Ý nghĩa về nguyên tử bắt nguồn từ đâu?
Từ thời Hy Lạp cổ đại, vào thế kỷ V trước Công nguyên, các nhà triết học đã tìm những nguyên lý được xem như cơ sở của vạn vật. Trường phái Pythagore xem các thực thể cơ bản là những con số. Empédocle lại coi đó là lửa, không khí, nước và đất. Còn theo Leucippe và môn đệ Démocrite của ông, thì đó là nguyên tử và chân không. Họ hình dung nguyên tử (tiếng Hy Lạp atomos = không thể phân chia) là những hạt rất nhỏ, cứng và không thể phân chia, có số lượng vô hạn, khác nhau về hình dạng và vị trí. Nguyên tử không chỉ là cơ sở của vật chất, mà còn là cơ sở của màu sắc, tâm hồn, tình yêu v.v… Thuyết nguyên tử này mang bản chất triết học đã từng kéo dài, nhất là qua Epicure và Lucrèce nhưng không tự khẳng định được. Đặc biệt, nó đã bị Aristote bác bỏ. Vào năm 1650, nhà tư tưởng người Pháp Pierre Gassendi đã phổ biến thuyết nguyên tử bằng cách cố dung hòa nó với thần học đạo Thiên Chúa.
Từ thời kỳ này, nhiều nhà khoa học như Gassendi, nhà hóa học người Anh Robert Boyle, hoặc sau đó ít lâu là Newton, đã có ý nghĩa là thiên nhiên được cấu tạo từ các hạt. Sự phát triển của khoa học thực nghiệm đã giúp thuyết nguyên tử rời bỏ mảnh đất triết học thuần túy để đi vào giải thích các khảo sát định lượng.