CỐ ĐÔ HUẾ - MỘT DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI
Ngược dòng lịch sử
Từ xa xưa, Huế đã là thủ phủ của xứ Đàng Trong; xứ Đàng Trong bắt đầu từ lộ Thuận Hóa, được thiết lập dưới Vương triều Trần (1366). Lộ Thuận Hóa vốn là đất Châu Ô, Châu Lý của Vương quốc Chăm Pa xưa kia. Nhưng Châu Ô, Châu Lý lại là đất thuộc bộ Việt Thường của đất Văn Lang thuở trước.
Huế ở trong vùng đất hẹp, ít được thiên nhiên ưu đãi. Nắng mưa khắc nghiệt, chiến tranh liên miên. Trong quá trình hình thành, ngoài cư dân bản địa xứ Huế còn có cư dân tiền trú từ Bắc vào, từ Nam ra và từ dân miền biển lên và cả từ trên non cao xuống.
Huế là nơi tiếp giáp giữa hai vùng khí hậu Nam - Bắc. Trong các khu vườn của xứ Huế đều có hoa trái của hai miền Nam - Bắc. Ca nhạc Huế có chất cội nguồn phía Bắc, lại có sắc thái Chàm phương Nam. Cho nên có cái gì xa xưa của Huế còn lại là sự tích hợp, tiếp thu kế thừa và phát triển của cả hai miền.
Từ Thế kỷ XVI, do sự biến động lịch sử của dân tộc; nhiều cộng đồng người Việt, người Chăm và các dân tộc anh em khác đã diễn ra một làn sóng di dân triền miên, mà tiêu biểu là cuộc ''Nam tiến'' lớn nhất do chúa Nguyễn Hoàng vào lập trấn thủ trên đất Thuận Hóa; từ đất Ái Tử, Quảng Trị trở vào từ năm 1558.
Năm 1774, thừa cơ họ Nguyễn khó khăn, đang đối phó với nghĩa quân Tây Sơn, quân Trịnh tràn qua Sông Gianh vào chiếm Phú Xuân.
Năm 1786, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy, đánh chiếm Phú Xuân. Năm 1788, để chuẩn bị Bắc tiến đuổi quân xâm lược ra khỏi Kinh thành Thăng Long. Nguyễn Huệ lên ngôi Vua, đặt niên hiệu là Quang Trung, lấy Phú Xuân, thủ phủ xứ Đàng Trong làm Thủ đô của đất nước.
Năm 1802, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh (hậu duệ chúa Nguyễn) thành lập Vương triều Nguyễn lấy niên hiệu Gia Long. Các công trình kiến trúc, những di sản của Huế còn lại ngày nay được ủy ban UNESCO công nhận là một trong những di sản văn hóa Thế giới đều được các vị Vua triều Nguyễn kế tiếp nhau xây dựng những năm sau đó.
Sơ lược kiến trúc kinh thành Huế
Kinh thành Huế, nghiêng mình soi bóng bên bờ Bắc Sông Hương, vốn xưa kia là thủ phủ Phú Xuân được mở rộng trên dải đất của 8 làng thuộc hai tổng An Văn và Phú Xuân thuộc Huyện Hương Trà. Kinh thành Huế được bao bọc bởi ba vòng thành cùng chung một trục hướng lấy Núi Ngự Bình bên bờ Nam làm tiền án, lấy Cồn Hến làm tả Thanh Long, Cồn Dã Viên làm hữu Bạch Hổ. Diện tích toàn Kinh thành là 520 ha.
Thành ngoài cùng gọi là Kinh thành hay Phòng thành, dạng hình vuông, chu vi là 9.950m. Để phù hợp với việc phòng thủ, các cạnh đều được xây dựng theo hình ''dích dắc'' theo kiểu Thành Vauban, một kiểu thành phòng ngự hiện đại của Châu Âu thời bấy giờ. Lối kiến trúc này và trên bốn mặt thành có bố trí 24 pháo đài và đường di chuyển binh lính lúc lâm trận, trợ giúp đắc lực cho người lính có thể kiểm soát và yểm trợ cho nhau lúc bị tấn công. Thành cao 6,60m, mặt trên rộng 6m, dưới chân rộng 21 m. Có tiết diện hình thang vuông. Mặt ngoài thẳng đứng mặt trong thoai thoải. Cốt thành đắp đất nện chặt. Hai lớp áo ngoài xây gạch vồ dày 1,50m. Ngoài thành có hào sâu, rộng gọi là Hộ thành hà. Hộ thành hà được thông với Sông Hương tạo nên một mạng lưới giao thông thuận tiện. Bốn phía thành có 11 cửa ra vào.
* Phía Nam (mặt tiền) có 4 cửa:
- Cửa Đông Nam môn (thượng tứ).
- Thể Nhơn môn (cửa Ngăn)
- Quảng Đức môn (cửa Sập)
- Chính Nam môn (cửa Nhà Đồ)
* Phía Bắc (mặt sau) có 2 cửa:
- Chính Bắc môn (cửa Hậu)
- Tây Bắc môn (cửa An Hòa)
* Phía Đông (bên trái) có 3 cửa:
- Chánh Đông môn (cửa Đông Ba)
- Đông Bắc môn (cửa Kẻ Trài)
- Trấn Bình môn (cửa Mang Cá)
* Phía Tây (bên phải) có 2 cửa:
- Chánh Tây môn (cửa Chánh Tây)
- Tây Nam môn (cửa Hữu)
Trên mặt thành, ngoài 24 pháo đài; quanh thành còn bố trí 400 pháo nhãn để phòng ngự lúc lâm chiến.
Cấu trúc đặc biệt của các cổng kinh thành là xây tầng cao, tiện quan sát không gian bên ngoài. Để đảm bảo độ bền chắc, người ta cho xây dựng gạch theo kiểu múi cam, tạo lên những vòm cuốn cao, rộng, vững chãi mà bớt cảm giác nặng nề.
Trong Kinh thành có hàng trăm công trình của triều đình như: Lục Bộ, Tôn Nhơn, Xã Tắc. . .
Thành giữa gọi là Hoàng Thành, xây gạch cao 4 mét, dày 1 mét, có hào sâu bao bọc phía ngoài. Người ta đã xây 10 cầu để vượt qua hào này đi vào thành. Hoàng Thành có hình gần vuông mỗi cạnh khoảng 600m. Có 4 cửa.
- Ngọ Môn (mặt trước) cửa Nam
- Hoà Bình (mặt sau) cửa Bắc
- Hiển Nhơn (bên trái) cửa Đông
- Chương Đức (bên phải) cửa Tây.
Mặt bằng Hoàng Thành chia thành từng khu vực riêng gần ứng với 9 ô của Cửu Trù, Hà Đồ trong Kinh Dịch:
- Ô chính diện từ Ngọ Môn qua sân chầu đến Điện Thái Hòa, nơi cử hành đại lễ.
- Ô số 2 bên phải khu miếu thờ các Vua Nguyễn có Hiển Lâm Các, Thế Miếu, Hưng Miếu . . .
- Ô số 3 bên trái khu điện thờ các chúa Nguyễn có: Thái Miếu, Triệu Miếu . . .
- Ô số 4 giữa bên trái là khu nội phủ vườn Cơ hạ.
- Ô số 5 giữa bên phải, khu Điện Phụng Tiên, cung Diên Thọ, Cung Trường Sinh, Trường Du tạ. . . dành cho nữ giới và là nơi của Hoàng Thái hậu và Thái Hoàng Thái hậu.
- Các ô 6,7,8 từ trái qua phải ở phía sau là Hồ Bắc Đẩu, còn gọi là Hồ Hòa Bình.
- Ô số 9 nằm vị trí trung tâm của Tử Cấm Thành. Tử Cấm Thành (thành trong cung) có hình gần vuông mỗi cạnh dài chừng 300m, xây gạch cao 3,70m, dày 0,80m có 10 cửa mở ra 4 phía:
- Trước có Đại Cung môn (sau Điện Thái Hòa)
- Sau có Tường Loan môn, Nghi Phụng môn, Văn Phòng môn.
Bên phải có Gia Tường môn, Tây An môn.
- Bên trái có Đông An môn, Cẩm Uyển môn, Hưng Khánh môn và Duyệt Nghi môn.
Các cổng đó bị phá hầu hết trong chiến tranh. Về kiến trúc của các cổng này thường chia làm 3 lối ra vào, lối giữa cao rộng hơn (kiểu kiến trúc tam quan miền Bắc). Cổng được xây cao hơn thành, phía trên tạo lên nhiều lớp xếp nhau có mái giả uốn cong ra ngoài, phía trong cổng chia nhiều ô trang trí đẹp. Các lớp này càng lên càng nhỏ dần, tạo nên cảm giác của mái tháp tầng tầng lớp lớp (phong cách tháp Chàm phương Nam).
Tử Cấm Thành, trung tâm cẩn mật của Kinh đô, nơi ăn ở, sinh hoạt làm việc của nhà Vua. Nơi có nhiều cung điện nguy nga diễm lệ như: Điện Cần Chánh, Điện Càn Thành, Khôn Thái, Điện Kiến Trung. Ngoài phi tần, mỹ nữ và Thái giám ra không một ai được phép vào khu vực này.
Những công trình kiến trúc quan trọng còn lại của Huế hôm nay
Quần thể kiến trúc Huế nói chung, Kinh thành Huế nói riêng, còn lại không nhiều.
Chỉ riêng Hoàng Thành thuở xưa đã có 147 công trình lớn nhỏ. Trong Tử Cấm Thành có 40 công trình kiến trúc, nhưng do chiến tranh, thiên tai khắc nghiệt và sự phá hoại vô thức của con người đã làm cho di sản Huế nghèo kiệt. Trong hàng chục lăng tẩm, đền chùa, cung điện... đã có những di tích bị phá hủy hoàn toàn như Điện Cần Chánh, Cần Thành, Kiến Trung... Lăng Gia Long. Một số hư hỏng khá nặng như Lăng Tự Đức, Minh Mạng. . . Ngọ Môn, Điện Thái Hòa...
Với ý thức bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, ngay khi nước nhà thống nhất, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương bảo vệ, phục hồi các di lích Huế. Với sự giúp đỡ của ủy ban UNESCO, một số công trình kiến trúc đã được phục hồi tu bổ trong đó đáng chú ý:
Ngọ Môn: cửa chính của Hoàng Thành, xây năm 1833 dưới thời Minh Mạng. Ngọ Môn dài 57,95m cao 14,80m, gồm 2 phần chính:
- Phần dưới: nền lát bằng đá ghép, có 5 lối ra vào. Kiến trúc theo kiểu “Thượng thu hạ thách'' với độ dốc gần như thẳng đứng tạo một thế đứng hơi choãi chân bền vững mà vẫn có cảm giác sừng sững thành vại của những dãy nhà kín cổng cao tường. Cùng với gạch nung già đỏ au còn có những tảng đá xanh vuông vắn được lắp ghép thành những đường diềm chạy viền quanh cổng và diềm chân càng làm tăng vẻ đẹp cho công trình.
- Phần trên: Lầu Ngũ Phụng, 2 tầng, bằng gỗ sơn son thếp vàng, có 100 cột lớn nhỏ. Kiến trúc theo lối liên kết chín bộ mái riêng biệt, to nhỏ, cao thấp khác nhau đặt trên một nền đài bằng đá hình chữ U đồ sộ, tạo nên vẻ nhấp nhô của các hình khối trong không gian như hình chim phụng xòe cánh đang bay. Vì vậy nhân dân quen gọi Lầu Ngũ Phụng.
Điều đặc biệt, từ xa nhìn lên nóc Ngọ Môn với những đầu đao uốn cong, uyển chuyển, ta có cảm giác như đây là những con thuyền san sát ra khơi.
Về cấu trúc Lầu Ngũ Phụng các kiến trúc sư có sự tính toán kỹ cho công trình tối ưu về mặt công năng và rất đẹp. Trước hết, đó là sự bỏ trống các liếp che quanh lầu (trừ phía lưng) và làm mái hiên ngắn cao hẳn lên, tạo cho công trình thoáng đãng và tầm nhìn từ trên lầu xuống được mở rộng cả trục tung lẫn trục hoành.
Về trang trí dùng ngói ống tráng men xanh có in hình hoa văn ở diềm mái. Những hình trang trí như dơi ngậm tiền, bướm và rồng cách điệu được ghép bằng những mảnh sành sứ màu. Trong khi lắp ghép các nghệ nhân hết sức mài dũa, chọn lọc màu sắc sao cho vừa khớp, lại vừa hòa nhập vào toàn bộ khung cảnh. Nhờ vậy những trang trí này nổi lên rất đẹp.
Ngọ Môn, một kiệt tác nghệ thuật kiến trúc xứng đáng là biểu tượng của Kinh đô Huế, được người đời ngợi ca qua bài thơ khắc trên Lầu Ngũ Phụng:
Công tương gia ngôn lặc,
Côn cương danh cửu tri
Âm tiêu dương trưởng hậu
Thiên đại thái lai thì.
Bài thơ nói đến công người thợ như lời nói khắc vào đá lưu lại tiếng đẹp như Núi Côn Cương. Khi khí âm suy, khí dương thịnh, ấy là lúc đạo trời mở đường lớn đưa lại thái bình.
Điện Thái hòa: xây Tháng 2 - 1805, gồm hai ngôi nhà lớn ghép lại theo kiểu "Trùng thiềm điệp ốc”. Với hai tầng mái trước của tiền doanh làm thành ba lớp, gây nên ấn tượng trùng điệp thể “tam tài”, để cho 9 con rồng uy nghi trên nóc điện bay vút lên giữa nền trời bao la ẩn hiện trong những áng mây xanh, mây vàng của mái ngói xanh lưu ly, hoàng lưu ly, tạo thành sức mạnh đầy quyền uy của triều đình.
Là tòa nhà chính nơi cử hành các nghi lễ lớn của triều chính và thể hiện uy quyền quốc gia; Điện Thái Hòa được xây trên một nền cao 1m, diện tích 1.200m2 nguy nga bề thế, trông ra sân chầu rộng.
Nét đặc sắc của nghệ thuật kiến trúc Điện Thái Hòa là sự ghép nối giữa hai ngôi nhà dường như để tạo nên không gian nội thất lớn, nhưng không gây ấn tượng lạc lõng, mà đồng nhất, phong quang. Cấu trúc này là sự ghép sát 2 công trình riêng, chứ không phải là bộ khung thống nhất. Ở đây, các nhà xây dựng ứng dụng kiểu trần vòm mai cua; ở dưới máng nước nối của hai mái nhà này, thuật ngữ kiến trúc gọi “máng thừa lưu”. Chính trần mai cua này nối với trần nửa trong công trình tạo ra được một không gian nội thất liên tục, thống nhất rộng rãi, không còn cảm giác hai tòa nhà ghép nối lại nữa. Việc ứng dụng làm trần dưới máng thừa lưu là một sáng tạo của những người xây dựng Điện Thái Hòa, nó chẳng những che kín được sự lõm xuống của không gian nơi nối hai mái mà độ cong vòm cuốn của nó tạo nên nhịp điệu cho không gian nội thất các kiến trúc. Nhờ có mảng trần vòm cuốn mai cua này mà người xem đỡ hẫng khi đi từ không gian nửa trong điện là nhà có trần và không gian nửa ngoài điện là nhà không trần và ngược lại. Lối kiến trúc đó là một dụng ý trí tuệ của những nhà thiết kế vì nửa ngoài là nơi mọi người đến hành lễ, nên cần có không gian cao rộng, thoáng, sáng sủa. Người ta không làm trần là để tận dụng hết chiều cao của kiến trúc, là nơi cần có nhiều diện tích để thực hiện các hình trang trí đẹp theo ý đồ của người nghệ sĩ. Ngược lại nửa trong điện là nơi Vua ngồi, để quần thần bái vọng chiêm ngưỡng, cần kín đáo, thâm nghiêm, nên cần che trần làm hạn chế không gian góp phần đem lại hiệu quả tôn nghiêm, uy quyền.
Đã gần hai Thế kỷ trôi qua, nhưng Điện Thái Hòa vẫn còn đó. Nơi này đã ghi lại dấu ấn của 197 bài thơ dạt dào tâm hồn các thi nhân đầu thế kỷ XIX, nói lên niềm khao khát của người dân Việt là hòa bình, kiến quốc và lòng tự hào đất nước văn hiến ngàn xưa.
Khu Thế Miếu: nơi thờ các Vua Nguyễn, còn lại khá nguyên vẹn. Đáng chú ý có 9 đỉnh đồng cực lớn còn gọi là Cửu đỉnh được đúc vào cuối năm 1835, dưới thời Hoàng đế Minh Mạng và sau một năm lao động sáng tạo, đầu năm 1837 thì hoàn thành. Đây là một tác phẩm nghệ thuật đúc đồng hoàn mỹ, độc đáo có một không hai ở Việt Nam. Trên mỗi đỉnh đồng đều có chạm nổi 18 hình sông, núi, biển, trời, cỏ cây cầm thú, trăng sao, mưa gió và phong cảnh của mọi miền đất nước, tượng trưng cho sự bền vững, thịnh vượng của Tổ quốc Việt Nam.
Cửu đỉnh đứng cạnh Hiển Lâm Các, ngôi nhà 3 tầng duy nhất của Kinh đô Huế, mang biểu tượng tam tài: Thiên, Địa, Nhân, như là một sự bố cáo trước Trời, Đất và Người về công mở mang bờ cõi và đại định của triều đình.
Cũng như các kiến trúc thời Lý - Trần (Thế kỷ XI - XIV), tính đối xứng trong bố cục mặt bằng của kiến trúc thường quy về một điểm trung tâm. Trong một quần thể kiến trúc, người xây dựng thường dựa vào một kiến trúc chính lấy đó làm tâm điểm như một nhân tố quy chiếu tất cả kiến trúc lại thành một khối, từng cặp một đối xứng nhau qua tâm điểm đó. Lối bố cục đó mang nhiều yếu tố cộng đồng: tất cả đều quây quần nhau quanh một cái chung bình đẳng và nhất quán. Và lối kiến trúc này tạo cho môi trường kiến trúc một không gian trang nghiêm, trật tự, chỉn chu. Trên dưới, phải trái, trước sau, chính phụ. . . đều có quy định và được phân biệt một cách rành mạch. Kiến trúc Kinh thành Huế cũng áp dụng lối bố cục mặt bằng đăng đối này.
Nhìn chung các cung điện Huế tuy có lớn, nhưng hầu như chỉ mới phát triển theo mặt bằng không gian hai chiều, còn chiều cao chưa được chú ý. Cả Hoàng Thành với hàng trăm công trình mà chỉ có một Hiển Lâm Các, một Ngọ Môn với ba tầng lầu (cao 15m) là cao nhất. Đó phải chăng là thói quen truyền thống của việc sử dụng chất liệu gỗ, hay những quy định nghiêm ngặt nào đó đã trở thành một nếp hằn cố hữu dẫn đến sự bảo thủ! Phải chăng kỹ thuật xây dựng thời bấy giờ chưa cho phép các nhà thiết kế xây dựng những công trình kiến trúc cao tầng?
Kinh đô Huế dịu dàng, kín đáo, thầm lặng nên thơ như dòng nước Hương Giang trôi êm ả, như tán phượng vĩ lao xao trong thành nội, như đồi thông u tịch buổi chiều hôm xứ Huế. Đi thăm Kinh thành Huế du khách sẽ thấy lòng mình thanh thản, tự hào và dễ bị chìm đắm trong sự quyến rũ bởi các công trình kiến trúc tráng lệ và khiêm nhường, e ấp hòa quyện trong cảnh mây, nước, cỏ hoa, đất trời tạo nên những cảm xúc tuyệt mỹ cho thơ ca và họa, nhạc.
MẠNH THƯỜNG