HEINRICH HEINE (1797-1856)
NHÀ THƠ LỚN NHẤT NƯỚC ĐỨC THẾ KỶ XIX
Tên thật của Heinrich Heine (Hainrich Hainơ), nhà thơ vĩ đại và là nhà báo xuất sắc nước Đức là Heine. Ông sinh ngày 13 tháng Chạp 1797 tại thành phố Dusseldorf (Đuýtxelđốph), miền Tây nước Đức và mất ngày 17 tháng Hai 1856 tại Paris, nước Pháp.
Trong văn học nước Đức, Heine là nhà thơ lớn nhất thế kỷ XIX, còn nếu nhìn toàn bộ lịch sử nền văn học ấy theo lời Engels - sau Goethe, Heine là nhà thơ Đức lớn nhất. Ở ông, nổi bật nên tư tưởng dân chủ cách mạng.
Heine sinh trưởng trong một gia đình Do Thái nghèo, đã từng đau khổ trước những thành kiến về giai cấp và tôn giáo.
Sau khi tốt nghiệp một trường trung ở Dussedorf. Heine học nghề buôn ở Frankurt (Phrandphuốc) bên sông Mainơ, và từ 1826 ở với ông chú là Solomon Heine tại Hamburg. Năm 1819 học luật ở Bonn, năm 1825 đỗ Tiến sĩ, bỏ Đạo Do Thái chuyển sang Đạo Tin Lành. Ý định làm Giáo sư lịch sử văn học không thành, ông liền thực hiện nhiều chuyến du lịch sang các nước Italia, Anh, Pháp. Dự định tiến thân bằng con đường ngoại giao hoặc luật cũng bị sụp đổ. Tháng Năm 1831, để tránh o ép của bọn thầy tu phản động Phổ, ông sang ở hẳn Paris. Tại đây, Heine tiếp xúc với nhiều nhà văn Pháp như Bêrănggiê, Xăng, Balzac, Hugo... và những người theo chủ nghĩa xã hội không tưởng của Saint Simon. Năm 1835, toàn bộ tác phẩm của ông bị cấm quyền lưu hành ở Đức. Trước đó một năm Heine tìm hiểu và cưới Crescentia Eugenia Mirat (ông gọi là “Mathilde”).
Ông thường xuyên sống trong cảnh nghèo túng. Năm 1836, Heine buộc nhận trợ cấp của Chính phủ Pháp dành cho những nhà chính trị Đức sống lưu vong ở Pháp. Trong hai năm 1843-1844, về thăm Đức, chủ yếu ở Hamburg. Năm 1844 cộng tác ra tập Kỷ yếu Đức - Pháp, kết bạn với Karl Marx; từ năm 1845, bệnh đau cột sống ngày càng trầm trọng. Từ năm 1848, cho đến lúc từ trần, Heine chỉ nằm liệt trên giường.
Heine đã để lại các tác phẩm thơ: Đau khổ ban đầu, Bản tình ca, Biển Bắc với nghệ thuật điêu luyện được mệnh danh là Những dòng ánh sáng, những bản hợp tấu tuyệt vời được coi là hiện tượng lớn nhất trong thơ ca nước Đức sau các tập thơ của Goethe.
Bài thơ Những người thợ dệt Xilêdi và trường ca Nước Đức - một câu chuyện cổ tích mùa Đông được Marx và Engel đánh giá rất cao; tác giả được coi như người ''báo hiệu chủ nghĩa xã hội'' và được khẳng định là nhà thơ lớn nhất, cách mạng nhất, tiến bộ nhất của Đức và thế giới trong thế kỷ XIX. Thơ ông được Lénine mang theo đi đọc trong những ngày đi cày.
Với tác phẩm Ký sự du lịch (1825-1831) gồm bảy tập, Heine đã thể hiện tư tưởng dân chủ, mang tính chất xã hội sâu sắc và có nhiều nhận xét hóm hỉnh.
Từ Ký sự du lịch, Heine đã đưa thể loại vốn bị coi rẻ đẩy lên một tầm giá trị nghệ thuật lớn. Heine có ảnh hưởng tích cực đối với một số nhà thơ lớn ở thế kỷ XX như Maiakôyski Béctôn, Brếch...
Ngoài tập Đau khổ ban đầu (1817-1821), ông còn có Quyển sách của những bài ca (1822 - 1823); Trở về (1823-1824). Nhà thơ ca ngợi tình yêu tuổi trẻ với tất cả niềm hạnh phúc và đau khổ.
Nhiều bài thơ của Heine được các nhạc sĩ nổi tiếng như Suman, Subert phổ nhạc và được người đời ưa thích.
Trong Di chúc của mình, Heine viết:
"… Tất cả những gì mà tôi có, tất cả những gì thuộc về tôi một cách hợp pháp, tất cả những gì gọi là tài sản của tôi, tôi xin dành cho Mathilde Crescentia Heine - người vợ muôn vàn yêu quý của tôi - người đã cùng tôi chung sống những ngày tốt đẹp và buồn chán, đã chăm sóc và làm dịu những nỗi đau đớn của tôi trong trận ốm kéo dài.
Sau khi tôi đã sống như một ngọn cỏ tốt lành trên thảo nguyên, giờ đây cũng mong ước là khi chết, đừng cho ông thầy tu nào bước đến mồ tôi. Tôi yêu cầu việc chôn cất tôi càng ít tốn kém càng tốt. Ngoài ra, tôi cấm bất cứ người nào – dù người đó là ai - nói một điều gì bên mồ tôi. Nếu tôi chết ở Paris tôi mong muốn rằng, tấm bia bình dị của tôi sẽ được người ta tìm thấy trên nghĩa địa Montmartre”.
TRẦN ĐƯƠNG