Xương lớn lên bằng cách nào?
Năm 1864, nhà giải phẫu học người Đức, Kark Gegenbaur đã xác định đưực các “tiểu thể hạt” hoạt động mà ông gọi là nguyên bào xương (tế bào tạo xương) ở những xương đang lớn. Những tế bào này tham gia vào hai quá trình tạo xương hiện nay, một quá trình tạo ra các xương ngắn hoặc dẹt (như xương bả vai) và quá trình thứ hai tạo ra các xương dài (như xương chi). Quá trình thứ nhất diễn ra ở mô có mạch, nên có tên là hóa xương bì. Những tế bào gốc có ở mô này phân hóa thành nguyên bào xương, là các tế bào tiết ra khuôn xương. Khi đã khoáng hóa xong thì nguyên bào xương được gọi là tế bào xương. Chúng tạo ra dần dần các nan hoặc thanh có đường kính tăng dần theo khuôn vôi hóa ở bề mặt của chúng. Cuối cùng các nan nối với nhau và “giam” dây thần kinh và mạch máu trong đó. Quá trình này hàn gắn một số xương non nên giảm bớt số xương từ lúc sinh ra đến tuổi trưởng thành.
Trong kiểu hóa xương thứ hai, mạch máu bao vây sụn và đặt vào đây các tế bào hủy sụn để phân hủy sụn và tế bào hủy xương để xây dựng chất xương. Vì lý do này mà người ta gọi đó là sự hóa xương trong sụn. Nó dễ xảy ra ở sụn, nhưng đây không phải là sự hóa xương của sụn, mà là thay sụn bằng mô xương. Sự sinh trưởng của xương bì theo chiều dày được bảo đảm nhờ nguyên bào xương nằm trong màng bao xương, tức màng xương. Ở động vật có vú, sự sinh trưởng của xương theo chiều dài diễn ra do chất xương áp vào một dải sụn nằm ở phần giữa và đầu xương. Sự sinh trưởng dừng lại khi sụn này không còn vì có một lớp xương nối liền hai thực thể này. Vì hiện tượng này xảy ra vào những lúc sinh trưởng khác nhau tùy theo xương được xét, nên việc quan sát trạng thái nối xương bằng tia X cho phép ước tính tuổi xương của cơ thể. Năm 1895. Wilhelm Roentgen, người phát hiện ra tia X, đã chụp X quang bàn tay của vợ ông: các xương lộ ra, chứ không phải sụn. Ngày nay, chỉ cần chụp X quang bàn tay một cách đơn giản cũng đủ để phát hiện ra các dị dạng sinh trưởng ngẫu nhiên.