Người ta có thể làm được xương nhân tạo không?
Nói chung, xương gãy tự liền. Chỉ cần xếp lại đúng chỗ các mảnh xương và giữ bất động. Nếu không được thì cần phải can thiệp nhiều hơn, như là thay xương. Vào cuối thế kỷ XIX các khớp giả đầu tiên bằng ngà hoặc bằng titan ra đời. Năm 1962, John Charnley người Anh lắp toàn bộ xương háng giả đầu tiên. Hiện nay ở Pháp có hai triệu người sống bằng khớp giả. Tuy nhiên, giải pháp nàychỉ là tạm thời vì vẫn phải thay bộ phận giả 10 - 20 năm một lần. Một cách khác là tạo thuận lợi để xây dựng xương bằng kỹ thuật ghép xương. Mảnh ghép có thể lấy ở người bệnh hoặc ai đó có sự tương hợp miễn dịch, nhưng cũng có thể dùng vật liệu thay thế như gốm. Vật liệu này “trơ” về mặt sinh học nên được dùng làm chỗ dựa thụ động để sửa chữa xương. Năm 1965, Marshall Urist đã cấy một mảnh xương thỏ được tách khoáng vào một mô cơ và thu được xương thật: có cái gì đó trong khuôn đã kích thích sự hóa xương. Nhà khoa học người Mỹ này đã vô tình phát hiện ra loại protein tham gia vào quát trình tạo hình xương được gọi là BMP (bone morphogenic protein). Phải sau 25 năm người ta mới làm tinh sạch được hoàn toàn protein này. Vào đầu những năm l990, các mảnh ghép đầu tiên có BMP với hoạt tính sinh học đã được cấy thử. Những mảnh ghép trơ cũng có thể được kết hợp với các tế bào tạo xương. Khi ấy chúng giúp xây dựng xương. Con đường nghiên cứu cuối cùng là dựa vào liệu pháp gen. Năm 1999, một thí nghiệm được tiến hành ở chuột tỏ ra có kết quả. Người ta dùng adenovirus (virus có ADN) để truyền các gen mã hóa BMP vào tế bào tủy xương: chỗ xương gãy tự liền trong khi chỗ gãy ở chuột đối chứng vẫn hở.