Tài liệu: Bệnh do điều kiện môi trường gây ra

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Môi trường ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người. Nơi ta ở, chỗ ta làm việc, cộng đồng ta sống chung, đều ít nhiều tác động đến sức khỏe
Bệnh do điều kiện môi trường gây ra

Nội dung

Bệnh do điều kiện môi trường gây ra

Môi trường ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người. Nơi ta ở, chỗ ta làm việc, cộng đồng ta sống chung, đều ít nhiều tác động đến sức khỏe. Các chất độc hại trong môi trường bao gồm các chất hóa học cũng như các tia vật lý (nguồn phóng xạ nhân tạo hay thiên nhiên, điện trường, huỷ hoại tầng ozon và các tia tử ngoại...). Nói rộng ra, phải kể đến cả khói (thuốc lá...), rượu, yếu tố dinh dưỡng và vi khuẩn gây bệnh. Các chất độc hại có thể có trong không khí (ô nhiễm không khí) hoặc trong đất, nguồn nước (ô nhiễm nguồn nước, thức ăn v.v...) do chất thải độc hại.

Ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt

Chất độc hại do chất thải bao gồm các chất độc hóa học, phóng xạ, chất thải sinh học hoặc gây nhiễm. Đối với nhiều cộng đồng, chất thải độc hại đã trở thành một mối quan tâm đặc biệt rất lớn. Bãi rác thải có thể chứa đến 30.000 hóa chất thường dùng trên thị trường. Nhưng cơ quan bảo vệ môi trường chỉ xem chưa tới 200 chất độc hại đặc biệt cần quan tâm. Các chất này thường ở trong tình trạng hỗn hợp, tác động qua lại với nhau, lúc làm tăng, lúc làm giảm độc tính, khó có thể đoán trước được. Hơi độc hoặc bụi trực tiếp bốc từ chất thải hoặc lò đốt rác đã ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân làm vệ sinh hoặc người dân sống quanh nơi đó. Nhưng mối lo lắng nhất đối với cộng đồng là ô nhiễm nguồn nước do các hợp chất hữu cơ bay hơi trong nguồn nước. Một số nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa ô nhiễm nặng hợp chất hữu cơ bay hơi trong nguồn nước uống với bệnh ung thư. Một số hợp chất hữu cơ bay hơi được phát hiện phổ biến nhất gồm có chì cloroethylen, toluen, benzen, cloroform, Cetracloroethylen, 1.1.1.tricloroethan, ethylbenzen, trans- 1,2-dicloroethan, xylen, dicloro me than, vinyl clorid và nồng độ cao có liên quan đến ung thư. Hiện nay người ta còn chưa biết nồng độ thấp đến mức độ nào một chất gây ung thư có thể gây nguy hiểm cho người (ngưỡng gây bệnh của chất). Do vậy, một khi phát hiện được một chất có khả năng gây ung thư, người ta tìm cách điều tiết đến một nồng độ được coi là có thể chấp nhận được mức độ nguy cơ. Tuy còn nhiều điểm chưa thực sự rõ ràng trong phân loại đánh giá các chất gây ung thư ô nhiễm nước. Song tuy vậy, các hợp chất hữu cơ bay hơi vẫn là mối quan tâm hàng đầu của xã hội.

Ô nhiễm không khí

Không khí có thể bị ô nhiễm do nhiều chất thải chủ yếu từ đất cháy nhiên liệu (than đá, củi, xăng dầu...) phát ra từ các nguồn phát tĩnh tại (lò đốt nóng công nghiệp, nhà máy năng lượng, các cụm công nghiệp...) và từ những nguồn phát di động (ô tô, tàu hỏa v.v..). Mức độ ô nhiễm liên quan chặt chẽ tới nguồn đốt than, củi, xăng dầu đốt cháy hàng năm. Các vùng công nghiệp (công nghiệp hóa chất, lương thực thực phẩm, rượu: bia, thuốc lá.v.v…) nhất là nơi nào còn sử dụng những công nghệ lạc hậu của những năm 50-60 thì ô nhiễm không khí càng nhiều. Ở các nước tiên tiến, hoạt động giao thông ở các thành phố lớn cũng là một nguồn gây ô nhiễm lớn đối với môi trường không khí.

* Những tác nhân gì gây ô nhiễm không khí

Không khí có thể bị ô nhiễm do nhiều chất thải ra từ các nguồn phát tĩnh tại hoặc di động, thường là những bụi vô cơ hoặc hữu cơ, khói, khí hoặc hơi độc và các hạt nhỏ treo lơ lửng trong không khí.

- Bụi vô cơ: trong số các bụi vô cơ, phải kể đầu tiên đến bụi amiăng (amian). Amian là một khoáng chất thiên nhiên, tên gọi chung của nhiều loại silicat như chrysolit, amosit, anthophylit và crocidolit. Amian có một số đặc tính tốt như nhẹ, cách nhiệt tốt, cách âm tốt, không dẫn điện, lại có cấu tạo dạng thớ và phiến, nên dễ chế tạo thành bột, sợi tấm... được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp xây dựng làm tấm lợp fibro ximăng, trong thiết bị chống hơi nóng, vật liệu quần áo bảo hộ lao động (lính cứu hỏa) chăn dập tắt lửa, vật liệu ma sát (các loại phanh hãm), nấu thủy tinh. Tuy vậy, amian vẫn còn được dùng chế tạo phanh và cách nhiệt trong các nhà. Người ta đã phát hiện amian gây nên các bệnh ung ư phổi, màng phổi và cả màng bụng tuy hiếm hơn. Ngoài ra, amian còn gây xơ phổi. Do đó ở các nước, đã có những quy định nghiêm ngặt về nồng độ amian trong không khí.

Bụi silic, bụi than ở các mỏ cũng đã gây nhiều bệnh phổi cho các công nhân.

Bụi beri trong chế tạo hợp kim, gốm, điện tử kỹ nghệ cao cũng gây bệnh ở phổi sau tiếp xúc từ 2- 15 năm.

Ngoài ra, các bụi vô cơ khác chỉ gây phiền hà cho xung quanh, như làm giảm tầm nhìn và kích ứng ở mắt, tai, mũi v.v… trừ phi các hạt bụi quá nhỏ đã lọt xuống tận túi thở (phế nang) của phổi.

- Bụi hữu cơ: như bụi bông, gai, đay, bụi thóc hoặc mốc từ cỏ khô, phấn hoa v.v… thường gây các phản ứng tăng tiết, co thắt ở các đường thở.

- Khói, khí hoặc hơi độc: mức độ ô nhiễm thường liên quan chặt chẽ đến đốt cháy các nguồn nhiên liệu (than, củi, xăng dầu) hàng năm. Lượng khí độc hại như CO, NO, SO (oxyd carbon, oxyd nitơ và sulfur dioxid): chì và các hợp chất chì, bụi, khói... do đun nấu than, dầu và xe tô thải ra rất lớn.

Các chất ô nhiễm không khí phát ra có thể bị biến đổi do phản ứng hóa học, nên khó có thể biết một chất ô nhiễm đơn độc nào đã gây một tác hại đặc biệt nào cho cơ thể, từ khí oxid carbon. Thí dụ, các chất như khí sulfur (dioxyd lưu huỳnh hay sulfur dioxid, SO­2) và các hạt cực nhỏ (gọi là tiểu phần), từ ống khói nhà máy năng lượng, có thể phản ứng trong không khí để tạo ra các sulfat acid và sương mù, tiền thân của mưa acid, có thể được vận chuyên đi xa trong khí quyển. Oxid nitơ và các chất o xy hóa thoát ra từ ô tô, có thể phản ứng với ánh sáng mặt trời để tạo thành ozon, một chất chủ yếu gây ô nhiễm không khí trong những mùa hè nóng bức: ozon sinh ra từ hàn hồ quang, dùng trong công nghiệp để làm bột tẩy trắng, làm mất mùi. Ozon có thể gây kích ứng niêm mạc, chảy máu hoặc phù phổi hoặc kích thích mắt. Ozon cũng có thể làm chậm sự phát triển của thực vật và gây ăn mòn cho một số vật liệu.

* Chất gây ô nhiễm không khí tác hại đến con người như thế nào?

Hiện nay chúng ta đã đánh giá được mức độ ô nhiễm trong không khí. Thường phải tiếp xúc nhiều năm với chất gây ô nhiễm, bệnh mới xuất hiện, từ khi phải tiếp xúc với một lượng lớn khí độc (thí dụ trong môi trường nhiều khí CO). Lượng của bất cứ chất gây ô nhiễm nào trong môi trường cũng phụ thuộc vào các phán ứng hóa học phức tạp từ nguồn phát ra vào không khí xung quanh, và vào các yếu tố sinh lý như chúng ta thở sâu hay nông, có thể ảnh hưởng đến vận chuyển và lắng đọng các hạt sương và khí ô nhiễm vào phổi. Sự vận chuyển các chất ô nhiễm này đi qua đường thở là một yếu tố quan trọng, tác động đến lượng chất ô nhiễm đưa vào cơ thể. Phải nói đường thở trên (bao gồm mũi, thanh quản và khí quản) là một bộ lọc rất tốt để loại bỏ các hạt nhỏ và một số khí. Thí dụ, 100% khí sulfur (sulfur dioxid), một khí rất hòa tan, được hấp thu ở đường hô hấp trên khi thở bình thường, và ngay cả khi thở gắng sức. sulfur dioxid không chắc đã vượt quá được các ống thở lớn (phế quản lớn) của phổi. Mặt khác, nitrogen dioxyd, ít hòa tan hơn, có thể được vận chuyển đến ống thở nhỏ (tiểu phế quản) ở phổi và các túi thở (phế nang) ở phổi với một lượng đủ để gây bệnh cấp tính đe dọa tính mạng khi hít phải các khí đó. Các khí này thường bốc ra từ các nhà kho chứa cỏ khô bị mốc dành cho súc vật.

Ngoài tính chất hóa học, cũng cần phải kể đến kích thước của chất gây ô nhiêm trong không khí. Các hạt to trên 10 - 15 phần triệu mét (micromet), do tốc độ di chuyển trong không khí, không vượt qua được đường hô hấp trên. Các hạt to thường gồm có phấn hoa, các loại bụi khác do gió thổi (bụi gây phiền hà), bụi do quá trình gia công cơ học trong công nghiệp. Các hạt bụi này thường có ít hoặc không có một vai trò nào trong bệnh hô hấp mạn, trừ hen do dị ứng với phấn hoa hoặc khả năng gây ung thư. Các hạt nhỏ dưới 10 phần triệu mét (micromet) tạo ra do đốt cháy than đá hoặc quá trình xử lý ở nhiệt độ cao trong công nghiệp dẫn đến các sản phẩm ngưng đọng từ khí, khói hoặc hơi. Các loại hạt này chia thành hai nhóm, dựa trên đặc tính hóa học. Các hạt xấp xỉ 2,5 đến 10 phần triệu mét chứa các thành phần vỏ, như silic, nhôm và sắt. Các hạt này phần lớn lắng động tương đối cao ở ống khí quản và ống thở lớn (phế quản) ở phổi. Các hạt nhỏ dưới 2,5 phần triệu mét (micromet) chứa nitrat, sulfur và các hợp chất hữu cơ. Các hạt này thường lắng đọng ở các ống thở nhỏ và túi thở (tiểu phế quản và phế nang). Các hạt nhỏ nhất, dưới 0,1 phần triệu mét (micromet), vẫn nằm trong dòng không khí và lắng đọng ở phổi. Khi chúng tiếp xúc với thành túi nhỏ (phế nang) nhờ nhiệt lực và chuyển động hỗn loạn liên tục ở các hạt trong môi trường (chuyển động Brown)

Ngoài đặc tính kích thước của các hạt thì độ hòa tan của khí, thành phần hóa học hiện tại, tính chất cơ học và khả năng gây miễn dịch hoặc tính gây nhiễm của chất hít phải quyết định phần lớn tính chất bệnh lý ở người tiếp xúc.

Trên thế giới, nhiều trung tâm công nghiệp lớn đã xảy ra những thảm họa do ô nhiễm không khí. Mỗi vụ thảm họa đều làm tăng tỷ lệ tử vong ở người cao tuổi và người bị các bệnh tim phổi mạn tính. Vụ thảm họa lớn nhất xảy ra do sương mù giá lạnh ở Luân Đôn năm 1952, khoảng 4000 người tử vong tăng thêm trong vòng 2 tuần, tiếp theo sau 5 ngày sương mù dày đặc và rất giá lạnh. Một số vụ tương tự cũng đã xảy ra ở Mỹ nhưng tử vong không lớn, như ở Donava năm 1948, ở New York City năm 1960. Trong các đợt đó, thường rất lạnh và không khí tù hãm. Người có bệnh tim phổi bị tác động nhiều nhất. Ngoài ra, dân chúng bị ốm phải đi khám bệnh cũng tăng lên. Nhiều nghiên cứu dịch tễ học ở nhiều nơi trên thế giới đã cho thấy tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm ở đầu và giữa thế kỷ 20 đã làm tăng số người mắc bệnh hô hấp mạn tính.

Hiện nay đã có tiêu chuẩn đánh giá mức độ ô nhiễm không khí với một số chất ô nhiễm được coi là làm tăng bệnh đường hô hấp mạn (sulfur dioxid, các hạt nhỏ treo lơ lửng, nitrogen dioxid, ozon, chì và oxyd carbon (CO).

Ô nhiễm không khí trong nhà và ở nơi làm việc từ năm 1970 ở Mỹ, để tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà, đã giảm bớt sự trao đổi không khí giữa bên ngoài và bên trong. Hậu quả là, làm tăng tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm từ trước đến nay vẫn coi là không quan trọng. Có thể lấy 2 thí dụ để thấy tác hại đến sức khỏe do tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm tới mức nào.

Cho tới những năm gần đây, người ta còn ít quan tâm đến khói thuốc lá, chỉ coi là gây khó chịu cho những người xung quanh không hút. Hiện nay, các nghiên cứu đã cho thấy tỷ lệ mắc bệnh hô hấp tỷ lệ thuận với số người nghiện hút trong gia đình. Tỷ lệ mắc bệnh hô hấp tăng và chức năng hô hấp giảm ở trẻ em có bố mẹ nghiện hút thuốc. Người không hút thuốc lá có tỷ lệ mắc ung thư phổi cao khi sống cùng nhà với người nghiện hút.

Thí dụ thứ hai là trường hợp formaldehyd dùng trong vật liệu xây dựng hay đồ gỗ nội thất. “Khử khí” tự nhiên của formaldehyd xảy ra trong vài tháng đầu sau khi chất bọt được phun vào tường, với nồng độ cao tới 5 phần triệu tụt nhanh xuống còn dưới 0,1 phần triệu. Formaldehyd dễ dàng bay hơi ở nhiệt độ môi trường xung quanh. Tiếp xúc lâu dài với urea - formaldehyd nồng độ thấp (thường dưới một phần triệu) cũng có thể xảy ra. Người nhạy cảm với nồng độ formaldehyd thường dưới một phần triệu sẽ than phiền bị khô cổ, kích ứng mũi và đôi khi chảy máu cam. Tuy vậy, ít khi có triệu chứng như hen. Người bệnh thường có rối loạn nhẹ về trí nhớ và tính khí. Formaldehyd là một chất gây ung thư đã được chứng minh ở súc vật, nhưng ở người còn chưa được xác định. Ngoài ra, khí radon cũng được coi là một yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi. Radon là một khí do phân rã nối tiếp từ uranium 238. Lượng radium trong vật liệu đất quyết định lượng khí radon phát ra. Ở ngoài trời nồng độ không đáng kể. Trong nhà, nồng độ phụ thuộc vào tốc độ làm thông gió và kích thước không gian. Khi trong nhà có nhiều người hút thuốc lá, tiềm năng mắc ung thư phổi càng lớn vì phân tử radon sẽ gắn ngay vào khói thuốc lá.

Tại nơi làm việc ở công sở, các trang thiết bị văn phòng (như giấy sao chép không carbon và các dung dịch mực in v.v…) cũng có thể gây độc cho cơ thể.

Tại Hoa Kỳ, từ năm 1970, đã tiến hành nghiên cứu ô nhiễm không khí ở các tòa nhà chung cư cao tầng hay công sở đã thấy một số bệnh như dị ứng, nhiễm khuẩn hoặc bệnh hen nặng lên có liên quan đến các chất gây ô nhiễm không khí. Còn nhiều biểu hiện bệnh lý như các kích thích niêm mạc (mũi, mắt v.v...) mệt mỏi, nhức đầu không tìm được nguyên nhân. Các thuật ngữ như hội chứng do tòa nhà chung cư hoặc hội chứng mẫn cảm với nhiều hóa chất đã được dùng để chỉ các cụm triệu chứng (biểu hiện) đó: Tổ chức y tế thế giới đã đề nghị thay hội chứng mẫn cảm với nhiều hóa chất bằng thuật ngữ bệnh môi trường vô căn (nghĩa là chưa biết nguyên nhân).

* Tầng ozon và biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ozon là một chất khí màu xanh nhạt được tạo thành từ 3 nguyên tử o xy. Ozon tạo thành một tầng trong khí quyển trên cao, tầng này bảo vệ đời sống trên trái đất khỏi các tia cực tím, tia gamma, tia X từ mặt trời phát ra.

Tầng Ozon này đang ngày càng mỏng đi vì ngày càng có nhiều chất từ mặt đất thải ra làm hủy hoại tầng ozon (chất cloro fluoro Carbon CFC), có hậu quả làm tăng nguy cơ tiếp xúc với tia cực tím, gây tăng ung thư và đục thủy tinh thể ở người. Hiện tượng trái đất ngày càng nóng lên do tích tụ dioxyd carbon (CO2) trong tầng khí quyển và tầng ozon bị thủng. Tích tụ dioxyd carbon (CO2) kéo theo một loạt các khí khác như CO, NO, SO2, NH3, H2S... đều là các khí thoát ra từ các chất đốt ở ô tô, động cơ, v.v... các chất này đều có hại cho người và môi sinh. Do trái đất nóng dần lên, nên có nguy cơ lan truyền một số bệnh do muỗi như sốt rét, bệnh sốt xuất huyết và viêm não do virus hoặc bệnh tả. Tổ chức y tế thế giới đã nhận định trái đất nóng lên là một trong những thách thức lớn nhất về sức khỏe cộng đồng trong thế kỷ 21.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4346-02-633795309736718750/Ung-thu---Ghep-te-bao-goc-tao-mau-benh-do...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận