NGUYỄN DU
(3-1 -1766 - 16-9-1820)
Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên và là bậc đại thi hào Việt Nam: Quê ông ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (nay thuộc Hà Tĩnh), nhưng lại sinh ra ở Thăng Long trong một gia đình đại quý tộc. Thân phụ ông là Nguyễn Nghiễm, từng làm Tể tướng triều Lê. Thân mẫu ông là Trần Thị Tân, người xã Hòa Thiêu, xứ Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Mồ côi cha năm 10 tuổi, hai năm sau lại mồ côi mẹ, Nguyễn Du phải đến ở nhà Nguyễn Khản - người anh cả khác mẹ đang giữ chức Tả thị lang bộ Hình kiêm Hiệp trấn xứ Sơn Tây. Năm 1783, ông thi đỗ Tam trường, được thay người bố nuôi họ Hà giữ chức quan võ ở Thái Nguyên. Năm 1979, Sơn Tây đánh tan quân Thanh, Nguyễn Du cùng ba người anh cùng mẹ định chạy theo phò tá Lê Chiêu Thống nhưng việc không thành, phải về sống nhờ anh vợ Đoàn Nguyễn Tuấn ở Thái Bình, được ít lâu lại vào Nghệ An. Năm 1976, ông định vào Gia Định theo Nguyễn Ánh nhưng bị quân Tây Sơn bắt giam ba tháng, sau về sống ở Tiên Điền. Đến năm 1802, ông ra hợp tác với triều Nguyễn và liên tiếp được thăng tiến. Năm 1805, được giữ chức Đông các điện học sĩ. Năm 1809, được bổ Cai bạ Quảng Bình; đến năm 1813, được thăng Cần Chánh điện học sĩ và được cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc. Qua năm 1820 ông lại được cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc nhưng chưa kịp đi thì mất đột ngột trong một trận dịch rộng lớn, làm chết hàng vạn người lúc bấy giờ. Thế là trải nghiệm mình qua một đời bão táp, Nguyễn Du từng tha hương phiêu bạt trên chính đất nước mình; từng thất thế và cũng từng ít nhiều được trọng dụng; từng làm quan dưới nhà Lê, từng chứng kiến chiến thắng huy hoàng của Vương triều Tây Sơn và sau này lại ra cộng tác với Nhà Nguyễn,... đời ông quả thật nhiều nỗi thăng trầm chìm nổi.
Sự nghiệp sáng tác văn học của Nguyễn Du có số lượng lớn, đa dạng về thể loại. Thuở còn ở Tiên Điền, Nguyễn Du có hai bài thơ Nôm Thác lời trai phường nón và Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu tài hoa, trong đó ghi lại một cách sinh động dấu ấn sinh hoạt văn hóa dân gian của một vùng quê. Sau này, các tập thơ chữ Hán như Thanh Hiên thi tập (sáng tác trong khoảng mười năm gió bụi, kể từ khi Nguyễn Du về Thái Bình đến năm đầu làm ra làm quan dưới nhà Nguyễn); Nam trung tạp âm (tập thơ có tính chất nhật ký, bút ký); Bắc hành tạp lục… (tập thơ viết về đề tài Trung Quốc trong chuyến đi sứ năm 1813 - 1814) cho thấy niềm tâm sự và các mối quan tâm của Nguyễn Du về thân phận con người, về những buồn vui nhân thế đặt trong tương quan cái vô cùng vô tận của thời gian. Đến bài Văn tế thập loại chúng sinh lại thể hiện cái nhìn nhuốm màu nhân văn tôn giáo, cái nhìn cảm thương mọi số kiếp con người, nhất là những số phận bạc bẽo, chịu nhiều cay đắng, tủi cực. Song rõ ràng phải đến Truyện Kiều thì Nguyễn Du mới bộc lộ đầy đủ tài năng nghệ thuật của mình. Mặc dù là tác phẩm tái tạo, chuyển dịch, phóng tác, chuyển thể từ tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc); song Nguyễn Du đã chuyển tải được điệu tâm hồn dân tộc trong hình thức thơ lục bát sâu lắng, diễm lệ. Chính vì lẽ đó, Truyện Kiều đã có ảnh hưởng cực kỳ sâu rộng ở Việt Nam, trở thành một thứ kinh truyện, cuốn sách để học hỏi lẽ đời; đồng thời cũng coi là sách bói, thành đối tượng để tập Kiều, đố Kiều, lẩy Kiều, vịnh Kiều, ngâm Kiều, kể chuyện Kiều và ảnh hưởng trở lại cả dòng thơ ca dân gian như ca dao, dân ca, hò vè... Về mặt tư duy nghệ thuật, Truyện Kiều là bước đi quá độ từ mỹ học cổ điển phong kiến đến gần với chủ nghĩa hiện thực, có ý nghĩa kết tinh truyền thống thơ ca của cả một dân tộc, thời đại.
Ghi nhận những cống hiến lớn lao về nghệ thuật thơ ca, Tổ chức văn hóa, giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã công nhận Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới.