Tài liệu: Kyokutai Taklzawa Kai Bakin (1767 - 1848)

Tài liệu
Kyokutai Taklzawa Kai Bakin (1767 - 1848)

Nội dung

KYOKUTAI TAKLZAWA KAI BAKIN (1767 - 1848)

 

Ông là nhà văn xuất sắc Nhật Bản, sinh và mất ở Yêđô, nay thuộc thủ đô Tokyo. Ông xuất thân trong một gia đình Hoàng tộc nhưng sớm có ý trí tự lập, bỏ nhà theo nghề võ. Qua một số sáng tác ban đầu, không thấy thành công, kể từ năm 1793, ông lấy bút danh là Bakin và nổi danh từ đây.

Bakin để lại tới 200 tác phẩm, chủ yếu là tiểu thuyết và một số thể loại như văn xuôi chủ yếu như ghi chép, nhật ký, tùy bút...

Giống như khá nhiều tác giả văn học lớn ở khu vực Á Đông chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hóa - văn học Trung Quốc, Bakin có một thời kỳ thường lấy đề tài từ văn học Trung Quốc để phóng tác và sáng tác những truyện mới phù hợp với nếp cảm nghĩ và bầu không khí xã hội lúc bấy giờ ở Nhật Bản. Truyện Xêiduki (1806) bám sát theo cốt truyện Tây du ký ra đời ở Trung Quốc vào thế kỷ XVI; truyện Giấc mộng Nam Kha cũng lấy cấu tứ, đề tài từ một truyền thuyết hết sức phổ biến ở Trung Quốc. Một số truyện như Truyền thuyết về Mặt Trăng hình cây cung kể lại chuyện mạo hiểm của một mũi tên thần kỳ vốn đã được lưu truyền từ thế kỷ XII.

Tác phẩm đồ sộ nhất của Bakin là bộ tiểu thuyết trường thiên Truyện tám con chó của Satômi Nanxô được viết rõ ràng 28 năm trời (1814-1846), bao gồm 106 quyển với hơn ba nghìn trang. Thiên truyện in đậm phong cách dân gian và cốt truyện li kỳ, yếu tố thần kỳ, với những xung đột, trả thù, đền oán, đền ơn đáp nghĩa. Truyện đề cao tinh thần nhân, nghĩa, lễ, tín, trung, hiếu, đễ và cũng là tám hạt nhân trong truyền thống tư tưởng Nho giáo. Với kiệt tác Truyện tám con chó của Stômi Nanxô, Bakin đã góp phần quan trọng hoàn thiện thêm một bước về ngôn ngữ văn học Nhật Bản; đồng thời đánh dấu bước phát triển của văn xuôi nói chung và thể loại tiểu thuyết của Nhật Bản nói riêng, ở đầu thế kỷ XIX. Nhìn chung các sáng tác của Bakin có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng văn học trung đại Nhật Bản, cả ở tầm lớn của số lượng văn bản lẫn chiều sâu tư duy nghệ thuật, ý nghĩa xã hội và những đóng góp về mặt ngôn ngữ.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389440789722028/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận