Thiên Long Bát Bộ Hồi 189: Huy sái phọc hào anh

Bề ngoài phiêu dật tiêu dao,

Ra tay một mẻ ai nào thoát đâu.

Gặp khi tụ hội anh hào,

Tâm cơ bố trí cũng sao cho vừa.

Một hồi sau, mọi người bỗng ngửi thấy một mùi hương thơm thoang thoảng, Huyền Nạn kêu lên:

- Địch nhân phóng độc, mau nín thở, ngửi thuốc giải ngay.

Thế nhưng một hồi lâu không thấy có gì khác thường, ngược lại đầu óc tỉnh táo, dường như mùi hoa thơm không có chất độc gì cả. Người ở bên ngoài nói:

- Thất tỉ đến đấy ư? Trong nhà ngũ ca có một quái nhân, dám tự xưng là An Lộc Sơn.

Có tiếng đàn bà đáp:

- Chỉ riêng đại ca là chưa đến. Nhị ca, tam ca, tứ ca, lục ca, bát đệ, tất cả cùng ra mặt đi thôi.

Bà ta vừa dứt lời bên ngoài cửa đột nhiên sáng lòa, ánh sáng kỳ dị chiếu vào năm người đàn ông, một người đàn bà. Một ông già râu đen lớn tiếng nói:

- Lão ngũ, sao chưa chịu ra?

Trong tay ông ta cầm một phiến gỗ hình vuông, người đàn bà là một mỹ phụ trung niên, trong bốn người còn lại hai người ăn mặc theo lối nho sinh, một người trông như thợ mộc, tay cầm búa ngắn, vai đeo cưa. Còn một người mặt xanh nanh vàng, tóc đỏ râu xanh, hình dáng thật là dữ dằn dễ sợ như yêu quái, trên người mặc cẩm bào sáng lấp lánh.

Đặng Bách Xuyên chăm chú nhìn, biết ngay là mặt người đó vẽ bằng màu chứ không phải có dị tướng, y ăn mặc chẳng khác gì một phường tuồng trên sân khấu, người vừa mới đóng cả hai vai Đường Minh Hoàng lẫn Mai Phi hẳn phải là y bèn lớn tiếng nói:

- Xin hỏi tôn tính đại danh của chư vị, tại hạ là Đặng Bách Xuyên, môn hạ nhà Cô Tô Mộ Dung.

Bên kia còn chưa kịp trả lời, từ trong đại sảnh một bóng đen đã lao ra, ánh đao lấp loáng, nhắm ngay người kép hát chém liên tiếp bảy nhát liền, chính là Nhất Trận Phong Phong Ba Ác. Người kép hát kia không kịp đề phòng, né đông tránh tây, tình thế cực kỳ luống cuống. Bỗng nghe y hát rằng:

- Khí cao ngất trời chừ… sức bạt núi. Thời thôi chẳng còn chừ… ngựa chồn chân. Ngựa chồn chân chừ… đành…(30.1)

Thế nhưng thế công của Phong Ba Ác thật gấp gáp, câu thứ ba y hát chưa hết thì không còn tiếp được nữa. Người râu đen liền mắng:

- Hán tử kia quả thực vô lý, vừa xông lên đã chém ngang chém dọc, hãy nếm một chiêu Đại Thiết Võng(30.2) của ta nào!

Chiếc bản vuông trong tay y liền vung ra, nhắm ngay đầu Phong Ba Ác đập xuống. Phong Ba Ác trong bụng nhủ thầm: "Ta xưa nay đánh nhau hàng mấy trăm trận lớn nhỏ nhưng chưa thấy ai dùng một phiến gỗ vuông làm khí giới bao giờ." Đơn đao y liền vung lên chém xuống bản gỗ. Nghe keng một tiếng, lưỡi đao đụng phải cạnh phiến gỗ, nhưng phiến gỗ không hề suy suyển, thì ra phiến vuông đó trông tưởng bằng gỗ nhưng lại bằng thép, bên ngoài sơn giả như thớ gỗ mà thôi.

Phong Ba Ác lập tức thu đao, đang định chuyển thế chém tiếp ngờ đâu cánh tay giựt lại nhưng đơn đao không kéo về được, lưỡi đao đã bị thiết bản hút dính cứng. Phong Ba Ác hoảng hồn, vận kình giựt lại, lúc ấy mới tách được đơn đao khỏi bản thép, quát lên:

- Thật là tà môn! Cái bửng sắt của ngươi làm bằng từ thiết phải không?

Người kia cười đáp:

- Xin lỗi! Đây là món kiếm cơm của lão phu mà.

Phong Ba Ác trong một thoáng đã nhìn thấy trên phiến sắt đường dọc, đường ngang rất nhiều vạch thẳng, hóa ra đó là một bàn cờ vây(30.3) bèn nói:

- Lạ lùng thật! Để ta đấu với ngươi.

Y tiến đao như gió, càng đánh càng nhanh, có điều lưỡi đao không dám để chạm vào bàn cờ bằng nam châm kia. Người kép hát thở hắt ra một hơi, cất giọng ồm ồm hát:

Ngựa chồn chân chừ… đành chịu vậy

Ngu Cơ nàng ơi chừ… biết cho chăng?(30.4)

Đột nhiên y chuyển sang giọng đàn bà, õng ẹo ỏn thót:

Đại vương ơi! Chớ có ưu phiền,

Trận Cai Hạ hôm nay bất lợi.

Tiện thiếp sẽ một lòng một dạ,

Cùng chàng giục ngựa phá trùng vi.

Bao Bất Đồng quát lên:

Sớm biết phận hãy mau mau tự sát.

Mụ Ngu Cơ vợ Sở Bá Vương ơi,

Đừng để mỗ phải ra tay tru diệt,

Hàn Tín này có giết cũng hoài hơi.

Y tung mình nhảy ra vươn tay chộp vào vai gã kép hát. Người đóng trò hạ vai xuống tránh qua hát tiếp:

- "Gió bão bùng chừ… mây vần vũ

Không lẽ…"(30.5) Ối chao, ta là Hán Cao Tổ giết Hàn Tín đây.

Y đưa tay mò vào thắt lưng lấy ra một cây nhuyễn tiên, soạt một tiếng đã nhắm vào Bao Bất Đồng đánh tới. Huyền Nạn thấy mấy người này đánh nhau tưởng như trò trẻ nhưng hai bên võ công đều cao cường, mình chẳng biết lai lịch đối phương là ai, ông hơi nhíu mày, quát lên:

- Chư vị tạm ngừng tay, trước hết hỏi cho minh bạch đã.

Thế nhưng muốn Phong Ba Ác ngừng đấu thì quả là khó khăn vô cùng, y biết rằng bị trùng phải hàn độc rồi, thể lực kém xa bình thường, nhưng hàn độc tùy thời mà phát, cực kỳ nguy hiểm, thành thử thanh đơn đao của y múa như gió táp mưa sa, mong thắng đối phương càng sớm càng tốt.

Trong tiếng người hò hét giao đấu, đại sảnh lại xuất hiện thêm một người, loảng xoảng loảng xoảng, hai thanh giới đao chạm nhau cực kỳ uy phong, chính là Huyền Thống. Ông quát lớn:

- Bọn chúng bay là đám gian đồ bày độc kế hại người, hôm nay lão tăng đại khai sát giới.

Ông suốt mấy hôm nay bị hàn độc hành hạ, tức tối không có chỗ phát tiết, lúc này chẳng cần hỏi han gì nữa, song đao vung tới chém hai người ăn mặc theo lối nho sinh kia. Một người né qua tránh được, còn người kia thò tay vào túi, lấy ra một món binh khí hình phán quan bút, thi triển tiểu xảo công phu đấu với Huyền Thống. Đọc Truyện Online mới nhất ở truyen/y/y/com

Người nho sinh kia lắc đầu chép miệng:

- Lạ thật! Người xuất gia sao nóng tính đến thế, không biết thế thì tu ở chỗ nào?

Y cũng thò tay vào túi mò mò, thảng thốt kêu lên:

- Ủa, đâu mất rồi?

Y hết thò tay vào túi bên phải, lại mò vào túi bên trái, rũ rũ tay áo, vỗ vỗ trên ngực, nhưng không cách nào tìm ra. Hư Trúc nổi tính hiếu kỳ, hỏi:

- Thí chủ kiếm gì đó?

Nho sinh kia đáp:

- Vị đại hòa thượng này võ công cao cường quá, người anh em ta đánh không lại nên ta muốn lấy binh khí ra để lấy hai đánh một, ủa, lạ nhỉ, binh khí của ta đâu mất rồi?

Y gõ gõ trên trán, cố gắng nhớ lại, Hư Trúc nhịn không nổi cười bật lên một tiếng nghĩ thầm: "Ra trận muốn đánh nhau mà lại quên không biết để binh khí chỗ nào quả là thú vị." Y bèn hỏi:

- Thí chủ dùng binh khí gì thế?

Nho sinh đáp:

- Người quân tử tiên lễ hậu binh, binh khí thứ nhất của ta là một bộ sách.

Hư Trúc hỏi:

- Sách gì thế? Võ công bí quyết chăng?

Nho sinh đáp:

- Không phải, không phải. Đó là bộ Luận Ngữ.(30.6) Ta muốn đem lời của thánh nhân ra cảm hóa đối phương.

Bao Bất Đồng liền chen vào:

- Ngươi là học trò, đến Luận Ngữ cũng không thuộc, thì còn học với hành gì?

Nho sinh đáp:

- Lão huynh mới chỉ biết một mà không biết hai. Nói đến Luận Ngữ, Mạnh Tử, Xuân Thu, Thi Kinh thì ta thuộc như cháo chảy, có điều đối phương là đệ tử Phật môn, đọc kinh thì nhiều nhưng sách vở nhà nho chắc gì đã đọc, ta có nói ra, nếu như y không biết thì cũng vô ích thôi! Thành thử ta muốn đem sách giở cho y xem, y mới không cãi chầy cãi cối được, thế mới hiệu quả. Người đời thường bảo, nói phải có sách, mách phải có chứng.

Y vừa nói vừa mầy mò khắp người để kiếm cuốn sách. Bao Bất Đồng kêu lên:

- Tiểu sư phụ, mau đánh y đi.

Hư Trúc nói:

- Để vị thí chủ kia tìm ra binh khí đã, lúc đó mình động thủ cũng chưa muộn.

Người nho sinh nói:

- Hai nước Tống Sở đánh nhau ở chỗ nước sâu, quân Sở qua sông chưa xong, hàng ngũ chưa tề chỉnh, chính là lúc nên đánh nhưng Tống Tương Công nói: "Đánh lúc này không phải là người quân tử." Tiểu sư phụ có bụng dạ như thế, quả là đã học được tấm lòng nhân của Tống Tương Công.

Người trông như thợ mộc thấy song đao của Huyền Thống múa tít lên, chém trên lia dưới, chiêu số cực kỳ độc địa, sách giải thêm mấy chiêu nữa e rằng thư sinh cầm phán quan bút có thể mất mạng được, bèn múa búa xông lên trợ chiến. Công Dã Can lập tức nhắm vào y đánh vù ra một chưởng. Công Dã Can trông vẻ người nho nhã nhưng chưởng lực thật hùng hồn, đã được gọi là "Giang Nam đệ nhị", hôm trước cùng Tiêu Phong tỉ thí uống rượu và chưởng lực, tuy thua đấy nhưng Tiêu Phong vẫn phải kính trọng y, đủ biết nội lực và tài nghệ không phải bình thường. Gã thợ nghiêng qua tránh được, vung búa chém trả lại.

Người nho sinh tuy không tìm thấy quyển Luận Ngữ nhưng thấy đồng bạn cầm phán quan bút chiêu pháp bắt đầu hỗn loạn, xem ra chống không nổi song đao của Huyền Thống đại sư, bèn nói với Huyền Thống:

- Này! Đại hòa thượng, đức Khổng Tử có nói rằng: Quân tử vô chung thực chi gian vi nhân, tháo thứ tất ư thị, điên bái tất ư thị.(30.7) Ông chăm chăm định giết tứ đệ của ta, thế đâu còn là nhân nữa. Nhan Uyên hỏi điều nhân, đức Khổng Tử trả lời: Khắc kỷ phục lễ vi nhân. Nhất nhật khắc kỷ phục lễ, thiên hạ qui nhân yên.(30.8) Phu tử lại nói rằng: Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động.(30.9) Ông múa đao loạn cả lên, hung hăng chỉ chăm chăm định giết người, hành động như thế sao gọi là "khắc kỷ" được? Như thế thật là "phi lễ."

Hư Trúc quay sang hỏi nhỏ nhà sư Tuệ Phương đứng bên cạnh:

- Sư thúc thử nghĩ người này ngớ ngẩn giả hay thật?

Tuệ Phương lắc đầu:

- Ta cũng không biết. Lần này ra khỏi chùa, sư phụ có dặn ai nấy phải cẩn thận, trên giang hồ người người gian trá, trò quái quỉ gì cũng có thể làm được cả.

Gã đồ gàn kia lại nói với Huyền Thống:

- Đại hòa thượng, Tử viết: Nhân giả tất hữu dũng, dũng giả tất hữu nhân.(30.10) Ông dũng cảm thì có đấy nhưng chắc gì đã có lòng nhân, không phải là người quân tử chân chính. Đức Khổng tử có nói rằng: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân.(30.11) Nếu người ta giết ông ông có chịu không? Nếu bản thân ông không muốn chết, sao lại muốn giết người khác?

Huyền Thống xông tới nhảy lui, múa đao vùn vụt, thế nhưng gã đồ gàn đó tránh đông né tây, khi trái khi phải, khi nào cũng cách ông chừng ba thước, mồm thì khuyên nhủ đủ biết võ công không phải tầm thường. Huyền Thống ngầm cảnh giác: "Gã này lải nhải lăng nhăng, hẳn là để cho ta phân tâm chờ sơ hở là xông ngay vào. Người này võ công còn cao hơn tên cầm phán quan bút, không thể không phòng bị." Ông nghĩ như thế nên tinh thần sáu phần đề phòng gã đồ gàn, chỉ dành bốn phần tấn công thư sinh cầm phán quan bút mà thôi. Chính vì thế mà tình trạng thư sinh đỡ hẳn đi.

Lại trao đổi thêm hơn chục chiêu nữa, Huyền Thống bắt đầu nóng ruột, quát lên:

- Tránh ra!

Ông xoay giới đao lại, dùng cán đao tống vào ngực gã đồ gàn. Ông nhà nho kia vội tránh ra nói:

- Ta xem đại sư võ công cao cường, ta và tứ đệ hai người đánh một, cũng chưa chắc thắng nổi ông, nên mới đem lời hay ra khuyên nhủ, cốt để hai bên bãi đấu. Đức thánh Khổng nói rằng: Sâm hồ! Ngô đạo nhất dĩ quán chi.(30.12) Tăng Tử trả lời: Phu tử chi đạo, trung thứ nhi dĩ hĩ.(30.13) Phàm làm người như chúng ta, cái đạo "thứ" kia phải nên giữ cho kỹ, chớ nên quá ư là ngang ngược.(30.14)

Huyền Thống giận quá, nghe vút một tiếng, vung đao chém ngang, miệng chửi:

- Trung thứ chi đạo cái gì? Nhân nghĩa đạo đức ở đâu? Thế sao các ngươi lại bỏ thuốc độc vào trong quan tài để hại người? Lão nạp nếu sơ ý thì giờ đây đã viên tịch tây qui, còn nghe nhà ngươi nói "kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" nữa chăng? Thế ngươi có muốn trúng độc mà chết không cơ chứ?

Gã đồ gàn lùi lại hai bước, ngạc nhiên hỏi:

- Lạ thật! Lạ thật! Ai mà lại bỏ thuốc độc vào quan tài? Ở trong quan tài ắt phải là những món đồ chôn theo người chết. Đức Khổng tử có nói rằng: Lý dã tử, hữu quan nhi vô quách. (30.15) Trong quan tài bỏ thuốc độc có phải giết chết cả cái tử thi hay sao? Ối chà, không phải, tử thi vốn chết sẵn rồi còn đâu!

Bao Bất Đồng chen vào:

- Sai bét rồi, không phải vậy! Trong quan tài các ngươi đâu có để xác chết mà để thuốc độc, cốt là để giết người sống chúng ta đấy chứ!

Người nho sinh gàn dở kia lắc đầu quầy quậy nói:

- Các hạ đem lòng dạ tiểu nhân đo lường bụng người quân tử. Ở đây đâu có quan tài, cũng chẳng có độc dược.

Bao Bất Đồng đáp:

- Đức Khổng tử nói rằng: Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nan dưỡng dã.(30.16) Ngươi chính là tiểu nhân.

Y vừa nói vừa chỉ người mỹ phụ trung niên:

- Còn mụ ta là đàn bà, hai người chúng bay quả thực là khó dạy quá. Lời đức thánh Khổng, không lẽ còn sai hay sao?

Gã đồ gàn sững sờ nói:

-Vương cố tả hữu nhi ngôn tha,(30.17) lời của nhà ngươi ta không thèm để ý, cũng chẳng trả lời làm gì.

Nhân lúc Bao Bất Đồng nói chuyện với anh đồ gàn, Huyền Thống được thể không còn gì nghi ngại, song đao càng đánh ép tới khiến cho thư sinh cầm phán quan bút phải luống cuống. Gã đồ gàn lạng người tiến đến bên cạnh Huyền Thống nói:

- Tử viết: Nhân nhi bất nhân, như lễ hà? Nhân nhi bất nhân, như nhạc hà?(30.18) Đại hòa thượng ơi, người mà bất nhân thì thật kém cỏi quá lắm.

Huyền Thống bực tức đáp:

- Ta là đệ tử Thích gia, bọn hủ nho các ngươi nói gì thi thư lễ nhạc, người mà bất nhân, không làm động đến tâm ta được đâu.

Gã nho sinh giơ ngón tay lên gõ gõ vào trán nói:

- Đúng lắm! Đúng lắm! Ta quả là nói toàn những chuyện sách vở của đám nhà nho, quả đúng là anh đồ gàn. Đại hòa thượng rõ ràng là đệ tử cửa Phật, ta nói chuyện nhân nghĩa đạo đức Khổng Mạnh, thì đúng là không đâu với đâu.

Phong Ba Ác đấu với người sử dụng bàn cờ làm khí giới đã lâu nhưng khó mà thắng được, thời gian càng dài trong bụng thấy ngâm ngẩm hàn độc bắt đầu tấn công. Bao Bất Đồng đấu với gã kép hát, thấy đối phương võ công không thật là cao nhưng chiêu số biến hóa lại cực kỳ phức tạp, khi thì đóng vai Tây Thi, nói năng yểu điệu ỏn ẻn, chau mày ôm bụng, bước chân uyển chuyển như cánh sen, rõ ra là phong tư của một tuyệt đại giai nhân, thế nhưng trong nháy mắt lại đóng vai kẻ thơ túi rượu bầu Lý Thái Bạch, chân nam đá chân xiêu, say sưa loạng choạng. Cái khéo là y đóng vai trò nào đều có võ công phối hợp theo, nhuyễn tiên trong tay lúc thì biến thành tay áo của người đẹp, lúc lại biến thành bút hoa của văn sĩ, khiến cho Bao Bất Đồng cười không xong, khóc cũng dở, nhất thời không biết phải thế nào.

Nguồn: truyenyy.com/doc-truyen/thien-long-bat-bo/chuong-189/


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận