Tài liệu: Stendhal (1783 - 1842) nhà văn hiện thực phê phán Pháp

Tài liệu
Stendhal (1783 - 1842) nhà văn hiện thực phê phán Pháp

Nội dung

STENDHAL (1783 - 1842)

NHÀ VĂN HIỆN THỰC PHÊ PHÁN PHÁP

 

Stenơhal (Stăngđal) là nhà văn hiện thực lớn nước Pháp, tên thật là Marie Henri Beyle (Mari Hăngri Bêlơ), sinh ngày 23 tháng Giêng 1783 trong một gia đình tư sản khá giả. Cha là người theo lập trường bảo thủ. Mẹ mất sớm Stendhal được giao cho một linh mục nuôi dưỡng. Năm 1799, ra nhập quân đội. Tháng Năm 1800, sang Italia với cấp bậc Thiếu úy bộ binh. Năm 1802, rời bỏ binh nghiệp về sống ở Paris. Đến 1806 lại gia nhập quân đội, từng theo đạo quân Napoléon đi chinh phạt nhiều nước châu Âu. Năm 1814, Đế chế Napoléon sụp đổ, Stendhal sang cư trú ở Milan (Italia). Năm 1814, bị trục xuất khỏi Italia vì có tư tưởng thân với phong trào cách mạng Carbônari. Sau chính biến tháng Bảy năm 1830, ông được cử làm Lãnh sự thuộc địa phận Giáo hoàng, có điều kiện thăm thú nhiều di tích nghệ thuật và thăm cổ Thành Roma. Năm 1842, ông trở về Pháp và chết đột ngột trên đường về Paris do căn bệnh huyết áp (23 tháng Ba 1842).

Tác phẩm của Stendhal khá phong phú, bao gồm các tiểu luận nghiên cứu nghệ thuật như Cuộc đời của Hayđơn, Môzđa và Mêtaxtadơ (1814); Lịch sử hội họa Italia (1817), các khảo luận Về tình yêu (1822), Racine và Shakespeare (1823 - 1825), Đỏ và Đen (1830), Tu viện Thành Parmơ (1839), tự truyện Cuộc đời Hăng Pruyla...

Thuở ban đầu, Stendhal nổi lên như một nhà khảo cứu xuất sắc. Tập tiểu luận Racine và Shakespeare đã tạo được tiếng vang lớn, có công kêu gọi mọi người thoát ra khỏi cái khuôn khổ Hàn lâm viện và có tính cách Pháp một cách quá chật hẹp, đồng thời góp sức công phá một số thành kiến bảo thủ chống lại mọi sự cách tân, dù còn là ôn hòa (Xanh tơ Bơvơ). Đóng góp đặc biệt có ý nghĩa của ông chính là các bộ tiểu thuyết Đỏ và Đen có phụ đề Ký sự của năm 1830 và một lời đề tự Sự thật, sự thật đắng cay. Dựa vào một sự kiện có thật (Ăngtoan Bectê, con một người thợ thủ công can tội giết bà Misu nên bị kết án tử hình) đăng trên Nhật báo Tòa án ra ngày 28-31 tháng Chạp 1827, Stendhal đã khai triển thành bộ tiểu thuyết có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Với nghệ thuật phân tích tâm lý bậc thầy và một lối văn trong sáng, trữ tình; Đỏ và Đen đã đặt nền móng cho phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa, có ý nghĩa gợi mở cho việc lấy văn học phản ánh chính đời sống hiện thực, khai thác khuôn mặt những trạng thái tâm lý, đời sống tình cảm và cuộc sống đời thường. Ngoài ra, Tu viện thành Parmơ được coi là dấu nối hoàn chỉnh chân dung tác giả đầy tài năng Stendhal. Đây là cuốn tiểu thuyết đan cài các yếu tố lãng mạn và hiện thực, lấy cốt truyện từ biên niên sử Roma từ thế kỷ XVI, với những mối tình đắm say, những chi tiết ly kỳ, thấp thoáng sắc màu truyền kỳ phương Đông. Quan niệm tiểu thuyết phải hướng về hiện thực, phải là tấm gương soi dọc con đường đi có phần khơi nguồn từ Stendhal đã mở ra một thời đại, một chân trời mới của tư duy sáng tạo văn học.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389441900815778/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận