HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG NHÀ Y HỌC LỚN,
NHÀ VĂN HÓA LỚN (1724 -1791 )
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, một đại danh y Việt Nam, đồng thời là một nhà thơ, một nhà văn lớn ở thế kỷ XVIII. Ông là tác giả của kho sách đồ sộ: Lãn Ông tâm lĩnh còn gọi là Hải Thượng y tông tâm lĩnh.
Tác giả còn có tên khác như Lê Hữu Chẩn (theo Văn Xá Lê tộc thế phả); Lê Hữu Huân (theo sách Hải Dương phong vật khúc của Đạm Trai Trần Huy Phác và Hải Dương địa chí.. .). Ông còn có tên tục là ''Chiêu Bảy'' (ngụ ý là người con trai thứ bảy nhà quan đại thần).
Hải Thượng Lãn Ông sinh ngày 12 tháng 11 Âm lịch năm Giáp Thìn, niên hiệu Bảo Thái thứ 5 đời Lê Dụ Tông (theo công lịch ngày 27 tháng 12 năm 1724) tại quê mẹ: Xứ Bầu Thượng, xã Tĩnh Diễm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; và cũng mất tại quê mẹ (Hương Sơn, Hà Tĩnh) ngày Rằm tháng Giêng năm Tân Hợi, niên hiệu Quang Trung thứ 4 (đối chiếu với công lịch là ngày 17 tháng 2 năm 179?. Linh mộ Lãn Ông an táng tại chân núi Minh Từ (Rú Cồn Dài) trên bờ khe nước cắn mé tả ngạn sông Ngàn Phố cách huyện lỵ Phố Châu, Hà Tĩnh độ hai cây số.
Quê nội Hải Thượng Lãn Ông xưa là thôn Văn Xá, xã Liêu Xá, Tổng Liêu Xá huyện Đương Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương, nay là thôn Thanh Xá, Huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, một miền đất văn vật.
Đặt biệt hiệu là Hải Thượng Lãn Ông có lẽ tác giả muốn ngụ ý rằng mình là một ''Ông già lười''.(Lãn Ông) không muốn bon chen vào đường danh lợi.
Hải: theo một số người, có thể là tiếng đầu của tên tỉnh Hải Dương.
Thượng: có thể là tiếng đầu của tên Phủ Thượng Hồng quê cha hoặc là một tiếng của tên xứ Bầu Thượng, Hương Sơn, Hà Tĩnh nơi quê mẹ chăng?
Hải Thượng: sinh ra trong một gia đình khoa bảng quyền quý thời hậu Lê. Hiếm có một gia đình nào lại có người thi đỗ đại khoa và làm quan to như gia đình họ “Lê Hữu'' ở Văn Xá, trong một gia đình có đến bảy người: ông, cha, con đều đỗ Tiến sĩ và làm quan đại thần (chưa kể đến những người đỗ Gia nguyên, Cử nhân...).
Ông nội của Hải Thượng là Lê Hữu Danh tức Nghiêm (1642-1692), hiệu là Xuân Am, đậu Hoàng giáp năm Canh Tuất (1670) làm quan đến chức Hiến sát sứ, được phong Kim tử vinh lộc Đại phu, tước Văn Uyên bá. Bà nội của Hải Thượng là vợ thứ hai của cụ Danh, sinh được năm con trai thì có ba con trai đỗ Tiến sĩ và làm quan to nên nhân dân trong vùng còn lưu truyền câu nói: ''Con gái họ Dương có giường Tiến sĩ'' vì tên bà là Dương Thị Duệ.
Cha Hải Thượng là Lê Hữu Mưu (1685-1739?) hiệu là phác Trai (là người con thứ 11 của Hoàng giáp Lê Hữu Danh) đậu Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa Canh Dần (1710) làm quan đến Công bộ tả Thị lang, sung vào tòa Kinh diên, gia phong chức Đại đô Ngự sử, tước Phu đình bá, ở cổng nhà thờ cụ Mưu còn thấy đề ba chữ “Tiến sỹ môn”.
Lê Hữu Hỷ là bác ruột của Hải Thượng (1674 - 1706), đậu Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1701), làm quan đến Giám sát ngự sử, được phong tước Bá.
Lê Hữu Kiều, là chú ruột của Hải Thượng (1691 - 1760), đậu Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1718), từng giữ các chức Thượng thư Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Lễ, được phong tước Liêu Quận công. Ông cũng từng làm Phó sứ phái đoàn đi sứ sang Trung Quốc (1738). Lê Hữu Kiểu tự là Trọng Tín (1722 - 1797), là người anh em cùng cha khác mẹ với Hải Thượng, đậu Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1748) làm quan Đốc Trấn Lạng Sơn, thăng Đông các Đại học sĩ, Công bộ Hữu Thị lang.
Lê Hữu Thư tức Dung (1743-1801) là em con chú ruột Hải Thượng, đậu Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1775), làm quan đến Đốc đồng Lạng Sơn tước Hào Khê bá. Ông này cũng từng đi sứ Trung Quốc như cha (Lê Hữu Kiều).
Hải Thượng còn có người em rể đỗ Bảng nhãn là Lê Quý Đôn (lấy con gái thứ mười cụ Lê Hữu Kiều) cũng là đại thần triều Lê, là Bác học nổi tiếng của nước ta thời Lê và cũng trạc lứa tuổi Hải Thượng (Lê Quý Đôn sinh năm 1726 mất năm 1784).
Đôi câu đối ở nhà thờ Tiến sĩ Quận công Lê Hữu Kiều (chú ruột Hải Thượng) đã ca tụng như sau:
Lịch triều phong tặng Công, Hầu, Bá,
Kế thế đăng khoa phụ tử tôn.
Tạm dịch:
Mấy triều phong tặng: Công, Hầu, Bá,
Con cháu nối đời đỗ hiển vinh.
Mẹ Của Hải Thượng tên là Bùi Thị Thưởng cũng là con quan, bà là người ở Hương Sơn, Hà Tĩnh và là vợ thứ hai của Tiến sĩ Lê Hữu Mưu. Bà sinh được sáu con (bốn trai, hai gái). Hải Thượng là con thứ năm của bà và là người con thứ mười một của cụ Lê Hữu Mưu (cụ có ba vợ và mười hai người con), nhưng về con trai mà nói thì Hải Thượng là con trai thứ bảy nên mới có tên tục là “Chiêu bảy”.
Như ta biết, về sau Hải Thượng về sống ở quê mẹ: Xứ bầu Thượng xã Tĩnh Diễm, Hương Sơn, Hà Tĩnh cùng với một người anh cùng mẹ.
Thuở nhỏ, cậu Chiêu Bảy Lê Hữu Trác sống ở quê cha ở Văn Xá, Liêu Xá, Thượng Hồng, Hải Dương.
Khi lớn lên, Hải Thượng theo cha đang làm quan trong triều đình ở Kinh đô Thăng Long và học tập ở đây như đoạn kể trong Thượng kinh ký sự: “Tôi vốn con nhà quan sinh trưởng ở chốn phồn hoa, chỗ nào trong cấm thành mình cũng đã từng biết...”
Hoặc: ... (đi qua cửa Vũ Quan vào thành... nơi này xưa kia tôi đã từng du học, trọ ở đây…”.
Hoặc:... "Tôi đi qua mấy dinh cũ của cha tôi và chú tôi ngày xưa nay thấy phong cảnh thê lương (sau ba chục năm)!''
Hải Thượng, thời thanh niên cũng đã theo đường khoa cử nhưng không đậu đại khoa như Văn Xá Lê tộc thế phả (gia phả nhà Hải Thượng ở Văn Xá) chép: ''Lê Hữu Chẩn tên huý là Trác (hiệu là Hải Thượng Lãn ông) thi trúng tam trường khoa Quý Hợi triều Lê.
Con đường mà Hải Thượng đến với y học rồi cống hiến cả cuộc đời cho y học không bằng phẳng không phải là một sớm một chiều, mà trải qua nhiều phân vân, nhiều biến cố…
…"Tôi vốn con nhà trâm anh thế phiệt, thuở nhỏ chăm chỉ sách đèn là chỉ muốn làm nên sự nghiệp lớn, ngờ đâu năm tôi hai mươi tuổi thì cha tôi từ trần... Cuối ấy rủi gặp loạn nổi lên ở ngay quận bên cạnh, tôi phải lánh đi nơi khác, không thể làm kẻ cao sĩ thời loạn được, mà mình tuổi còn trẻ, sức học sơ sài. Có người bảo tôi: ''Binh lửa khắp nơi, trai thời loạn há chịu già đời ở phòng sách mãi sao?”. Vì thế tôi đi chu du các nơi rộng tìm bạn đồng chí, may gặp được tiên sinh họ Vũ là nhà ẩn sĩ ở Hoài Đặng, dạy tôi thuật Âm Dương. Tôi nghiên cứu vài năm cũng biết được đại khái mới đeo gươm tòng quân để thí nghiệm sức học của mình; vượt bao phen nguy hiểm tôi cũng bình yên, những kế hoạch trù tính trong quân cơ phần nhiều được phù hợp, thường đánh đâu được đấy, thông thường nhiều phen muốn đề bạt…''.
Nhưng một biến cố đến khiến Hải Thượng ''vứt cung cởi giáp”;
"Đến khi nghe tin người anh thứ năm tôi vào quê ngoại huyện Hương Sơn nuôi mẹ già rồi bị bệnh mà mất, tôi đành vứt cung cởi giáp về chịu tang. Trên thì mẹ già bảy mươi tuổi, dưới thì vài đứa cháu mồ côi, làm ăn vất vả không lúc nào nhàn rỗi, nhưng tôi vẫn mài gươm vừa đọc sách mà chí lớn khó thành, tiên lui đều ngại, lúc đó cảm nghĩ ra một bài thơ như sau: (bản dịch của Phan Võ):
Mười năm mài chiếc kiếm,
Sắc bén rực hào quang!
Sát khí xông Ngưu Đẩu,
Hùng uy đông tuyết sương.
Vào Tần đã không phải.
Về Hán còn phân mang,
Hồ hải luống trôi dạt,
Chí mạnh hóa ngông cuồng!...
Về sau qua nhiều biến cố khác, Hải Thượng bị ốm vài năm phải đi nằm chữa bệnh. Nhân khí rảnh, ông nghiên cứu các sách y học thấy hứng thú, nhưng vẫn chưa chú ý lắm... phải đến khi bị triệu đến trướng của Hải tướng quân thì Hải Thượng mới quyết tâm ''trở về Hương Sơn, làm nhà ven rừng, quyết chí học thuốc”.
Hải Thượng là người có trí lớn trong ba chục năm ròng, ông đã “vắt gan vắt ruột” đem hết tâm trí, tìm ra đầu mối... Lấy các sách kinh điển của Đông y xưa tham hợp với kinh nghiệm dân gian hoặc theo đúng nguyên ý, hoặc phân tích, phát hiện chỗ người xưa chưa phát hiện, bổ sung vào những thiếu sót của người xưa... Và viết nên cho sách trứ danh Lãn ông tâm lĩnh chia làm 28 tập gồm 66 quyển. Nội dung như sau:
1. Tập đầu: có bài tựa, phàm lệ mục lục và Y nghiệp thần chương nói về nghề y, thái độ tư cách, khái quát bộ sách và tập thơ Y lý thâu nhàn.
2. Tập Nội kinh yếu chỉ: nêu khái yếu về cuốn kinh điển Nội kinh.
3. Tập y gia quan miện: khái yếu về Âm Dương Ngũ hành, quẻ, số can chi, mạch yếu.
4. Tập Y hải cầu nguyên: soạn những lời thiết yếu của các tiên hiền, chú giải kỹ để làm rõ những điều huyền bí.
5. Tập Huyền tấn phát vi: nói rõ công dụng mở đầu của “tiên thiên” Âm Dương, khiếu Thủy - Hỏa và cách phân biệt chứng trạng, dùng thuốc.
6. Tập Khôn hóa thái chân: gồm có công dụng nuôi sống của “hậu thiên”, nguồn gốc của khí huyết - cách luận bệnh xử phương.
7. Tập Đạo lưu dư vận: đem các ý nghĩa còn nghi hoặc, lờ mờ trong các phương thư, cùng với những chỗ người xưa chưa nói đến để biện luận rõ ràng, và để bổ xung vào những chỗ còn thiếu xót.
8. Tập Vận khí bí điển: chọn lấy bài phú Chiêm vận, phong giáo của họ Vương và Thiền Ngọc Lịch ngũ hành, chia ra cách xem mây xem gió, chủ vận, khách vận, chủ khí, khách khí lập thành từng cục nghiệm đoán.
9. Tập Dược vàng yêu: chọn lấy 150 vị thuốc thường dùng trong bản thảo soạn chia làm 5 bộ để tiện tra khảo...
10. Tập Lĩnh Nam bản thảo: soạn các vị thuốc cây ở Lĩnh Nam (bao gồm Việt Nam và cả ở miền Nam Trung Quốc) chia thành môn loại, chú thích tính chất, cách chữa, cách thu hái...
11. Tập Ngoại cảm thông trị: bàn về nước Nam ta không có bệnh thương hàn, phàm mắc phải bệnh ngoại tà đều là mắc bệnh cảm mạo, tác giả không theo hình thức Lục kinh thương hàn luận và Lãn Ông đã sáng chế ra ba phương giải biểu, 6 phương hòa Lý để chữa tất cả các bệnh ngoại cảm.
12. Tập Bách bệnh cơ yếu: chọn lấy các bện môn trong các sách kinh điển xét nguyên nhân, cơ chế bệnh, phân biệt chứng trạng hư thực, tiên lượng cách chữa, xử phương, dụng dược.
13. Tập Y trung quan kiện: soạn những điều hay mà tác giả đã lĩnh hội được ý nghĩa sâu sắc, những điểm cốt yếu...
14. Tập Phụ đạo xan nhiên: chọn lọc trong các sách phụ khoa, những vấn đề Kinh đới, thai, sản... lấy những điểm thiết thực cốt yếu, bỏ chỗ rườm rà... đồng thời bổ sung thêm những ý kiến của tác giả.
15. Tập Tọa thảo lương mô: tác giả thấy trong nhiều sách trước đó của sản khoa viết rườm rà, được điều nọ mất điều kia, nên ông soạn sắp sếp lại bổ xung hoàn chỉnh hơn.
16. Tập Ấu ấu tu tri: tác giả thấy nhiều sách y khoa trước đó viết rời rạc, không thống nhất nên đã soạn lại xét nguyên nhân có bệnh sinh, phân biệt chứng trạng cách chữa, xử phương làm chỗ cốt yếu và thêm phần tâm đắc đặc sắc của ông.
17. Tập Mộng trung giác đậu: trình bày đầy đủ các kiến thức của mình về bệnh đậu, lại bổ xung thêm kinh nghiệm đặc sắc, phong phú.
18. Tập ma chẩn chuẩn thằng: soạn các phương pháp và kinh nghiệm tâm đắc trong điều trị bệnh sởi.
19. Tập Tâm đắc thần phương: chú giải ý nghĩ mầu nhiệm những phương mới trong bộ cẩm nang của Phùng Thị.
20. Tập Hiệu phỏng tân phương: trong khi làm lâm sàng, tác giả đã tập trung hết sức suy nghĩ lập ra phương thuốc đáp ứng với tình thế khó khăn.
21. Tập Bách gia trân tàng: tiếp thu bí phương của ông ngoại truyền lại. Cùng thu thập các phương thuốc quý, chữa được nhiều trường hợp khó.
22. Tập Hành giản trân nhu: chọn lấy các bài thuốc có các vị thuốc Nam, thuốc Bắc thông thường dễ kiếm, cỏ cây trước mắt tiện dùng.
23. Tập Y phương hải hội: tập hợp soạn các tang lễ hoàn tán trong các phương thư rườm rà thì giản đi, thiếu bổ xung thêm.
24. Tập Y dương án: tập hợp tâm đắc suy nghĩ về những trường hợp nguy nan mà đã chữa thành công.
25. Tập Y âm án: tập hợp những bệnh án bệnh nặng khó, tình thế tuyệt vọng dù cố hết sức mà không kết quả để rút kinh nghiệm.
26. Tập Truyền tâm bí chỉ hoặc còn gọi là Châu ngọc cách ngôn biện luận rõ ràng đầy đủ những nghĩa lý sâu xa trong sách, những tinh hoa của y thuật.
27. Tập Vĩ (cuối) là cuốn Thượng kinh ký sự - thuật lại cuộc lên kinh thành chữa bệnh cho Chúa Trịnh. Chỉ riêng giá trị sử học, văn học của cuốn Ký sự này đã làm cho sự nghiệp văn học của Hải Thượng Lãn Ông nổi danh không kém gì sự nghiệp y học của tác giả.
28. Tập của pho sách Bách khoa thư về Đông y Lãn ông tâm tĩnh là 28 viên ngọc quý, 28 vì sao (thị thập bát tú) của bầu trời y học phương Đông.
Văn tức là người: qua văn và thơ của Hải Thượng Lãn Ông, ta thấy rõ cốt cách con người của Lãn Ông: đó là một nhà thơ ẩn dật có tính cách thanh cao, kiên nghị, có tâm hồn chân thành, có tấm lòng nhân ái.
Với bút pháp đặc sắc, tứ thơ man mác... thơ của Hải Thượng như những bức tranh thủy mặc, ngó qua thì thanh đạm nhưng ý nhị vô cùng, chứa đậm tình yêu thiên nhiên đất nước sâu sắc, phảng phất những áng thơ Đường (theo Phan Võ).
Hải Thượng cũng là nhà văn lớn đặc sắc về viết ký sự, với giá trị văn học và giá trị sử học - người thực ghi viết việc thực, cảnh thực một cách rất sinh động, tinh tế, hóm hỉnh... Thượng kinh ký sự là cuốn ký sự lịch sử quý hiếm, nó mô tả lại một cách sinh động cuộc sống của Vua Chúa trong cung cấm cùng những sinh hoạt giao du của tầng lớp Công khanh quan lại, Nho sĩ thời Lê mạt; miêu tả những nhân vật tiêu biểu như Chúa Trịnh Sâm, Trịnh Cán và quan chánh đường Quận công Hoàng Đình Báo... Nó cũng làm ta thấy lại Kinh thành Thăng Long hồi thế kỷ XVIII mà nay nhiều di tích, phong cách sinh hoạt ấy không còn nữa.
Hải Thượng còn có bút pháp nghị luận vừa uyên bác vừa mang tính thuyết phục.
Điểm qua các bài thơ ta thấy:
Nhà thơ Hải Thượng có cốt cách thanh cao như một nhà ẩn sĩ, một ông tiên rất yêu thích phong cảnh thiên nhiên rừng, suối cây cỏ chim muông; thưởng thức cái vẻ đẹp của bóng trăng trên núi, cái khí thanh của gió mát trên sông... đặc biệt yêu cái thú "nhàn'' tản, chẳng thế mà ngay ở đầu pho Lãn Ông tâm lĩnh có tập thơ mang tên Y lý thâu nhàn.
"… Đương lúc ngày xuân đầm ấm, đất trời vui tươi, gió xuân phơi phới, hoa xuân đua nở, tôi ngồi bóng mát trong phòng thuốc Sơn trang, mắt nhìn cá lội dưới ao, tai nghe chim hót bên rừng... ''.
- Trong bài thơ Sơn cư dật hứng, Lãn Ông ca tụng “cảnh nhàn ở núi”.
Mai ảnh hoành tà, trúc ảnh thâm,
Vu hồi thách kính nhập đào lâm.
Nhàn hoa ỷ hạm hàm kiểu ý,
Cổ thụ khuy song nhập tọa âm.
‘Thời hứa son nhân lai vấn dược,
Dạ về hải nguyệt cộng minh cầm.
Túy lai vị khởi tam can nhật,
Chỉ vị nhàn si nhất phiến tâm.
(Y lý thâu nhàn)
Nguyễn Thanh Giản dịch thơ như sau:
Dọc ngang khóm trúc, chòm mai,
Quanh co nẻo tắt vào nơi rừng đào.
Trước hiên hớn hở hoa chào,
Bóng cây cổ thụ lọt vào khe song,
Ngày ngày xem bệnh vừa xong.
Đêm đêm tựa bóng trăng trong gảy đàn.
Vầng đông cao vẫn ngủ tràn,
Bởi lòng mơ tưởng chữ nhàn mà say!
- Trong bài thơ Đề Trung Mỹ thôn cổ tự (đề chùa cổ Thôn Trung Mỹ).
Ý lý thâu nhàn xứ,
Huề cùng nhập thượng phương.
Điểu thanh xuyên thụ ảnh,
Dã sắc tạp yên quang.
Tự cổ đài vị bích,
Họa tàn tuyết thổ hương.
Thi tình, vô tận xứ,
Hồng lĩnh bán tà dương.
(Y lý thâu nhàn)
Dịch thơ (Nguyễn Thanh Giản):
Nhà y gặp lúc thảnh thơi,
Đề huề gậy trúc lên chơi cảnh chùa.
Bóng râm chim hót líu lo,
Tờ mờ mây khói, nhấp nhô ruộng đồng.
Tường mưa lớp lớp rêu phong,
Hoa tàn tuyết đạm mùi hương ngạt ngào.
Tứ thơ bay bổng dạt dào,
Non hồng nửa mái, nhuộm màu tà dương.
Hải Thượng có bài thơ cảm hứng cảnh vui ẩn dật nơi núi non rừng suối:
Tạm khước ô cân, lý thảo hài,
Mang huề cầm kiếm, cố sơn lai.
Bế môn chủng thái anh hùng thủ,
Điếu nguyệt canh vân khoáng đạt hoài.
Chước tửu trì biên song nguyệt khuyến,
Phủ cầm song hạ, bách hoa khai.
Kỵ lư mỗi tà dương lĩnh,
Mục đích thời văn xướng lạc mai.
(Thượng kinh ký sự)
Còn cây là một đoạn văn ký sự lịch sử của Hải Thượng Lãn Ông khi vào thăm bệnh trong Phủ Chúa Trịnh.
Ngày mồng 1 tháng Hai, sáng tinh mơ, tôi nghe tiếng gõ cửa rất gấp, Tôi chạy ra mở cửa, thì ra một đầy tớ quan Chánh đường thở hổn hển:
- Có Thánh chỉ triệu cụ vào! Quan truyền mệnh hiện đang ở nhà cụ lớn con, con vâng lệnh chạy đến đây báo tin. Lính ở dính đã đem cáng đến đón cụ ở ngoài cửa. Xin cụ vào phủ chầu ngay.
Tôi bèn sửa sang áo mũ chỉnh tề lên cáng vào phủ. Tên đầy tớ chạy đằng trước đường. Cáng chạy như ngựa lồng, tôi bị xóc một mẻ khổ không nói hết. Chúng tôi đi cửa sau vào phủ.
Người truyền mệnh dẫn tôi đi qua mấy lần cửa nữa, theo đường bên trái mà đi. Tôi ngẩng đầu lên: đâu đâu cũng là cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, sắc hoa đua thắm, gió đưa thoang thoảng mùi hương, những dãy hành lang quanh co nối nhau liên tiếp. Người canh cửa truyền báo rộn ràng, người có việc quan qua lại như mắc củ? Vệ sĩ canh giữ cửa cung ai muốn ra vào phải có thẻ.
Tôi nghĩ bụng: mình vốn con quan sinh trưởng ở chốn phồn hoa, chỗ nào trong cấm thành mình cũng đã từng biết. Chỉ có những việc ở trong Phủ Chúa là mình mới nghe nói mà thôi. Bước chân tới đây hay cái cảnh giàu sang của Vua Chúa thực khác hẳn người thường!
…Đi được vài trăm bước, qua mấy lần cửa mới đến cái điếm ''Hậu mã quân túc trực”. Điểm làm bên một cái hồ, có những cái cây lạ lùng và những hòn đá kỳ lạ. Trong điếm cột và bao lơn lượn vòng kiểu cách thật là xinh đẹp. Quan chánh đường mỗi khi ở triều ra thì nghỉ ở đấy... Ông cùng vào với quan truyền chỉ, bảo tôi cùng đi theo mấy người hoạn quan ''tiểu hoàng môn”. Đi bộ đến một cái cửa lớn: thị vệ, quân sĩ thấy tôi ăn mặc thấy vẻ lạ lùng, muốn giữ lại. Quan truyền chỉ nói: ''Có Thánh chỉ triệu”, họ mới cho đi.
…Qua dãy hành lang phía Tây, đến một cái nhà lớn thật là cao và rộng. Hai bên là hai cái kiệu để Vua, Chúa đi, đồ nghi trượng đều sơn son thiếp vàng. Ở giữa đặt một cái sập thiếp vàng, trên sập mắc một cái võng điều đỏ. Trước sập và hai bên bày bàn ghế, những đồ đạc nhân gian chưa từng thấy. Tôi chỉ dám liếc mắt rồi lại cúi đầu đi theo. Lại qua một cửa nữa đến một cái lầu cao và rộng. Ở đây cột đều sơn son thiếp vàng. Tôi hỏi nhỏ quan truyền chỉ, ông ta nói:
- Ta vừa đi qua nhà ''Đại đường Nhà ấy gọi là “Quyển bông”, cái gác này gọi là "gác tía”. Vì Thế tử dùng trà (thuốc gọi kiêng là trà) ở đây nên gọi là phòng trà.
Bây giờ trong phòng trà có bảy, tám người, thấy quan Chánh đường đến, tất cả đều đứng dậy. Quan Chánh đường ngồi ghế trên, mọi người ngồi theo thứ tự. Sau tôi biết ra đó là các vị Ngự y của sáu cung, hai viện được dự vào việc hầu trà thuốc, ngày đêm trầu trực ở đấy...
…Một lát quan truyền lệnh ra, nói nhỏ với quan Chánh đường. Quan Chánh đường bảo tôi.
- Thánh thượng (Chúa Trịnh Sâm) đang ngự ở đấy. Xung quanh có phi tần chầu chực nên chưa thể yết kiến, ta hãy tạm ra ngoài ăn cơm sáng đã.
Ông san mâm cơm cho tôi ăn. Mâm vàng, chén bạc, đồ ăn toàn là ''của ngon vật lạ" tôi bấy giờ mới biết phong vị của bậc đại gia. Ăn xong, thấy một viên quan hầu cận chạy lại mời quan Chánh đường vào và bảo tôi đi theo.
Đột nhiên thấy ông ta mở một chỗ trong màn gấm rồi bước vào. Ở trong tối om, không thấy có cửa ngõ gì cả; đi qua độ năm, sáu lần trướng gấm như vậy đến một cái phòng rộng, ở giữa phòng có một cái sập thiếp vàng. Một người nằm trên sập độ năm, sáu tuổi, mặc áo lụa đỏ (đó là Thế tử Trịnh Cán), có mấy người đứng hầu hai bên. Giữa phòng có một cây nến to cắm trên một cái giá bằng đồng, bên cạnh sập đặt một ghế rồng sơn son thiếp vàng, trên ghế bày nệm gấm. Một cái màn là che ngang phòng. Ở trong có mấy cung nữ đang đứng xúm xít, đèn sáp chiếu sáng làm nổi màu mặt phấn và màu áo đỏ. Xung quanh lấp lánh, hương hoa ngào ngạt. Xem chừng Thánh thượng thường vẫn ngồi trên ghế rồng này, nay người rút lui vào sau màn để tôi xem mạch cho Đồng Cung Thế tử thật kỹ.
Tôi nín thở đứng chờ ở xa. Quan Chánh đường truyền lệnh cho tôi lạy bốn lạy. Thế tử (tức là cậu bé Trịnh Cán) cười nói.
- Ông này lạy khéo!
Quan Chánh đường lại truyền lệnh:
- Cụ già yếu, cho phép cụ ngồi hầu mạch (bắt mạch).
Tôi khúm núm đến trước xem mạch cho Thế tử…
Đoạn văn nghị luận đặc sắc sau đây cho thấy kiến thức uyên bác, lập luận thuyết phục của Hải Thượng:
"Trà cạn, canh tàn khách chợt nhìn lên án thư, thấy chồng sách tôi mới soạn trang hoàng cẩn thận. Ông ta đoán tôi rất say sưa nghề thuốc mới tỏ lời can ngăn đôi ba lần mà không được. Ông lại nói: ''Đạo lý rất lớn nhưng gọi là Đạo tức là đường lối trị nước” như Kinh Thư nói: “tinh nhất chấp trung, sách Đại học nói "Tu, tề, trị, bình”, dùng những cái đó để giữ gìn luân thường, văn võ song toàn để mở mang bộ máy trị nước, sửa sang quy mô để bình trị thiên hạ... Còn như về làm thuốc chỉ thấy chép ở “ngoại sử”. Tuy Ngũ đế kỷ có chép một chỗ thì lại chỉ nói song song với việc làm ruộng mà thôi, ngoài ra không thấy đâu nói đến cả! Cho nên những nhà Nho đời này qua đời khác đều học tập Kinh Xuân Thu, sử Tư Mã dùi mài suốt Đông sang Hè để làm bước thang phú quý lẫy lừng công danh... Còn như việc làm thuốc chỉ là một nghệ thuật mà thôi. Nếu có ai coi trọng một chút thì chỉ là một nhân thuật là cùng. Như vậy đạo làm thuốc phải chăng không chính thức là nền tảng trong Đạo lý của người đời”.
Tôi nghe nói thở dài mà rằng:
… “Đạo” ở trong trời đất bao la đầy khắp không chỗ nào là không có... Phàm tất cả những gì giúp cho người ta yên vui thì không cứ là một sự hay một sự vật gì (đều thuộc Đạo cả) mà thôi. Sách thuốc để dạy chữa bệnh nhưng trong đó bao quát cả công trình phò Vua giúp nước: nào là bàn về ''Phong lôi, Cốc Vũ” khác chi Chu Thư nói về điềm tốt điềm xấu, bàn về “Thủy Hỏa, Âm Dương có khác chi Đại Dịch nói về lẽ bí ẩn của Thái cực? Kinh thư nói về “chính kỳ tính mệnh”, thì sách thuốc nói về “Thử thấp táo hỏa”. Kinh thư nói về “điều hòa vị cay vị ngọt, thì sách thuốc nói về tính của vị thuốc: hàn nhiệt, ôn, lương…
Người xưa nói ''Có hiểu suốt tam tài (Trời, Đất, Người) thì mới làm thuốc được. Lại có câu ''Đạo làm thuốc giống như Đạo làm tướng'' đó chẳng là chứng minh rõ ràng sao?...”
Và sau đây là một lời huấn thị nhưng đượm tính văn học:
''Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người và vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công..."
GS.BS NGUYỄN VĂN THANG