GEORGE RORDON BYRON (1788 - 1824)
NHÀ THƠ LÃNG MẠN ANH
George Gordon Byron (Giorgiơ Gorđơn Bairơn) là nhà thơ lãng mạn tiến bộ lớn nhất nước Anh hồi đầu thế kỷ XIX, sinh ngày 22 tháng Giêng năm 1788 trong một gia đình có nguồn gốc quý tộc ở London. Năm 1809, ông tốt nghiệp Đại học, được kế thừa chức Nguyên lão ở Thượng viện, sau bỏ đi du lịch qua các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp. Trở về nước Byron từng đứng về phong trào công nhân phản đối, những lề luật bất công trong xã hội. Năm 1816, ông đến Italia tham gia phong trào giải phóng dân tộc chống ách đô hộ của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông lâm bệnh một thời gian và mất ngày 19 tháng Tư 1824 ngay tại Môngxôlôghi (Hy Lạp).
Tác phẩm của Byron gồm có trường ca Cuộc hành hương của Traiđơ Harôn (1812 -1817), Các truyện thơ phương Đông (1813-1816), Người tù ở Siông (1816), Manphrết (1817), Beppô (1818), Caanh (1821), Đông Juăng (1818-1823) và các bài thơ trữ tình đoản thiên khác. Trường ca Cuộc hành hương của Traiđơ Harôn gồm bốn khúc ca nói về tâm trạng một thành viên quý tộc chán chường quê hương xứ sở, chỉ muốn ra đi, muốn tìm đến những chân trời mới lạ. Bản trường ca giàu màu sắc nghệ thuật, thậm chí mang dáng dấp một cuốn nhật ký hành trình bằng thơ, trong đó ghi lại những cảm xúc, ấn tượng của tác giả trước thực trạng xã hội, trước các danh nhân, các nhân vật lịch sử, qua đó bộc lộ được tâm trạng của cả một thế hệ đang khát khao đi tìm lý tưởng.
Vở kịch thơ ba hồi Manphrết thuộc dòng thơ ca lãng mạn, giàu chất triết lý trữ tình. Nhân vật Manphrết vô tình gây lên cái chết cho người yêu đã sống trong tâm trạng khắc khoải dằn vặt, khát khao được làm một điều gì để giải tỏa nỗi sầu muộn nhưng mãi mãi vẫn đành bất lực. Chàng đến khắp các cõi rừng, cõi trời, cõi Thần linh cầu xin được gặp được hồn người yêu mà không thấy đâu, cuối cùng đã chết một cách kiêu hãnh trong nỗi đau khôn nguôi. M.Gorki đã nhận xét một cách hình tượng: ''Manphlết là Prométhée đã thoái hóa của Thế kỷ XIX”.
Một tác phẩm tiêu biểu khác nữa của Byron có tên Caanh, và cũng là một vở kịch thơ ba hồi. Lấy đề tài trong Kinh Thánh, nhân vật Caanh được khắc họa thành con người nổi loạn vốn trở thành tâm trạng chung của thời đại bấy giờ. Sáng tạo nhân vật Caanh, Byron đã tạo nên giá trị lâu bền cho tác phẩm bởi lý tưởng lãng mạn và cuộc đấu tranh giành hạnh phúc cho con người.
Ngoài những bài thơ trữ tình đoản thiên đậm màu sắc thê lương, những nỗi đau thấm thía và giàu ý nghĩa nhân văn, Byron còn có nhiều bài thơ gắn bó với cuộc sống như Bài ca tặng những người thợ Lơđaitơ nhằm ca ngợi cuộc đấu tranh của giới thợ thuyền trống áp bức. Đó chính là tiếng nói trữ tình vừa đối lập vừa thống nhất trong con người – thi sĩ bậc thầy.