CHIRISTOPHE PLANTIN
NHÀ ẤN LOÁT BẬC THẦY Ở ANVERS
Christophe Plantin sinh khoảng năm 1520 tại Saint - Avertin, gần Thành phố Tours ở Pháp; nhưng lại học nghề tại xưởng in và đóng sách Robert Macé ở Chen. Sau một thời gian ngắn ở Paris, năm 1549, ông chuyển đến Anvers làm nghề đóng sách. Anvers là nơi rất thích hợp với Plantin vì thành phố này, một trung tâm kinh tế của Tây Âu, là nơi lý tưởng cho việc mua sắm trang thiết bị, nguyên liệu và cho việc thực hành nghệ thuật đóng sách. Đây còn là một thị trường tiền tệ lớn nên có thể dễ dàng tìm được số vốn cần thiết cho việc kinh doanh. Ngoài ra, thành phố còn thu hút những khách hàng giàu có và yêu mến các ngành mỹ nghệ.
Một vài năm sau do bị thương ở tay, Plantin bỏ nghề đóng sách chuyển sang nghề in vào năm 1555. Năm 1559, ông xuất bản cuốn sách miêu tả lễ tang nguy nga đồ sộ của Hoàng đế Charles V tại Bruxelles. Cuốn sách làm ông nổi tiếng và xưởng in của ông nhanh chóng trở thành xưởng in lớn nhất Tây Âu trong nửa cuối Thế kỷ XVI.
Từ 1563 đến 1567, Plantin in và xuất bản trên 200 tác phẩm các loại từ sách khổ nhỏ in các tác phẩm cổ điển có chú giải cho đến các cuốn Lễ thức và Phúc âm bằng tiếng Hébreuse, sách giải phẫu và thực vật có nhiều minh họa.
Với tình hình tài chính vững chắc, Plantin có tiếng tăm lừng lẫy, lại có nhiều bạn bè thân quen có thế lực trong đó có Gabriel de Cayas - Bí thư của Vua Tây Ban Nha Philippe II. Người này đóng một vai trò quan trọng trong việc mở rộng hơn nữa công việc kinh doanh của ông. Plantin có tham vọng xuất bản một văn bản khoa học Cựu ước và Tân ước. Nhờ Cayas, ông được sự hỗ trợ về tài chính của Vua Tây Ban Nha. Ông này đã phái mục sư của mình là nhà nhân văn Berledictus Arias Montanus đến Anvers để chỉ đạo khoa học công trình này. Mất 5 năm (1568 - 1573) mới hoàn thành, song kết quả thật xuất sắc: một bản Phúc âm bằng 4 thứ tiếng (Hêbrơ, Canđê, HyLạp và Latinh) có rất nhiều bình chú, in làm 8 tập dầy khổ lớn. Cuốn Biblia Sacra hay còn gọi là Biblia Poliglotta đó là công trình lớn nhất của Plantin, đồng thời cũng là công trình lớn nhất từ trước tới nay tại Bỉ do một nhà in thực hiện. Sự ra đời của bộ sách đánh dấu bước mở đầu thời kỳ thịnh vượng nhất trong công cuộc kinh doanh của Plantin.
Nhờ thành công của bộ Phúc âm bằng nhiều thứ tiếng cộng với sự tiến cử của Arias Montanus, Plantin đã được Vua Philippe II bổ nhiệm làm người đảm nhiệm mọi việc ấn loát của triều đình; lại được nhà Vua ban cho độc quyền bán Sách lễ, Kinh cầu nguyện tại Tây Ban Nha và các thuộc địa hải ngoại của Tây Ban Nha. Những nước này đã nhanh chóng trở thành những khách hàng lớn nhất của Plantin và đưa công việc kinh doanh của ông lên tới mức thịnh vượng nhất.
Xưởng in của Plantin đến khi ấy có tới 16 máy in, một con số rất lớn lếu ta biết rằng xưởng in Estienne, xưởng in lớn nhất ở Pháp thời bấy giờ, mới chỉ có 4 máy in. Số nhân công cũng xác nhận sự phát đạt của ông. Năm 1574, riêng số người làm việc và ăn ở ngay trong xưởng đã là 54 người; ngoài ra, nếu cộng thêm số người ăn ở hoặc làm việc tại nhà thì tổng cộng phải đến 150 người. Công việc được tiến hành hết sức khẩn trương, ngày làm việc 12 - 13 giờ là thông thường. Mỗi máy mỗi ngày phải cho ra 1250 tờ in, tức 2500 trang. Nhưng thợ sắp chữ, thợ in và thợ sửa bài không hề kêu ca vì họ được trả lương theo sản phẩm, sản lượng cao thì được hưởng lương rất cao. Công nhân xưởng in Plantin thuộc loại được trả lương cao nhất Anvers.
Plantin không chỉ nhằm số lượng mà còn muốn sản phẩm của mình có chất lượng cao nhất. Ông chỉ dùng loại giấy hảo hạng nhập của Đức, nhất là Pháp vì các xưởng giấy ở Miền Nam Hà Lan khi ấy chỉ sản xuất loại giấy tồi. Chữ in cũng phải hoàn hảo. Plantin nhờ đến những nhà khắc chữ giỏi nhất thời ấy: Claude Garamond, Robert Grangon, Guillaume Le Bé và Hendrik van de Keere. Ngoài ra, Plantin còn đóng một vai trò cá nhân rất quan trọng trong việc phát triển các loại chữ in ở Tây Âu bằng cách nhập các loại chữ đứng và chữ nghiêng đang được dùng ở Pháp.
Cũng chăm chú đến chất lượng minh họa, Plantin thích dùng bản khắc đồng để cho những đường nét mảnh hơn và những mảng màu tinh tế hơn, chứ không dùng các bản khắc gỗ thường dùng hồi bấy giờ. Các bản khắc gỗ này cuối cùng không được ai dùng đến nữa cũng chính là do thành công mà các án phẩm Plantin thu được.
Plantin còn chú trọng đến nội dung các cuốn sách của ông. Mặc dầu nắm độc quyền các loại sách về Lễ thức,- song xưởng in của ông không chỉ in sách lễ, Kinh cầu, sách xướng Kinh, sách nhật tụng và sách Thánh thi. Ông còn ra sức xuất bản những tác phẩm văn học xuất sắc nhất của thời kỳ hậu nhân văn: tác phẩm của các tác giả cổ điển, các bộ luật, sách giáo khoa lần xuất bản thứ nhất cuốn Variarum lectionum libri III của nhà nhân văn Phlamăng nổi tiếng là Juste Lipse, cuốn Origines Antwerpianae của Goropius Becanus năm 1569, cũng như cuốn Dictiunanum Teutonico - Latium (1574), cuốn từ điển tiếng Hà Lan đầu tiên do người sửa bản in của ông là Cornelius Kiliaan soạn thảo theo yêu cầu của ông.
Tai họa ụp xuống Anvers năm 1576 khi xảy ra cái gọi là cơn ''Cuồng loạn Tây Ban Nha”, một giai đoạn bi thảm trong cuộc chiến tranh tôn giáo xâu xé nước Hà Lan hồi bấy giờ dưới ách thống trị của Tây Ban Nha. Từng toán quân đánh thuê Tây Ban Nha tràn đến cướp phá thành phố này, sát hại và bắt cóc hàng trăm người dân. Xưởng in của Plantin không bị đụng đến nhưng sản lượng của nó bị ảnh hưởng nặng nề. Anvers khi ấy gia nhập hàng ngũ khởi loạn chống lại chế độ chuyên chế của Tây Ban Nha và việc buôn bán với Tây Ban Nha, nguồn gốc tạo nên sự thịnh vượng cho công cuộc kinh doanh của Plantin suy sụp. Năm 1578, xưởng của ông chỉ có 6 máy in hoạt động và từ đó trở đi nó không bao giờ có hơn 10 máy hoạt động.
Trong tình hình như vậy, Plantin không có cách nào khác phải làm việc với những người Cộng hòa khởi loạn. Ông được cử làm người chịu trách nhiệm chính thức về ấn loát của Thành phố Anyers khi ấy do một viên quan theo giáo phái Calvin cai quản; rồi sau trở thành người phụ trách về ấn loát của Quận công Anjou, đồng minh người Pháp của Guillaume d'orange; người lãnh đạo có sức lôi cuốn cuộc khởi loạn xưởng in của ông, nhờ vậy có thể hoạt động trở lại và tiếp tục cho ra đời những tác phẩm rất quan trọng.
Khoảng cuối năm1582, Plantin lại phải đương đầu với một bước thăng trầm mới của số phận. Quân lính Tây Ban Nha uy hiếp Anvers, Plantin dự tính mở một chi nhánh quá về phía Bắc để khi cần có thể rút về hoạt động ở đấy. Ông rời Anvers di Leyde, ở đó người bạn ông là Juste Lipse cộng tác với trường Đại học Calvin mới thành lập, đã tiến cử ông làm người phụ trách ấn loát chính thức của trường này. Sau đó, Plantin đến làm việc một thời gian tại Cologne, nhưng năm 1585, ông lại trở lại Anvers. Ông còn tiếp tục công việc ấn loát trong bốn năm nữa. Việc xuất bản cuốn Martyro logium Romanum (1589) của Hồng y Baronius là tác phẩm quan trọng cuối cùng của ông. Khi ông qua đời trong năm đó, ông để lại một xí nghiệp to lớn còn tồn tại sau ông thêm ba trăm năm nữa.

RANCINE DE NAVE