Tài liệu: Xủn Thon Phu (1786-1855) nhà thơ cổ điển nổi tiếng của Thái Lan

Tài liệu
Xủn Thon Phu (1786-1855) nhà thơ cổ điển nổi tiếng của Thái Lan

Nội dung

XỦN THON PHU (1786-1855)

NHÀ THƠ CỔ ĐIỂN NỔI TIẾNG CỦA THÁI LAN

 

Ông sinh ra ở Thủ đô Bangkok (Băng cốc), sớm chịu nỗi buồn vì cha mẹ bỏ nhau. Sau đó, Xan Thon Phu sống với mẹ, nhưng mẹ lại đi bước nữa, sinh được hai em gái rồi vào làm vú nuôi cho một gia đình quyền quý trong cung. Từ sớm, Phu đã được tiếp xúc với đời sống cung đình và được theo học ở chùa. Năm 20 tuổi, Phu đem lòng yêu một cung nữ tên là Chăn nên bị Vua Rama I hạ lệnh tống giam gần một năm. Đến năm 1815, Phu được nhận làm thư ký cho Rama II, được phong tước trọng hậu, được cùng nhà Vua và một số nhà thơ cung đình san định, khôi phục lại các truyện thơ cổ. Nhưng rồi chán đời, Phu quay sang rượu chè, chểnh mảng việc chính sự. Một lần do cưỡng lời mẹ, Phu lại bị tống giam, song nhờ tài thơ nên được tha, lại được nhà Vua vời vào cung dạy Hoàng tử. Đến năm 1824 Rama III lên ngôi đã ra lệnh đuổi ông vì có lần bình thơ đã xúc phạm tới ông ta. Từ đó, Phu đi lang thang bán thơ kiếm sống. Ông sáng tác tới hai chục tập thơ, có thời gian vào chùa tu tới mười năm trời, và sau này vẫn sống cảnh túng thiếu. Mãi đến năm 60 tuổi, ông mới được giao chức Đổng lý Văn phòng và phong tước Khủn Xunthon Vôhản đúng vào lúc đất nước bị phương Tây xâu xé dữ dội.

Ngoài chừng hai chục tập thơ lẻ, Phu có ba tác phẩm lớn: Nirat - Mương Kleng (1806-1809); Phlai Ngam ra đời (1809-1824) và kiệt tác Aphay Mani (được viết vào năm cuối đời của tác giả)...

Truyện thơ Aphay Mani, có độ dài hơn mười vạn câu thơ, được coi là kiệt tác thơ ca nhân dân Thái Lan. Trên cơ sở đời sống hiện thực đất nước hồi đầu thế kỷ XVIII, Phu đã sáng tạo cốt truyện ly kỳ, hư ảo, phản ánh khát vọng đấu tranh dành độc lập dân tộc về phương thức tư duy, tác giả chịu ảnh hưởng sâu sắc tâm thức dân gian, nguồn cảm hứng cổ tích Thiện thắng Ác, Chính thắng Gian Tà. Ở đây cuộc ra đi của hai anh em Hoàng tử Aphay Mani (cũng là tên của truyện thơ) và Xỉ Xuvăn cùng những sự biến trên đường đời đã trở thành dòng mạch kết cấu của truyện thơ. Cuối cùng, họ đã trở về sau khi chiến thắng mọi thế lực hắc ám. Có thể nói, tác phẩm không chỉ khái quát hiện thực đời sống xã hội Thái Lan một thời kỳ mà còn có vai trò thúc đẩy ngôn ngữ văn học và thể loại truyện thơ dân tộc lên một đỉnh cao mới.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389442232534528/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận