Xương có già đi không?
Tới 35 tuổi, cán cân giữa xây dựng và phá hủy xương được thăng bằng. Sau đó sự tiêu hủy lấn bước xây dựng và xương yếu đi. Vốn xương được tạo ra ở đầu vào càng nhiều thì xương yếu càng muộn. Bệnh lý rõ ràng của chứng già tự nhiên này được gọi là bệnh loãng xương (''xương xốp''). Các nan xương xốp trở nên ít đi và mô đặc mỏng lại, hiện tượng này xảy ra nhanh vì sự chuyển hóa mạnh của xương, như trường hợp xương háng. Bệnh dễ xuất hiện nếu thiếu tập luyện, thiếu canxi hoặc vitamin D. Chỉ riêng ở Liên minh châu Âu, bệnh loãng xương đã gây ra các trường hợp gãy xương cứ 30 giây một lần. Nạn nhân trước tiên là phụ nữ, tuổi từ 60 đến 70 chiếm một phần ba. Nguyên nhân là vốn xương của nữ ít hơn so với nam và khi mãn kinh, nữ bị thiếu ơxtrogen đột ngột. Do đó, các tế bào hủy xương càng phát triển làm rối loạn hiện tượng đắp lại xương. Làm thế nào để khắc phục được hiện tượng này? Cách đầu tiên là chữa bằng hocmon thay thế. Tuy nhiên, hiện nay, người ta đang xét lại một số loại hocmon này, vì chúng có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú. Cách thứ hai là bổ sung vitamin, canxi hoặc biphotphonat[1] để ngăn chặn sự tiêu xương. Hiện nay, vẫn chưa có cách chữa có khả năng kích thích tạo xương dù người ta hy vọng trông chờ vào hocmon tuyến cận giáp.
Một dạng lão hóa nhanh khác là bệnh loãng xương “bị bỏ xó”. Khi bất động lâu trên giường bệnh chẳng hạn, người bệnh bị mất nhiều canxi vì sự tái tạo xương cũng phụ thuộc vào trọng lượng đè lên xương. Một phần canxi được tái chế, rồi bài tiết qua nước tiểu. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra trong các chuyến du hành vũ trụ và không phải là không có hậu quả khi trở về trái đất.