Con mắt là gì?
Con mắt của ốc sên, của ruồi, của người... thật vô cùng đa dạng. Nhưng tất cả các đôi mắt đều có một điểm chung: đó là những cấu trúc cảm quang biến đổi tín hiệu ánh sáng do các quang tử (photon) truyền đi thành tín hiệu điện mà hệ thần kinh có thể giải thích được. Ở động vật đơn bào, các phân tử nhận ánh sáng giúp chúng hướng theo độ sáng. Ở động vật đa bào, đôi mắt đơn giản nhất là tập hợp của một số tế bào cảm quang đôi khi phủ kín một dạng chén nông. Đó là trường hợp ở loài giun dẹt, sứa và một số thân mềm, như loài ốc nón. Ở đây, những con mắt này chỉ là cơ quan dò ánh sáng.
Phần lớn các động vật khác có những cơ quan chuyên hóa hơn có thể cung cấp một biểu thị ít nhiều chính xác về môi trường của chúng. Những đôi mắt hoàn thiện nhất được cấu tạo xung quanh ba cấu trúc: giác mạc, thấu kính và bộ phận thụ cảm ánh sáng.
Ở động vật có xương sống, trong đó có người, giác mạc (màng giác) là một màng trong suốt cho ánh sáng đi qua để vào mắt. Thấu kính tương ứng với thủy tinh thể có độ cong do các cơ điều khiển, giúp tụ tiêu và điều chỉnh. Võng mạc (màng lưới) phủ kín đáy mắt và chứa các nơron (tế bào thần kinh) nhạy cảm với ánh sáng truyền thông tin nhận được tới não. Động vật chân đầu (như mựcc, bạch tuộc) có đôi mắt được cấu tạo theo sơ đồ rất giống như vậy.
Cấu tạo tay ba này cũng được thấy ở côn trùng: những vòm lớn có ở trước đầu của chúng gồm hàng nghìn đơn vị nhỏ gọi là mắt con. Mỗi mắt con có giác mạc riêng - hoặc ô mắt (từ đó mới có tên là mắt có nhiều ô, hay mắt kép), thấu kính, và vùng cảm quang gọi là vùng của thể que. Tính chất và số lượng mắt con (có thể tới hàng chục nghìn như ở chuồn chuồn) khác nhau theo loài. Thực ra, côn trùng thường có hai loại mắt: ngoài mắt kép, chúng còn có những con mắt đơn giản hơn gọi là mắt đơn ở trên đầu với số lượng thay đổi.