Tài liệu: Non nước Hạ Long

Tài liệu
Non nước Hạ Long

Nội dung

NON NƯỚC HẠ LONG

 

Cuối năm 1994, ủy ban UNESCO đã ghi nhận Vịnh Hạ Long vào Danh sách di sản Thế giới, bởi thiên nhiên Hạ Long hùng vĩ xinh đẹp lạ thường.

Vịnh Hạ Long phía Đông giáp Đảo Cái Bầu và Cảng Cửa Ông, phía Tây giáp Đảo Tuần Châu, một phần Đảo Cát Bà. Phía Nam là tuyến đảo chạy dài từ những đảo đất Ba Mùn, Phượng Hoàng, Hạ Mai đến các đảo đá: Đầu Bê, Mái Nhà. Vịnh Hạ Long rộng 1.500km2 với trên 1.600 hòn đảo có tên. Nếu kể những hòn đảo không tên, số lượng còn nhiều hơn nữa.

Vịnh Hạ Long, một quần thể đảo đá, có chỗ quần tụ lại, trông xa ngỡ chồng chất lên nhau. Có chỗ tách ra, hai vách dựng đứng đối diện nhau qua một lạch nước hẹp. Có nơi đảo đứng dọc ngang xen kẽ tạo nên nhiều lớp, kéo dài hàng chục kilomét, như một trường thành vững chắc.

Đi giữa Hạ Long với hàng nghìn đảo đá sừng sững, cao thấp khác nhau, mỗi hòn một vẻ, hình thù kỳ thú, ta có cảm giác như đang đi giữa một thế giới động vật trải qua hàng triệu năm hóa đá.

Đảo đá Hạ Long, dưới bàn tay sắp xếp thần kỳ của tạo hóa không chỉ tạo nên những tác phẩm điêu khắc hoành tráng mà còn tạo nên những công trình kiến trúc tự nhiên mỹ lệ. Các đảo này hoặc đứng đơn độc giữa luồng lạch (Hòn Đũa, Hòn Gà Chọi, . . . ) hoặc dựa vào sườn một dãy đảo lớn khác (Hòn Yên Ngựa, Hòn Bướm . . . ). Có hòn bề thế bốn mặt phẳng lỳ, bóng nhẵn như những khối gỗ mun (Hòn Ấm, Hòn Đỉnh Dương). Có hòn uốn lượn, càng lên cao càng thon nhỏ, sắc nhọn. Trên đó các loài dây leo, cây dại, các loài cây thân gỗ như: chổi, sầm, thông đá. . . phủ lên một màu xanh mượt. Vào mùa Hạ, lớp dây leo, cây dại đua nhau nở hoa muôn màu rực rỡ vàng, đỏ, xanh, tím,. . .nổi lên màu xanh bất tận của biển trời bao la. Lúc này, Hạ Long vào mùa gió nồm nam. Ngọn gió vô tận thổi từ đại dương vượt qua lớp đảo đá mang vào đất liền cái mát lạnh của biển cả. Những sớm Hè khi vì sao mai còn thắp sáng đỉnh núi Bài Thơ, dọc bờ Bãi Cháy ta đã bắt gặp ngàn ngàn khách du lịch ngồi đón gió và ngắm ánh Mặt trời đằng Đông. Ánh nắng Mặt trời trải trên mặt vịnh những dải màu đan xen xanh tím. Bóng các dải đá in trên mặt nước lung linh nhiều hình thù xanh đen ngoằn ngoèo kỳ dị. Ấy cũng là lúc buồm trắng, buồm nâu, từ nhiều cửa biển như những chú bướm chập chờn lách lượn qua rừng đảo ùa vào bến nhộn nhịp. Chiều tà khi nắng tắt, mặt biển chuyển từ xanh lục sang màu huyết dụ, đảo đá từ màu lam ngả dần sang màu tím sẫm. Giữa mùa Hè, khi gió đại dương bỗng dưng ngừng thổi và cái nóng oi bức trùm lên bãi bờ, ấy là lúc báo hiệu một trận mưa rào, hay một cơn bão dữ dội đang xuất hiện nơi nào đó trên Thái Bình Dương.

Mùa Thu mang đến cho Hạ Long những đêm trăng huyền diệu. Ánh trăng Thu vàng dịu chiếu xuống mặt vịnh lung linh. Mặt nước như được dát một lớp thủy ngân lóng lánh. Dưới ánh trăng mờ ảo, đảo đá im lìm hiện lên trong cảnh tranh tối tranh sáng. Đảo quen thuộc, giờ bỗng trở lên xa lạ, huyền bí trong đêm trăng Thu.

Mùa Xuân khi rừng táo, rừng mơ quanh bờ vịnh nở rộ là lúc Hạ Long mở ra một thế giới thiên nhiên huyền ảo. Buổi sớm Xuân, Đảo Hạ Long chập chờn trong màn sương bạc mung lung.

Những ngày sương đi giữa Hạ Long ta cảm thấy đảo đá vừa lạ vừa quen, mờ mờ, ảo ảo. Xung quanh ta sương buông trắng xóa. Thuyền đi trong sương ta ngỡ như đi trong mây bồng bềnh. Tiếng sóng vỗ lộp bộp bên mạn thuyền, tiếng gõ thuyền lộc cộc của các bạn chài gần lắm, mà ngỡ là xa vời vợi.

Trong hàng nghìn đảo đá với những hình thù gợi cảm, còn chứa đựng biết bao hang động kỳ quan. Hang Đầu Gỗ cách Bãi Cháy 8km. Đầu Gỗ là một đảo lớn, cao 189m, xưa còn gọi là Đảo Vạn Cảnh.

Hang Đầu Gỗ có ba ngăn: ngăn ngoài, đáy là một lòng chảo lớn, thấp hơn cửa hang 1 mét. Trên mặt đáy phía Tây Nam có trụ đá trắng xám hình con rùa. Mai rùa hình vuông mỗi chiều một mét, có nhiều rãnh nhỏ, sâu, dọc, ngang, gấp khúc, quanh co và nhiều trụ đá bé với nhiều hình dạng khác nhau. Tương truyền đó là sa bàn trận đại thắng Bạch Đằng (1288) của Hưng Đạo Vương. Phía trái hình rùa là măng đá[1] cao 20 mét. Dọc theo măng đá nhô ra vô số nhánh đá hình đầu sư tử, đầu nghê. . . Phía trên các nhánh đá là đài sen đắp nổi. Ngọn măng đá giống hình một vị La Hán cao 2m, tay phải cầm gậy đá, tay trái co lên ngang hông trong ống tay áo thụng, chân đứng trên đài sen. Nét mặt hiền từ đang nhìn ra cửa hang.

Ngăn giữa có một khối đá cao 1 mét, tròn, trong suốt. Khi đèn chiếu vào, khối đá sáng rực lên. Giữa lòng ngăn có nhiều măng đá hình người, hình chim, đầu voi, đài sen xen kẽ. Các hình đó được thiên nhiên tạo ra một cách ngẫu nhiên, nhưng không ít khách du lịch băn khoăn tự hỏi: phải chăng do bàn tay nghệ sĩ nào đó chạm khắc nên?

Ngăn trong cùng thắt lại. Đáy ngăn có 4 giếng đá, quanh năm tràn đầy nước ngọt.

Khác với Hang Đầu Gỗ giấu kín trong lòng đảo, hang Bồ Nâu mở rộng bên vách đảo đón gió lùa và sóng vỗ. Hang Bồ Nâu còn có tên Bồ Nông, vì xưa có nhiều chim bồ nông đến làm tổ. Hang chỉ có một ngăn hàm ếch, rộng.

Trần hang có nhiều nhũ đá dài ngắn khác nhau, lơ lửng thõng xuống, càng xuống thấp càng vuốt nhọn như những rễ cây. Toàn hang ánh lên màu tím hoa cà, điểm những đường xám trắng và vàng nhạt uốn quanh tựa vân gỗ. Trong ánh sáng mờ ảo, tĩnh mịch đến kỳ lạ, du khách sẽ nhìn thấy ở đáy hang ba măng đá giống ba vị sư ngồi châu đầu trước một bàn cờ.

Hang Cửa Giữa còn có tên gọi Hang Con Gái (Hang Trinh Nữ). Tương truyền ở vùng Phong Cốc (Yên Hưng), có đôi vợ chồng nghèo làm nghề đánh cá thuê cho ngư chủ, sinh được một cô con gái tên là He. Thấy He đến tuổi dậy thì xinh đẹp, tên chủ gọi bố mẹ He đến, bảo He về làm vợ bé cho hắn. Hắn đe: nếu không nghe hãy trả lại thuyền lưới cho hắn. Thương con, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, bố mẹ He đành đưa con gái đến nhà chủ. Sau nhiều lần dụ dỗ, đánh đập vẫn không làm He xiêu lòng, tên chủ bèn sai bọn tay chân trói He đưa xuống thuyền đày ra đảo Cửa Giữa. He bị cột chặt vào vách đá trước cửa hang. Dù đói khát, nhưng He vẫn cất tiếng hát cho đến khi kiệt sức. Bà con ngư dân chôn cất cô ngay ở cửa hang và lập miếu thờ bên hốc đá. Chỗ vách đá He bị cột, ít lâu sau mọc lên một cột đá giống hình cô gái.

Hang Cửa Giữa có ba ngăn: ngăn ngoài như một gian nhà mái bằng cao, rộng. Đáy ngăn là sàn đá phẳng. Ngăn giữa dài 8m, rộng 5m, cao 4m. Nhiều măng đá với những hình thù lạ, tạo nên bức chạm trổ kỳ công, tinh xảo. Ngăn trong cùng hình chữ nhật dài 60m, rộng 20m. Vẻ đẹp của ngăn này tập trung ở vách hang. Những khối thạch nhũ chồng chất lên nhau tạo nên vô số các chạm trổ sinh động. Ở đây, có một nhóm măng đá màu trắng xanh tựa một tốp các cô gái đang ngồi trò chuyện, mái tóc dài lượn sóng buông lửng sau lưng. Một con đại bàng xòe cánh, cúi đầu dưới chân các cô gái.

Hang Trống có hai cửa rộng thông nhau theo chiều Đông - Tây qua một vách đảo. Cửa hang phía Đông, ở trần mái có chùm thạch nhũ trắng rủ xuống lơ lửng, tựa chùm phong lan. Đứng trong Hang Trống, bỗng nghe đâu đây vang lên tiếng trống đều đặn xa vời. Đó là âm thanh gió lùa vào các lèn đá dội trở lại vách hang.

Cách Hang Trống 2km về phía Tây Bắc là Hang Sửng Sốt trên Đảo Bồ Hòn. Hang có 2 ngăn. Ngăn ngoài vuông vức, vách dựng đứng phẳng lì. Trần và nền hang phẳng, nhẵn như láng xi măng. Toàn hang màu xanh cẩm thạch. Loáng thoáng điểm những vân dọc hồng nhạt. Ngăn trong hình hàm ếch, có 5 khối đá giống hình 5 ông tượng ở 5 tư thế khác nhau. Giữa lòng hang một khối thạch nhũ trắng toát vươn lên uy nghi, mang dáng dấp một vị tướng đời xưa khoác áo hoàng bào, ngồi trên lưng ngựa. Dưới ánh sáng mờ ảo, bàng bạc hơi nước, các măng đá, trụ đá trong hang giống hình người, súc vật dường như sống dậy, đang cử động, khiến cho du khách bàng hoàng sửng sốt.

Hạ Long nổi tiếng về các hang động, song vẻ đẹp Hạ Long còn do những hòn, những đảo, mang dáng hình tuyệt mỹ, như: Đỉnh Hương, Gà Chọi, Yên Ngựa, Hòn Rùa v.v. . .

Hòn Đỉnh Hương còn gọi là hòn Bình Phong. Nó chắn ngang giữa lạch nước. Lúc thủy triều lên nó giống như một tấm bình phong. Khi thủy triều xuống, để lộ bốn chân uốn khúc, nâng khối đá hình chữ nhật trông tựa cái đỉnh hương.

Qua khỏi hòn Đình Hương chừng 1km về phía Đông - Bắc du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy gà chọi khổng lồ đang giương cánh chọi nhau trên mặt nước. Đó là Hòn Gà Chọi.

Đảo Yên Ngựa, hình dáng kỳ vĩ, sinh động, giống con ngựa xám đang lao mình về phía trước, nhưng vó vẫn giẫm trên mặt nước cuộn sóng.

Hòn Đũa, cách Bãi Cháy 15km về phía Đông. Đó là ngọn núi đá cao chừng 40km, tiết diện gần tròn, đứng chơ vơ giữa biển trời rộng lớn. Nếu nhìn hòn Đũa từ hướng Tây Bắc, ta thấy dáng Hòn Đũa tựa ông quan văn đời xưa: mặc áo thụng xanh, đầu đội mũ cánh chuồn, 2 tay chắp trước ngực. Vì vậy hòn Đũa còn có tên Hòn Ông.

Hạ Long còn có một kho báu vô tận về hải sản, động thực vật học rất phong phú. Theo sự tính toán của các nhà hải dương học, biển Hạ Long có trên 1.000 loài cá, trong đó có 730 loài đã định tên.  Hạ Long còn có những loài cá ngon nổi tiếng như: chim, thu, nụ, đé. . . Loài cá có sản lượng cao là thiều, mòi, lầm, trích. Hạ Long cũng là vùng biển có nhiều loại tôm. Trong đó loại tôm có sản lượng cao, dinh dưỡng lớn là tôm he. Mực Hạ Long cũng là loài hải sản có tiếng như mực ống, mực lang,  mực cơm . . .

Hạ Long còn là quê hương của hải sâm, bào ngư. Một loài hải sản xưa kia chỉ có Vua quan mới được thưởng thức. Sò huyết cũng là loài đặc sản có giá trị lớn của Hạ Long. Vùng biển có nhiều sò huyết là Vạn Hoa, Ba Mùn, Hoàng Tân . . .

Ngọc trai, một mặt hàng xuất khẩu, được khách hàng Quốc tế ưa chuộng. Ngọc trai nuôi ở ven các đảo Cô Tô, Thanh Lân.

Hạ Long giàu đẹp, nên thơ, khiến cho lòng người say đắm, Hạ Long còn là nơi vang vọng những chiến tích của tổ tiên thuở trước và của con cháu hôm nay.

Truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa trong một lần nước ta bị ngoại xâm, trời sai Rồng mẹ mang theo một đàn Rồng con xuống giúp dân ta đánh giặc. Thuyền địch từ biển ào ạt tấn công vào bờ. Đàn Rồng lập tức phun ra vô số châu ngọc. Những châu ngọc ấy biến thành muôn nghìn đảo đá. Chỗ kết lại như tường thành, chỗ dàn ra như một trận địa ngăn bước tiến quân thù, tạo thuận lợi cho quân dân ta chiến thắng. Sau khi thắng giặc, Rồng mẹ, Rồng con không về Thiên đình mà ở lại trần gian. Nơi Rồng mẹ xuống nước là Hạ Long, chỗ Rồng con xuống nước là Bái Tử Long. Đuôi của đàn rồng quẫy lên trắng xóa, ấy là Bạch Long Vĩ,…

Tuyến đảo Vịnh Hạ Long dài 50km, gồm nhiều ngọn núi cao từ 150 đến 200m, rải rác có ngọn cao ba, bốn trăm mét. Những rặng núi hình móng ngựa và các đảo rất hẹp, dài chia cắt vịnh thành nhiều vùng kín đáo. Đáy vịnh khá sâu vừa là những hải cảng thiên nhiên thuận lợi, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền ẩn náu khi mưa bão, vừa là những vị trí quan trọng, thích hợp cho hải quân lúc phòng thủ cũng như tấn công. Tuyến đảo Hạ Long là bức bình phong vững chắc bao bọc phía Đông và Nam, tạo nên lá chắn kiên cố. Trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta, đây là nơi các triều đại Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo nối tiếp nhau lập chiến công hiển hách.

Hạ Long còn là vùng di chỉ văn hóa cổ của dân tộc. Cách đây hàng vạn năm, trên vùng biển Hạ Long xinh đẹp đã có con người cư trú. Nơi đây đã tìm thấy dấu vết con người thời đại đồ đá cũ. Đó là bộ sưu tập các rìu đá, đục đá có vết ghè đẽo. . . Nhưng giai đoạn phát triển huy hoàng nhất của người nguyên thủy Hạ Long là thời đại đồ đá mới. Số lượng di chỉ cư trú của con người thời đá mới Hạ Long tìm được nhiều hơn bất kỳ thời đại nào trước đó và phân bố rộng khắp trên mặt vịnh. Trong vùng cư trú của mình, người nguyên thủy Hạ Long đã chế tác ra một khối lượng lớn các công cụ đồ đá với nhiều loại hình phong phú: rìu, bào, đục, mũi nhọn, lười câu, chày nghiền, bàn mài. . .

Về mặt nghệ thuật, người nguyên thủy Hạ Long sẵn có ý thức trang trí, trang sức. Đồ trang sức của họ gồm nhiều chất liệu, hình loại: dũa, cưa, đục, mài khéo léo, tinh vi. Đồ gốm được chế tác trên bàn xoay, hình thù hài hòa, xinh xắn. Họa tiết trang trí trên các đồ đựng phổ biến là hình sóng nước.

Thiên nhiên Hạ Long đẹp vì sự hiện diện của những đảo đá, biển trời, hang động, nó còn đẹp hơn bởi sự thiên biến vạn hóa trong sự tưởng tượng của con người tùy theo thời gian, không gian và thời tiết, khiến du khách vừa cảm thấy gần gũi thân quen, lại vừa xa lạ đến ngỡ ngàng. Hạ Long có nhiều vùng, vịnh, chỗ phình ra, chỗ thắt lại. . . những ngõ ngách khúc khuỷu đột nhiên hiện ra trước mắt ta rồi đột nhiên khép lại. Đang ngỡ ngàng trước cảnh vật này, thì trước mắt ta bỗng hiện lên một cảnh vật khác với hình dáng, màu sắc khác nhau. Có khi thuyền đang lướt tới bỗng đụng phải một dãy đảo sừng sững trước mặt chắn ngang lạch nước như bị chặn lại; nhưng đến gần, dãy đảo như né mình mở ra những lối ngoặt. Thuyền lại lướt lên. Cảnh tượng đó khác nào trò chơi ú tim giữa con người và thiên nhiên, tạo lên những cảm xúc kỳ thú, mãnh liệt đối với du khách. Vì thế, ai đã một lần thăm Hạ Long khó lòng tránh khỏi nỗi nhớ nguôi ngoai.

MẠNH THƯỜNG

Tháng 12 – 2000, Hạ Long lần thứ hai được

UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới

về địa chất, địa mạo




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/170-02-633386705883750000/95-Di-san-tieu-bieu/Non-nuoc-Ha-Long.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận