ĐẠI THI HÀO NGA ALEKSANDR SERGEEVITS PUSHKIN
(1799-1837)
Aleksandr Sergeevits Pushkin (Pushkin) sinh ngày 6 tháng 6 năm 1799, trong một gia đình quý tộc giàu có; từ nhỏ Pushkin được theo học ở trường Lixê dành cho con em quý tộc đặt tại Hoàng thôn gần kinh đô Petersbourg. Tại đây, Pushkin đã làm nhiều thơ, có bài được đăng báo từ năm 15 tuổi. Trong lần đầu, nhà trường tổ chức cuộc thi thơ với ban giám khảo là các nhà thơ danh tiếng lão thành như Đerzhavin, Zhukovski; Pushkin đã trình bày bài thơ Hồi ức ở Hoàng thôn nồng nhiệt ngợi ca Cuộc chiến tranh ái quốc của nhân dân Nga đánh bại quân Pháp năm 1812, vang lên niềm tự hào về một dân tộc Nga anh dũng. Lúc đó, Zhukovski đã nhận xét Pushkin sẽ là “người khổng lồ của tương lai”. Sau khi tốt nghiệp trường Lixê, Pushkin được bổ nhiệm làm việc trong nhà ngoại giao. Từ thời gian này Pushkin đã lao vào con đường sáng tạo, với nhiều bài thơ tràn trề khát vọng tự do, chống đối triều đình Nga hoàng bạo ngược. Tuy không được in ấn, song những vần thơ ấy được nhiều người truyền tay thuộc lòng. Nga hoàng Aleksandr đã nổi giận vì sự ''gây láo loạn" đó, ra lệnh đày nhà thơ đi biệt xứ ở Sibir. Nghe tin dữ, nhiều bạn bè và người yêu quý nhà thơ tìm đến nhà Vua can thiệp, hình phạt đối với Pushkin vì thế được giảm nhẹ. Nhà thơ bị đày về phương Nam trong vòng 4 năm (1820 - 1824), và sau đó bị quản thúc hai năm ở quê nhà Mikhailốvskôlê. Ngần ấy năm bị đày ải, khát vọng tự do càng cháy bỏng thì sự căm thù đối với chế độ càng được mài sắc. Hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng đã ra đời trong thời gian này: trường ca Người từ Kavkaz, Những người Txưgan, vở bi kịch lịch sử Bôris Gôđunốv, và khởi bút tập tiểu thuyết bằng thơ Evghêni Ônêghin (1828-1831). Kể từ đó, nhà thơ dành chọn tâm trí cho sự nghiệp sáng tạo: viết thơ trữ tình, tiểu thuyết, làm báo... Nhà thơ vẫn khẳng khái, trung kiên làm người lĩnh xướng cho tư tưởng lật đổ Nga hoàng, người ca sĩ tự do của thời đại. Ngày 8 tháng Hai 1837, Pushkin bị tên người Pháp lưu vong Đantes sát hại trong một cuộc đấu súng theo kiểu hiệp sĩ Châu Âu. Hai ngày sau Pushkin qua đời. Lai lịch cái chết đau thương này có lẽ là từ người vợ của nhà thơ - Natalia Gôntsarôva. Năm 1831, khi nàng đang độ hoa khôi rực rỡ. Được coi là người đẹp nhất Kinh thành Moskva, Pushkin đã ngỏ lời cầu hôn. Đám cưới được tổ chức long trọng trong nghi lễ quý tộc thời thượng. Nàng là trang giai nhân tuyệt thế lại là vợ của một nhà thơ nổi tiếng nên không thiếu kẻ ghen ghét, đố kỵ. Một trong những kẻ ấy là gã người Pháp lưu vong Đantes; hắn đã chủ tâm quấy rối hạnh phúc gia đình, bôi nhọ thanh danh Pushkin. Là tay chân của chính quyền Nga hoàng vốn thù ghét nhà thơ, nên việc Đantes gây sự với Pushkin cũng nằm trong âm mưu có tính toán từ trước. Nhà thơ buộc phải thách đấu để bảo toàn danh dự. Trước uy tín lớn lao của Pushkin, chính quyền Nga hoàng sợ đám tang nhà thơ sẽ biến thành cuộc bạo động, đã bí mật tống thi hài nhà thơ về mai táng tại quê hương Mikhailốvskôie. Chúng cấm cả việc đưa tin lên báo chí. Tuy thế, một tờ báo nhỏ một dòng tin ngắn ngủi đầy xúc động “Mặt trời của thi ca Nga đã tắt”! Bởi vì ông là người đã đặt nền móng sáng tạo cho ngôn ngữ thơ ca Nga.
Hầu hết các tác phẩm của Pushkin sau này đã được chuyển thể thành nhạc kịch, balê, phim, truyện, hội họa... Sáng tác của Pushkin không chỉ làm rạng rỡ nền văn học Nga mà còn là vinh dự cho bất cứ nền văn học nào. Pushkin là biểu tượng cho nền văn hóa Nga, tâm hồn Nga, tính cách Nga. M.Gorki gọi Pushkin là “khởi đầu của mọi khởi đầu”. Tên tuổi nhà thơ Pushkin bất tử là vì thế.