người chết ở đâu?

- Rõ bọn này ở rừng lâu, cũng động dại đâm lú lấp ruột gan rồi. Mưa bão đêm qua đêm kia kéo lũ về vùi quân Tần chết đuối cả. Đấy, sáng nay ra có thấy mống nào đâu. Xác nó trôi giắt vào khe đá, vào hố, vào bụi cây, giờ mới trương thối lên, chim lợn ra tìm ăn...

- Ồ ồ ồ...

- À thế. Mũi cái giống chim ma tha quỷ bắt này thính hơn mũi người ta.

- Quạ nữa, con quạ cũng nhạy mùi người chết lắm.

Lúc ấy, tiếng quạ rền rĩ qua. Thối nặng mùi quá, quạ ngỡ sáng trăng là ban ngày, cũng bay ra tìm. Những tiếng quạ thê thảm như lọt lẫn vào tiếng rền rĩ chim lợn vang khắp xung quanh rừng. Một người nói:

- Thế thì không phải điềm xấu, mà điềm lành. Chim lợn ra tìm xác quân Tần, chứ tìm ta đâu mà lo. Thôi về ngủ, mai còn phải làm bột báng lấy cái ăn. Mấy hôm mưa bão, không giã được bột báng.

Có đám trai vừa tới, nói:

- Ai đi soi cá thì đi với chúng tớ. Nước mới về, cá lên nhiều lắm.

Đô Nồi với cả Đống và Vực cũng nhập bọn với đám đi soi cá đêm. Mỗi người, tay cầm bó đuốc nứa, tay xách dao. Như đám rước đuốc ra ngoài bờ sông. Có chỗ vũng nước cá lên nhiều quá, chém không xuể. Rồi cứ hai tay quơ túm vây, túm gáy từng con nhấc lên. Những thời, những giỏ đầy lên. Lại lấy dây rợ xâu mang cá, từng chuỗi. Mải mê bắt cá đến tận sáng bạch. Mỗi người trở về, vai khoác chồng đống những xâu cá dài lê thê. Bước lên bãi, thấy từ đằng ấy đi lại một đám người. Những người soi cá dừng lại nhìn. Hẳn đám đấy là bọn vạn chài quãng sông dưới lên. Những người ấy đương đi qua vùng bãi khoai đã bị quân Tần bới tan hoang, hãy còn rõ hình từng làn dây bò vòng cung phía trên mép cát. Những người chài lưới quanh năm ở sông nước, khác hẳn người quanh quẩn bãi đồi. Phường chài ai cũng lực lưỡng, vai nở múi thịt. Vác theo nào bộ lưới, nào chân giậm, chân đó, bê chèo, chân sào, lủa tủa xủng xoẻng quanh mình. Nhưng lúc những người nhà chài ấy tới gần, Đống và Vực bỗng nhảy lên, reo:

- Chú Đô Nỏ! Chú Đô Nỏ!

Đô Nồi chạy tới, nhìn ra đúng trong bọn có Đô Nỏ. Cao Lỗ cởi trần, vác cỗ lưới lù lù trên vai. Trông thấy Đô Nồi, Cao Lỗ cũng kêu:

- A, bác Đô Nồi đây rồi.

Rồi Cao Lỗ quay lại, nói với người vác đó đi liền sau lưng:

- Có bố con Đô Nồi...

Vua Thục bước lên, Đô Nồi mới nhận ra vua Thục đi ngay đằng sau Cao Lỗ. Rồi, lố nhố các quan lạc hầu lạc tướng

Cả vua chủ, cả các quan, ai cũng như Đô Nỏ, mọi người đóng khố đơn, cởi trần trùng trục. Quân Tần mà gặp tình cờ giữa đường, ắt cũng chỉ biết họ là người đồng đất sông nước vùng này. Người đơm đó dưới sông, người nhặt rau lang trên bãi. Đi đâu cũng chỉ thấy mọi người thế, bọn này cũng thế. Cả bọn hạ lưới, dựng đó, gác giậm, đứng lại. Vua Thục hỏi Đô Nồi:

- Đứa nào là Đống, là Vực? Lâu không gặp, đã nhớn khác hẳn, không nhận ra được.

Rồi vua Thục nắm vai Đống và Vực, lúc ấy đã cởi thời cá đặt xuống cỏ, bước đến trước mặt vua chủ. Người làng trong rừng ra đông, xúm quanh lại. Ông lão lưng trần rám nắng đỏ hắt như bồ quân, cười to:

- Đã bảo đừng lo mà. Nó biết thế nào được vua chủ ta ở đâu!

Vua Thục quay ra trò chuyện với mọi người. Đô Nồi hỏi Cao Lỗ:

- Chú xuống từ bao giờ?

Cao Lỗ nói:

- Nghe quân Tần lại phạm vào đất vua chủ, tôi xuống ngay.

Đô Nồi nói:

- Đêm trước tôi tìm khắp, lại phải về không. Tôi đoán vua chủ ta tránh lên ngược. Không ngờ lại xuống xuôi.

Cao Lỗ nói:

- Chúng tôi xuống đường nước từ lúc quân Tần vây tới chân núi.

- Ra đường nào mà tránh được?

Vua Thục nói:

- Lại xuống chỗ ngã ba sông Cái như mọi khi. Chỗ ấy, quân Tần không thể đánh thúc lưng được. Mà ta chỉ có mấy cái chài, cái nan, nấp vào đâu cũng dễ, chèo qua mặt giặc cũng không ngờ đâu.

Đô Nồi hỏi:

- Bây giờ đi đâu?

Vua Thục nói:

- Xuống tìm ông có việc bàn. Ta vào rừng hay ra bãi?

Đô Nồi nói:

- Quân Tần về đây, mưa bão cuốn trôi chết đuối hết. Ban đêm chim lợn ra, suốt ngày quạ kêu đi tìm xác đấy. Ra ngoài bãi quang sạch hơn. Trong rừng cũng còn ngổn ngang.

Cao Lỗ nói:

- Thế thì xuống thuyền hơn cả. Lúc nãy ngoài kia còn có chỗ nặng mùi lắm. Đám chài của ta cắm dưới sông sau bờ tre khuất gió. Xin vua chủ cho xuống thuyền.

Đống và Vực theo mọi người về rừng. Đô Nồi cùng quân quan đi ngược trở lại đường bãi ra bờ sông. Con sông Cái đến mùa nước đỏ lừ, quằn quại, vật vã. Đêm ngày dòng lũ nổi cơn không lúc nào nguôi. Quãng sông ấy đương lở, ngoám vào, sắp lôi cả bờ tre xuống. Một doi cát trắng mọc mờ mờ như con hến mở miệng giữa những ngọn sóng cuồn cuộn hung hăng truồi xuôi truồi ngược. Chốc chốc, một tảng đất lở ra, ngã oàm vào mặt nước sủi sùng sục, kéo theo một cây trám cổ thụ đương quay quả rách tơi rễ gốc ra. Cây còn vướng một nửa thân trên bờ. Những chòm rễ đã nghiêng xuống mặt sóng, như cố giãy giụa níu nhau lại. Chỉ trong chớp mắt, những xoáy nước chồm lên, nuốt cả rừng cây, cả búi tre mất hút vào vực nước đương nổi bọt. Nhưng chỉ quá vào rặng tre phía trong, sau một làn cát mỏng, ở đấy yên tĩnh, không mảy may biết đến sóng nước lồng lộn ngoài kia.

Một dãy mảng nứa ngộ, mấy cái nan, chiếc độc mộc chen khít nhau, đỗ kín đáo trong bóng tre. Mỗi làn sóng to ngoài kia đưa vào, mép mảng nứa chỉ nhúc nhích nghển lên. Người trong bãi phải ra sát mép nước mới trông thấy dưới rặng tre âm u, lại có đám thuyền bè bình yên đến như thế. Vua Thục bước xuống chiếc bè giữa. Trên bè, chiếu mộc trải kín bên những tấm vách phên tre cột nhẵn bóng như nếp nhà xinh xẻo mọc trên mặt nước. Vua Thục nói:

- Các ông còn nhớ cố Ông Trọng đã bảo ban ta, thế mà ta cũng không đối phó kịp được với cái bất nhất của Tần Thủy Hoàng. Ông Trọng mới dặn buông lời, ta chưa ra sông Thiếp xem xét địa thế lại lần nữa, giặc đã tràn đến rồi. Lòng người thật không biết đâu mà lường. Nó muốn nuốt chửng ta, nhưng miệng nó há chưa ngoác được quá vành đấu. Mười năm không làm gì được ta thì không bao giờ vật nổi ta đâu. Nhưng mà ta vẫn nhớ lời cố Ông Trọng. Bao giờ xây được thành trên sông Thiếp, bấy giờ mới nên cơ nghiệp vạn đại.

Vua Thục lim him mắt, hai tay chắp lại. Như đương nhớ lúc cùng cố Ông Trọng đứng trên đồi đá ong vàng rực nhìn bao quát ra sông Thiếp. Cao Lỗ nói:

- Mới nghe tin báo tướng Đồ Thư đuối lương ăn đã phải xua quân trở về Núi Trâu. Bọn đi đốc lương chỉ sớm đi chiều về tay không. Bao lần lên phá ta rồi lại đã phải trở về như thế. Phen này, ta hẵng tìm cách...

Đô Nồi reo lên:

- Phải nghĩ kế vào Núi Trâu.

Cao Lỗ nói:

- Thành Núi Trâu tôi thuộc như têm miếng trầu bỏ túi. Tôi cũng đương nghĩ làm thế nào. Hay là tôi vác ró gạo vào thành nhử nó. Quân Tần lúc này như chó đói...

Vua Thục mở to mắt, gật đầu:

- Các người bàn xem.

Đô Nồi thủng thẳng nói, chắc từng tiếng:

- Có cách rồi! Có cách rồi! Quân Tần hám ăn thịt trâu thui. Ta đem thịt trâu đến nhử mõm nó.

Cao Lỗ nói:

- Chúng nó ăn tiệt trâu rồi. Tìm được con trâu bây giờ...

Đô Nồi cười:

- Hai cháu Đống, cháu Vực vừa bắt lại được hai con trâu của lính Tần đi đốc lương.

- Thế thì được quá.

Ba người mải bàn luận quên cả trời đã tối. Ngoài cửa bè, các bếp nướng cá đã được bê vào. Than bắt lửa, lùa khói thơm ngậy vào trong khoang. Lát sau, trăng lên tròn vành vạnh trên ngấn nước đầu bè. Nghe tiếng sóng ì oàm xa xa mới biết con lũ vẫn đương lên. Thỉnh thoảng, một bóng chim lợn đen sì bay qua. Nhưng không nghe tiếng kêu. Không ai tưởng vừa mới đêm trước rùng rợn đến thế. Chỉ thấy bóng trăng trắng ngần. Đô Nồi nói:

- Phen này, giặc có ba đầu sáu tay cũng không thoát được.

Vua Thục cười khà khà:

- Nhưng làm nên việc mà mất hai trâu cũng tiếc. Giặc Tần nuốt hết trâu cõi ta rồi.

Cao Lỗ nói:

- Không, chỉ tốn một con thôi. Còn một con mang về, vua chủ mở tiệc cho tôi được thui. Tôi thui trâu, mỗi mảng thịt, mỗi mé da chín một khác. Ông ngoại tôi dạy cho nghề thui trâu từ thuở bé mà.

Vua Thục gật đầu:

- Được rồi.

Đô Nồi nghĩ, rồi nói:

- Không ai dám tranh chân chú đi Núi Trâu chuyến này. Nhưng ta vẫn cứ phải cẩn trọng đến điều. Tôi cho cháu Đống đi với chú. Cháu Đống vốn kỹ tính và gan liền, chú Đô biết cháu rồi.

Cao Lỗ reo to:

- Hay đấy! Cháu Đống...

Vua Thục nói:

- Ông Đô tính thế phải.

Vừa lúc, các quan hầu bưng vào trong bè nguyên cả những vỉ than hồng rực. Vua Thục hỏi Cao Lỗ:

- Biết thui trâu, có biết nướng cá không?

- Nghề nướng cá, trước phải biết lóc cá.

- Giỏi, giỏi...

Tinh mơ hôm sau, sương còn lan mù mịt khắp bến bãi, đã nghe tiếng móng trâu lóc cóc, huỳnh huỵch trong rừng ra.

Cụ già dậy sớm ngồi cửa hang nhớ những năm còn bình yên, trâu bò đứng quanh nhà, sớm sớm, con chơi nhởn, con đợi đi với người xuống bãi. Có người nhìn thấy ở trong rừng ra, Đô Nồi cưỡi con trâu đi trước, Đống dắt một trâu theo sau. Bố con đi đâu sớm thế. Tan sương, trên bờ sông lại thấy Cao Lỗ và Đống cưỡi trâu đi. Đô Nồi còn lẽo đẽo theo đến lúc mặt trời lên ngang ngọn tre mới dừng lại. Hai chú cháu sang Vũ Ninh. Cứ đi đến giữa trưa, trời nắng to, lại nghỉ, vào rừng kiếm cỏ tốt trâu ăn. Đống tắm sạch sẽ cho trâu. Mông trâu nổi bóng tròn khoáy. Người và trâu thong thả vừa đi vừa nghỉ ngơi, chẳng vội.

Hôm sau lại đi sớm. Tới lúc nắng gắt, tìm bóng mát, dừng chân như hôm trước. Thảnh thơi, cốt cho con trâu kịp mỡ màng lại sức, trước khi về đến Vũ Ninh. Mải tính, mải làm, không để ý cả nỗi hiu hắt dọc đường. Lắm hôm suốt ngày chỉ đi qua những dãy đồi trơ trọi. Cả vùng làng xóm bị đốt từ lâu. Dây bìm nở hoa xanh dại, ngẩn ngơ bò trên cột nhà cháy đen. Không một bóng người. Nhìn ra, Cao Lỗ nói:

- Người già thường ví rậm người hơn rậm cỏ. Chỉ vì giặc Tần mà nên nông nỗi này.

Đống trông quanh mình, thấy chơ vơ thế, chợt cũng rầu rầu nghĩ. Cao Lỗ vốn người quê ở Vũ Ninh. Mọi đường ngang ngõ tắt ở Núi Trâu, Cao Lỗ thuộc lòng.

Đã mấy năm, quân Tần đóng trong thành, Cao Lỗ vẫn biết nơi ăn ở, mọi ý nhẽ đi lại của quân quan nó. Đã về tới chân thành Núi Trâu. Cao Lỗ tìm vào một cánh rừng trúc cho trâu nghỉ mấy hôm. Cao Lỗ bảo Đống đi chặt măng để trâu ăn thêm. Lại dắt trâu xuống tắm suối. Rồi kéo trâu vào nằm mát dưới bóng cây. Không để lộ một vệt móng chân. Ngày ngày, Cao Lỗ mò vào thành nghe ngóng. Lệ bọn nhà bếp các trại quân thường ra bờ sông vác nước chiều chiều. Cao Lỗ đã biết đích chỗ bến bếp dinh tướng Đồ Thư.

Chiều hôm ấy, Cao Lỗ buộc một con trâu đứng lại một mình trong rừng trúc. Đề phòng chưa được, còn tính việc sau. Cao Lỗ ung dung cưỡi một con trâu đi. Con trâu quý, cổ quấn vòng thòng lọng dây mây, có Đống thong thả đi trước dắt. Cao Lỗ cởi trần, một bên sườn gài chiếc ống bương to, mặt đã lên nước bóng nhoáng, -ống uống nước, ăn cơm hay để đựng mắm muối gì cũng được. Lại đeo thêm cái kẹp mo gói cơm, như người đi việc quan ở xa về. Trâu được tắm táp nghỉ ngơi mấy hôm, trông phổng phao hẳn ra. Mình trâu đen nhánh, bụng mông tròn nây, đã ra dáng bước khệ nệ của con trâu nặng thịt.

Mấy năm nay họa hoằn mới gặp được con trâu ngoài đường cái. Thế mà có con trâu béo tốt như vầy cứ thủng thỉnh dọc bờ sông, thật là một của lạ. Ai tinh mắt cũng đoán được trâu ấy không phải trâu cày, mà trâu thịt. Trời đất này, rước trâu thịt đi cho hổ xơi chăng. Không phải, đây chắc lại bọn trộm trâu hay phường thui đem bán. Hay là quân quan vừa bắt được trâu trong làng. Nhưng trông bọn người lớn bé này không phải lính kẻ Tần. Chẳng hiểu ra sao, thật khó đoán. Thành Núi Trâu trước mặt. Thế nào mà người cưỡi trâu, người dắt trâu cứ lùi lũi đi vào phía mất của thế kia. Trong thành, thấp thoáng người đi vội vã. Mười năm nay, chẳng còn mấy nhà ở lại các phường. Người đã bị đóng gông chết cả. Hay trốn tránh đi đâu. Bọn quân Tần lũ lượt kéo xuống sông lấy nước. Kẻ xách thùng gỗ. Kẻ vác ống vầu cao lêu đêu, như người trong làng. Một bọn đứng tụ lại, ngây nhìn con trâu và người cưỡi vắt vẻo. Lại có chú bé dắt đi bước một, như rước trâu. Có người kêu:

- Con trâu béo ngon quá.

Một người đuổi theo, quát to:

- Bắt lấy! Bắt lấy!

Cao Lỗ quay mặt lại, hét:

- Càn rỡ gì nào! Trâu này quan Đô Úy đem biếu tướng quân. Đứa nào thử đụng vào cái mông trâu xem, toi mạng ngay. Không nói giỡn đâu.

Bọn nhà bếp đứng trân trân nhìn theo. Có người mới nghe nói thế, đã sợ lôi thôi, xách thùng lảng xuống bờ sông. Đống dắt trâu, bước càng nhẹ nhàng. Tin lan khắp nơi về con trâu của quan Đô Úy đem biếu nên mới có người cưỡi người dắt oai thế. Ai nhìn cũng tấm tắc khen trâu béo. Chỉ đứng trông theo, không dám lôi thôi. Cao Lỗ lên mặt thành thạo, vừa bảo Đống, lại như nói với người ven đường:

- Đường này, đường này vào bếp. Đi tắt cho chóng. Đứa nào người nhà bếp, vào bẩm tướng quân ra xem con trâu béo rồi tao mới thui. Được con trâu sướng mắt thế này không phải dễ đâu. Phải lùng vào giữa rừng mới tìm ra chỗ các làng giấu trâu đấy.

- Được nhiều không?

- Mấy chục con mà.

- Sướng quá!

Bọn đứng quanh bỗng vui quá, thèm quá, kêu lên. Rồi xúm xít đi quanh con trâu vào dinh. Quả thật, giá có ngả được con trâu, không ăn nổi miếng thịt miếng gân, chỉ gặm được mẩu xương quân quan cũng hả. ở Vũ Ninh, gần đường quân lương Nam Hải tải sang mà còn đói vêu vao thế, huống chi quân đóng tận những đâu xa. Thèm cái ăn cái uống quá. Người các làng trốn đi hết, không đào đâu nổi một miếng. Lại mùa nắng đổ lửa xuống, người ta có để sót lại vùng lúa chăm, lúa ma nào, lúa cũng chết queo khô hết. Chẳng bắt nổi con cá ở đâu, đừng nói. Cả đến con rắn ráo, con giải, con thuồng luồng sợ nắng cũng chạy hết lên nguồn. Đói quá, đã có người lên ngọn nước tìm bắt. Nhưng không thấy đám nào lên đấy còn trở về. Trên ngọn nước, cá sấu và con hổ, con báo ngồi một lũ như tảng đá, rình mồi. Khốn nỗi cả đến cá sấu và con trăn trên ấy lúc nào cũng đói. Không ai dám đi nữa. Lâu lắm mới lại có người dẫn con trâu đến bếp. Quân Tần mới biết mùi, mà ai cũng thích thịt trâu thui chấm bỗng gừng. Khi nào được trâu cũng phải tìm phường thui đến. Tướng Đồ Thư thấy người nhốn nháo ngoài cổng, bèn từ trong dinh bước ra. Cao Lỗ không biết mặt Đồ Thư, mà cũng đoán biết ngay. Hai hàng lính dựng ngược giáo, từ trong thềm tiến theo Đồ Thư. Mặt quân mặt quan khác nhau, dễ nhận được. Ông quan da dẻ đỏ lựng, có bộ râu ria đen nhánh, mặc tấm áo lụa phanh cả hai vạt. Cao Lỗ sụp xuống, cúi đầu, nói to:

- Quan Đô Úy có con trâu đem biếu tướng quân, sai phường thui tôi...

Đồ Thư vuốt râu, cười khành khạch. Cao Lỗ lại nói:

- Quan Đô Úy dạy tôi thưa tướng quân rõ trâu thịt để cách đêm bị ngót, xin cho phường tôi thui ngay. Rồi chúng tôi lại phải về ngoài thành trong đêm để thui trâu khao quân ngoài ấy cho được ngon thịt.

Một ông quan bước ra:

- Tướng quân lệnh cho phường mày thui trâu.

Mỗi khi Đồ Thư cùng bọn thủ túc nhớ lại lời vua Tần truyền năm trước ở Hàm Dương: "Nước Âu Lạc nhỏ như cái đấu, ta đong vài đấu hết người", cả bọn lại cười ngất. Đã ngoài mười năm rồi, mà chưa biết còn phải bao nhiêu năm nữa mới đong được hết người Âu Lạc. Nhưng quả là tướng ngồi trong thành khác quân đi trận mạc, quân đi thúc lương lam sơn chướng khí rừng sâu núi thẳm nắng nôi chết đường. Cũng đôi lúc nóng lòng, thở dài, nhất khi oi bức thường này. Nhưng rồi ngày ngày quân quan đi đốc về được các thứ lạ mắt, lạ miệng. Những của ngon vật hiếm chưa bao giờ thấy. Lúa làm kẹo mạch nha. Mía kéo mật. Gạo cẩm nấu rượu. Những quả ngon có ở phương nam, nào chuối mắn, chuối lá, nào nhãn lồng, nào dừa. Các thức nhắm, trâu thui, cá anh vũ, chim dẽ, sâm cầm, vịt trời, một đời chỉ khi đến đây mới được thưởng thức. Cứ thế, lần lữa...

Một hồi trống lệnh nổi lên. Cả vùng sân nhà bếp, hai hàng lính cầm dựng ngọn giáo, đứng dàn rộng ra xung quanh. Tướng Đồ Thư đích thân ra xem thui trâu. Tướng ngồi ghế tựa, cởi trần, bên chiếc bàn độc đặt tước rượu cẩm. Cao Lỗ cầm con dao mổ của quân nhà bếp vừa đem ra. Đống ôm rơm, chạy đi chạy lại, thoăn thoắt. Trong nháy mắt, đã chọc tiết trâu xong. Một mình Cao Lỗ cõng con trâu từ dưới bờ sông lên đặt giữa bãi cỏ. Quân Tần tíu tít khiêng rơm đến. Đống nhanh nhẹn gẩy rắc rơm quanh trâu, chỗ dày, chỗ mỏng, rõ thạo tay thui. Phường cả Cao Lỗ vào ngồi ghế đẩu. Trước khi châm lửa, người phường thui thường ngồi nghỉ thong thả thế. Chỗ ấy đã được bày ra một cơi trầu cạnh một đĩa đèn. Cao Lỗ cởi ống bương ở lưng, cầm cả liễn nước chè tươi đổ vào ống. Thì ra ống ấy là cái bát. Cao Lỗ uống một hơi. Mồ hôi trán vã đầm đìa. Lúc vào thui, thỉnh thoảng Cao Lỗ lại nghỉ tay vào uống nước ăn trầu, để Đống dọn dẹp rồi lại ra hơ. Cao Lỗ nhặt miếng trầu đưa lên miệng, mắt đảo nhanh sang chỗ Đồ Thư ngồi giữa sân. Một hàng quân như bờ rào dàn ngang trước mặt. Lại có thêm mấy viên quan đương xúng xính ra. Nghe có phường thui giỏi, ai cũng ra xem. Quân quan bắc ghế ngồi quây quanh chiếc bàn độc xế tay phải Đồ Thư. Chủ tướng Đồ Thư đương nâng chén. Từ chỗ Cao Lỗ đứng đến chiếc bàn độc có tầm ngoài mười sải chân. Cao Lỗ lại ngẩng mặt nhìn vòm trời tối đen. Chốc nữa, lửa nổi lên, oi bức thêm, nhỡ nó lùi vào nữa, chưa biết thế nào. Cao Lỗ khấp khởi lo. Dù sao, Cao Lỗ vẫn đứng dậy, nhẹ nhàng bước ra bãi. Đống ngồi lại cạnh cơi trầu, tay uốn éo vặn con cúi rơm để chốc nữa hơ lần cuối. Cao Lỗ thổi bùi nhùi rồi châm vào đống rơm đã được phủ lên khắp mình trâu.

Lửa nổi đùng đùng. Trời đêm nóng rực chẳng khác ban ngày. Vòm không đen kịt. Những ngôi sao nhấp nháy, cũng như những đốm lửa. Bọn quân túc vệ đứng gần sợ rát mặt, đã lùi xa cả vào mái trong. Những người khiêng rơm đến, vừa ló ra, quẳng rơm, lại nhảo vào ngay. Nhưng vẫn nhiều lính ra đứng xem. Người phường cả thui trâu khéo như múa gươm, ai cũng phải trố mắt nhìn. Cao Lỗ nhanh như vượn, thoăn thoắt nhảy quanh bốn góc, luôn tay gảy rơm, tay quạt. Lúc nào rơm cũng cháy đượm đều từng mảng lửa. Rồi Cao Lỗ và Đống lại giơ tay lật mình trâu ngả hai phía. Bốn vó trâu cong lên. ấy là lúc người phường thui khó nhọc nhất, mà phải khéo tay. Cao Lỗ cầm chiếc que cời dài bằng cả chiếc đòn càn. Cao Lỗ cời nạm rơm đương cháy rừng rực áp vào khoeo trâu, vào nách, vào cổ, mọi chỗ lồi lõm. Xong đâu đấy, đốt con cúi cầm tay, cúi xuống, dán mắt vào từng chỗ, hơ lại lần nữa cho khoảng thịt ở miếng khúc khuỷu nào cũng được tái đều. Trên mình Cao Lỗ rườn rượt mồ hôi ướt như đi giữa trận mưa rào. ánh lửa nhấp nhoáng, nhễ nhại. Cao Lỗ vẫn vờn quanh con trâu, áp bùi nhùi lửa vào từng mảng. Lát sau, Cao Lỗ vứt đuôi con cúi rơm xuống đất rồi ném chiếc que cời lên những nạm than rơm rực đỏ trên sườn trâu thui.

Cao Lỗ quay lại, chắp tay vái vào chỗ Đồ Thư. Đồ Thư vẫn ngồi nguyên như lúc nãy. Cao Lỗ kính cẩn không dám đi ngang phía ngoài nơi quan ngồi, mà cứ bước giật lùi vào chỗ khay trầu cau. Thui trâu đã xong. Chỉ còn giội nước cạo sạch rồi khiêng đi mổ. Cao Lỗ ngồi xuống cánh phản, nhấc cái đuôi khố vắt lên bẹn. Đống đã thuộc hiệu vậy. Đống bưng chậu chạy ra chỗ những ống nước dựng khuất ngoài cổng. Lúc đợi trâu chín ngấm, Đống hẵng lấy chậu nước vào cho bác phường cả lau mặt. Đống khiêng ống nước xuống. Nước ồng ộc chảy ra. Nước chảy tràn xuống cỏ mà Đống không để ý. Đống vẫn đứng nán lại ngoài ấy, khuất trong bóng tối, nhớn nhác nhìn vào... Trong kia, Cao Lỗ lại thong thả cời cái ống bương, nhấc liễn đổ đầy nước chè tươi, đưa lên miệng. Cao Lỗ uống nước, nghiêng ống, chớp mắt nhìn. Giữa sân, tướng Đồ Thư, mặt rạng rỡ vẻ thích thú vừa được xem thui trâu. Tướng Đồ Thư buông cái quạt lông trĩ, nâng tước rượu cẩm, nhấp giọng. Bọn quân quan đứng lố nhố quanh bàn. Cái ống bương Cao Lỗ uống nước đã đưa lên ngang mặt, tì vào má. Sắp hết nước, không thể để mãi cái ống bương thế mà nhìn trộm quan. May quá, các quan đã bưng rượu giãn ra, lui về chỗ cũ, ngồi uống chén rượu thưởng của chủ tướng. Một cơn gió mát dịu thổi tới. Đám lửa than trên mình trâu bỗng rực lên. Cao Lỗ đưa tay, ấn cái trôn ống bương. Hai cánh nỏ uốn ôm quanh đầu ống bật ra. Phát tên bay biến vào sáng đèn lẫn sáng lửa rơm và bóng tối. Tư 912 ng Đồ Thư ngã lăn trên kỷ xuống giữa sân. Quan quân nhốn nháo, tán loạn. Máu cổ Đồ Thư phun òng ọc như con trâu bị chọc tiết lúc nãy. Người la hét, chạy tứ tung. Thuận tay dao mổ trâu, Cao Lỗ chém xả mấy người chạy qua trước mặt, không biết quân hay quan. Có người toạc rời vai ra, còn kêu rống. Lại càng loạn xạ. Đống đã chạy trước xuống đợi Cao Lỗ dưới bờ sông. Ngay đêm ấy ra rừng trúc, dắt con trâu còn lại, hai người đi cả đêm về Chiêm Trạch. ít lâu sau, tin bãi binh từ Hàm Dương đã sang tới Âu Lạc. Quân quan Tần nhảy cuồng lên. Chẳng biết sướng quá hay sợ quá. Không ai bảo được ai nữa. Trong thành ngoài nội khắp nơi hốt hoảng, hấp tấp, hỗn độn, lung tung. Rồi tranh nhau chạy thục mạng. Không biết đâu có cầu, có bè mảng, có phao, có thuyền. Cứ trèo lên nhau rồi lại víu nhau lại. Gặp đầm vực, gặp sông, không dám ngoảnh đầu, thế là đùn nhau lao cả xuống. Mùa nước đương theo các ngọn lũ về, khắp nơi lụt lội. Quang cảnh sông lũ cực kỳ rùng rợn.

Trên các triền nước phù sa đỏ như máu, từng đàn diều hâu, đàn quạ và chim lợn lại ra ăn ban ngày trái lệ thường. Tất cả quần lại, bay là là thành những đám mây đen ngòm thấp ngang mặt nước. Đàn chim đuổi theo những xác chết. Trên sóng nước xoáy ào đi, xác người ngổn ngang chen bên những cây gỗ mục trôi băng băng. Quạ, chim lợn, diều hâu ẩn nhau đổ xuống những xác chết trôi, rỉa rúc mải mê đến lúc xác người bị móc rữa chỉ còn lại bộ xương đương chìm dần. Chợt thấy nước ngập tới lưng bụng, chim mới hối hả cất cánh. Từng đám lại bay tìm trên xoáy nước, hăm hở, cuống quít đuổi theo, sà xuống những cái xác khác. Dòng sông cứ sẫm đỏ, sẫm đen như thế ra mãi cửa bể ngoài Ninh Hải.

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/51645


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận