GOTTHOL EPHRAIM LESSING
(1729 - 1781)
Gotthol Ephraim Lessing (Lexing) là nhà lý luận phê bình văn học và viết kịch Đức thế kỷ XVIII, là đại biểu xuất sắc của phong trào ánh sáng Đức, một trong những người đặt nền móng cho văn học dân tộc tư sản Đức và nền mỹ học hiện thực chủ nghĩa. Sinh ra trong một gia đình mục sư đạo Tin Lành, năm 1746 theo học: Thần Học; năm 1748 chuyển sang học y học Đại học Tổng hợp Laixích, nhưng Lessing lại ham mê nghiên cứu triết học và văn học cổ. Năm 19 tuổi viết vở kịch đầu tay Chàng học giả trẻ tuổi, từ đó theo đuổi nghiệp văn chương, tham gia các cuộc tranh luận, bút chiến vì sự tiến bộ của xã hội và văn học. Luôn rơi vào hoàn cảnh nghèo túng, khó khăn ông phải bỏ học đến Berlin với hai bàn tay trắng. Viết báo và làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống. Năm 1752, tốt nghiệp Đại học Vintenbéc, năm 1760 - 1765 làm thư ký cho một viên tướng trong cuộc chiến tranh Bảy năm. Năm 1767-1788 đến Hamburg cùng một số người định xây dựng một nhà hát tiến bộ ở Đức, nhưng được một thời gian nhà hát bị phá sản, ông lại rơi vào cảnh túng quẫn, phải làm công trong một thư viện.
Lessing là nhà tư tưởng, nhà văn, nhà báo luôn đấu tranh trong khoan nhượng chống lại bọn quý tộc phong kiến, chống lại bọn tu sĩ phản động, giải phóng giai cấp tư sản. Văn phong của ông giàu tính chiến đấu. Ông có công đóng góp hàng đầu vào việc xây dựng nền mỹ học hiện thực và một nền văn học dân tộc mang tính chất cổ điển của nước Đức. Những đóng góp quan trọng và xuất sắc của ông chủ yếu là trong các tác phẩm lý luận và phê bình văn học. Trên báo Những bức thư về văn học hiện đại (1759-1 765), Lessing phê phán chủ trương bắt chước chủ nghĩa cổ điển Pháp mà ông cho là giả tạo, đề cao Shakespeare (Sếchxpia), mong muốn xây dựng những tính cách chứa đựng cả mặt tốt và xấu của cuộc sống. Quan niệm này ảnh hưởng đến Goethe, Schiller (Gớt và Silơ) và toàn bộ nền sân khấu sau này. Laocôôn hay là ranh giới của hội họa và thơ ca (1766) là một trong những công trình lý luận nghệ thuật vĩ đại trong lịch sử văn học Đức, đặt ra nhiều vấn đề lý luận cho nền văn học mới, phê phán bệnh xa rời thực tiễn và kêu gọi văn học phải phản ánh những cuộc đấu tranh xã hội; Kịch trường Hamburg (1767-1769) cùng với Sự giáo hoá con người (1780) là những tác phẩm lý luận lớn, đấu tranh cho việc xây dựng một nền văn hóa tiến bộ với những tư tưởng nhân đạo sâu sắc và lòng tin vào sự chiến thắng của một nhân loại tự do trong tương lai. Để minh họa cho những tư tưởng cách tân của mình, ông sáng tác kịch Cô nương Xara Xămon (1775). Đó là vở bi kịch tư sản đầu tiên của Đức. Nhân vật thuộc đẳng cấp thứ ba, trước đây vốn chỉ là đối tượng để chế giễu trong các hài kịch, nay được đưa thành nhân vật trung tâm như một tấm gương cần noi theo. Nina phoi Banhem (1767) là hài kịch về một sĩ quan bị thải hồi oan, đả phá vào những thành kiến của bọn quý tộc và tên Vua độc tài Phridrich II. Emilia Galôti (1772) là vở kịch lớn nhất của Lessing chống lại bọn lãnh chúa ức hiếp dân lành. Tác phẩm có tiếng vang lớn và ảnh hưởng đối với các nhà văn trong phong trào Bão táp và xung kích. Vở kịch cuối cùng là Nathan, người thông thái (1779) phê phán đầu óc đàn áp tự do tín ngưỡng, ca ngợi chủ nghĩa nhân đạo tư sản.
Lessing là nhà tư tưởng, nhà văn đại diện cho nền văn học Đức tiến bộ đương đại. Tinh thần chiến đấu không khoan nhượng vì những lý tưởng cao đẹp và vì sự phát triển của một nền văn học nghệ thuật mới của ông đã có ảnh hưởng sâu sắc đến các thế hệ văn nghệ sĩ sau này.