Tài liệu: Australia - Liên bang Úc

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Trung tâm của lịch sử Úc trong thế kỷ 20 là sự phát triển của cả chính quyền quốc gia lẫn nền văn hóa quốc gia.
Australia - Liên bang Úc

Nội dung

Liên bang Úc

Trung tâm của lịch sử Úc trong thế kỷ 20 là sự phát triển của cả chính quyền quốc gia lẫn nền văn hóa quốc gia. Các chính quyền liên bang, được lãnh đạo bởi những người đứng ra xây dựng liên hang như Alfred Deakin, đã nhanh chóng lập ra một biểu thuế cho hàng nhập khẩu để xúc tiến cho sự phát triển nội địa, thiết kế các thủ tục để lập ra mức lương tối thiểu cho các ngành công nghiệp, và duy trì chính sách nhập cư cho người da trắng. Tuy nhiên, người dân Úc có khuynh hướng duy trì những bản sắc riêng của từng thuộc địa trước kia, và các đảng phái chính trị ở cấp quốc gia không được quan tâm mấy.

            BẢN SẮC HÌNH THÀNH TỪ CHIẾN TRANH

Chính Thế chiến thứ 1, hơn là bản thân liên bang, bắt đầu chuyển hóa nước Úc từ 6 thuộc địa 1iên bang trước kia thành một bang thống nhất với bản sắc mới của nó. Đáp ứng lời kêu gọi của Đồng minh, Úc đã gởi đi 330.000 quân tình nguyện, những người đã tham gia vào một số trận chiến đẫm máu. Có hơn 60.000 người đã thiệt mạng và 165.000 người bị thương. Mức độ thương vong này cao hơn so với hầu hết các nước tham chiến khác, và nước Úc ngày càng ý thức nhiều hơn về sự đóng góp vào chiến tranh của họ.

Năm 1915 William Morris Hughes, thường được gọi là Billy, trở thành thủ tướng và là người lãnh đạo của đảng Lao động. Đại diện cho Úc ở các hội đồng tại Luân Đôn, Hughes đã thể hiện các hoạt động tích cực của Úc. Ông đã tham dự Hội nghị Hòa bình Paris năm 1919, lấy được New Guinea thuộc Đức như một lãnh thổ ủy trị và thiết lập quyền hạn để Úc gia nhập Hội Quốc liên. Những nhân vật quyền lực được bổ nhiệm vào chính quyền liên bang đã tỏ ra đủ mạnh để duy trì một chính quyền trung ương vững mạnh, Về mặt kinh tế, Thế chiến thứ I đã làm lợi cho nước Úc, và đặc biệt là các ngành công nghiệp vải sợi, ô tô và sắt thép. Những sản phẩm của Úc như len, lúa mì, thịt bò và thịt cừu đã có được một thị trường lớn ở Anh Quốc với giá cả tăng vọt.

            NHỮNG NĂM GIỮA HAI THẾ CHIẾN

Một sự giật lùi trong nội bộ đảng Dân tộc, do Hughes thành lập, đã buộc ông ta về hưu năm 1923. Stanley Melbourne Bruce, lãnh đạo của cánh bảo thủ, trở thành thủ tướng. Đảng Quốc gia, được thành lập năm 1919 như là một phong trào yêu nước và bảo thủ nhằm bảo vệ quyền lợi của nông dân, đã liên minh với đảng Dân tộc, mặc dù nó vẫn giữ những bản sắc riêng của mình. Đối thủ chính của liên minh này là đảng Lao động. Để duy trì được mức sản xuất trong thời chiến, chính phủ phải xây đựng các ngành công nghiệp cơ bản, nhưng cuộc suy thoái vào thập kỷ 1930 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của Úc, làm gia tăng mức nợ cá nhân và nợ nhà nước trong thời gian thất nghiệp đại trà.

Việc phục hồi kinh tế, do James H. Scullin và đảng Lao động lãnh đạo vào thời gian từ 1929 đến 1931, đã được tiến hành một cách không đồng nhất. Những chính sách giải lạm phát đã góp phần tăng thêm những tác động kinh tế, mà những tác động này lại ở mức độ gay go hơn nhiều so với những nơi khác trên thế giới. Sự không nhất trí về chính sách đã dẫn tới việc chia rẽ trong đảng Lao động. Chính quyền lâm vào tình trạng tan rã vào năm 1931, và trong khoảng còn lại của thập niên 1930 đảng Thống nhất Úc, được hình thành từ những thành viên cũ của hai đảng Dân tộc và Lao động, đã nắm quyền chủ lực, dưới sự lãnh đạo của Joseph A. Lyons.

Trong cả các hoạt động quốc hội cũng như đối ngoại, Úc đã chịu sự hướng dẫn cả về mặt văn hóa lẫn mặt chính thị của Anh Quốc. Từ đó, Úc vẫn theo sự lãnh đạo của Anh trong việc giải quyết các vấn đề suy thoái của mình. Một trong những sự kiện chính là gia tăng mậu dịch giữa Anh Quốc và các lãnh địa. Tuy nhiên đến thập kỷ 1920, Nhật và Mỹ nằm trong số những khách hàng tốt nhất của Úc về mặt hàng len. Úc đã phải tái thiết lập quan hệ mậu dịch với Anh để đổi lấy các mối quan hệ với Nhật Bản. Trong Hội Quốc liên và trong Khối Thịnh vượng chung, các chính quyền của Úc phải áp dụng chính sách nhân nhượng để ngăn ngừa chiến tranh với các thế lực Phát xít.

            THẾ CHIẾN THỨ II

Khi chiến tranh trở lại châu Âu vào năm 1939, Úc đã gởi đi lực lượng quân đội của mình để hỗ trợ cho Anh Quốc. Sau khi chiến tranh Thái Bình Dương giữa Nhật Bản và Mỹ nổ ra vào năm 1941 và Anh Quốc không thể hỗ trợ đầy đủ cho việc quốc phòng của Úc, chính quyền mới của đảng Lao động do John Joseph Curtin lãnh đạo đã tìm sự liên minh với Mỹ. Mãi cho đến khi giải phóng Phillippines, tướng Mỹ Douglas Macarthur đã sử dụng Úc như một căn cứ hoạt động của Mỹ.

Mặc dù số thương vong ít hơn Thế chiến thứ I, Úc đã bị ảnh hưởng tâm lý do nỗi sợ hãi bị người Nhật xâm lược. Một lần nữa nền công nghiệp của Úc lại được chuyển hóa theo nhu cầu chiến tranh. Nền kinh tế này hướng vào sản xuất, và các ngành công nghiệp nặng bao quanh những thành phố thủ phủ. Việc phát triển sau chiến tranh dựa trên những nền tảng đã được thiết lập trong thời chiến. Curtin mất năm 1945. Chính quyền mới của đảng Lao động dưới quyền điều khiển của Joseph Benedict Chifley đã củng cố thêm mối quan hệ giữa Úc với Mỹ. Là một ủy viên sáng lập của Liên Hiệp Quốc, Úc cũng đồng ý giải trừ chế độ thực dân ở những hòn đảo vùng Thái Bình Dương, kể cả việc chuẩn bị nền độc lập cho Papua Neo Guinea.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2282-02-633501623399687500/Lich-su/Lien-bang-Uc.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận