Tài liệu: Anphonse de Lamartine (1790-1869) nhà thơ lãng mạn Pháp

Tài liệu
Anphonse de Lamartine (1790-1869) nhà thơ lãng mạn Pháp

Nội dung

ALPHONSE DE LAMARTINE (1790-1869)

NHÀ THƠ LÃNG MẠN PHÁP

 

Anphonse de Lamartine (Aphôngxơ đờ Lamartin) là nhà thơ lãng mạn Pháp, nhà hoạt động ngoại giao và chính trị. Sinh ngày 21 tháng Mười 1790 trong một gia đình quý tộc sa sút. Năm 1803 - 1808 học trường trung học Gia tô giáo ở Paris. Ông có cảm tình với cách mạng tư sản Pháp 1789, theo chính kiến của phái Girôngđanh chủ trương tự do dân chủ tư sản, cải cách không đổ máu, chống lại việc tiếm quyền của Napoléon. Sang sống ở Italia từ tháng Bảy 1811 đến tháng Năm 1812. Khi đế chế Napoléon sụp đổ và dòng họ Bourbon (Buốcbông) trở lại thống trị, Lamartine tham gia quân đội một thời gian ngắn. Thời kỳ Bonaparte trở lại nắm quyền ông lánh sang Thụy Sĩ. Trong Cách mạng tháng Bảy 1830, trung thành với phái chính thống, ông đứng về phía phe đối lập. Đến Cách mạng tháng Hai 1848, ông chuyển sang phái Cộng hòa và tham gia Chính phủ lâm thời cho đến cuộc khởi nghĩa tháng Sáu 1848. Cuối đời ông sống trong cảnh túng thiếu và cô đơn. Ông qua đời ngày 28 tháng Hai 1869.

Lamartine là một trong những nhà thơ tài năng bẩm sinh. Thơ Lamartine giàu tâm trạng đã ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà thơ nhiều thế hệ nước Pháp và ngay cả các nhà thơ trong phong trào Thơ mới ở Việt Nam (1830-1845). Tập thơ đầu tay của ông Trầm (1820) ra đời có tiếng vang rộng rãi. Đặc biệt là các bài Cái hồ, Hưu quạnh, Thung lũng, Mùa Thu khóc than cho cuộc tình sớm tan vỡ. Lamartine tìm nguồn an ủi cho những thất vọng về chính trị và tình yêu trong thiên nhiên và Đạo Thiên chúa. Trầm phản ánh đúng tâm trạng buồn chán, mơ mộng rồi hoang mang, thất vọng trước thời cuộc của cả một thế hệ. Những tập thơ trữ tình khác của Lamarttne như Trầm tư mới (1823), Hòa thanh thơ ca và tôn giáo (1830) đều nhuốm một nỗi buồn man mác; là những bức tranh nhợt nhạt, phản ánh tâm trạng luyến tiếc quá khứ, lẩn tránh thực tế của tầng lớp quý tộc. Giôxơlanh (1836) gần 10.000 câu thơ viết về chuyện tình buồn thảm của một tu sĩ. Sự sa ngã của một Thiên thần gần 11.000 câu thơ viết về mối tình giữa một Thiên thần và một cô gái trần tục cũng nhuốm màu bi lụy. Tiểu thuyết Gradiela (1852) viết về tình yêu say đắm với một cô gái quản gia. Lamartine còn là một tác giả của các tập thơ: Cái chết của Socrate (1823), ức ấn tượng, Suy nghĩ, Phong cảnh trong một cuộc hành trình về phương Đông (1833)...

Những suy nghĩ mang ấn tượng tôn giáo, những hồi tưởng về quá khứ, nỗi buồn ru ngủ tâm hồn, sự cô đơn, chết chóc những suy tưởng về thế giới bên kia đối lập thực tại xấu xa... là những chủ đề thường xuyên trong thơ Lamartine. Ông phủ nhận thực tại, những chủ đề xã hội hầu như vắng bóng trong thơ ông được phản ánh bằng những lời thơ duyên dáng, nhạc thơ êm ái du dương, có chiều sâu tâm hồn. Bên cạnh mặt hạn chế, nghệ thuật thơ của Lamartine đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển nghệ thuật thơ ca của nhân loại.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389442931909528/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận