Tài liệu: Pierre Augustin Caron de Beaumarchais (1732-1799)

Tài liệu
Pierre Augustin Caron de Beaumarchais (1732-1799)

Nội dung

PIERRE AUGUSTIN CARON DE BEAUMARCHAIS (1732-1799)

 

Pierre Augustin Caron de Beaumarchais (Pie Oguystanh Carông đờ Bômarse) là nhà hài kịch lớn nhất nước Pháp. Thế kỷ XVIII, sinh ngày 24 tháng Giêng 1732 ở Paris trong một gia đình sửa chữa đồng hồ. Năm 13 tuổi ông phải bỏ học để tập sự theo nghề của bố. Năm 1753, ông đã có một phát minh góp phần cải tiến kỹ thuật đồng hồ. Bị một gã sản xuất đồng hồ khác cướp công, ông phát đơn kiện lên Viện Hàn lâm khoa học và thắng kiện vào tháng Hai 1754. Cả cuộc đời ông là những cuộc đấu tranh nối tiếp không ngừng. Năm 1755, ông mua được một chức nhỏ lo việc quản lý nấu bếp trong cung đình của một người tên là Phrăngkê, mở đường cho ông vào triều đình. Năm sau, ông cưới bà Phrăngkê đã góa chồng, đổi tên thành De Beaumarchais, nương theo tên cánh rừng nhỏ thuộc tài sản của vợ. Đến năm 1761, sau khi mua được chức bí thư của Hoàng thượng, Beaumarchais mới thực sự được phong tước hiệu quý tộc. Nhờ tài năng âm nhạc, ông trở thành người dạy đàn thụ cầm cho các con gái Vua Louis XV. Hơn mười năm ở chốn cung đình, Beaumarchais đã thành đạt dễ dàng và giàu lên nhanh chóng. Nhưng rồi ông lại vướng vào cuộc kiện tụng tranh chấp tài sản kéo dài trong suốt tám năm trời. Nhìn lại cả cuộc đời, Beaumarchais đi nhiều, từng qua các nước như Tây Ban Nha, Đức, Anh, Hà Lan, có những khi bị bắt giam vì những cuộc ẩu đả. Đương thời, ông từng thành lập Hội các tác giả sân khấu nhằm bảo vệ quyền lợi của giới sáng tác; tổ chức Công ty in ấn và văn học, và bí mật in toàn bộ các tác phẩm của nhà triết học lỗi lạc Voltaire (Vônte) trong suốt tám năm trời ở tỉnh Ken thuộc nước Đức. Từ năm 1789, gia đình ông suy vi dần, bản thân ông chịu sống vất vả ở Hamburg. Mãi đến năm 1796, Beaumarchais mới trở về sống nốt những tháng năm còn lại ở Paris trong tình trạng già yếu bệnh tật. Ngày 18 tháng Năm 1799, ông qua đời. Beaumarchais là tác giả của hai vở chính kịch ơgiêni (1767) và Đôi bạn hay Chàng thương gia ở Lyxông (1770); bốn bài văn đả kích có nhan đề chung Cáo lục phản đối Gôêdơman (1773 - 1774); nhưng tác phẩm bất hủ nhất là ba vở kịch cùng lấy Phigarô làm nhân vật chính, trong đó gồm hai vở hài kịch Anh thợ cạo ở thành Xêvi (1775); Đám cưới Phigarô có phụ đề Ngày vui nhộn (1784) và một vở chính kịch Bà mẹ tội lỗi (1792). Lời tựa trong Đám cưới Phigarô đã bộc lộ quan niệm và nội dung hiện thực sâu sắc trong kịch của Beaumarchais: Là tác giả có nghĩa là dám làm... Sân khấu là người khổng lồ, đánh ở đâu là gây tử thương ở đấy... Những tật xấu, tệ nậu đó là cái không hề thay đổi mà luôn được ngụy trang bằng muôn hình ngàn vẻ dưới các tục lệ của các tập tục. Giật cái mặt lạ ấy đi và phơi bày chúng ra đó là nhiệm vụ cao quý của con người hiến mình cho kịch trường. Bản thân con người Beaumarchais là một khối mâu thuẫn lớn. Điều này phản ánh ngay trong ba vở kịch của ông: vở cuối Bà mẹ tội lỗi, cũng như chính cuộc đời ông lúc về già, đã thể hiện thái độ có phần bảo thủ, xu thời. Dẫu sao, các tác phẩm đầy tính hình tượng của Beaumarchais vẫn được coi là những kiệt tác và là một tấm gương phản chiếu một giai đoạn lịch sử đầy giông bão ở thế kỷ XVIII.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389438370815778/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận