Tài liệu: Động Phong Nha - Kẻ Bàng di sản tự nhiên của thế giới

Tài liệu
Động Phong Nha - Kẻ Bàng di sản tự nhiên của thế giới

Nội dung

ĐỘNG PHONG NHA - KẺ BÀNG

DI SẢN TỰ NHIÊN CỦA THẾ GIỚI

 

Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc loại thủy động lớn, có dòng sông ngầm dài 14km, khi chảy ra khỏi động trở thành dòng sông Son. Đặc biệt, nguồn nước sông ngầm này không bao giờ cạn, chỗ sâu trung bình từ 6 đến 10 mét, có nơi sâu 83 mét. Cho tới nay, chưa một nhà khoa học nào tìm ra chỗ khởi nguồn của con sông ngầm này.

Động Phong Nha - Kẻ Bàng cách Thành phố Đồng Hới khoảng 50km về phía Tây - Bắc. Du khách đến thăm động đi xe tới ngã ba thị trấn Hoàn Lão đi ngược lên phía Tây khoảng 20km, tới Xã Nhơn Trạch, huyện Bố Trạch. Tiếp đó đi thuyền máy ngược dòng sông Son khoảng 30 phút sẽ tới động.

Động Phong Nha - Kẻ Bàng nằm ở cao nguyên đá vôi (Karst) rộng lớn, điển hình của quá trình địa chất về thể loại Karst và hình thành hang động có giá trị toàn cầu, không chỉ ở lĩnh vực đa dạng sinh học mà còn là thắng cảnh hang động vào loại bậc nhất Thế giới.

Cách đây 450 năm, Dương Văn An, tác giả sách Ô Châu Cân Lục, đã mô tả lại những gì mắt thấy tai nghe bằng những lời văn đầy cảm khái và thi vị: ''phía dưới là nước biếc như màu chàm, phía trên là non xanh như tấm thảm. Động có cửa vào hẹp, chỉ vừa lọt một chiếc thuyền con. Càng vào trong càng thấy rộng rãi, những du khách đi thuyền đến vãn cảnh, với một bó đuốc, đi men theo bờ nước lần vào, nghe gió thổi như đàn, động vang tựa sáo. Đi ước hơn 100 bộ, bỗng thấy mở ra một khoảng rộng, trông thấy trời đất sáng trưng, Mặt trời chói lọi...

Trong động có tảng thạch bàn nhẵn nhụi, có bàn cờ, con cờ bằng đá. Vách núi chung quanh như gọt, ngắm những vật nhỏ lấm tấm, chỗ như đồng tiền, chỗ như sợi tóc, chỗ thì tựa hình người, chỗ thì giống viên ngọc. Nước biển như mắt sứ, nước xanh như tóc Phật, chân chim in mặt cát, đàn cá lượn trong hang, dẫu phong cảnh nguồn đào cũng không hơn thế được… ''

 

Còn sách Đại Nam nhất thống chí gọi Động Phong Nha là Động Thần Tiên. Các triều đại phong kiến Việt Nam đã phong thần cho động Phong Nha là “Hiển Linh”. Đến triều Minh Mạng, năm 1824, sắc phong là “Diệu ứng chi thần”.

Vào cuối thế kỷ XIX, nhà thám hiểm người Pháp Leopold Cadier đã phát hiện trên vách động có chạm khắc những văn tự Chămpa cổ gồm 27 chữ. Điều đó cho thấy Động Phong Nha - Kẻ Bàng được người Chăm biết đến từ xa xưa và từng là điện thờ Phật của người Chăm từ thế kỷ IX đến thế kỷ X. Nhà thám hiểm Cadier đã suy tôn Động Phong Nha là “Đông Dương đệ nhất động”.

Tháng 7 năm 1924, nhà nghiên cứu hang động Anh quốc Barton đã đến Động Phong Nha tìm hiểu suốt 14 hôm nhưng vẫn chưa tìm ra chỗ tận cùng của hang động. Barton cho rằng, Phong Nha là chốn mê cung có thể sánh ngang với các hang động nổi tiếng thế giới của Pháp, như động Padriac, hay Cuevas de Drac của Tây Ban Nha.

Mùa Hè năm 1929, một nhà thám hiểm khác của Pháp tên là Bouffer, đã cùng với những người bạn, đi sâu vào trong Động Phong Nha suốt 26 tiếng đồng hồ, nhưng cũng chỉ mới đi vào cách cửa động 3km mà thôi.

Vào những năm 1990, 1992 và 1994 một đoàn thám hiểm Hội Hoàng gia Anh (BCRA) do Tiến sĩ Howard Limbert, một người có tới 20 năm kinh nghiệm thám hiểm các hang động Thế giới, đã từng khảo sát hang động ở Pháp 3 lần, Tây Ban Nha 1 lần, Áo 4 lần; làm trưởng đoàn sang phối hợp với khoa Địa lý Trường đại học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội nghiên cứu khảo sát Động Phong Nha - Kẻ Bàng Việt Nam. Howard Limbert kể: hang thông, dòng nước chảy xiết, nguy hiểm cho những người tham gia thám hiểm. Ở lối vào hang rất cao, giống cửa Động Phong Nha. Càng vào sâu, trần hang càng hạ thấp. Đoạn nguy hiểm nhất trần hang chỉ cách mặt nước 30 mét, nên từng thành viên đoàn thám hiểm phải lách hết sức cẩn thận để đi qua, chỉ cần sơ ý một tý có thể bị dòng nước cuốn trôi. Đi khoảng 3km vào sâu trong hang, trên dòng nước xuất hiện những vùng nước xoáy rất xiết, gọi là rục nước. Đến cuối đoạn này, trần hang hạ thấp hơn mặt nước. Chúng tôi quyết định xuống lặn thử để tìm lối qua, nhưng cũng chỉ được vài mét, phải quay trở lại. Những người dân địa phương cho rằng: ở gần đấy có một nhánh sông ngầm đổ vào Phong Nha. Bởi vậy, chúng tôi đã gửi tới đó một nhóm 3 người để khảo sát. Đó là hang én. Đây là một trong những hang lớn nhất Thế giới. Có những đoạn, vòm hang rộng tới 150 mét, cao hơn 100 mét. Chúng tôi đi thuyền trong lòng hang được khoảng 1,7 km. Nước trong hang chảy xiết, lưu lượng lên tới 10-12,3mét/giây. Trong lòng hang còn có những thác nhỏ. Trong động có nhiều thạch nhũ với những hình thù kỳ thú. Hang én, chính là phần khởi nguồn của dòng sông chảy trong Động Phong Nha ra sông Son.

Hang Vòm: hang dài nhất Việt Nam, nằm ở Thượng nguồn Sông Chảy. Cửa hang có kích thước 60 x 50 mét, tiếp theo là hàng loạt hồ rộng trên tuyến dài 1,5 km , rồi đến đường thông ra ánh sáng cao 100 mét. Vượt qua khỏi đây, nước chảy tới một nhánh hang đẹp nằm ở mức cao. Nhánh hang này dẫn tới một cửa ở chân vách dốc. Qua cuộc khảo sát năm 1992 cho thấy chiều dài Hang Vòm là khoảng 14km. Hang Thông, Hang én, Hang Vòm đều thuộc hệ thống Động Phong Nha - Kẻ Bàng.

Cuộc khảo sát lần thứ 3 năm 1994, đoàn thám hiểm đã phát hiện ra một nhánh khác của Hang Vòm, dài độ 1km. Nhờ sự hướng dẫn của người dân địa phương đoàn đã tới phần tiếp theo của Hang Vòm, gọi là Hang Đa Cao và khảo sát tiếp được 8 km nữa của Hang Vòm. Tính đến thời điểm đó, chiều dài Hang Vòm đã được khảo sát là 23km.

Sau một thời gian tiến hành khảo sát động Phong Nha - Kẻ Bàng kỹ hơn sâu hơn, đoàn thám hiểm đã công bố: Phong Nha - Kẻ Bàng là động dài khoảng 23km. Cửa hang rộng 20 - 25m, cao khoảng 10 mét và cho rằng: Phong Nha là động nước vào loại đẹp nhất thế giới. Ông Tim Allen, một thành viên trong đoàn nhận xét: ''Động Phong Nha thuộc loại kỳ quan của Việt Nam và thế giới đạt 7 tiêu chí quan trọng nhất về hang động: Hang có dòng sông ngầm dài nhất, có cửa hang cao và rộng nhất, có bãi cát và bãi đá ngầm đẹp nhất, có hồ nước ngầm đẹp nhất, có hệ thống thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất, là hang động dài nhất''.

Chất liệu đá của Động Phong Nha có nhiều loại khác nhau. Đẹp nhất là loại đá sa khoáng lấp lánh và phát sáng. Vì vậy, sức hấp dẫn của Động Phong Nha là vẻ đẹp lộng lẫy kỳ thú của nhũ đá màu cẩm thạch. Động Phong Nha hình thành từ xa xưa, tất cả còn mang vẻ hoang sơ đầy quyến rũ. Dáng hình động vẫn giữ được nguyên vẹn. Điều đặc biệt quan trọng là Động Phong Nha được Uỷ ban Di sản của UNESCO công nhận di sản tự nhiên của thế giới năm 2003, còn có một khu rừng nguyên sinh nhiệt đới với độ che phủ trên 95%. Đây là một trong những vườn Quốc gia có giá trị nhất Việt Nam, có diện tích 85.754 ha.

Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có độ đa dạng sinh học cao nhất của các vùng rừng Việt nam với trên 95% diện tích rừng nguyên sinh. Về thực vật, hiện có 32 bộ, 98 họ, 257 giống.

Có 381 loài của 4 lớp động vật có xương sống ở trên cạn. Trong đó có 66 loài động vật quý hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam, 23 loài được xếp vào loại được ưu tiên bảo vệ của Thế giới. Tại đây có nhiều loài động vật quý: voọc ngũ sắc, gấu, hổ, gà lôi lam, vượn bạc má, rùa vàng ...

Đặc biệt mới đây Trung tâm nghiên cứu khoa học và cứu hộ động vật hoang dã đã phát hiện trên đỉnh núi đá Phong Nha - Kẻ Bàng, ở độ cao 800 mét so với mực nước biển, có một rừng cây bách xanh bạt ngàn mọc san sát bên nhau, thân cao vút, vỏ cây màu xám nâu, lá như lá tùng, chạm tay vào thân nhơm nhớp dính nhựa cây màu vàng cam, thơm mùi xá xị. Thân những cây bách xanh này có đường kính từ 1 mét đến 1,5 mét, cao từ 20 - 30 mét. Dây là một loại cây cực kỳ quý hiếm. Hiện trên thế giới chỉ có 3 loại bách xanh được nhận diện. Ở Việt Nam hiện chỉ còn lại một vài cá thể bách xanh núi đất, rải rác ở một số tỉnh phía Bắc. Nhưng chưa có nơi nào hiện diện một quần thể bách xanh núi đá (Calocedrus Rupestris) rộng lớn như ở núi đá Phong Nha. Theo các nhà nghiên cứu lâm nghiệp ước tính diện tích rừng bách xanh Phong Nha khoảng 5.000 ha, với mật độ 600 cây/ ha. Các cây bách xanh có độ tuổi từ 500 - 600 năm. Đặc biệt rừng Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng còn có loại lan hài quý hiếm, một loại lan đẹp lộng lẫy, quý phái, mà từ lâu được coi là một thứ ''Quốc bảo'', “Nữ hoàng của các loài lan”. Nó không chỉ có giá trị lớn về khoa học, mà còn có giá trị kinh tế cao.

TRẦN MẠNH THƯỜNG




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/170-02-633386708059531250/95-Di-san-tieu-bieu/Dong-Phong-Nha---Ke-Ba...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận