Tài liệu: Lê Quý Đôn(1726 - 1784) nhà bách khoa thư, nhà bác học lớn của Việt Nam thế kỷ XVIII

Tài liệu
Lê Quý Đôn(1726 - 1784) nhà bách khoa thư, nhà bác học lớn của Việt Nam thế kỷ XVIII

Nội dung

LÊ QUÝ ĐÔN (1726 - 1784) NHÀ BÁCH KHOA THƯ,

NHÀ BÁC HỌC LỚN CỦA VIỆT NAM THẾ KỶ XVIII

 

Lê Quý Đôn thuở nhỏ tên là Danh Phương, sau đổi thành Quý Đôn, tự là Doãn Hậu, hiệu là Quế Đường; người xã Diên Hà, huyện Diên Hà, Trấn Nam Sơn Hạ (nay là thôn Phú Hiếu, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Ông sinh ngày 5 tháng 7 năm Bính Ngọ, niên hiệu là Bảo Thái thứ 7 (2 tháng Tám 1726) và mất ngày 14 tháng 4 năm Giáp Thìn, niên hiệu lCảnh Hưng thứ 45 (2 tháng Sáu 1874). Thân phụ ông là Lê Phú Thứ, sau đổi thành Trọng Phú, đỗ Tiến sĩ năm 1724, làm quan đến Hình bộ Thượng thư, tước hầu. Thân mẫu ông họ Trương, người làng Nguyên Xá, huyện Duy Tiên (nay là xã Tiên Nội, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam).

Lê Quý Đôn từ nhỏ đã nổi tiếng Thần đồng. Những sách chép sử của ông đều ghi khá thống nhất một số chi tiết: hai tuổi đã biết hái chữ Hữu, Vô; năm tuổi đọc được nhiều bài Kinh Thi, mười tuổi đã học sử, một ngày có thể thuộc chục chương sách. Mặc dù cha làm quan nhưng thuở nhỏ Lê Quý Đôn sống và đi học ở quê nhà, mãi đến năm 14 tuổi ông mới được theo cha lên Thăng Long học trường các bậc đại Nho. Lê Quý Đôn tiến bộ rất nhanh, trong những năm này; ngoài các bộ Tứ thư, Ngũ kinh đã đọc từ trước, ông còn đọc đến Bách gia chư tử là đã có thể cất bút lên là thành thơ, phú không cần phải viết nháp... Năm 18 tuổi (1743). Lê Quý Đôn đậu Giải nguyên khoa thi Hương trường Sơn Nam. Thi Hội không đỗ, ông về dạy học và viết sách bộ Lê triều thông sử 30 quyển được hoàn thành trong thời gian này; được Phan Huy Chú đánh giá là chép kỹ lưỡng, đầy đủ đáng làm sách sử hoàn toàn của một triều đại, có thể bổ sung cho những bộ sử biên niên chép một cách tóm tắt của nước ta. Ba năm sau, năm Nhâm Thân (1752), 27 tuổi, Lê Quý Đôn mới đỗ Hội, nguyên rồi Đình nguyên Bảng nhãn (khoa này không lấy Trạng nguyên). Thi đỗ xong, ông được giao chức Thị thư ở Hàn lâm viện, hai năm sau, 1754 sung chức Toản tu quốc sử; năm 1756 cử đi liêm phóng xứ Sơn Nam, sau đó đổi sang Phủ Chúa coi việc Binh phiên. Năm 1757, thăng chức Hàn lâm thị giảng cũng năm này ông hoàn thành hai bộ Thánh mô hiền phạm lục Quần thư khảo biên: hai bộ sách mang nhiều tính chất bút ký, ghi chép lại những suy ngẫm khi ông khảo cứu sử sách Kinh truyện Trung Hoa. Có thể với trách nhiệm của kẻ bề tôi hầu việc giảng sách và với mong muốn đưa đất nước đến cuộc trị bình, Lê Quý Đôn đã có nhiều ý kiến độc lập, sắc sảo khiến một học giả nhà Thanh, Tiến sĩ Tân Triều Vu, đã phải khen ông làm được cái việc rong ruổi trên dưới trong vài ngàn năm, đã biết học tập thời xưa mà lại muốn có thêm gấp bội để bổ sung cho nó, khiến xem thời xưa mà thích hợp cho thời nay... (Tựa Quần thư khảo biện).

Năm 1670, Lê Quý Đôn được cử làm Phó sứ đoàn thần nhà Lê sang nhà Thanh báo tang Vua Lê ý Tông và nộp cống. Trong dịp đi này ông đã có dịp quen biết nhiều danh sĩ Trung Quốc, Triều Tiên và mua được nhiều sách quý, được tiếp xúc với cả những học thuyết mới mẻ về Vũ trụ và khoa học, kỹ thuật từ phương Tây du nhập vào. Có thể nói Lê Quý Đôn là người Việt Nam được biết đến thuyết và chấp nhận quả đất tròn, biết đến bốn đại Châu Á, Âu, Mỹ, Phi trên thế giới. Cũng trong cuộc đi này ông đã biện các bác và tranh cãi với các quan chức nhà Thanh, yêu cầu họ bác bỏ cách xưng hô khinh mạn gọi sứ thần Việt Nam là di quan, di mục và cũng cải chính được điều ghi chép càn dở của Cao Hùng Trưng nhà Minh: ''Nước Nam từ khi được Giải Tấn (nhà Minh) dạy cho mới biết theo về việc học”.

Đi sứ về, Lê Qúy Đôn được thăng chức Thừa chỉ, tước Dĩnh thành bá, làm việc ở Bí thư các. Với tấm lòng của kẻ sĩ ưu thời mẫn thế mong muốn có những cải cách về chính sự, ông dâng sớ xin thiết định pháp chế, nhưng ý kiến của ông không được xét dùng, và năm 1763 hoàn thành Bắc sứ thông lục gồm bốn quyển. Không lâu sau năm 1764, Lê Quý Đôn đổi  đi Đối đồng sứ Kinh Bắc rồi năm 1765, lại đổi thành Tham chính Hải Dương. Lê Quý Đôn bất bình, cho rằng Chúa Trịnh Doanh không biết trọng người tài nên xin treo ấn từ quan về nhà viết sách. Năm 1767, Trịnh Doanh qua đời, Trịnh Sâm nối ngôi chúa, Lê Quý Đôn khôi phục giữ chức Thị thư, tham gia biên tập Quốc sử kiêm tu nghiệp Quốc Tử Giám. Năm 1768, Bộ Toàn Việt thi lục thu thập toàn bộ thơ ca còn lại từ thời Lý, Trần đến Hồng Đức đời Lê gồm 175 tác giả với khoảng gần 2000 bài thơ được hoàn thành, ông dâng lên nhà Vua và được khen thưởng. Những năm sau đó, Lê Quý Đôn được giao nhiều trọng trách: năm 1770 làm Tham tán quân vụ đưa quân đi đánh dẹp Lê Duy Mật; 1772 đi điều tra tình hình chính sự vùng Lạng Sơn; 1773 được thăng chức Bồi tụng và trong năm này ông đã hoàn thành bộ Vân đài loại ngữ, bộ Bách khoa thư đồ sộ nhất thời Trung đại Việt Nam; năm 1774, được giao lưu thủ kinh đô trong thời gian Trịnh Sâm đi đánh Thuận Hóa; năm 1775, được giao điều hành nhóm biên soạn Quốc sử tục biên chép việc từ năm 1676 đến 1740, bổ xung cho khoảng trống trong trong bộ Quốc sử lớn; năm 1776, làm Hiệp trấn Thuận Hóa. Chỉ nửa năm ở đây, Lê Quý Đôn đã hoàn thành bộ Phủ biên tạp lục cũng có thể xem là bộ sách bách khoa toàn thư về một vùng nhà sử học đương thời Ngô Thì Sĩ đánh giá rất cao. Năm 1777, soạn xong Kiên văn tiểu lục: 12 quyển; năm 1778 được cử giữ chức Hành tham tụng, nhưng ông từ chối chuyển hẳn sang Ban võ, được giao chức Hữu hiệu điểm quyền phủ sự, tước Nghĩa phái hầu; năm 1781, lại sung chức Quốc sử Tổng tài; năm 1783 đi Hiệp trấn Nghệ An, không lâu sau thì mất. Nhìn chung bước quan lộ của Lê Quý Đôn hanh thông, trừ một lần bị giáng chức năm 1779, vì bị nghi ngờ mắc tội tham nhũng dẫn đến vụ nổi loạn của Hoàng Văn Đồng. Tuy nhiên, trong hơn ba chục năm làm quan, mặc dù có tâm huyết, hoài bão, lại tư chất khác đời, thông minh hơn người (Phan Huy Chú), nhưng mọi trù hoạch, mong ước của ông đều không thực hiện được và chỉ là ảo tưởng có lẽ đó cũng là xu thế không thể cưỡng lại được của thời đại. Dù vậy, với tư chất và tài năng hơn người của mình, Lê Quý Đôn đã để lại cho hậu thế những thành tựu văn hóa không tiền khoáng hậu trong suốt mười thế kỷ xã hội phong kiến Việt Nam. Với Vân đài loại ngữ; Phủ biên tạp lục Lê Quý Đôn là nhà bách khoa thư, nhà Bác học lớn với Toàn Việt thi lục; Hoàng Việt văn hải, Kiên văn tiểu lục; Quế Đường thi tập, ông lại là nhà lý luận, khảo cứu, sưu tầm văn học; đồng thời là một nhà thơ; với Quần thư khảo biện; Thánh mô hiền phạm lục; Thư kinh diễn nghĩa; có thể cả Dịch kinh phu thuyết, Lê Quý Đôn là nhà chính trị, tư tưởng và bình luận sử, triết; với Lê triều thông sử, Quốc sử tục biên; Bắc sử thông lục... Lê Quý Đôn còn là nhà sử học, dân tộc học, nhà viết ký bằng văn xuôi Nôm sớm nhất... Ngoài ra, ông cũng là một nhà giáo tài năng lỗi lạc...

Nhìn tổng quát toàn bộ công trình khoa học ông để lại có thể thấy ở ông một phong cách làm việc khoa học, một năng lực lao động sáng tạo phi thường. Ngày nay, nhiều ngành khoa học vẫn tìm thấy ở các công trình đồ sộ của ông những tài liệu gốc quý giá, sự gợi mở và những kinh nghiệm quan trọng cho việc triển khai công việc của ngành mình. Lê Quý Đôn vừa đi học trước thời đại vừa đánh dấu bước tiến vọt của văn hóa Việt Nam thế kỷ XVIII, trước hết là ở trình độ chiếm lĩnh đối tượng của tư duy con người. Quả đúng như lời ngợi ca của Bùi Huy Bích: Nước ta trong vài trăm năm nay mới có một người như thầy.

PGS.PTS BĂNG THANH




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389437832534528/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận