Tương Lai Xán Lạn Chương 5


Chương 5
1950 Bà weinberg

- Nounoush, dậy thôi. Bảy giờ kém mười lăm rồi!

Cô giật thót và mở mắt. Bà đang lay vai cô.

- Cháu chào bà ạ, cô nói giọng còn ngái ngủ.

Bà từ từ ra khỏi phòng, kéo lê cái chân đau của mình. Bà luôn đau lưng và chân khi thời tiết thay đổi, nhất là khi trời mưa nhiều vào đầu xuân. Elena ngồi trên giường. Cô ước gì phòng ngủ của mình có cửa sổ để xem thời tiết thế nào. Tuy nhiên, như bà đã nói, cô có được phòng riêng là may mắn rồi. Cô trở dậy, lấy cái áo sơ mi trắng và váy lanh màu xanh nước biển, chạy sang căn phòng cũng không có cửa sổ của bà, nơi có một cái bàn là đặt giữa tường và giường. Bà đã làm nóng bàn là. Elena rải tinh bột lên cái váy. Mùi tinh bột dưới bàn là nóng là mùi của buổi sáng. Cô mặc áo quần và bà chải tóc, rẽ ngôi ở giữa, phân mớ tóc xoăn của cô thành hai phần và buộc bằng ruy băng xanh da trời. Bà kéo tóc mạnh và Elena phải nghiến chặt răng để khỏi kêu lên.

Bảy giờ hai mươi cô ra đi, một tay xách túi đựng đồ, một tay cầm một miếng bánh mì nướng, những tem phiếu phân phối để trong túi váy và nách kẹp một cuốn sách tiếng Pháp dày cộp. Cô rùng mình. Váy áo cô mặc không đủ ấm cho mùa này. Có lẽ một hoặc hai giờ nữa sẽ ấm hơn nếu trời hửng nắng. Dù trời u ám, cô vẫn thích cuộc dạo chơi buổi sáng trên những đường phố mà cây cối hai bên phủ lá xanh non mơn mởn. Chủ nhật mà bên ngoài đã đầy người: những người cho chó đi dạo chơi và những bà mẹ vội vã đi chợ cho cả tuần nếu không cửa hàng sẽ chẳng còn gì mà mua.

Elena đi qua quảng trường Bucur Obor, nơi họp chợ và người tứ xứ đổ về. Cô đi mười phút mới tới cửa hàng thịt. Hàng người xếp đã dài mặc dù cửa hàng chưa mở. Cô xí chỗ ở cuối hàng rồi ngồi xuống vỉa hè đặt cuốn Những người khốn khổ lên gối. Cô không biết hết từ, nhưng đủ để hiểu câu chuyện. Đầu tiên cô thấy cuốn sách đọc chán, nhưng rồi câu chuyện trở nên hấp dẫn đến mức Elena quên hết những gì diễn ra xung quanh. Cô không nhìn thấy người bán thịt đã đến và kéo rèm lên.

- Nhúc nhích rồi. Xích lên đi, bà đứng sau vừa nói vừa chạm vai cô.

- Ôi, cháu xin lỗi.

Cô đứng bật dậy và tiến lên.

- Cháu đọc gì thế? Người đàn bà hỏi.

- Những người khốn khổ ạ.

- Tiếng Pháp! Không quá khó chứ?

- Không ạ. Cháu thích lắm. Cô tự hào nói.

- Ít ra thì tâm hồn cháu sẽ được nuôi dưỡng tốt.

Người phụ nữ đứng trước Elena quay lại và mỉm cười.

- Chị biết không, thời buổi này không phải tất cả trẻ con đều không được nuôi dưỡng tốt đâu. Trong lớp con trai tôi, có những đứa trẻ ăn bơ và thịt gà. Bơ và thịt gà nhé! Chị biết không? Lâu lắm rồi tôi không biết chúng có màu gì! Con trai tôi không hiểu tại sao chúng tôi không có. Tôi bảo nó rằng cha mày không phải thợ may, không phải trạng sư, không phải bác sĩ, cũng chẳng có cửa hàng!

- Phải rồi, bà đằng sau Elena đồng tình. Chị nói đúng lắm. Chỉ có những nghề tự do còn xoay xở được.

- Chị muốn nói tới người Do Thái? Chắc chắn là họ không đáng thương gì hết!

“Những người Do Thái.” Elena đỏ mặt. Trước khi dọn đến nhà mới, cô không bao giờ nghe thấy từ này. Giờ thì cô biết người Do Thái là ai và điều gì đã xảy ra với họ trong chiến tranh - chính xác là gì thì cô không biết, nhưng cô nghe nói rằng nhiều người trong số họ đã bị giết. Mẹ luôn hạ giọng khi nói về những sự kiện này bởi vì họ đang sống cùng căn nhà với những người Do Thái mang họ Weinberg và Berstein. Hai cô con gái út và chồng bà Weinberg năm 1943 đã bị đưa đến một nơi mà không bao giờ thấy họ trở về. Bà Weinberg sống sót vì đã trốn trong một tầng hầm cùng với con trai Rubin, con gái Doina và con rể Lev Berstein. Ngôi nhà mà Elena hiện đang sống cùng gia đình vốn là nhà của dòng họ Weinberg từ nhiều thế hệ. Pháp luật buộc họ phải cho một gia đình khác cùng ở và Elena hiểu họ cảm thấy bị xâm phạm. Buổi đầu, họ thậm chí không nói năng gì với cha mẹ Elena. Nhưng cô tương đối khéo léo nên đã chinh phục được tình cảm của bà lão Weinberg.

Bà đến lúc cô đang mua hàng. Họ đi chợ và cùng nhau trở về nhà. Túi xách nặng để lại những vết hằn đỏ trên ngón tay Elena, cô thường phải ngừng lại để đặt chúng xuống cho đỡ mỏi tay.

- Cháu đã làm bài chưa, Nounoush?

- Chưa ạ. Cháu còn thời gian. Đừng gọi cháu là Nounoush, đó là tên em bé!

- Hãy làm bài ngay khi ta đến nhà. Thứ hai cháu có


môn gì?

- Cháu phải học thuộc lòng thời gian biểu của người nội trợ kiểu mẫu. - Cô bật cười khi thấy bà nhướn mày. - Thật đấy ạ, cháu thề với bà! Cháu sẽ cho bà xem vở học.

- Gì nữa?

- Một bài luận tiếng Pháp với chủ đề tự chọn và mười điều răn cho bài học tôn giáo. Dễ thôi.

Trong khi nâng chốt cửa vườn, Elena nghe thấy ai gọi tên mình. Cô quay lại và nhìn thấy Valentina, cô gái sống trong tầng hầm đối diện nhà họ, đang đi cùng mẹ và ra hiệu cho cô. Elena vẫy tay chào họ.

- Nounoush, chiều nay nếu cháu muốn đến uống trà, bác đã làm phó mát bọc bột rán! Bà mẹ mời mọc.

- Nó không rảnh, bà đáp khô khốc.

Elena mỉm cười với họ để làm dịu đi lời đáp cục mịch của bà. Bà không muốn cô gặp gỡ họ vì mẹ của Valentina nghèo và không chồng.

Chiếc xe mui trần cũ kĩ không còn trong cái gara nhỏ mà ông Tiberescu đã làm cạnh ngôi nhà. Cha mẹ đã đi vắng. Cô có cả buổi chiều tự do làm theo sở thích của mình.

Sau khi ăn trưa, bà đi ngủ. Elena vào bếp cắt một miếng bánh phó mát mà hôm trước cô đã làm cùng bà, đi ra bưng theo cái đĩa trắng và dừng lại trong phòng ngủ để lấy cuốn Những người khốn khổ và một đôi tất. Cô đi tới tận cuối hành lang và gõ cánh cửa bên phải.

- Mời vào!

Kẹp sách và tất vào nách mà không làm nghiêng đĩa, cô vặn được nắm đấm và đẩy cánh cửa. Bà già ngồi trong ghế bành gần cửa sổ mỉm cười với Elena. Mái tóc bạch kim được cô con gái quấn thành búi mỗi buổi sáng, và bà luôn mặc một cái váy duyên dáng kiểu tiền chiến. Một chút bọt mép ở khóe môi không động đậy của bà.

- Cháu thân mến đây rồi. Cháu mặc áo này với các bím tóc trông xinh quá. Cháu mang bánh cho ta cơ đấy! Phiền cháu quá. Bà cháu khỏe chứ?

- Bà cháu khỏe, thưa bà. Cháu đã vá tất cho con trai bà đấy ạ.

- Lại chỉ cho bà xem nào. Cháu may vá khéo quá, Lenoush! Rubin sẽ thích lắm. Không tìm được tất tốt như vậy nữa. Len Ecosse chính hiệu. Chúng được mua ở Luân Đôn năm 1936 và vẫn còn dùng được - nhờ có cháu.

Elena rạng rỡ. Những lời khen của bà lão làm cô thích thú, ngay cả khi bà Weinberg gọi cô là “Sara” hoặc “Olga”, vốn không phải tên những người con gái mất tích của bà như lúc đầu Elena nghĩ, mà là tên những cô người hầu của bà trước chiến tranh. Mẹ cô nói rằng bà lão Weinberg mắc chứng lão suy. Có lẽ vậy. Nhưng bà rất đẹp, độ lượng và tinh tế. Bà kể cho Elena nghe những chuyến du hành thuở xưa của bà sang Paris và Luân Đôn, chuyện của bà mới hấp dẫn làm sao. Thậm chí bà còn được diện kiến vua nước Anh! Căn phòng bà ở cùng con trai Rubin cho thấy sự giàu sang trước đây của bà. Không rộng lắm nhưng đầy ánh sáng nhờ có những cửa kính trông ra vườn nơi hoa hồng, hoa ly, hoa tuy líp đua nở vào cái thời gia đình Weinberg còn có một người làm vườn, còn hiện nay là nơi bà ngoại trồng cà rốt, cải bắp. Căn phòng có hai giường được phủ bằng nhung xanh sẫm, hai ghế bành bọc thảm, một cái bàn cổ nhỏ và một vài bức tranh - một bức tĩnh vật trường phái Flandre và một bức chân dung thân mẫu bà Weinberg thời thơ ấu được vẽ bởi một nghệ sĩ Anh, với váy viền đăngten trắng, bên cạnh có con chó đốm con. Thứ Elena thích nhất là tủ sách bằng gỗ trắng với những đường viền đẹp đẽ, được đóng chạy dài theo tường, đầy sách. Hầu hết là những cuốn sách tiếng Pháp: Balzac, Stendhal, Flaubert, Hugo, Voltaire, Rousseau, và hàng trăm cuốn khác, có lẽ phải mất hàng nghìn giờ đọc mới hết. Từ khi Elena chiếm được cảm tình của bà Weinberg bằng cách giúp bà những việc vặt, bà lão rất vui khi phát hiện ra cô bé hàng xóm học tiếng Pháp, đã cho cô mượn những quyển sách quý của bà. Ngược lại, bà yêu cầu cô mỗi tuần một hoặc hai giờ, đọc cho bà nghe, vì mắt bà không còn tinh tường nữa.

Elena ngồi trên giường và mở trang sách cô đã dừng lại hôm trước, khi đọc cho bà Weinberg nghe. Cô đã đọc phần cuối chương trong khi xếp hàng sáng nay ở chợ. Hiểu hơn nên cô đọc hay hơn. Bà Weinberg khen Elena đọc diễn cảm, cô đọc như một diễn viên diễn tả mọi tình cảm được miêu tả trong trang sách. Đôi lúc, chỉ với riêng Elena, bà đọc những đoạn của Racine hoặc Corneille mà trước đây bà đã học ở trường.

Elena say mê đọc, cô lại bị cuốn hút vào cuộc đấu tranh nội tâm trong đầu óc Jean Valjean, tức ông Madeleine, khi người tù khổ sai trước đây đã trở thành một thị trưởng giàu có và được trọng vọng, phân vân có nên tự thú với cảnh sát và tự kết án mình tử hình hoặc tù tội để cứu một người vô tội hay không. Bà lão nhắm nghiền mắt và thở đều đều. Người ta tưởng bà ngủ nhưng Elena không lầm lẫn như vậy. Cô chỉ vừa vấp một từ nào là bà Weinberg sửa ngay mà không cần mở mắt ra. Bà thích thú nghe, chăm chú đến mức không để sót dù chỉ một từ - như thể bà thuộc lòng văn bản hoặc bà cảm thấy phong cách của tác giả quen thuộc quá đỗi nên nếu người đọc tùy tiện, bà nhận ra ngay. Trái với điều mà cha mẹ cô nghĩ, bà vẫn tỉnh táo hoàn toàn.

- Cháu có thể đọc lại đoạn này được không? Bà Weinberg ngắt lời.

Elena quay lại phần đầu.

- Người ta không ngăn được tư duy trở lại một ý niệm cũng như biển trở lại một bến bờ. Đối với thủy thủ, cái đó gọi là thủy triều; đối với kẻ phạm tội, cái đó gọi là sự hối hận. Chúa nâng đỡ tâm hồn cũng như đại dương.

Bà lão thốt lên.

- Ẩn dụ đẹp biết bao! Cháu hiểu điều đó nghĩa là gì không?

- Cháu nghĩ là có ạ.

- Cháu mấy tuổi rồi?

- Mười bốn ạ.

- Mười bốn tuổi... Phải rồi, ở tuổi này người ta biết hối hận. Bà thích Victor Hugo vì ông đã thuyết phục được chúng ta rằng những phạm nhân cũng có một lương tâm. Nhà văn mạnh mẽ quá, và tâm hồn cao thượng biết bao! Cháu có thể tìm lại cho bà câu văn về bầu trời và nội tâm được không?

Vừa lật những trang sách, Elena vừa nghĩ đến các cô con gái mất tích của bà Weinberg.

- Có một khung cảnh rộng lớn hơn biển, đó là bầu trời; có một khung cảnh rộng lớn hơn bầu trời, đó là nội tâm.

 

Bà lão chậm rãi gật gù.

- Có lẽ đúng vậy vì ông Hugo làm bà đủ xúc động để tin điều đó. Cháu yêu, gần ba giờ rồi kìa! Buổi phát thanh của cháu sắp bắt đầu phải không? Bà không muốn đuổi cháu, nhưng bà sẽ buồn nếu vì bà mà cháu lỡ mất phần đầu.

- Cháu đi đây. Cảm ơn bà Weinberg.

Elena ôm hôn bà lão rồi ra khỏi phòng, đi dọc hành lang và vào phòng cha mẹ, đóng cửa lại. Cô mở cái đài Liên Xô mới toanh đặt trên tủ giữa hai cái bình Rosenthal, rồi điều chỉnh tần số trên từ "Vladivostok" viết bằng chữ Xlavơ. Buổi phát thanh của cô vừa bắt đầu. Phát thanh viên thông báo chương trình hôm nay là bản nhạc Con chim lửa của Igor Stravinsky. Elena cởi giày và nằm sấp xuống giường của cha mẹ. Bằng giọng mũi, người bình luận giải thích rằng Con chim lửa đã được Diaghilev đặt hàng cho những vở ba lê Nga vào năm 1910, và sự mạnh mẽ của âm nhạc đến từ nhịp điệu hơn là bội âm. Elena ghi nhớ trong đầu hai từ này. Giờ đây cô không còn có thể chơi pianô - vì trong nhà không có đàn và sách học - nên cô bổ sung kiến thức âm nhạc bằng việc nghe buổi phát thanh này mỗi chủ nhật.

Âm nhạc làm cô muốn khiêu vũ. Căn phòng rộng lại ngổn ngang những đồ đạc mà cha mẹ cô gửi đi từ Bessarabie và ông Ionescu đã giữ giúp họ. Elena đứng lên và bắt đầu đẩy cái bàn, những cái ghế, trường kỉ và những cái ghế bành để dọn quang giữa phòng. Rồi cô xoay mình, đầu ngẩng cao, đứng trên những ngón chân trần, không ngừng mỉm cười vì một vũ nữ ngôi sao không để cho thấy mình phải gắng sức. Bà bỗng nhiên mở cửa.

- Nounoush, họ về đấy! Cha đang cho xe vào gara.

 

Elena tắt đài và nhanh chóng kéo những chiếc ghế bành vào chỗ cũ. Chiếc trường kỉ khó di chuyển hơn. Cô nghe thấy giọng nói của cha mẹ. Bà hỏi họ ăn trưa thế nào và cho họ xem những thứ mua ở chợ buổi sáng để giữ chân họ. Elena vừa đẩy được cái bàn vào vị trí thì họ vào trong phòng. Iulia nhìn với vẻ nghi ngờ cô con gái má đỏ bừng vì gắng sức.

- Đi gọt khoai tây đi. Mẹ sẽ làm món bánh nướng giòn.

- Để mẹ làm cho, bà nói. Nounoush chưa làm xong bài.

- Nó có cả ngày để làm bài cơ mà mẹ, bà Tiberescu đáp giọng khô khốc. Mẹ chiều nó quá. Con muốn nó phải giúp làm việc nhà.

Elena chuồn vào bếp. Khi gọt xong cân khoai tây, cô quay về phòng mình và lấy ra cuốn sách của Victor Hugo. Nhờ có bà Weinberg, cô vừa tìm ra chủ đề cho bài luận. Cô sẽ viết về sự hối hận và cuộc đấu tranh nội tâm của Jean Valjean. Cô quyết định ra vườn ngồi học khi trời còn sáng. Khi đi ngang qua phòng cha mẹ mà cửa đã đóng, cô nghe thấy cha cao giọng gọi tên cô. Elena dừng lại và lùi về phía sau để không ai nhìn thấy đầu cô sau ô cửa. Tim cô đập thình thịch. "Con không được đứng sau cửa rình trộm khi cha mẹ nói về con."

- Thế nhưng những trường trung học kĩ thuật này không phải phần lớn dành cho con trai sao? Bà hỏi.

- Mẹ muốn cháu gái mẹ chỉ là người nội trợ thôi ư? Cha Elena đáp với giọng gay gắt. Hoặc một thư kí? Nếu học một trường trung học bình thường, con bảo đảm cháu sẽ không tìm được việc làm.

- Nhưng tại sao lại thế? Ở đâu nó cũng có toàn điểm
tốt cả!

 

- Đúng vậy, - mẹ nói xen vào. - Nó chăm học. Nó luôn đứng đầu lớp.

- Anh không phủ nhận điều đó, - cha nói tiếp - Nhưng nó là một đứa con gái và nó có gốc gác từ Bessarabie, nói cách khác là gốc Nga. Nếu một ông chủ phải chọn giữa một người nam giới và một người nữ giới, ông ta sẽ chọn nam giới. Và nếu phải chọn giữa một cô gái Rumani chính cống và Elena, ông ta sẽ chọn cô gái Rumani. Thực tế là vậy. Ngày nay, một phụ nữ cần phải được độc lập. Với tình hình kinh tế khủng khiếp của Rumani, ta phải nghĩ tới tương lai của nó. Anh muốn nó có thể tự kiếm sống được. Anh đã đăng kí cho nó học ở trường trung học kĩ thuật tốt nhất của Bucarest, khoa Hóa.

- Học hóa học ư! - Bà ngoại kêu lên. - Tội nghiệp Lenoush! Con bé yêu tiếng Rumani, tiếng Pháp và lịch sử thế cơ mà!

- Iulia, em có thể bảo mẹ đừng nói nữa được không? Con biết việc con làm, Alexandra. Sau này, Lenoush có thể làm việc trong một phòng thí nghiệm chứ không phải trong một nhà máy. Tin con đi và hãy mừng cho cháu gái của bà.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86740


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận