AMPERE VÀ ĐƠN VỊ ĐO CƯỜNG ĐỘ DÒNG ĐIỆN
Mọi người đều biết ''Ampe” là đơn vị đo cường độ dòng điện, nhưng chưa chắc đã biết việc Ampere chính nhờ tự học mà trở thành nhà vật lý.
Ampere (1775 - 1836) sinh tại thành phố Lon nước Pháp, chưa hề qua các bậc học chính qui. Từ nhỏ Ampere nhờ thầy dạy tại nhà, cha ông cũng cung cấp cho ông nhiều sách chỉ cho con đường tự học, nên ông học rộng, đọc nhiều, tiếp thu được nhiều kiến thức.
12 tuổi ông đã học phép tính vi tích phân, 14 tuổi đã đọc hết 20 tập “bách khoa toàn thư” do Diderot và d’Alembert chủ biên. Nhờ đó mà ông có được một tri thức rộng và rất ham thích khoa học tự nhiên. 24 tuổi ông là giáo viên vật lý tại trường Bigo. Năm 34 tuổi là giáo viên trường kĩ nghệ Paris. Năm 39 tuổi ông được bầu là viện sĩ viện Hàn lâm khoa học Pháp.
Ampere đã nghiên cứu tác dụng điện từ của dòng điện và có nhiều cống hiến to lớn. Năm 1820 Ampere được tin Oersted đã phát hiện hiệu ứng từ của dòng điện, ông liền làm rất nhiều thí nghiệm từ đó tổng kết qui luật tác dụng tương hỗ giữa điện và từ, nêu bật mối quan hệ giữa điện và từ. Cũng chính vào năm 1820 Ampere tổng kết và rút ra qui tắc xác định hướng của từ trường so với chiều dòng điện chạy trong mạch dây dẫn. Đó chính là qui tắc Ampe. Năm là 1822 ông phát hiện hiệu ứng từ của dòng điện chạy trong cuộn dây xoắn, lần đầu tiên chỉ ra nguồn gốc về mối quan hệ chặt chẽ giữa điện và từ, và đó cũng chính là căn cứ của lý luận về tính chất từ của vật chất. Năm 1826 Ampe đã chỉ ra mối quan hệ định lượng về tương tác giữa điện và từ và đưa ra định luật Ampe.
Sở dĩ Ampere trở thành một nhà khoa học có công tích hiển hách đối với vật lý học cận đại nhờ, sự học tập cần mẫn, đọc sách nhiều từ thủa bé. Ngoài việc biết bám sát thực tiễn, ông còn luôn luôn thận trọng từng li từng tí, luôn gắn mình với công việc. Ông thường hết sức tập trung tinh thần vào vấn đề đang suy nghĩ mà quên hết mọi sự việc xảy ra xung quanh mình. Có một buổi chiều ông đang đi dạo trên đường bỗng trong óc nảy ra một bài toán, vừa hay phía trước có một tấm bảng đen, ông tiện tay cầm lấy phấn bắt đầu giải toán, tính tới tính lui, tấm bảng đen bỗng nhiên di động và càng ngày chuyển động càng nhanh, ông không thể nào đuổi kịp. Bấy giờ ông mới thấy khách đi đường chung quanh cười rộ. Nguyên do tấm bảng đen chính là vách phía sau của một chiếc xe ngựa.