Thời Niên Thiếu Không Thể Quay Lại Ấy Chương 7

Chương 7
Học kỳ hai bắt đầu, hành tinh nhỏ bé là tôi đây đã va chạm với một hành tinh khổng lồ có ảnh hưởng vô cùng lớn với tôi.

Trần Kình là người đầu tiên mà tôi gặp trên con đường đời tôi đang đi, có ảnh hưởng vô cùng tích cực đối với tôi. Thời gian ngồi cùng nhau ấy, cậu ta đã đưa tôi vào một thế giới mà tôi chưa từng được biết đến, mặc dù mới chỉ là đứng ở ngoài cửa, nhưng nhờ sự chỉ dẫn của cậu ta, tôi đã vô tình bước chân lên một con đường mới.

Nhưng khi ấy, tôi hoàn toàn không hiểu điều đó. Cậu ta dạy tôi cách học. Những câu chuyện mà cậu ta kể cho tôi nghe trong giờ nghỉ giải lao, những bài thơ mà cậu ta dùng để kiểm tra tôi, những bài hát mà cậu ta gợi ý tôi nên nghe, những nhân vật kiệt xuất mà cậu ta ngưỡng mộ, tất cả, trong mắt một đứa trẻ như tôi, chỉ là trò chơi của hai đứa trẻ con, không thú vị hơn việc nhảy dây, đấm bao cát là mấy, nhưng trên thực tế, những thứ mà cậu ta cho tôi, đã dần dần thay đổi quỹ đạo của cuộc đời tôi.

Việc Trần Kình đột ngột nghỉ học tạo ra hiệu ứng vô cùng lớn trong lớp. Thời gian ấy, rất nhiều nữ sinh nằm bò trên bàn mà khóc lóc. Thật đúng là một cuộc thất tình tập thể.

Sau đó, không biết cô bạn nào đã hỏi được địa chỉ nhà Trần Kình. Nữ sinh trong lớp đều phấn khởi, bắt đầu góp tiền, theo kế hoạch là mỗi người nộp năm tệ, cùng nhau mua một món quà lưu niệm để tặng Trần Kình. Tôi không tham gia. Gia đình tôi không giàu có gì, tiền tiêu vặt của tôi cũng có hạn, mà chúng đã có việc quan trọng hơn để làm, ví dụ như mua nước cam ép.

Vấn đề là, mặc dù tôi không giàu có, nhưng tôi cũng không nghèo, rất nhiều nữ sinh có gia cảnh khó khăn cũng đều cố gắng hết khả năng, dốc hầu bao ra quyên góp. Trong mắt đám nữ sinh đó, hành vi của tôi là không thể tha thứ. Vì chuyện này, một lần nữa tôi lại trở thành “trường hợp cá biệt” trong lớp, tất cả các bạn đều biết tôi không thích Trần Kình. Trong lòng của đám con gái lớp tôi, thì đây là câu có thể biểu đạt ngữ khí chuẩn xác nhất: Mày, lại dám không thích Trần Kình?!

Vì Trần Kình mà lần đầu tiên tôi bị cô lập, toàn bộ nữ sinh trong lớp đã coi tôi như kẻ thù.

Khi đó, tôi cảm thấy bọn họ thật đáng ghét. Giờ nghĩ lại, cảm thấy tình cảm đó thật thuần khiết, mộc mạc biết bao, yêu không ham muốn, không chiếm dụng, thậm chí vì cùng yêu chung một người mà càng trở nên thân thiết hơn. Thứ tình yêu ấy, chỉ có ở thời học tiểu học mà thôi.

Sau khi Trần Kình đi không lâu, học kỳ một lớp 5 kết thúc, rút cục bọn con gái trong lớp đã mua quà gì cho Trần Kình, tôi cũng không rõ, bởi vì trong mắt họ, tôi không có đủ tư cách để cùng với họ thích Trần Kình, chỉ biết đúng là cả đám có mang quà đến nhà Trần Kình trong kỳ nghỉ đông. Suốt một thời gian dài của học kỳ hai, đề tài bàn tán chủ yếu vẫn xoay quanh Trần Kình, mẹ Trần Kình thật xinh đẹp, bố Trần Kình thật uyên bác, gia đình Trần Kình cao quý biết bao, Trần Kình thật là ưu tú.

Học kỳ hai bắt đầu, hành tinh nhỏ bé là tôi đây đã va chạm với một hành tinh khổng lồ có ảnh hưởng vô cùng lớn với tôi.

Vì lý do sức khỏe nên học kỳ này, cô giáo Triệu không thể đi dạy, thay vào đó là cô Cao, một giáo viên vừa tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm.

Cũng có thể là vì vừa tốt nghiệp, nên cô vô cùng sáng tạo và nhiệt tình trong công việc. Vào giờ học, cô thường kể chuyện cười và hát cho chúng tôi nghe. Nếu có ai đó lơ đãng, cô còn tỏ vẻ thông cảm và nói với chúng tôi: “Cô biết môn toán rất khô khan, lại không thi vị, nhưng cô đang cố gắng để bài giảng thú vị hết mức có thể, các em có thể nói ra ý kiến của mình, nhưng không được phép không nghe giảng.”

Cô Cao rất thích cười, cô chưa bao giờ trách mắng bất kỳ ai, cũng chưa bao giờ phân biệt học sinh giỏi, học sinh kém, thậm chí, cô còn tỏ ra thiên vị hơn đối với những học sinh yếu kém. Mỗi lần nói chuyện với chúng tôi, giọng cô rất dịu dàng, nhẫn nại, cứ như sợ làm tổn thương chúng tôi vậy.

Vì cô Cao, tôi không còn chép bài tập của người khác nữa, nhưng vì mất căn bản, nên cho dù có tự mình làm, kết quả cũng thảm hại.

Nhưng, tôi phát hiện ra rằng, lần nào cô cũng chữa từng bài của tôi hết sức cẩn thận và kỹ lưỡng, bên cạnh mỗi bài còn viết những lời đánh giá của cô về cách giải của tôi. Có rất nhiều bài tôi làm sai, cô vẫn viết những lời tán dương, khen ngợi tôi có tư duy logic độc đáo. Lần đầu tiên gặp trường hợp làm bài sai mà vẫn được khen, tôi rất kinh ngạc, bất giác có những suy nghĩ lạ lẫm về cô giáo Cao.

Tiết học nào cô cũng gọi tôi lên trả lời, nếu tôi trả lời được, cô sẽ biểu dương rất nhiệt tình, nếu tôi không trả lời được, cô thường mỉm cười nói: “Em hãy suy nghĩ thêm nhé, với khả năng của em, cô tin bài này em có thể làm được”, sau đó cho tôi ngồi xuống.

Trong mắt người lớn, trẻ con luôn luôn ngây ngô, nhưng trái tim chúng tôi lại hết sức mẫn cảm. Ý tốt đó của cô Cao, tôi đã cảm nhận được.

Tôi như một bông hoa hướng dương lâu ngày sống trong bóng tối, đã thèm khát ánh nắng mặt trời quá lâu, đúng vào thời điểm tôi bắt đầu nghĩ thế giới này là một màu đen tối, trong mắt người lớn, tôi là đứa trẻ không làm gì đúng bao giờ, không có bất kỳ người lớn nào chịu dành cho tôi một chút quan tâm dịu dàng, thì cô Cao đã xuất hiện. Cô nhìn tôi với ánh mắt tin tưởng kỳ vọng, còn tôi lại đang do dự, do dự liệu có nên tin tưởng vào sự thân thiện của cô hay không. Trong khi còn đang băn khoăn, tôi đã không cố gắng nghĩ về hướng tích cực hơn, mà thậm chí còn trở nên xấu xa hơn. Mỗi khi đến giờ của cô, tôi đều cố ý đọc tiểu thuyết, cố ý không nghe giảng, cố ý viết lung tung khi làm bài tập. Cô nói đông, tôi lại viết tây, cô nói tây, tôi viết đông, tôi muốn dùng những cái gai nhọn trên người mình để ép cô phải lộ “bộ mặt thật”.

Tới tận bây giờ tôi vẫn không hiểu tôi của ngày ấy đã nghĩ gì, chỉ lờ mờ đoán ra rằng tôi muốn chứng minh thế giới của tôi không có mặt trời, khiến tôi phải từ bỏ, không có hy vọng thì không phải thất vọng, có lẽ tôi chỉ đang dùng một cách khác để bảo vệ mình.

Nhưng cô Cao vẫn không bị tôi ép cho phải lộ ra “bộ mặt thật”. Cô dùng trái tim bao dung của bậc làm cha làm mẹ để dung thứ cho tất cả những hành động làm tổn thương người khác và tổn thương chính mình của tôi.

Và trong thời gian đó đã xảy ra một chuyện, đánh tan tất cả sự hoài nghi của tôi dành cho cô. Vì muốn giúp cô Cao nắm bắt tình hình lớp tôi cách nhanh nhất, trong thời gian cô Triệu nghỉ ngơi sau ca phẫu thuật, nhà trường đã sắp xếp cho hai người gặp nhau, để cô có thể tìm hiểu cặn kẽ tình hình của từng học sinh trong lớp.

Khi tôi biết tin này thì cô Triệu đã ngồi trong văn phòng của cô Cao. Cảm giác khi ấy là toàn thân như bị dội một thùng nước lạnh, đốm lửa nhỏ vừa nhen nhóm cháy trong tim đã tắt ngấm. Văn phòng của cô Cao ở tầng một, ma xui quỷ khiến thế nào mà tôi lại lén lút đi đến đứng dưới văn phòng đó, ngồi xổm dưới cửa sổ nghe trộm. Lúc tôi đến đã muộn, nên không nghe được những gì cô Triệu nói, chỉ nghe tiếng cô Cao đang khách sáo nói với cô Triệu: “… Ai cũng có lúc phạm sai lầm. Sai lầm không phải là chuyện không thể tha thứ được, La Kỳ Kỳ và Trương Tuấn đều là những học sinh rất thông minh…”

Sau đó, tôi không còn nghe thấy gì nữa. Trời đất như xoay chuyển. Đầu óc tôi ong ong. Từ ngày tôi bắt đầu đi học đến giờ, chưa có ai khen tôi thông minh, ai cũng nói tôi cứng đầu, ngu ngốc. Tôi khẳng định là mình nghe nhầm rồi, khẳng định! Khi đã tỉnh táo hơn, tôi chỉ muốn nghe lại một lần nữa, thì đã thấy tiếng cô Cao tiễn cô Triệu ra cửa. Thế là, tôi tự lẩm nhẩm “Mình nghe lầm rồi”, và đi về lớp như một người say.

Lý trí của tôi vụng trộm nói với tôi rằng, tôi không nghe nhầm, là thật, tôi không phải là một đứa trẻ ngu ngốc. Nhưng trái tim đã tự ti quá lâu nên giờ từ chối chấp nhận điều đó, vẫn nói với mình hết lần này tới lần khác, nghe nhầm rồi, nghe nhầm rồi, nhất định là nghe nhầm rồi.

Có điều, cho dù nghe nhầm hay không nghe nhầm, tôi cũng phải giữ lại ánh mặt trời trong mắt của cô Cao. Tôi rất sợ khiến cô thất vọng, sợ cô thất vọng rồi sẽ chuyển hướng nhìn. Vì vậy, tôi không còn đọc tiểu thuyết trong giờ học nữa. Tôi bắt đầu chăm chỉ nghe giảng. Hết giờ, mỗi bài tập tôi đều suy nghĩ nghiêm túc và kỹ càng để hoàn thành. Có những bài không biết làm, tôi vẫn ghi chú ở bên cạnh hướng suy nghĩ của tôi. Và tôi đã nghĩ những gì, tôi muốn cô cảm nhận được rằng tôi đang cố gắng, để cô cho tôi thêm chút thời gian.

Thành tích trong môn toán của tôi tăng lên nhanh chóng, kết thúc lớp 5, điểm toán từ mức thường xuyên không đạt giờ đã được tám mươi, chín mươi điểm. Tình hình của Trương Tuấn cũng giống tôi, nhưng điểm ngữ văn của cả hai đều kém, khiến điểm tổng kết bị kéo xuống, vì vậy xếp số thứ tự vẫn không có gì thay đổi.

Dù sao thành tích này cũng khiến bố mẹ tôi vui sướng vô cùng. Sau buổi họp phụ huynh, bố hào hứng nói với tôi: “Sau buổi họp phụ huynh, cô Cao còn giữ bố lại, nói với bố rằng ‘con gái anh rất thông minh’, đúng rồi, cô Cao còn muốn chọn con vào đội tuyển tham gia Olympic toán cấp tiểu học của thành phố, nên mùa hè này con cũng phải đến trường để học.”

Giây phút ấy, tôi mới khẳng định tôi đã không nghe nhầm.

Cùng trong đội tuyển toán do cô Cao đích thân bồi dưỡng còn có Trương Tuấn.

Kỳ nghỉ hè năm ấy là những ngày tháng vui vẻ, rực rỡ nhất trong thời niên thiếu của tôi. Mỗi buổi sáng khi vừa mở mắt, là cảm nhận được ánh mắt trời tràn ngập trong tim.

Mỗi buỗi sáng tôi đều đến trường, cùng Trương Tuấn nghe cô giáo giảng bài, mặc dù không nói chuyện với nhau, nhưng ngồi rất gần nhau, chỉ một cái liếc mắt là có thể nhìn thấy nụ cười của cậu ấy.

Cô Cao cũng không đứng trên bục giảng. Cô thường ngồi trước mặt chúng tôi, vừa viết ra nháp vừa giảng bài. Những lúc mệt, ba cô trò lại ngồi nói chuyện. Cô thường kể những câu chuyện khi cô còn học ở Bắc Kinh, tôi và Trương Tuấn lặng im lắng nghe. Cũng có lúc, Trương Tuấn kể về những điều cậu ấy được nghe, được thấy qua những chuyến du lịch trên khắp mọi miền đất nước. Cậu ấy rất biết ăn nói. Những chuyện cậu ấy kể thật sinh động và hấp dẫn. Cậu ấy kể mình được ăn một bàn tiệc chỉ có cá, khiến tôi và cô Cao đều nuốt nước miếng, kể chuyện ăn hải sản ở Yên Đài, tôm tươi chỉ tẩm qua rượu, khi cho vào miệng, con tôm vẫn còn giãy giụa, mùi vị rất tuyệt, tôi và cô Cao nghe mà lè lưỡi lắc đầu.

Trước mặt cô giáo, Trương Tuấn chưa bao giờ có ý thức mình là học trò. Những lúc cao hứng, cậu ta còn nhảy lên mặt bàn ngồi, vừa nói vừa khoa chân múa tay, nét mặt hào hứng, còn tôi và cô Cao ngồi trên ghế, phải ngửa cổ lên, nghe cậu ấy nói.

Ánh mặt trời mùa hè rực rỡ xuyên qua khung cửa sổ rồi chiếu lên người cậu ấy khiến toàn thân cậu ấy rực sáng, trái tim tôi cũng sáng lấp lánh. Lần đầu tiên tôi biết hạnh phúc và niềm vui thực ra vô cùng đơn giản, chỉ cần ngồi ở đó, yên lặng ngắm nhìn cậu ấy.

Ngoài trả lời câu hỏi, đa phần thời gian tôi im lặng, nhưng trong sự im lặng của tôi lại âm ỉ niềm vui, nghe họ nói chuyện.

Học xong, tôi và Trương Tuấn sánh đôi về nhà.

Hai nhà chúng tôi ở hai bên bờ sông, nói là sông, nhưng thực ra cũng không hẳn là sông, mà nghe nói là một con mương do dân đào từ thời Thanh, nhưng chúng tôi đều quen gọi là sông.

Vì muốn được đi cùng với cậu ấy một đoạn, tôi liền nói mình thích ngắm sông. Hai đứa đi dọc bờ sông, đến một cây cầu thì chia tay.

Tôi vất vả tìm các cơ hội để được ở bên cậu ấy, nhưng khi ở bên nhau, tôi lại không biết nói gì, chỉ im lặng, thường thì là một mình Trương Tuấn nói, tôi chăm chú lắng nghe. Cậu ấy có rất nhiều câu chuyện thú vị để chọc cho tôi cười.

Có lúc, cậu ấy cũng không nói gì, chúng tôi cùng im lặng. Tôi rất sợ cậu ấy chê tôi nhạt nhẽo, sợ sau này tan học không muốn đi về cùng tôi nữa, vì vậy khi cậu ấy im lặng, tôi liền tìm mọi cách để nghĩ ra một đề tài nào đó, nhưng sao vẫn không biết nên nói gì, chỉ có thể hỏi: “Cậu thấy bài tập sáng nay liệu có cách giải nào hay hơn nữa không?” hoặc “Mình mới tìm ra một cách giải mới cho bài tập ngày hôm qua”. Thế là, hai đứa vốn học kém có tiếng ở trường như chúng tôi, lại say sưa thảo luận về toán học như những học sinh hiếu học nhất. Và tôi, nhiều năm sau, mới nghĩ ra để hỏi mình rằng, rút cục, im lặng vô vị hơn, hay là thảo luận một bài toán khô khan có thể có bao nhiêu cách giải thì vô vị hơn?

Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có ngoại lệ. Những lúc nước sông rút, chúng tôi liền xuống dưới chơi, cùng cúi đầu sục sạo để tìm những viên đá đẹp.

Khi mệt, hai đứa vai kề vai ngồi trên một hòn đá lớn, chân thả dưới nước, vừa đá nước nghịch, vừa nghỉ ngơi. Nước sông khiến người cảm thấy nhẹ nhõm. Cho dù cả hai đều im lặng, tôi cũng không cố ý tìm chuyện để nói. Chúng tôi thường không ai nói gì, phơi nắng, tận hưởng sự mát mẻ do những cơn gió nhẹ đưa tới.

Thời gian ở bên nhau bao giờ cũng qua rất nhanh. Tôi thường thình lình túm lấy cổ tay cậu ấy để xem đồng hồ. Khi thấy đã đến giờ ăn trưa, tôi vội vội vàng vàng đứng dậy đi giày: “Mình phải về nhà rồi, tạm biệt!”

Cậu ấy lười nhác đứng dậy, vừa đi giày vừa nói: “Tạm biệt!”

Nghĩ đến ngày mai vẫn còn được gặp nhau, vẫn còn có thể cùng đi về, cùng nghịch nước, tôi lại cảm thấy vô cùng hạnh phúc, đi đường mà như đang bay.

Mỗi buổi sáng sớm, tôi gần như không thể chờ đợi được, muốn chạy thật nhanh đến trường, muốn được nhìn thấy cậu ấy, muốn cùng học, cùng chơi với cậu ấy.

Có một lần, Trương Tuấn nằm trên phiến đá ngủ, tôi ngồi bên cạnh đá nước, len lén nhìn đồng hồ, thấy đã quá giờ cơm trưa, nhưng cậu ấy vẫn chưa dậy. Tôi do dự, rồi cũng không gọi, thậm chí còn lấy mũ che nắng của mình che cho cậu ấy ngủ.

Tôi cầm mũ, ngồi bên cạnh cậu ấy, chăm chú nhìn nét mặt của cậu ấy khi ngủ, tay này cầm mỏi rồi thì đổi sang tay kia. Tôi thấy trái tim tôi cũng sáng rực như ánh mặt trời mùa hạ, dịu dàng như dòng nước lững lờ trôi trước mặt, chỉ cần Trương Tuấn ở đây, tôi nguyện sẽ luôn ở bên cạnh để bảo vệ cậu ấy.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/t32068-thoi-nien-thieu-khong-the-quay-lai-ay-chuong-7.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận