Ngày trước, hai lão ma cũng đã được nghe Cầm Điệp Cuồng Sinh chơi đàn. Hắn so bì cầm nghệ chẳng kém Văn Viễn là mấy. Nhưng hai lão ma thừa biết, phần lớn đều nhờ cây ngọc cầm quý hiếm, Cầm Điệp Cuồng Sinh mới được như thế. Giờ đây, Văn Viễn chỉ dùng cây đàn thông thường vẫn tấu ra âm điệu mê hồn. Hiển nhiên, điểm này đã chứng thực tài năng chơi nhạc vượt trội của Văn Viễn.
Văn Viễn say sưa tấu đi tấu lại khúc nhạc lễ. Ông nhận ra cứ đến trường đoạn thứ sáu tự nhiên tiếng đàn bị lạc điệu. Văn Viễn lấy làm quái lạ. Ông đánh đến lần thứ mười, đoạn nhạc kia mới thông suốt. Văn Viễn đã ngờ ngợ trong bụng. Ông liền lật sang trang thứ mười một để nghiền ngẫm.
Vô Lượng Phổ có tổng cộng bảy mươi hai trang, cứ chia đều mười trang là một khúc nhạc, hai trang cuối lại ghi chép vô vàng âm tiết lạ lẫm. Văn Viễn để ý đến trường đoạn thứ sáu ở mỗi khúc nhạc đều khiến tiếng đàn lạc nhịp. Ông phải đánh hơn mười lần mới thông suốt được. Ông liền lẩm bẩm:
- Sao cứ đến phân đoạn này mười đầu ngón ta của ta tê cứng lạ thường?
Quả thật, Văn Viễn đánh từ đầu nhàn hạ vô sự, nhưng bước vào trường đoạn thứ sáu, các đầu ngón tay của ông tê cứng như bị điểm huyệt. Ban đầu, cảm tưởng các đốt ngón tay xơ cứng như đá, Văn Viễn càng đánh, các khớp mới nhịp nhàng trở lại. Bỗng nhiên bên ngoài có tiếng bịch lớn. Vốn Ác Hòa Thượng ngồi trên nóc nhà quan sát xung quanh. Lão thả hồn theo tiếng đàn của Văn Viễn lúc nào không hay biết. Khi hoàn hồn trở lại thì lão đã lăn lông lốc rơi xuống đất, đầu óc choáng váng như bị kẻ nào đó lén đánh một chưởng.
Văn Viễn ở trong phòng đã đoán ra được nguyên do thì reo mừng:
- Tuyệt diệu! Không biết vị tiền bối nào lại thần kỳ đến vậy!
Vô Lượng Phổ chẳng phải ghi chép âm luật bình thường. Nó chia bảy khúc nhạc lễ thành từng trang một để chiết giải tiết tấu, như một dạng khẩu quyết luyện nội công. Mỗi trường đoạn thứ sáu trong từng khúc nhạc chính là điểm mấy chốt. Chỉ cần đánh vượt qua được mà âm điệu không lạc, tự nhiên thành công một ngưỡng tu luyện. Thông thường phải đánh đi đánh lại hơn mấy trăm lần mới thành tựu. Tuy nhiên, một phần Văn Viễn đã luyện qua thủ pháp dùng tiếng đàn giết người của Cầm Điệp Cuồng Sinh, một phần bản thân ông nội lực cực lớn cộng thêm ngộ tính về nhạc vượt trội, thành thử chỉ cần đánh đi đánh lại hơn mười lần mỗi đoạn, Văn Viễn đã xuyên qua được. Ác Hòa Thượng nội lực không hề kém vẫn bị tiếng đàn công tâm làm hoa mày chóng mặt. Bạch Mi Bà Bà yếu hơn lão một bậc. Lão bà lại đứng ngay sát cửa. Ác Hòa Thượng vừa té từ nóc nhà thì lão bà cũng tự nhiên choáng váng đầu óc ngồi bịch xuống đất không sao đứng lên được.
Văn Viễn vội vàng đánh một khúc nhạc có tác dụng dưỡng thần. Bạch Mi Bà Bà cùng Ác Hòa Thượng nghe gần tàn nửa cây hương thì thấy khỏe khắn trong người. Hai lão ma ngầm cảm ơn Văn Viễn rồi vội vàng lui ra khỏi biệt viện. Hai lão cứ nghĩ Văn Viễn có được thuật dùng tiếng đàn hại người của Cầm Điệp Cuồng Sinh nên sợ hãi, nào hay, Cầm Điệp Cuồng Sinh muốn hại người thì phải đánh nhạc khúc từ đàn ngọc mới có công dụng. Còn Văn Viễn chỉ sử dụng đàn thường. Ông lại không hề vận công lực. Vì vậy uy lực khiến Ác Ma Song Tẩu hoa mày chóng mặt căn bản từ các khúc nhạc lễ ở Vô Lượng Phổ mà ra.
Văn Viễn à lớn tiếng:
- Ta đã hiểu vì sao tên Cuồng Sinh lại đoạt cho được cuốn sách này!
Cầm Điệp Cuồng Sinh tự biết nếu không có đàn ngọc thì không sao có thể dùng tiếng đàn hại người cho được. Bản thân hắn nội lực cỏn con. Nếu muốn có được bản lãnh dùng bất kỳ cây đàn nào cũng có thể khiến địch thủ chết đứng chí ít phải bỏ ra ba bốn mươi năm tập luyện nội lực. Chuyện tập nội công nào phải dễ dàng, có người chỉ mất hai mươi năm đã thành tựu viên mãn như Ngọc Thủ Trần Quang, nhưng có lắm kẻ đến chết cũng không sao luyện đủ hỏa hầu. Cầm Điệp Cuồng Sinh tự biết yếu điểm của mình. Hắn lân la chiếm đoạt Vô Lượng Phổ vốn chỉ muốn giải quyết yếu điểm của mình. Chẳng may chưa tìm ra được thì trúng phải kế của các vị tiểu thư Mai Hoa Trang đến nổi phải chơi trò ve sầu thoát xác mà trốn đi mất tăm dạng.
Văn Viễn vô tình tìm ra được điểm kỳ diệu của Vô Lượng Phổ. Ông đoán chừng Cầm Điệp Cuồng Sinh cũng đã thông suốt được nên mới vứt bỏ đàn ngọc mà trốn để giữ lấy mạng. Văn Viễn phấn khởi nghĩ thầm:
- Chỉ cần sau này ta gặp kẻ nào theo các khúc nhạc lễ này mà công kích đối phương, đó nhất định là Cầm Điệp Cuồng Sinh!
Văn Viễn ban đầu luôn oán hận Cầm Điệp Cuồng Sinh gieo họa tình khắp nơi, để rồi bao nhiêu nghiệt phong lưu đều trút lên đầu ông. Càng về sau, Văn Viễn càng hiểu rõ Cầm Điệp Cuồng Sinh chưa hẳn là phường ong bướm, tự nhiên sanh lòng cảm phục về cầm nghệ. Ông thỉnh thoảng vẫn hay nghĩ, nếu có thể cùng một cầm thủ giỏi như hắn mà đồng tấu một điệu nhạc thì sung sướng đến chừng nào.
Văn Viễn bất giác nghĩ ra một chuyện. Ông ngầm vận công dồn xuống mười đầu ngón tay nhằm vào tách trà trước mặt khảy nhẹ đàn kêu tưng một tiếng. Chiếc tách trà lập tức vỡ tan tành. Văn Viễn mừng rỡ:
- Ta…ta đến ngưỡng của Diệu Thủ Cầm Ma rồi ư?
Phải biết, Cầm Điệp Cuồng Sinh cũng như Văn Viễn đều nhờ vào cuốn cầm phổ của Diệu Thủ Cầm Ma mới có thể dùng tiếng đàn hại người. Diệu Thủ Cầm Ma chia cầm phổ làm ba phần riêng biệt. Phần đầu chỉ toàn ghi chép các khúc điệu sơ nhập. Tiếp đó, các âm tấu được đẩy mạnh hơn có thể giết người cũng có thể cứu người. Nhưng phần thứ ba mới là điều Diệu Thủ Cầm Ma tâm đắc. Y dồn hết tinh hoa sáng tạo loại âm điệu sắc bén không thua gì khí giới thượng thừa. Một tiếng đàn đánh ra nhằm vào vật gì thì vật đó đều bị công kích. Muốn đạt đến cảnh giới như vậy, người luyện phải có nội công thượng thừa, ít ra cũng hơn bốn mươi năm chuyên cần tu luyện. Cầm Điệp Cuồng Sinh không có nội lực nên hiển nhiên chẳng thể tham thấu nổi. Vì vậy, hắn mới dựa vào hai phần đầu của cầm phổ sáng chế ra Hồ Điệp Khúc. Văn Viễn cũng không khá hơn là mấy.
Ông lúc ở Ứng Kê bị mất trí nhớ chỉ là văn nhân trói gà không chặt, chẳng khác gì Cầm Điệp Cuồng Sinh. Ông cũng chưa đủ uyên thâm đến độ sáng tạo ra một loại âm tấu giết người như Cuồng Sinh. Cho nên, ông đọc đến phần thứ ba của cầm phổ, chỉ biết thầm ao ước. Văn Viễn bị nhà sư Vô Sách lừa đi vào Giang Nam, vô tình gặp nhiều kỳ ngộ liên tiếp còn biết rõ thân phận của mình. So bề nội lực hay chiêu thức, Văn Viễn đều tiến triển thần tốc. Ông còn tham thấu căn nguyên của Vô Lượng Phổ. Thành ra, ông theo đó luyện thử yếu quyết của Diệu Thủ Cầm Ma, tự nhiên thành tựu rõ rệt.
Hai mắt của ông liền sáng rực:
- Ta đã hiểu vì sao trước đây dùng Hồ Điệp Khúc lại không phát huy hết uy lực như Cầm Điệp Cuồng Sinh!
Văn Viễn giơ tay đánh nhẹ một chưởng. Cửa phòng lập tức mở toang. Ông so phím đánh liền mấy tiếng tưng tưng. Tức thì khắp biệt viện đã xuất hiện vô vàng cánh bướm ngũ sắc. Lần này, màu sắc trên lưng các com bướm đều rõ ràng sáng tỏ. Văn Viễn nhè vào các phiến đá lót đường đi mà khẩy đàn. Hai ba phiến đá lớn tự nhiên nổ lốp bốp. Mỗi phiến đá bị xuyên thủng bốn năm lổ tròn cỡ hai ngón tay. Lát sau, các phiến đá tự động vỡ vụn như bị búa lớn nện trúng. Văn Viễn reo lớn:
- Không hình ảnh, không chiêu số, đây mới là Hồ Điệp Khúc!
Trước đây, Văn Viễn dùng Hồ Điệp Khúc công kích đối thủ còn thấy các cánh bướm hóa thành điểm màu lao tới. Bấy giờ, ông theo đúng cung cách đó phát chiêu, không hề nhìn thấy điểm màu nào. Các cánh bướm đánh thủng phiến đá không hề để lộ ra phương hướng công kích. Hiển nhiên khi gặp địch thủ dầu cao cường đến đâu cũng khó lòng phòng bị được. Cầm Điệp Cuồng Sinh ngày trước đạt đến cảnh giới này nên mới có thể ngông nghênh thiên hạ. Văn Viễn giờ đây mới chạm tới, mừng vui đến độ suýt ngất xỉu.
Đại tiểu thư đứng cách đó không xa âm thầm quan sát. Nàng ta chau mày lẩm bẩm:
- Hắn tự nhiên lại thăng tiến đến vậy? Chẳng phải sẽ khó trừ hậu hoạn hơn sao?
Nàng ta suy nghĩ điều gì đó dường như thông suốt khẽ siết chặt tay, ánh mắt để lộ sát khí. Bạch Mi Bà Bà cùng Ác Hòa Thượng ở một góc gần đó âm thầm quan sát, tự động nhìn nhau ngầm tính toán. Cả hai khẽ gật đầu rồi nhẹ nhàng tránh mặt.
Văn Viễn chỉ vừa mới hồi phục. Ông liên tục vận công quá độ cho nên huyết mạch liền nhộn nhạo. Văn Viễn vội vàng khép cửa. Ông chẳng nề hà gì leo lên giường lụa mà ngả lưng tay vẫn cầm theo cuốn Vô Lượng Phổ. Văn Viễn đọc đi đọc lại cho thuộc rồi ngủ gục lúc nào không hay biết.
Đến gần trưa hôm sau Văn Viễn mới tỉnh giấc. Bạch Mi Bà Bà chờ sẳn bên ngoài. Lão bà thấy Văn Viễn đã thức, vội vàng hối thúc Ác Hòa Thượng. Lão bà bưng thau nước ấm cùng khăn sạch vào trước, Ác Hòa Thượng mang mấy đĩa thức ăn theo sau. Văn Viễn vái tạ cả hai. Hai lão ma bày biện xong bèn nhẹ nhàng đi khỏi. Văn Viễn ăn uống thỏa thê lại chăm chú vào ba bộ sách nọ. Ông lẩm bẩm:
- Vô Lượng Phổ chỉ là quyển sách về âm luật! Cầm Điệp Cuồng Sinh đoạt nó chẳng qua chỉ muốn tu luyện cầm nghệ cho bản thân! Như vậy, bí ẩn phải nằm trong hai quyển sách còn lại!
Nghĩ vậy, Văn Viễn liền lật Bạch Liên Thư xem trước.
Ông chỉ mất một khắc đã xem xong bảy mươi hai trang sách Bạch Liên Thư. Ông nhận ra toàn chữ Phạn, không hề được viết chen một hán tự hay chữ viết lạ nào. Văn Viễn ngày trước có dành thời gian đọc sách kinh nhưng phần đông đều đã được chuyển sang chữ hán. Thành ra, ông chưa từng mày mò nghiên cứu chữ Phạn. Văn Viễn bỏ thêm hai khắc xem lại kỹ lưỡng từng đường nét trong Bạch Liên Thư thì thở dài ngán ngẩm:
- Ví như bí ẩn nằm trong mỗi câu mỗi chữ, ta lại chẳng biết đọc văn Phạn, khác gì người mù xem tranh?
Văn Viễn giở nốt Vạn Hoa Pháp Kinh. Sách kinh này giống như Bạch Liên Thư, đều được viết bằng chữ Phạn. Văn Viễn nào hay, đây là lối chữ Phạn rất cổ, đến các học giả uyên bác của Tây Trúc cũng không sao có thể đọc ra nổi. Các tăng lữ của Nga Mi cùng Thiếu Lâm tuy giữ sách nhưng chưa từng hiểu được mỗi hàng mỗi chữ được viết bên trong. Vạn Hoa Pháp Kinh cùng Bạch Liên Thư vốn đã được các tăng lữ đời trước dịch thuật lại, cho nên dầu chúng tăng không hiểu được bản gốc vẫn có thể tham thấu được ý nghĩa.
Văn Viễn nghĩ đến nửa ngày mới mừng rỡ:
- Chẳng phải hai quyển sách kinh này đã được dịch lại rồi đó sao? Ta có thể tìm bản dịch mà đối chiếu!
Ông đang hớn hở liền tức thì thở dài:
- Nếu đơn giản như vậy thì Cầm Điệp Cuồng Sinh chỉ cần tìm các bản dịch là xong, đâu phải nhọc lòng gây oán với hai phái mà cướp các sách nguyên gốc này để chuốc họa!
Văn Viễn thở dài chán chê bèn làm theo kiểu may rủi. Ông đồng loạt mở từng trang một của cả Vạn Hoa Pháp Kinh lẫn Bạch Liên Thư mà đối chiếu. Ông xem đến hai canh giờ vẫn không có gì khác biệt càng thêm chán nản:
- Tên Cuồng Sinh kia ngày trước chiếm được sách nhưng chắc cũng vô phương tìm ra manh mối bên trong! Lẽ nào như lời hắn đồn thổi, phải đối chiếu với Tử Hà Thần Công mới xong! Nhưng Tử Hà Thần Công ta chưa được xem hết, làm sao đối chiếu cho được?
Văn Viễn suy ngẫm thấy mau chóng đi vào ngõ cụt. Ông hít dài mấy hơi định thần:
- Tử Hà Thần Công được chép trên bảy miếng da dê! Môn thần công này vốn là do tổ sư lập phái của Hoa Sơn ăn trộm của Bạch gia trang mà biến tấu thêm! Theo lời đồn thì kho tàng chôn ở đỉnh Lạc Nhạn có từ thời Chiến Quốc, phái Hoa Sơn lập phái chưa đến trăm năm thì làm gì Tử Hà Thần Công có cất giấu chỉ dẫn đến kho tàng cho được?
Trong đầu Văn Viễn lóe lên suy nghĩ:
- Vô Lượng Phổ cứ đến trường đoạn thứ sáu của mỗi khúc nhạc thì có trắc trở! Biết đâu là khơi mở cho bí mật được chép trong hai sách kinh này?
Văn Viễn bèn dựa theo các trang thứ sáu, mười hai, mười tám, hai mươi bốn…mà xem xét. Kết cuộc ông càng thêm bế tắc không thu được kết quả khả quan nào. Ông ngán ngẩm:
- Vị tiền bối nào rảnh rỗi bày ra trò này! Nếu muốn truyền cho người đời sau thì cứ viết giấy trắng mực đen rõ ràng, bày chi nhiều chuyện lắc léo thế này! Đã dày công dùng mực phát quang vẽ Lục Thất Mệnh, dùng quạt lụa thái tử Đan để xem chữ, còn chia đều bí mật lên ba quyển sách cùng Tử Hà Thần Công! Thật sự quá rối rắm! Tiền bối này cũng thật rảnh rỗi!
Văn Viễn ca thán chán chê thì ngửi được bên ngoài có mùi hương thoang thoảng. Ông nhận ra là đại tiểu thư. Nàng ra đang đứng nghe ngóng động tĩnh. Hiển nhiên mấy lời ca thán vừa rồi của Văn Viễn đều đã lọt vào tai đại tiểu thư. Văn Viễn âu sầu nghĩ:
- Lỡ như bây giờ nàng bước vào hỏi ta, ta biết trả lời thế nào? Ta đã hứa thì phải cố sức mới được!
Văn Viễn bèn với lấy cây đàn. Ông so phím đánh một khúc nhạc định thần để trí óc minh mẫn trở lại. Văn Viễn đánh đàn suốt hai canh giờ. Ông thả hồn vào khúc nhạc vẫn không quên ngẫm nghĩ về Vạn Hoa Pháp Kinh cùng Bạch Liên Thư:
- Lục Thất Mệnh vốn là sáu bức tranh cộng thêm hình thêu trên lụa! Tử Hà Thần Công lại được chép trên bảy tấm da dê! Vô Lượng Phổ có bảy mươi hai trang sách, cứ mười trang diễn giải một khúc nhạc, tính ra có vừa đúng bảy khúc nhạc!
Văn Viễn tức thì ngưng đàn. Ông vội vàng lật cả ba quyển Vô Lượng Phổ, Vạn Hoa Pháp Kinh, Bạch Liên Thư, bắt đầu từ trang thứ bảy, cứ cách thêm bảy trang, lại đối chiếu. Văn Viễn chỉ lần ra được manh mối này có can hệ đến hết thảy mọi thứ liên quan nên cẩn thận xem xét. Ông bỏ dỡ cả buổi ăn trưa mà tỉ mỉ nghiền ngẫm. Vô Lượng Phổ căn bản toàn diễn giải nhạc khúc nên không có gì đặc biệt. Riêng Vạn Hoa Pháp Kinh cùng Bạch Liên Thư ở các trang thứ bảy, mười bốn, hai mươi mốt, hai mươi tám và năm mươi sáu có một chữ được viết giống nhau lặp đi lặp lại. Văn Viễn nhận ra màu mực rõ ràng hơn các chữ bên cạnh, chứng tỏ có người sau này đã viết thêm vào.
Ông liền lấy giấy mực viết lại chữ này ra riêng biệt để quan sát. Văn Viễn càng nhìn càng thấy không giống chữ viết. Ông vội tháo tấm rèm lụa che cửa sổ xuống, theo y chữ nọ mà họa lớn hơn trăm lần. Văn Viễn họa xong bèn treo tấm rèm lên cửa để dể nhìn ngắm. Càng nhìn Văn Viễn càng thấy quen thuộc như đã từng gặp ở đâu. Ông vỗ tay lên trán liên hồi cố nhớ lại thì à lớn một tiếng:
- Đây…đây không phải là chữ viết! Đây là nét họa hình người! Thật sự quá tài tình!
Văn Viễn mừng rỡ la hét. Đại tiểu thư đứng ngóng bên ngoài không kìm nổi tò mò liền đẩy cửa bước vào. Ác Hòa Thượng cùng Bạch Mi Bà Bà có bụng dè chừng trước nên vội theo vào. Cả ba thấy Văn Viễn nét mặt hớn hở khác thường đoán chừng ông đã phát hiện ra được việc gì quan trọng.
Đại tiểu thư dịu giọng hỏi Văn Viễn:
- Chàng đã tìm ra bí mật rồi ư?
Văn Viễn hồ hởi đáp:
- Vạn Hoa Pháp Kinh, Bạch Liên Thư đều viết bằng văn Phạn nên ta không tài nào đọc hiểu được! Nhưng ta xem kỹ thấy riêng chữ này được lặp đi lặp lại cố ý trên các trang sách!
Văn Viễn chỉ lên tấm rèm lụa. Đại tiểu thư, Ác Hòa Thượng, Bạch Mi Bà Bà liền căng mắt nhìn. Cả ba tự động liếc nhau, không ai hiểu đó là chữ gì.
Văn Viễn hồ hởi nói tiếp:
- Đây không phải là chữ viết! Vị tiền bối này thật sự có tài thư họa hơn người! Ông ta đã vẽ một hình người bằng các nét đơn giản rồi cố tình uốn lượn như chữ Phạn!
Đại tiểu thư cùng Ác Ma Song Tẩu hiểu ra. Cả ba nhìn thêm một lúc thì thầm khâm phục tài nghệ họa hình thành chữ. Nhưng rốt cuộc, ca ba giống như Văn Viễn lúc đầu, thấy quen mắt nhưng không nhớ ra đã gặp hình vẽ này ở đâu. Đại tiểu thư liền hỏi:
- Hình người này rốt cuộc đang làm gì?
Văn Viễn hể hả:
- Phái Hoa Sơn chuyên dùng kiếm! Lục Thất Mệnh cũng vẽ hình kiếm khách múa kiếm! Chữ viết này chính là họa hình người đang múa kiếm đó!
Đại tiểu thư, Ác Hòa Thượng, Bạch Mi Bà Bà vỡ lẽ tự động đồng thanh à lớn tiếng. Cả ba người đều từng giao đấu với đủ loại cao thủ trong giang hồ. Bọn họ đa phần đều dùng kiếm nên tự động nhìn hình liền thấy quen mắt. Chỉ là trong nhất thời, ba người không sao nhớ ra nổi.
Văn Viễn nói chắc nịch:
- Hàm ý được giấu trong hai cuốn sách kinh rất rõ ràng! Nhất định liên quan đến hình người múa kiếm! Chỉ cần tìm trên đỉnh Lạc Nhạn có hình thù tương tự thì sẽ rõ thực hư!
Ác Hòa Thượng nhớ ra liền lên tiếng:
- Trên đỉnh Lạc Nhạn có hình thù như vậy!
Văn Viễn, đại tiểu thư, Bạch Mi Bà Bà vội vàng quay nhìn Ác Hòa Thượng chờ đợi. Lão nói tiếp:
- Khi xưa đệ tử của ta bị ám hại chết oan, trong số kẻ thù có người của phái Hoa Sơn! Ta sau khi giết sạch bọn tham gia trận ám hại đó mới tìm lên Hoa Sơn để giết nốt hòng trả thù cho đệ tử của ta! Chẳng ngờ ta đi vòng vèo thế nào lại lạc đến hậu sơn phái Hoa Sơn! Ta thấy có đỉnh núi cheo leo thì lấy làm kỳ thù bèn dùng khinh công leo thử! Núi Hoa Sơn có tổng cộng ba đỉnh cao là Lạc Nhạn, Tùng Phong và Nghinh Vân! Ta lần đó đã leo lên đỉnh Lạc Nhạn! Ta lên lưng chừng núi thì không khỏi giật mình! Dưới bóng trăng mờ ảo ta thấy có một nữ nhân đang múa kiếm! Ánh kiếm vần vũ nhẹ nhàng thoát tục vô cùng! Ta đoán chừng người nữ này phải là cao thủ nhất nhì về kiếm trong phái Hoa Sơn!
Văn Viễn không khỏi tò mò, hỏi:
- Là tiền bối nào nửa đêm lại ở lưng chừng núi cao mà múa kiếm?
Ác Hòa Thượng đỏ mặt đáp:
- Ta ém khí quan sát hơn một khắc mới thấy, người nữ múa kiếm nhưng toàn thân đều bất động! Ta bạo gan đến gần xem thử! Hóa ra chỉ là một bức tượng! Thì ra từ đầu ta đã sợ hãi một bức tượng mà thôi!
Đại tiểu thư ngơ ngác:
- Một bức tượng thì làm sao múa được kiếm pháp uyển chuyển thoát tục cho được?
Ác Hòa Thượng đáp:
- Vốn lưng chừng đỉnh Lạc Nhạn có phiến đá lớn như ngọc bích mang hình người nữ múa kiếm! Ánh trăng phản chiếu lên phiến đá này ra các hình ảnh lung linh, nhìn từ xa cứ tưởng bức tượng đó đang múa kiếm, thực ra nó vẫn đứng yên bất động!
Đại tiểu thư thuận miệng hỏi tiếp:
- Sau đó như thế nào?
Ác Hòa Thượng đáp:
- Ta lên đến đỉnh núi thì gặp Cố Thiên Lượng đang luyện công! Ta liền đấu với hắn một trận bất phân thắng bại! Ta đành hậm hực trở xuống núi, sau này không lên Hoa Sơn lần nào nữa!
Văn Viễn gật gù:
- Nhất định hình người nữ múa kiếm kia có bí ẩn gì đó! Có thể là nơi cất giấu bí ẩn của Tử Hà Thần Công!
Chuyện lần trước, Văn Viễn chỉ cần lưu lại Mai Hoa Trang mấy ngày đã phát hiện ra âm mưu của Sa tiểu thư cùng Mai Kim Anh, Mai Phương Anh, Mai Phương Anh đã khiến đại tiểu thư và Ác Ma Song Tẩu khâm phục. Lần này, ông mất chưa đến hai ngày lại tìm ra bí ẩn bên trong ba quyển sách của Cầm Điệp Cuồng Sinh, cả ba người càng kính nể ra mặt. Bạch Mi Bà Bà nói:
- Quả không uổng danh là con trai của Tam Ác Thánh! Võ nghệ của ngài tuy chưa thể sánh ngang anh hào đương thời nhưng bì về trí tuệ, khó có ai theo kịp được!
Bạch Mi Bà Bà hiếm khi mở miệng khen ngợi. Văn Viễn không khỏi sung sướng trong bụng. Ông vội vàng vái lễ:
- Tại hạ chỉ may mắn tìm ra được! Nào dám nhận có trí tuệ vượt trội!
Ác Hòa Thượng cười hà hà:
- Nhận được! Nhận được! Tên Cuồng Sinh kia tuy chiếm được sách nhưng cũng vô phương biết được bí ẩn bên trong! Hắn cũng là kẻ có cơ trí nhưng đem bì với ngài quả thật còn kém xa lắm!
Kỳ thực, Cầm Điệp Cuồng Sinh sau khi chiếm được ba bộ sách kinh liền tìm kiếm Lục Thất Mệnh. Tuy nhiên, Lục Thất Mệnh bao đời được cất ở cấm địa Mai Hoa Trang, chẳng mấy người biết đến nó. Hắn bí nước đành cầu cạnh Sa tiểu thư, chẳng ngờ bị tiểu thư uyên thâm này lừa vào một cái bẫy lớn do Vương Tố Tâm dày công bày ra. Văn Viễn tự nghiệm, nếu như Cầm Điệp Cuồng Sinh biết Lục Thất Mệnh, lại tìm được quạt lụa thái tử Đan tự nhiên hắn sẽ thông suốt mọi chuyện. Ông may mắn có những thứ mà Cuồng Sinh chưa có, thành thử mới hiểu bí ẩn bên trong.
Đại tiểu thư đã giải được nút thắt lớn trong lòng. Nàng ta liền hạ giọng:
- Chàng đã nhọc công! Để thiếp chuẩn bị thức ăn cho chàng!
Lời lẽ dịu dàng êm hơn cả gấm lụa thượng hạng. Văn Viễn trong lòng lâng lâng ấm áp vô kể. Ông chỉ biết cười ngô nghê nhìn đại tiểu thư cùng Ác Ma Song Tẩu vội vàng trở ra ngoài.
Lát sau, Bạch Mi Bà Bà và Ác Hòa Thượng đem vào hơn mười dĩa thức ăn cùng một chén cháo đỏ au thơm phức. Văn Viễn thấy đói bụng nên liền ngồi xuống ăn uống ngon lành. Ông mấy lần toan muốn ăn chén cháo nhưng hết Bạch Mi Bà Bà đến Ác Hòa Thượng đều tìm cớ ngăn cản để ông phải ăn món khác. Chén cháo nọ không biết được nấu với hương vị gì, Văn Viễn càng ngửi lại càng thấy thèm. Ác Ma Song Tẩu không thể cản được. Cả hai đưa mắt nhìn nhau khẽ gật đầu một cái. Văn Viễn vừa đưa chén cháo lên miệng toan húp thì Ác Hoa Thượng liền hất nhẹ tay. Chén cháo lập tức bị hất qua một bên vỡ tan tành.
Văn Viễn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì đã bị Bạch Mi Bà Bà túm lấy ngực áo điểm liền mấy huyệt. Hai lão ma một ông một bà kẹp lấy Văn Viễn. Cả hai dùng khinh công trổ thẳng lên nóc nhà rồi đề khi chạy mất dạng. Đại tiểu thư ngó thấy cất tiếng gọi nhưng Ác Ma Song Tẩu đã chạy mất dạng. Đại tiểu thư khinh công cao cường. Tuy nhiên, nàng ta chẳng thể đuổi theo kịp. Ác Hòa Thượng cùng Bạch Mi Bà Bà vốn có khinh công tuyệt thế. Đại Ác Thánh Phùng Bất Nghiêng ngày trước để đánh bại được cả hai phải mất không ít sức lực. Khinh công của đại tiểu thư vốn do hai lão ma truyền thụ. Thành ra, nàng ta dầu nội lực cao hơn cả hai một bậc vẫn chỉ đành trơ mắt đứng nhìn.
Văn Viễn thấy hai lão ma nét mặt căng thẳng cực độ thì hỏi:
- Hai vị tiền bối mang tại hạ đi đâu?
Bạch Mi Bà Bà liền hừ nhạt:
- Ngài si tình quá độ hay thật sự là kẻ ngu ngốc đây?
Văn Viễn ngẩn người hiểu ra:
- Trong…trong cháo có độc ư? Đại tiểu thư muốn…muốn giết tại hạ ư?
Ác Hòa Thượng đáp:
- Ngài đã nhìn ra rồi đó!
Văn Viễn liền nói:
- Tại hạ đã bị Thiên Niên Trùng cắn thì bách độc đều vô hại! Đại tiểu thư cũng biết điều này! Nàng ấy lẽ nào còn ngu ngốc muốn chuốc độc tại hạ?
Bạch Mi Bà Bà đáp:
- Cháo đó dùng nước của hồ Huyết Thủy mà nấu! Hồ Huyết Thủy có tác dụng trục độc! Ngài có được nội lực căn bản đều do trúng phải độc tính của Thiên Niên Trung! Nếu ngài ăn cháo đó, tự nhiên sẽ khai trừ hết hàn nhiệt! Ngài nghĩ xem! Ngài có sống nổi hay không?
Văn Viễn nhớ lại khi ở Ứng Kê, mỗi lần hàn nhiệt phát tác đau đớn chỉ muốn đập đầu tự vẫn. Nếu hàn nhiệt bị trục hết thì hiển nhiên đau đớn còn gấp bội lần. Ông run rẩy sợ hãi:
- Đại tiểu thư vì sao lại…muốn giết tại hạ? Nàng ấy…nàng ấy không hề có lòng yêu thích tại hạ ư?
Văn Viễn trong lòng tự có câu trả lời. Ông đã tìm ra được bí ẩn của ba sách trên. Đại tiểu thư muốn giết ông hiển nhiên bịt miệng. Cuối cùng nàng ta chỉ lợi dụng ông để tìm hiểu bí ẩn Tử Hà Thần Công mà thôi. Văn Viễn hiểu ra xót xa đau đớn cùng cực. Ác Ma Song Tẩu mang ông chạy đi gần hai mươi dặm đường trường thì nước mắt của ông đã rơi ướt tay áo của hai lão.
Ác Ma Song Tẩu mang Văn Viễn đến một cánh rừng lớn liền nhè một tán cây to mà dừng lại nghĩ ngơi. Cả hai nghe ngón xung quanh đoán chừng đại tiểu thư không thể theo kịp mới thở phào nhẹ nhỏm. Hai lão ma nhìn Văn Viễn sầu nảo thì thở dài thương xót. Bạch Mi Bà Bà nói:
- Ngài là kẻ nhân hậu, còn hết lòng hết dạ đối xử tốt với bọn ta! Bọn ta không thể trơ mắt nhìn ngài bị hại!
Ác Hòa Thượng thở dài:
- Ngài mau mau về lại Bạch gia trang mới yên thân được! Bọn ta có hợp lực cũng không đấu nổi đại tiểu thư! Nàng ta muốn tìm giết ngài, bọn ta càng không cản được! Họa chăng có Tam Ác Thánh mới khiến đại tiểu thư e ngại mà thôi!
Văn Viễn nghe lão nói bèn thuận miệng hỏi:
- Hai vị cứu tại hạ thì làm sao giao phó với đại tiểu thư? Chi bằng hai vị cứ đem tại hạ về giao cho đại tiểu thư! Thà bị nàng ta đánh chết, tại hạ còn ít đau khổ hơn bây giờ!
Bạch Mi Bà Bà nghe ông nói lời lẽ thống thiết không khỏi ngán ngẩm:
- Ngài chớ nghĩ quẩn! Đại tiểu thư bây giờ chỉ có lòng muốn đoạt bí ẩn Tử Hà Thần Công! Nghe nói bên cạnh kho tàng còn có bí kíp võ học thượng thừa!
Văn Viễn ngơ ngác:
- Võ công nàng ta cùng lắm chỉ còn thua kém mỗi cha mẹ của tại hạ! Nàng ta còn cần bí kíp thượng thừa để làm gì?
Bạch Mi Bà Bà liếc nhìn Ác Hòa Thượng. Lão ta gật đầu đồng ý, lão bà mới dám đáp:
- Đại tiểu thư muốn võ công cao hơn Tam Ác Thánh!
Văn Viễn càng thấy khó hiểu:
- Cha mẹ tại hạ đã rút khỏi giang hồ từ lâu! Nàng ta còn muốn phân cao thấp với cha mẹ tại hạ để cầu hư danh ư?
Bạch Mi Bà Bà lắc đầu:
- Không phải! Đại tiểu thư muốn trả thù cho Mai cô cô!
Văn Viễn giật mình:
- Trả thù…nàng muốn trả thù cho Hắc Quan Âm?
Ác Hòa Thượng tiếp lời:
- Mai cô cô từ lúc bị cha ngài khước từ tình cảm đã ôm hận trong lòng! Bà ta về tới Mai Hoa Trang ngày nào cũng ở cấm địa mà khóc lóc! Lúc bà ta trúng chưởng của cha ngài, thật sự không đến nỗi mất mạng! Chỉ vì lòng dạ bà ta đau đớn nên kinh động tâm mạch khiến thương thế trở nặng tuyệt khí đó thôi! Đại tiểu thư được Mai cô cô cưng chiều còn dạy hết võ nghệ! Nàng ta làm sao không oán hận cha mẹ ngài cho được!
Văn Viễn bàng hoàng:
- Nàng…nàng muốn báo thù ư?
Ác Hòa Thượng bất ngờ ra tay điểm luôn mấy huyệt trên người Văn Viễn. Toàn thân Văn Viễn lập tức cứng đờ chẳng thể cử động được. Ông không sao mở miệng hỏi đành tròn mắt nhìn lão. Ác Hoa Thượng cười hà hà nói:
- Bọn ta cứu ngài nhất định sẽ bị đại tiểu thư xử tội chết! Bản tính ngài nhân hậu đời nào chịu để bọn ta đi nạp mạng! Ta không muốn ngài bận lòng ngăn cản mà thôi!
Bạch Mi Bà Bà cũng nói:
- Ngài cứ về Bạch gia trang thì hơn! Cả hai bọn ta đều được cha ngài năm xưa tha cho tánh mạng! Bọn ta giờ đây cứu ngài xem như trả được món nợ ân tình!
Văn Viễn đoán chừng hai lão ma muốn quay về lại Mai Hoa Trang. Hiển nhiên, đại tiểu thư nổi cơn thịnh nộ mà lấy mạng cả hai. Ông muốn lên tiếng can ngăn nhưng toàn thân đều bị điểm huyệt khiến lưỡi cứng đờ không sao nói chuyện được. Ông liền ngầm vận công để khai giải huyệt đạo. Tuy nhiên , ông ba bốn bận dồn hàn nhiệt về đan điền đều thất bại. Khí lực trong người bị tản mác không sao tập trung được.
Ác Hòa Thượng ngó thấy bèn nói:
- Thủ pháp điểm huyệt của ta họa chăng chỉ có mình cha ngài mới hóa giải được! Ngài đừng cố làm gì! Chừng một canh giờ sau, các huyệt đạo bị phong bế sẽ tự động được giải trừ! Cầu mong ngài sau này sống mạnh khỏe đến cuối đời!
Lão nói đến đây liền cùng Bạch Mi Bà Bà xá Văn Viễn một cái. Lão tự biết phen này nhất định sẽ chết dưới tay đại tiểu thư nhưng vẫn không ngán ngại. Lão cùng lão bà đã gần tám mươi, chưa có thảm cảnh nào mà chưa nhìn thấy, chuyện sống chết đều xem nhẹ chẳng đáng kể gì.
Bạch Mi Bà Bà bỗng do dự rồi hỏi Văn Viễn:
- Ta còn một chuyện muốn nhờ, không biết ngài có thể tận lực giúp được không?
Văn Viễn không thể lên tiếng đáp bèn khẽ chớp mắt mấy cái đồng ý. Lão bà liền nói:
- Ta với lão trọc này có một đứa con gái! Không may, bọn người Lư gia trang năm xưa đã cướp nó đi mất! Giờ không biết nó sống chết như thế nào! Hai thân già bọn ta mấy chục năm qua đều không ngừng tìm kiếm nhưng toàn phí công vô ích!
Văn Viễn chớp chớp mắt mấy cái. Ông đoán cả hai muốn nhờ kiếm dùm đứa con lưu lạc nọ. Văn Viễn nghĩ bọn họ vì cứu ông để rồi cam chịu chết, chuyện này ông hiển nhiên phải tận tâm giúp đỡ.
Ác Hòa Thượng nói:
- Chỉ mong ngài thay hai thân già này đi tìm kiếm nó! Nếu có thể, xin ngài mang nó về Bạch gia trang mà cưu mang! Bọn ta chết cũng được yên lòng!
Văn Viễn chớp mắt mấy cái liền thay cho lời đồng ý. Hai lão ma biết bản tính Văn Viễn nhân hậu còn nhiệt tình nên nếu hứa nhất định sẽ tận tâm làm. Ác Ma Song Tẩu xá Văn Viễn thêm mấy cái:
- Nếu quả thật có kiếp lai sinh! Bọn ta khi đó sẽ đền đáp ơn đức của ngài!
Hai lão ma nói xong thì mất dạng. Văn Viễn đoán chừng cả hai quay về lại Mai Hoa Trang để chịu tội. Ông muốn cản cũng chẳng cản được, chỉ đành trào nước mắt uất hận. Ông nghĩ đến việc bị đại tiểu thư lợi dụng đau đớn đến ngất lịm lúc nào không hay biết.